Nguyễn Thanh Tú và tâm niệm lan tỏa nghệ thuật Ikebana đến người Việt
Yêu Ikebana ngay từ khi còn nhỏ, đến khi có dịp sang Nhật và tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật này tại chính nơi Ikebana được khai sinh, chị Nguyễn Thanh Tú lại càng cảm thấy gắn bó và quyết tâm mang Ikebana về Việt Nam.
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Triển lãm Ikebana của Hội sở Ikebono Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là Triển lãm đầy tâm huyết của tập thể các hội viên ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thuộc Hội sở Ikenobo Việt Nam do chị Nguyễn Thanh Tú làm Hội trưởng. Chị cũng được biết đến là một trong số những người dành tâm huyết lan tỏa “nghệ thuật Hoa Đạo” đến gần hơn với người Việt.
Theo lời tâm sự của chị Thanh Tú, ngay từ thuở ấu thơ, trong dịp tình cờ đọc được một bài báo về Nghệ thuật Ikebana, mong muốn được theo đuổi lĩnh vực này đã nhen nhóm trong chị. Vào năm 2009 chị có cơ duyên cùng chồng đến Nhật sinh sống và tận dụng cơ hội này, chị Thanh Tú quyết tâm “tầm sư học đạo”.
Ban đầu, điều mang chị đến với Ikebana chỉ đơn giản là tình yêu hoa lá, thiên nhiên quanh mình. Nhưng khi được đến tham quan một triển lãm Ikebana, chị hoàn toàn bị chinh phục và ngưỡng mộ vẻ đẹp tinh tế, thanh cao và rất sáng tạo của Ikebana. Chị đã nhập môn rèn luyện và ngày càng gắn bó, để từ đó phát triển tình yêu với những vẻ đẹp không nhìn thấy được, qua quá trình thực hành và chiêm nghiệm về bộ môn nghệ thuật này.
Để tìm được một người thầy có thể truyền đạt lại bộ môn này cho mình, chị Tú chủ động trao đổi trực tiếp mong muốn với trường Ikenobo và được trường hỗ trợ tìm kiếm thông tin các thầy cô ở gần khu vực chị sinh sống.
“Việc dạy các bộ môn nghệ thuật truyền thống cho người nước ngoài hiện nay cũng như thời điểm mình học không phải là điều quá khó khăn như mọi người hình dung. Nước Nhật hiện đại cũng khá cởi mở trong vấn đề này. Tuy nhiên, để “thuyết phục” giáo viên chỉ dạy và chấp nhận mình như một môn sinh rồi đến một truyền nhân (là người sẽ kế tục công việc truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo) là một điều không đơn giản, và bạn chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách chuyên tâm vào việc học hỏi cũng như rèn giũa nhân tâm theo những triết lý nhân sinh của nghệ thuật Ikebana!”, chị Thanh Tú chia sẻ về “bí quyết” để thuyết phục một nghệ nhân Nhật Bản đồng ý chỉ dạy môn nghệ thuật truyền thống cho một người nước ngoài.
Hãy cùng Kilala bước vào thế giới của Ikebana qua cuộc trò chuyện cùng chị Nguyễn Thanh Tú.
Sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ đã gây cho chị những trở ngại gì khi bắt đầu với loại hình nghệ thuật này?
Đối với tôi, sự khác biệt văn hóa đã mang đến nhiều cơ hội để học hỏi và khám phá tuyệt vời! Giống như khi bước vào một lâu đài đẹp đẽ mới lạ hay thả mình vào một khu vườn bí ẩn mà mình chưa từng biết đến, tinh thần là điều quan trọng nhất. Tôi luôn giữ được tâm thế chân thành học hỏi, sự tò mò và nhiệt huyết để tiếp thu những điều khác biệt mới mẻ như lúc mới bắt đầu!
Khi bắt đầu "tầm sư học đạo", tôi học bằng tiếng Anh và 1 chút vốn tiếng Nhật ít ỏi. Nhưng sau 1 - 2 năm đầu tiên, tôi nhận ra mình không chỉ học về cắm hoa mà còn phải học và hiểu về văn hóa của một đất nước. Với tâm thế đó, không còn cách nào khác tôi phải học ngôn ngữ của dân tộc đó!
Quyết định đến trường để học tiếng Nhật đã mở ra cho tôi khả năng đọc những cuốn sách chuyên môn và cơ hội học hỏi với các thầy cô trực tiếp từ Trụ sở trường Ikenobo tại Kyoto. Điều đó đã thu hẹp bớt đi khoảng cách của một người nước ngoài học nghệ thuật Ikebana truyền thống của Nhật Bản.
Vậy mất bao lâu để chị có thể “cảm” được vẻ đẹp của nghệ thuật này?
Cảm ơn bạn đã nhấn mạnh từ “cảm” này và để nó trong ngoặc kép. “Cảm” có nhiều cung bậc khác nhau. Sơ khởi nhất là cái cảm mà mình hay hỏi học viên khi mới bắt đầu nhập môn “Bạn có cảm nhận và thấy kết nối với vẻ đẹp của tác phẩm hay không?”.
Tiếp đến, trong quá trình thực hành để hiểu hơn, việc cảm sẽ sâu đậm nhiều hay ít, tùy vào thời gian thực hành và độ cảm nhận của mỗi người!
Tôi đã “cảm” hơn về nghệ thuật Ikebana qua những trực nghiệm theo năm tháng. Cảm nhận vẻ đẹp của Ikebana thấm sâu cùng với vẻ đẹp tâm hồn.
Có giới hạn nào cho việc sử dụng những loại hoa lá trong nghệ thuật Ikebana thay vì chỉ dùng những hoa thuần Nhật?
“Phải mang được hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại vào trong tác phẩm” – đó là điều mà Hiệu trưởng đời thứ 45 Sen‘ei Ikenobo đã chia sẻ với chúng tôi! Vì vậy, Ikebana trong cuộc sống hiện đại ngày nay không còn giới hạn về không gian, thời gian và cũng sẽ không có giới hạn nào cho việc sử dụng nguyên liệu. Bởi nghệ thuật Ikebana luôn trân trọng và hiểu rằng, sự hòa hợp trong tổng hòa của tạo hóa được tạo ra từ sự khác biệt đa dạng của muôn loài cùng tồn đại trong đó!
Được biết, trường phái Ikebana Ikenobo mà chị đang là giáo viên truyền dạy bao gồm một 3 kiểu cắm chính: Rikka, Shoka, Jiyuka. Trong các tác phẩm của mình, chị sẽ thường “ưu ái” cho dạng thức thể hiện nào?
Có thể nói, tôi không chọn ưu ái cho bất kì kiểu cắm nào, mà việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào mục đích, không gian trưng bày tác phẩm và cả tâm trạng khi thực hiện nữa.
Khi nguyên liệu, thời gian cho phép và khi cần hướng mình đến sự nghiêm chuẩn, tôi thích cắm kiểu cắm Rikka; khi mong muốn mình có những khoảng lặng, tôi thả hồn với kiểu cắm Shoka. Hay những lúc chạm vào vẻ đẹp của nguyên liệu và điều đó mang đến những ý tưởng sáng tạo, tôi hướng đến kiểu cắm Jiyuka (tự do). Mỗi kiểu cắm đều mang lại những xúc cảm đặc biệt và tôi đều ưu ái đón nhận những rung động mà vẻ đẹp của nguyên liệu mang lại.
Ngôn ngữ của Ikebana được thể hiện như thế nào?
Ngôn ngữ chung của Ikebana là truyền tải vẻ đẹp và sự chuyển động của thiên nhiên trong tác phẩm. Có nhiều cách để biểu đạt điều này và cách truyền thống khi chúng tôi thực hành đó là việc biểu đạt vẻ đẹp 4 mùa trong năm bằng cách dùng những loài hoa đặc trưng theo mùa, hay biểu đạt vẻ đẹp theo biểu hiện của thiên nhiên theo sự thay đổi theo thời tiết:
- Mùa Xuân – Hè là lúc cỏ cây xanh tốt phát triển thì vẻ đẹp của tác phẩm cũng phải thể hiện được điều đó.
- Mùa Thu – Đông thì vẻ đẹp đặc trưng là sự kết trái và ngủ đông vì vậy tác phẩm cũng sẽ truyền tải được vẻ đẹp này ở những biểu hiện tinh tế trong tác phẩm.
Ngoài ra, sử dụng mặt nước hay các vật trang trí đi kèm cũng là một cách thể hiện ngôn ngữ trong Ikebana.
Khác với cách cắm hoa thông thường, Ikebana là cách để truyền tải thông điệp của người cắm, vậy cảm hứng từ những điều đó chị lấy từ đâu?
Khi thực hành cắm hoa, tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ khi người thực hiện rung động trước vẻ đẹp của tác phẩm của mình, thì sự rung động đó mới truyền đến người ngắm được. Vậy làm sao để bản thân mình là người rung động về tác phẩm đầu tiên? Mình luôn ý thức và giữ cho mình tâm thế rộng mở để đón nhận những vẻ đẹp bình dị, những món quà tuyệt vời từ tạo hóa!
Chị có thể chia sẻ một chút kĩ thuật trong việc thực hành Ikebana?
Có rất nhiều kỹ thuật cần được tích lũy trong quá trình thực hành Ikebana nhưng kỹ thuật cắt tỉa cành để tạo dựng nên bố cục của tác phẩm là điều quan trọng.
Cầm một cành lá trên tay, suy nghĩ để cắt cành nào, giữ lại cành nào, sử dụng cành lá đó làm sao cho phù hợp với không gian mình định đặt vào là một quá trình không chỉ dùng đến trí não mà cả sự khéo léo, kinh nghiệm và các kỹ thuật khác nhau.
Vậy kiểu cắm Ikebana nào theo chị sẽ phù hợp trong những ngôi nhà Việt Nam?
Không gian sống của người dân ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay khá giống với các đô thị lớn ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tập quán sống của người Việt là hay bày biện nhiều đồ dùng trong phòng khách và chúng ta cũng hay chọn phòng khách để trưng bày hoa. Và việc chúng ta dùng sofa hay bàn ghế truyền thống cũng ảnh hưởng đến không gian trưng bày tác phẩm, vì vậy, kiểu cắm Moribana hay Jiyuka (tự do) sẽ là những kiểu cắm dễ cho chúng ta có thể biến tấu cho phù hợp trong những không gian phòng khách khác nhau.
Xem thêm: Ikebana - Trân trọng cỏ cây, hòa khí đong đầy
Là một người Việt theo đuổi nghệ thuật cắm hoa Nhật, chị cảm thấy sự tương đồng nào giữa Ikebana và văn hóa Việt Nam?
Tình yêu cái đẹp, yêu hoa lá cỏ cây, yêu sự hòa hợp trong tự nhiên và thích sống gần gũi với thiên nhiên bằng việc trồng cây ngoài ban công hay sở thích cắm hoa trang trí trong nhà. là những điểm tương đồng có thể thấy rõ giữa văn hóa của hai nước Việt – Nhật!
Chị có thể tiết lộ thêm về những hoạt động mà chị đã tổ chức từ khi về Việt Nam
Năm 2017, tôi về lại Việt Nam và bắt đầu công việc chia sẻ nghệ thuật Ikebana đến mọi người yêu mến. Từ ấy đến nay, tôi đã cùng với các học viên tổ chức các Triển lãm Ikebana thường niên nhằm lan tỏa vẻ đẹp văn hóa này đến cộng đồng nhiều hơn.
Có thể nói, những công việc tôi cùng các học viên đã và đang làm là gieo những hạt mầm về vẻ đẹp của Ikebana đến với cộng đồng. Theo năm tháng, những hạt mầm đó hữu duyên sẽ lại lớn lên và nhập vào cùng hội nhóm để tỏa những bông hoa ngát hương sắc qua những triển lãm chung, để rồi lại tiếp tục công việc gieo vẻ đẹp của Ikebana vào lòng công chúng thưởng lãm!
Chúng tôi hạnh phúc với công việc, với sứ mệnh của vòng tròn lan tỏa những điều đẹp đẽ bình dị này.
Từ khi nào chị quyết định mở lớp Ikebana?
Khi còn ở Nhật, tôi có chia sẻ về quá trình tìm thầy để học Ikebana tại Việt Nam hồi còn là sinh viên nhưng không thể tìm được do Việt Nam lúc đó chưa có thầy cô nào đủ điều kiện đứng lớp giảng dạy, lúc ấy cô giáo của tôi đã cho phép tôi được thử sức với việc đứng lớp hướng dẫn. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, năm 2017 khi trở về nước, được sự đồng ý của cô giáo và nhà trường, tôi đã quyết định mở lớp.
Chị có yêu cầu đặc biệt nào về khả năng của học viên? Việc có hiểu biết về cắm hoa thông thường có hỗ trợ gì cho quá trình học Ikebana không, thưa chị?
Mình hay hỏi học viên khi đến lớp, là bạn có cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm hay không? Nếu tâm hồn bạn rung động với vẻ đẹp của tác phẩm là đạt yêu cầu tham gia lớp học rồi.
Những kinh nghiệm được tích lũy luôn là điều kiện tuyệt vời để bạn phát huy và trau dồi một kỹ năng nào đó. Vì vậy, có những học viên của mình đã và đang là những florist chuyên nghiệp, khi họ tiếp thu và thực hành Ikebana, họ đã phát huy những lợi thế hơn hẳn trong việc nắm bắt và xử lý nguyên liệu!
Được biết chị có xuất bản một cuốn sách về Ikebana, chị có thể chia sẻ đôi chút về hành trình hoàn thiện cuốn sách này?
Năm 2018, tôi đã phát hành cuốn “Ikebana Cơ Bản – Nghệ thuật cắm hoa của người Nhật”. Cuốn sách này tôi viết xuất phát từ mong muốn đưa đến cho độc giả quan tâm đến nghệ thuật này những kiến thức cơ bản nhất của Ikebana một cách có hệ thống.
Bởi vì, từ kinh nghiệm cá nhân, tôi từng tìm hiểu và tìm kiếm những thông tin, tài liệu về nghệ thuật Ikebana nhiều lần và trong một thời gian dài, nhưng vẫn không thấy cuốn sách nào viết một cách bài bản hay có hệ thống, mà đa số chỉ là những bài dịch đơn lẻ trên mạng xã hội. Nhưng vấn đề là đôi khi tôi thấy bản thân người dịch (người viết) không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này nên có những kiến thức cơ bản bị sai lệch.
Chính vì vậy tôi quyết định viết và tiến trình hoàn thiện nội dung cuốn sách cũng được hoàn thiện khá nhanh. Nhưng tất cả trong đó là những bài học, bài viết mà tôi đã tích lũy trong quá trình 8 năm, từ khi bắt đầu nhập môn Ikebana. Đến khi khởi lên ý định làm sách thì chỉ cần tập hợp và chỉnh sửa lại các ghi chú hay bài viết cũ, tìm hiểu và bổ sung một số phần.
Sách đã hết thời gian phát hành nhưng hiện nay tôi vẫn nhận được những câu hỏi về việc mua sách từ độc giả. Đó cũng là một tín hiệu mừng cho sự quan tâm yêu mến của độc giả tới nghệ thuật Ikebana!
Cảm ơn những chia sẻ của chị. Chúc cho hành trình “gieo hạt” nghệ thuật Ikebana của chị sẽ gặt hái thêm nhiều trái ngọt.
kilala.vn
Thông tin liên hệ:
Ikebana Việt Nam I Nguyen Thanh Tu I Thanh Tú - Góc Ikebana: Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản
26/07/2022
Bài: Natsume
Ảnh: NVCC
Đăng nhập tài khoản để bình luận