Những người phụ nữ ảnh hưởng đến nước Nhật thời hiện đại
Những phụ nữ sinh trưởng trong thời kỳ xã hội còn bất bình đẳng giới, họ vẫn không ngừng cống hiến, khẳng định giá trị bản thân để lịch sử Nhật Bản mãi mãi gọi tên.
Trong quá khứ, Nhật Bản từng là một nước mang nặng tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ. Điều đó khiến cho phụ nữ Nhật Bản thường không có địa vị và vai trò cao trong xã hội. Vậy nhưng vẫn có những người phụ nữ vượt lên khỏi ràng buộc tư tưởng cổ hủ, trở thành văn nhân, phi hành gia, nhà hoạt động chính trị. tạo nên ảnh hưởng không nhỏ đến lịch sử Nhật Bản thời hiện đại.
Ichiyo Higuchi – Văn sĩ thời Minh Trị
Ichiyo Higuchi (2/5/1872 – 23/11/1896) là bút danh của nữ văn sĩ Natsu Higuchi, người được xem là một trong những nhà văn quan trọng đầu tiên dưới thời Minh Trị (1868 – 1912). Higuchi sinh ra ở Tokyo trong một gia đình nông dân có gốc ở thành phố Kofu, tỉnh Yamanashi, thuộc vùng Chubu, Nhật Bản ngày nay.
Khi còn bé, năng khiếu văn chương của Higuchi được cha phát hiện. Bản thân cha bà cũng là người yêu thích văn học, coi trọng học vấn với tư tưởng tiến bộ. Năm 14 tuổi, nữ sĩ được cha tạo điều kiện theo học thi ca cổ điển ở Haginoya, một trong những trường dạy làm thơ danh giá nhất lúc bấy giờ. Ở tuổi 15, ý định viết văn nảy nở trong Higuchi bắt đầu từ việc viết nhật ký.
Tài năng là vậy nhưng cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Higuchi chưa bao giờ suôn sẻ. Năm 17 tuổi, nhiều biến cố gia đình xảy đến sau khi cha qua đời, Higuchi phải tạm gác lại đam mê để làm nhiều nghề, bươn chải cùng mẹ.
Mãi khi chứng kiến sự thành danh của người bạn học cũ Miyake Kaho, quyết tâm theo đuổi nghiệp văn mới lần nữa thôi thúc bà. Năm 1891, bà lấy bút hiệu là Ichiyo Higuchi, với Ichiyo (一葉 – Nhất Diệp), nghĩa là một chiếc lá, ẩn dụ cho hình ảnh cọng lau đơn độc mà Bồ Đề Lạt Ma dùng để vượt sông Dương Tử.
Khi sự nghiệp đang nở rộ, bà đột ngột qua đời ở tuổi 24 vì căn bệnh lao quái ác. Cuộc đời tuy đoản mệnh, nhưng nữ sĩ đã kịp để lại cho nền văn học Nhật Bản nhiều tác phẩm có giá trị như 21 tập tiểu thuyết ngắn, gần 4.000 bài thơ tanka (đoản ca), Tsuzoku shokanbun – tập sách dạy cách viết thư cho phụ nữ.
Năm 2004, hình ảnh của nữ nhà văn xuất hiện trên tờ 5.000 yên của Nhật, qua đó đưa bà trở thành người phụ nữ thứ ba (sau Thiên hoàng Jingu, nữ văn sĩ thời Heian Murasaki Shikibu) được vinh danh trên tờ tiền Nhật Bản.
Xem thêm: Ichiyo Higuchi: Nữ văn sĩ tài hoa bạc mệnh của triều đại Meiji
Fusae Ichikawa – Người suốt đời đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ
Fusae Ichikawa (15/5/1893 – 11/2/1981) sinh ra trong một gia đình nông dân làm nghề nuôi tằm ở tỉnh Aichi, là một nữ chính trị gia và nhà hoạt động nữ quyền đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ.
Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm nữ (tiền thân của Đại học Sư phạm Aichi), bà trở thành giáo viên tiểu học, rồi làm phóng viên cho tờ Nagoya Shimbun trước khi chuyển đến Tokyo. Thời gian ở Tokyo giúp Fusae có cơ hội gặp gỡ nhiều phụ nữ với tư tưởng tiến bộ. Lúc bấy giờ, bà đã phát động chiến dịch yêu cầu sửa đổi điều luật cấm phụ nữ tự do hội họp và thành lập hội nhóm.
Năm 1921, Fusae đến Hoa Kỳ và được chứng kiến phong trào đấu tranh đòi quyền tham gia vào chính trị của phụ nữ xứ cờ hoa. Sau khi trở về từ Mỹ, bà thành lập “Liên minh giành quyền bầu cử cho phụ nữ” vào năm 1924. Suốt nhiều năm sau đó, dẫu trong giai đoạn lịch sử Nhật Bản đầy biến động, Ichikawa Fusae vẫn tiếp tục đấu tranh và vận động cho quyền lợi của phụ nữ.
Mãi đến năm 1946, những nỗ lực của Fusae mới được đền đáp khi “Luật bầu cử nghị viên chúng nghị viện” của Nhật Bản được sửa đổi và thông qua, yêu cầu quyền tham gia chính quyền của phụ nữ được thực thi.
