NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Kiếm tiền bằng cách khen ngợi, người đàn ông Nhật “chữa lành” cho tâm hồn xa lạ

    Thay vì biểu diễn âm nhạc để xin tiền người đi đường, một người đàn ông ở Nhật Bản đã nghĩ ra cách độc đáo hơn - dành lời khen cho họ.  

    Người đàn ông 43 tuổi này tự gọi mình là “ほめますおじさん" (Homemasu Ojisan, tạm dịch: Ông chú Khen ngợi), thường xuất hiện ở khu vực Shibuya, Tokyo và cầm trên tay tấm bìa cứng có dòng chữ “すごくほめます" (sugoku homemasu, tạm dịch: Tôi dành cho bạn một lời khen ngợi to lớn”).  
    kiem-tien-bang-cach-khen-ngoi-nguoi-khac
    Kiếm tiền bằng cách khen ngợi người khác. Ảnh: Asahi

    Vào cuối tháng 11, người ta nhìn thấy anh đứng bất động với vẻ mặt nghiêm túc, giơ cao tấm biển trước Ga JR Shibuya. Phần lớn người đi bộ lướt qua mà không thèm ngoái nhìn. Sau một thời gian, cuối cùng một học sinh cấp 2 khoảng 15 tuổi đã dừng lại. 

    Người đàn ông nhanh chóng vào việc, vừa nói vừa kèm theo cử chỉ tay:

    "Bạn trông vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Bạn có một trái tim nhân hậu, biết cảm thông và tốt bụng. Bạn có khả năng thu hút mọi người".

    Sau gần một phút được khen ngợi liên tục, nữ sinh tỏ ra hài lòng. Cô bé nói: "Cháu hiếm khi nhận được lời khen trực tiếp". Em để lại 150 yên trong hộp tiền dưới chân người đàn ông rồi đi tiếp.

    Câu chuyện của Ông chú Khen ngợi

    Vào ngày 30/12/2021, người đàn ông này đã nghỉ công việc ổn định của mình với chỉ 600 yên trong túi. Anh khao khát được biểu diễn trên đường phố nhưng lại không có kỹ năng đặc biệt nào như ảo thuật hay ca hát. Vì vậy, anh đã nghĩ ra cách khen ngợi người lạ.

    “Tôi lo rằng nhiều người sẽ cảm thấy tệ khi được khen ngợi”, anh nghĩ.

    Anh đặt mục tiêu thực hiện thành công ý tưởng của mình nhưng “không quá lời khi nói những điều tốt đẹp”.

    sugoku-homemasu
    Tấm biển có dòng chữ "すごくほめます" (sugoku homemasu). Ảnh : Asahi

    Khi gặp ai đó lần đầu tiên, anh bắt đầu bằng cách khen ngợi ngoại hình của họ và thông qua cuộc trò chuyện, đi sâu vào các khía cạnh đời tư của họ.

    Người đàn ông này không có nơi nào cụ thể gọi là nhà và thường tá túc tại các quán cà phê internet hoặc khách sạn.

    Anh thay đổi địa điểm hằng ngày nhưng thường được nhìn thấy ở Shibuya. Người đàn ông thậm chí không trả cước viễn thông và chỉ sử dụng wi-fi miễn phí để dùng mạng xã hội.

    Ngoài Tokyo, anh còn đi đến 30 tỉnh thành khác để “tặng lời khen”. Trung bình mỗi ngày, anh khen ngợi hơn 30 người và có thể nhận được khoảng 10.000 yên.

    "Tôi hạnh phúc khi người tôi khen ngợi thích điều đó. Nó là lí do tại sao tôi có thể làm điều đó trong ba năm qua", anh nói

    Khi lời khen có thể chữa lành những người xa lạ

    Một thanh niên 24 tuổi sống ở Tokyo, có ước mơ trở thành một biên tập viên phát thanh/truyền hình và diễn viên hài, đã ủng hộ dịch vụ của Ông chú Khen ngợi trong khoảng 2 năm. "Ông chú Khen ngợi là chỗ dựa vững chắc của tôi trong cuộc sống. Nếu không có ông ấy, có lẽ tôi không còn sống đến ngày hôm nay”, anh nói.

