Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên qua phim hoạt hình của Ghibli
Thường lấy bối cảnh là thiên nhiên xinh đẹp, những bộ phim của Ghibli thể hiện tiếng nói của xưởng phim trước các vấn đề môi trường và mối quan hệ giữa hai chủ thể: con người - tự nhiên.
Phim hoạt hình của Studio Ghibli luôn là một phần trong ký ức tuổi
thơ của nhiều thế hệ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những bộ anime của
Ghibli và đạo diễn bậc thầy Hayao Miyazaki không chỉ đơn thuần là hoạt
hình dành cho thiếu nhi mà mỗi chi tiết trong phim đều là dụng ý
nghệ thuật của tác giả và ẩn chứa những giá trị nhân văn sâu sắc khiến
người lớn phải suy ngẫm.
Trong bài viết này, hãy cùng Kilala tìm hiểu về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên được lồng ghép trong các bộ phim hoạt hình đình đám nhà Ghibli nhé!
Princess Mononoke: Tìm kiếm sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên
“Princess Mononoke” ra mắt năm 1997 là bộ phim hoạt hình sử thi giả tưởng, lấy bối cảnh Nhật Bản vào thế kỷ 14, nơi nhiều nhóm người và tinh linh rừng cây không ngừng tranh chấp để mưu cầu sự thịnh vượng cho riêng mình.
Ashitaka, nam chính của bộ phim vốn xuất thân là hoàng tử tộc Emishi, một con người dũng cảm và đầy lòng nhân hậu. Anh bắt đầu cuộc hành trình đến Tây vực xa xôi, nơi chứa đựng những điều bí hiểm về thiên nhiên để tìm cách chữa trị lời nguyền chết người từ Tatarigami (một con quỷ) lên mình. Trên hành trình đó, Ashitaka đã phát hiện ra rằng lò rèn do Lady Eboshi bí ẩn điều hành chính là thứ đã tạo ra lời nguyền và gây ra cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Bộ phim này không có nhân vật phản diện nào rõ ràng cũng như ý thức công lý cụ thể, các nhân vật trong phim đều ở giữa lằn ranh tốt và xấu. Mặc dù khắc họa những xung đột giữa con người và thiên nhiên, nhưng khán giả có thể thấy được những điều tốt đẹp ở cả hai phía, giống như những gì Ashitaka đã thấy được trong hành trình của mình.
Không phải là một câu chuyện trong khu vườn cổ tích với cái kết kinh điển “Và từ đó, họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”, ở đoạn cuối Princess Mononoke, Ashitaka và San (công chúa Mononoke) quyết định không chung sống cùng nhau, phải chăng điều đó cho thấy sự độc lập của con người và thiên nhiên là cách duy nhất để cả hai có thể cùng tồn tại hòa bình?
Mỗi khán giả sẽ có cách nhìn nhận khác nhau sau bộ phim nhưng không thể phủ nhận rằng những thước phim của Princess Mononoke đã cho chúng ta cơ hội nhìn lại những điều mà loài người đã làm với thiên nhiên.
Và những bão lũ, hạn hán, động đất, sóng thần. xảy ra hằng năm không phải là ngẫu nhiên mà chính là “sự đáp lễ” của thiên nhiên như cách mà các vị thần rừng trong phim nổi giận, đó cũng là hệ quả tất yếu con người phải nhận lãnh, khi đả thương thiên nhiên đến mức cùng kiệt.
Nausicaa of the Valley of the Wind: một tương lai nơi con người không thể chung sống với thiên nhiên
Ra đời từ năm 1984 trước khi Studio Ghibli thành lập, bộ phim của đạo diễn tài hoa Hayao Miyazaki cũng mang đến thông điệp mạnh mẽ về việc hủy hoại hệ sinh thái. Câu chuyện diễn ra 1.000 năm sau cuộc chiến tàn khốc “Bảy Ngày Khói Lửa”, sự kiện khiến nền văn minh công nghiệp bị hủy diệt bởi các chiến binh khổng lồ do chính con người tạo ra.