Với tư cách là đại diện Tokyo, năm 1953 Fusae được bầu vào Quốc hội Nhật Bản và tiếp tục con đường đấu tranh cho những vấn đề quan trọng đối với nữ giới. Với tư tưởng cấp tiến, Fusae đã hiến dâng cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ, góp phần mang đến bình đẳng cho phụ nữ Nhật Bản ngày nay.
Shidzue Kato – Nhà nữ quyền tiên phong cho phong trào kiểm soát sinh sản
Shidzue Kato (2/3/1897 – 22/12/2001) là một nhà nữ quyền của Nhật Bản thế kỷ 20, bà cũng là một trong những phụ nữ đầu tiên được bầu vào Quốc hội và nổi tiếng với tư cách là người tiên phong cho phong trào kiểm soát sinh sản.
Kato sinh trưởng trong một gia đình cựu samurai giàu có. Cha bà là một kỹ sư thành đạt, từng học tại Đại học Hoàng gia Tokyo, còn người mẹ xuất thân trong một gia đình danh tiếng có học thức cao. Thuở nhỏ, Kato được gia đình cho theo học tại trường nữ sinh Gakushuin, một cơ sở giáo dục trẻ em của giới quý tộc Nhật và có cơ hội tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ bé khi có bố thường xuyên đi công tác ở nước ngoài.
Sau khi kết hôn ở tuổi 17 với chồng là một kỹ sư mỏ đồng thời là một tín đồ Cơ đốc giáo tiến bộ, quan tâm đến cải cách xã hội, tư tưởng của bà đã được khai thông nhiều điều.
Năm 1919, bà cùng chồng chuyển đến Hoa Kỳ sinh sống. Thời gian này, Kato có dịp gặp gỡ Margaret Sanger, một nhà hoạt động nữ quyền tại Mỹ, người đặt nền móng cho thuật ngữ “kiểm soát sinh sản”. Chính Margaret Sanger là người đã truyền cảm hứng đến sự nghiệp đấu tranh vì sức khỏe sinh sản phụ nữ của Kato.
Bà trở lại Nhật Bản vào năm 1921 và bắt đầu sứ mệnh tuyên truyền giáo dục về kiểm soát sinh sản đối với phụ nữ Nhật Bản.
Kato từng bị bắt bởi phe cánh hữu của Chính phủ Nhật Bản lúc bấy giờ (những người ủng hộ sinh sản) và phải ngồi tù hai tuần với tội danh cổ vũ cho “những suy nghĩ nguy hiểm”, đặc biệt là việc ủng hộ cho quyền kiểm soát sinh sản và quyền phá thai. Điều này tạm thời chấm dứt phong trào kiểm soát sinh sản ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai.
Shidzue Kato được bầu vào Quốc hội Nhật Bản năm 1946 và tiếp tục sứ mệnh vận động cho những cải cách ảnh hưởng đến quyền phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình. Năm 1954, Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Nhật Bản ra đời một phần cũng nhờ vào sự hỗ trợ của Kato.
Ngày 22/12/2001 bà qua đời, hưởng thọ 104 tuổi. Shidzue Kato đã để lại nhiều di sản cho xã hội Nhật Bản. Chính những nỗ lực trong vận động kiểm soát sinh sản của Kato đã giúp nước Nhật giảm thiểu số lượng ca phá thai, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Mô hình kế hoạch hóa gia đình của Nhật Bản thành công đến mức thu hút sự chú ý và học hỏi của các quốc gia khác.
Chiaki Mukai – Nữ phi hành gia châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ
Chiaki Mukai sinh ngày 6/5/1952 tại thành phố Tatebayashi, tỉnh Gunma, Nhật Bản. Trước khi trở thành phi hành gia của Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), bà là một bác sĩ tài giỏi với tấm bằng Tiến sĩ Y khoa và Tiến sĩ Sinh lý học của Đại học Keio.
Năm 1985, Mukai cùng 2 ứng viên nam khác được JAXA lựa chọn trở thành phi hành gia. Ngày 8/7/1994 bà chính thức bay vào không gian trên tàu con thoi Columbia STS-65 với tư cách là chuyên gia tải trọng. Lúc bấy giờ, Chiaki Mukai trở thành nữ phi hành gia đầu tiên tiến ra vũ trụ của Nhật Bản cũng như Châu Á, nhận được nhiều lời ngợi ca của báo chí quốc tế.
Nhiều năm sau đó, bà vẫn không ngừng cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp khám phá vũ trụ với nhiều chức vụ ở NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) và các trường đại học về khoa học vũ trụ.
Với những cống hiến giá trị cho sự phát triển lĩnh vực nghiên cứu không gian, Chiaki Mukai vinh dự được Chính phủ Nhật Bản trao tặng nhiều bằng khen cao quý. Câu chuyện về bà, nữ phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản đã trờ thành nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ Nhật, cổ vũ họ theo đuổi ước mơ.
Hiện nay, khi đã vào độ tuổi 70, bà vẫn đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Tokyo, không ngừng cống hiến cho khoa học.
Xem thêm: Chiaki Mukai: Người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên bay vào vũ trụ
kilala.vn
03/10/2022
Bài: Happy
Nguồn: Gaijinpot
Đăng nhập tài khoản để bình luận