    Sau khi biết về ông chú trên mạng, chàng trai đã đến gặp vì tò mò. Anh sắp bắt đầu công việc tại một công ty CNTT nhưng lại thiếu tự tin vì tật nói lắp cũng như chuyện tình cảm đổ vỡ và cả nỗi ám ảnh bị bắt nạt ngày nhỏ.

    Ông chú Khen ngợi đã đón nhận mọi chuyện một cách bình tĩnh, mặc dù đó là lần đầu họ gặp nhau. “CNTT là một ngành công nghiệp đại diện cho tương lai của xã hội. Cậu rồi sẽ ổn thôi” đó là những lời ông chú đã nói với chàng trai.

    Anh chàng vốn không quen nhận được lời khen, ngay cả từ giáo viên hay cha mẹ. Vì vậy, sau cuộc gặp gỡ đó, anh cảm thấy như được khích lệ. Kể từ lần gặp đầu tiên, anh chàng đã quay lại sử dụng dịch vụ hai tháng một lần, mỗi lần trả 100 yên.

    Được sự động viên, chàng trai đã tham gia một khóa học viết kịch bản phát thanh/truyền hình vào cuối tuần từ tháng 10 năm 2023. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm ngoái, anh buộc phải nghỉ việc và không thể tìm được việc làm mới. 

    Anh không thể tâm sự với bố mẹ về nỗi đau mà mình đang trải qua, nhưng lại có thể kể hết mọi chuyện với Ông chú Khen ngợi mà không hề do dự. Ông chú đã nói với anh: “Thật tuyệt khi cậu vẫn còn điều gì đó muốn làm.”

    Chàng trai trẻ hiện làm việc bán thời gian thông qua một công ty môi giới việc làm đồng thời theo học một trường đào tạo mới. Hiện tại anh đã tiết kiệm được vài chục ngàn yên. Anh hy vọng một ngày nào đó sẽ cho ông chú xem một chương trình do mình tạo ra với tư cách là biên tập viên phát thanh/truyền hình.

    Một sinh viên đại học 18 tuổi sống tại Tokyo cho biết mình được Ông chú Khen ngợi nhận xét là “hoàn toàn phù hợp với khu phố Shibuya”. Cậu cảm thấy được an ủi.

    Trước đây, ngay cả khi nhận được lời khen tại quán rượu nơi mình làm thêm, chàng trai chỉ coi đó là lời sáo rỗng vì biết rằng “đó là công việc nên mình phải làm tốt”.

    Một nhân viên văn phòng 37 tuổi sống tại Tokyo cũng có góc nhìn tương tự. Cô chia sẻ: “Khi tôi khen ngợi một đồng nghiệp trẻ tuổi tại nơi làm việc, tôi cũng nhận lại được lợi ích, chẳng hạn như quy trình công việc được suôn sẻ.”

    Tuy nhiên, vì Ông chú Khen ngợi là một người xa lạ, cô có thể đón nhận những điều anh ta nói một cách bình thường. “Cô rất giỏi khuấy động không khí” đó là lời khen cô đã nhận được. “Nó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm và bớt mệt mỏi hơn sau một tuần làm việc”, cô nói và bỏ 200 yên vào hộp quyên góp.

    Takayoshi Nishimura (56 tuổi), người đứng đầu một hiệp hội với mục tiêu đào tạo ra “bậc thầy về khen ngợi” trên toàn quốc, sau khi xem video về Ông chú Khen ngợi, đã nhận xét: “Anh ấy rất tự nhiên, có thể nói chuyện với mọi người dù chưa từng gặp họ trước đây. Anh ta là một nghệ sĩ trong nghệ thuật khen ngợi."

    kilala.vn

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!