Những ai từng xem bộ phim này có lẽ không thể ngừng nghĩ suy về mức độ nghiêm trọng mà các hoạt động của con người đã làm khiến trái đất ngày càng ô nhiễm. Cuộc chiến tranh tàn khốc với tất cả những vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân. đã hoàn toàn hủy diệt một nền văn minh và làm cho toàn bộ bề mặt trái đất, ao, hồ, sông, suối bị nhiễm độc để rồi biến thành một khu rừng độc rộng lớn với cái tên “Biển Hủy Diệt”.
Mặt dù không đề cập rõ ràng nhưng có lẽ khán giả đều hiểu rằng cuộc chiến tàn khốc đó đâu chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Câu chuyện gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng đối với xã hội hiện đại, nơi con người tiếp tục mải mê phát triển và ứng dụng công nghệ của mình mà không hề hay biết về sự nguy hiểm của nó.
Mối đe dọa của nhà máy điện hạt nhân, vũ khí hủy diệt công nghệ cao, ô nhiễm nguồn nước và không khí. đã được “Bố già” của nền công nghiệp anime Nhật Bản nhắc đến từ 40 năm trước.
Giờ đây khi nhìn lại, có phải những điều trong Nausicaa đều đã, đang xảy ra với nhân loại và có lẽ còn chưa dừng lại ở đó nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm theo ý mình mà chẳng buồn thay đổi để gìn giữ một hành tinh tươi đẹp cho thế hệ sau.
Xem thêm: Thông điệp hoà bình và môi trường từ Nausicaa of the Valley of the Wind
“My Neighbor Totoro” và “Spirited Away”: đại diện cho tình yêu và lòng tôn kính thiên nhiên của người Nhật
Không dùng chiến tranh, ô nhiễm hay thảm họa hủy diệt để cảnh tỉnh con người như hai bộ phim kể trên, “My Neibor Totoro” “Spirited Away” với những thước phim tình cảm nhẹ nhàng, hình ảnh tươi sáng nhưng vẫn đủ khả năng mang trên mình những thông điệp đầy sức nặng.
Trước nhất, hình ảnh thiên nhiên trong các thước phim của “My Neighbor Totoro” và “Spirited Away” đều mang đến cảm giác mát mẻ, tươi mới và có lẽ chỉ cần xem qua vài cảnh phim hay chỉ ngắm những bức ảnh của hai bộ anime này, bất kỳ ai cũng cảm thấy xao xuyến trước vẻ đẹp thiên nhiên như thơ, như mộng và ao ước được đắm mình trong không gian đó một lần.
Kể về câu chuyện một ông bố cùng hai cô con gái chuyển về quê sinh sống sau Thế chiến thứ hai, “My Neighbor Totoro” không chỉ khiến chúng ta hoài niệm về những ký ức tuổi thơ, cảm động về tình làng nghĩa xóm mà ở đó người xem còn thấy được bức tranh cuộc sống thanh bình khi con người gần gũi, chan hòa với thiên nhiên.
Người bạn Totoro mũm mĩm đáng yêu của cô bé Mei cũng chính là vị thần bảo hộ khu rừng và được cho là hiện thân của Mẹ thiên nhiên. Với “My Neighbor Totoro”, chúng ta nhìn thấy Totoro chơi đùa cùng Satsuki và Mei, bên cạnh giúp đỡ, an ủi và chia sẻ với các cô bé, cũng như thiên nhiên và con người “đã từng” là bạn tốt trong quá khứ.
Còn ở “Spirites Away”, kiệt tác hoạt hình của nền điện ảnh xứ sở Phù Tang, Ghibli đã mang đến một góc nhìn tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Đó là sự ngưỡng mộ và sùng bái thiên nhiên của người Nhật với tín ngưỡng Thần Đạo.
Xem thêm: Những bộ anime có cảnh quay đẹp rực rỡ
kilala.vn
20/12/2022
Bài: Happy
Nguồn: Zenbird
Đăng nhập tài khoản để bình luận