Kawarai Yushi: Chàng trai Nhật biết hơn 20 ngôn ngữ và tình yêu với văn học Việt

    Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Ibaraki, từng đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới nhưng Kawarai Yushi lại có niềm cảm mến đặc biệt với dải đất hình chữ S. Năm nay đã là năm thứ 10 chàng trai này gắn bó với đất nước Việt Nam.

    Kawarai Yushi sinh ngày 13/10/1988 (33 tuổi) và hiện đang là nghiên cứu sinh về Hán - