Ikebana - Trân trọng cỏ cây, hòa khí đong đầy
“Hoa đẹp bởi chúng sẽ tàn phai.”
Đó là câu nói của nhà soạn kịch Noh Nhật Bản, Zeami. Có lẽ niềm vui sướng khi cánh hoa chớm bung nở hay cảm giác yêu mến vẻ đẹp mãn khai của hoa là do con người ta biết sẽ đến lúc chúng phải rữa mình héo úa, cũng như đời người có lúc nở lúc tàn.
Dù là thời đại nào, những cánh hoa vẫn bung sắc và tưới mát tâm hồn con người mỗi mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Từ xa xưa, niềm rung cảm của con người trước vẻ đẹp của hoa đã được lột tả bằng nhiều loại hình nghệ thuật như ca vũ, hội họa, tiểu thuyết,. thế nhưng trong khu rừng nghệ thuật, không loại hình nào nắm bắt vẻ đẹp của hoa một cách thuần túy và trực tiếp như Ikebana.
(Ảnh minh họa: PIXTA)
Mỗi nhành hoa được thể hiện bằng tuyệt kĩ Ikebana như tái sinh từ “vẻ đẹp tự nhiên” sang “vẻ đẹp nghệ thuật”. Thế giới nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản bao giờ cũng thăm thẳm vô cùng, do đó càng thấm nhuần tinh thần Ikebana, chúng ta càng bị lôi cuốn vào vẻ đẹp đầy chiều sâu ấy.
Lịch sử Ikebana
Nghi thức chưng hoa trên bàn thờ Phật đã tồn tại cách đây rất lâu. Khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản trong thế kỉ 6, phong tục dâng hoa cho người đã khuất gọi là Kuge (供花) nhân đó càng lan rộng, và đây được coi là khởi nguồn của nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Việc chưng cắm hoa để trang hoàng nhà cửa hàng ngày trở nên rất thịnh hành.
Kiến trúc Shoin-zukuri (Sankeien ở thành phố Yokohama)
Thời điểm ra đời của “Ikebana” rơi vào khoảng thế kỉ 15, thời kì Muromachi, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ làn sóng kiến trúc Shoin-zukuri (書院造). Trong phong cách kiến trúc mới mẻ này, người ta không còn khai thác không gian sống thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày, xoay quanh trung tâm là các phòng ngủ nữa, mà thay vào đó là không gian chú trọng hình thức, nhằm phục vụ các buổi tiếp khách và lễ nghi trang trọng. Góc Tokonoma (床の間) cũng được thêm vào nhằm bày tỏ lòng hiếu khách của gia chủ. Điều này minh chứng cho sự biến đổi tính chất xã hội từ thời bình sang thời loạn, khi đó những cuộc thương thảo và mật đàm liên quan đến sự tồn vong của giới võ sĩ cũng cần được tiến hành một cách rốt ráo hơn.
Góc Tokonoma (Zozanen ở tỉnh Aichi)
Khi trưng bày góc Tokonoma, người ta bắt đầu sử dụng các loại bình du nhập từ Trung Quốc thời bấy giờ được gọi là “Karamono” (唐物) để cắm hoa. Được tán thưởng nhất trong số đó là phong cách cắm hoa của một vị tăng lữ tên Senkei Ikenobo ở chùa Rokkakudo, Kyoto, vốn được coi là cội rễ của nghệ thuật Ikebana sau này. Theo những ghi chép cũ, từng có rất nhiều người chen lấn nhau để chiêm ngưỡng những bình hoa do chính tay Senkei cắm.
Tuy nhiên, Ikebana thuở sơ khai chỉ là hình thức cắm hoa vào bình thuần túy, mãi về sau, nhờ những lí luận và tư tưởng mới do Seno Ikenobo đời 11 đề xướng mà nền tảng của nghệ thuật Ikebana ngày nay mới thực sự định hình. Theo lẽ đó, Ikenobo – một trong 3 trường phái Ikebana lớn nhất Nhật Bản, cũng chính là trường phái lâu đời nhất hiện nay, cuốn “Seno Ikenobo truyền miệng” (池坊専応口伝) ghi chép những kĩ thuật cắm hoa do Seno để lại hiện vẫn được các môn đồ gìn giữ và kế thừa.
(Ảnh minh họa: PIXTA)
Từ thời Edo trở đi, có vô số trường phái Ikebana mới ra đời, ngay cả tầng lớp bình dân cũng có thể thưởng thức nghệ thuật cắm hoa. Đương thời cũng có nhiều ấn phẩm liên quan đến Ikebana được phát hành rộng rãi, ghi nhận một thời kì hưng thịnh của Ikebana. Bước sang thời Meiji, Ikebana bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở các trường nữ sinh và trở thành một trong những thú chơi thanh nhã của nữ giới.
(Ảnh minh họa: PIXTA)
Là một trong những nét văn hóa truyền thống mà người Nhật hết mực tự hào, hiện nay Ikebana đã vượt ra biên giới quốc gia và được truyền bá rộng rãi trên khắp thế giới. Nương theo dòng chảy thời đại, những phương thức biểu hiện mới giao thoa giữa truyền thống và hiện đại vẫn không ngừng sản sinh mỗi ngày. Liệu bạn có thể rời mắt khỏi thế giới Ikebana vẫn đang và sẽ lột xác một cách rực rỡ này hay không?
Đối tượng được thể hiện trong Ikebana
Ikebana là nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp và sự tôn quý của sinh mệnh hoa lá, cỏ cây. Người xem là những người đang thưởng thức vũ trụ tự nhiên được sáng tạo trong một không gian thu nhỏ. Nhắc đến nghệ thuật cắm hoa tương tự thì ở phương Tây cũng có nghệ thuật Flower arrangement.
Nghệ thuật Ikebana của Nhật Bản (Ảnh minh họa: PIXTA)
Nếu phải định nghĩa về hai loại hình nghệ thuật này, thì có thể nói “Ikebana là mỹ học giản lược”, còn “Flower arrangement là mỹ học cộng thêm”. Flower arrangement luôn sử dụng nhiều hoa trong không gian nhằm tạo ra những tác phẩm lộng lẫy gây ấn tượng mạnh về kích cỡ. Ngược lại, Ikebana không nhất thiết phải dụng đến số nhiều, ngay cả một đóa hoa cũng có thể trở thành tác phẩm. Không chỉ những bông hoa tươi tắn rực rỡ, cành lá héo úa cũng được xen kẽ với các không gian trống để sáng tạo nên những thế giới quan độc đáo vô song.
Flower Arrangement của phương Tây (Ảnh minh họa: PIXTA)
Các phong cách thể hiện trong Ikebana
Tatehana ( たて花)
Là phong cách Ikebana lâu đời nhất Nhật Bản. Seno Ikenobo được xem là bậc thầy của phong cách này. Một cành hoa được gọi là Shin (真) sẽ được cắm thẳng đứng ở vị trí trung tâm, quanh chân được thêm thắt hoa cỏ gọi là Shitakusa (下草).
(Minh họa: Lăng Vi)
Rikka (立花)
Phát triển từ Tatehana và được hoàn thành bởi Senko Ikenobo đời 2. Một bình hoa thường sử dụng 7 hoặc 9 chi tiết để thể hiện khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
(Minh họa: Lăng Vi)
Nageirebana (抛入花)
Không cắm hoa theo phương thẳng đứng, mà tạo dáng nghiêng thanh nhã như được “bỏ vào” (Nagaire). Vào thời Edo, phong cách này được ưa chuộng hơn Rikka vì không có nhiều quy tắc phức tạp.
(Minh họa: Lăng Vi)
Shoka (生花)
Là phong cách trang trọng phát triển từ Nageirebana vào hậu kì Edo, được cấu thành bởi 3 hoặc 5 chi tiết. Đặc trưng cơ bản của nó là phần gốc của tất cả các cành sẽ được nhập làm một.
(Minh họa: Lăng Vi)
Moribana/Nageirebana (盛花 / 投入花)
Ra đời vào thời Meiji, cả hai đều không quy định chặt chẽ loại hoa và nơi trang trí. Moribana thường sử dụng bình thấp, còn Nageirebana sử dụng bình dáng cao để cắm hoa theo lối tương đối tự do. Nageirebana thời kì này khác với phong cách thời Edo.
(Minh họa: Lăng Vi)
Jiyuka (自由花)
Với tên gọi có nghĩa là “tự do”, Jiyuka không bị nhiều quy tắc ràng buộc. Phạm vi thể hiện vô hạn nhờ không gian trưng bày đa dạng, có thể sử dụng nhiều loài hoa phương Tây phổ biến.
(Minh họa: Lăng Vi)
Mayu Senda/ kilala.vn
31/08/2017
Bài: Mayu Senda/ Biên dịch: Inako/ Hợp tác: Trụ sở chính Hội Hoa đạo Sogetsu
Minh họa: Lăng Vi
Đăng nhập tài khoản để bình luận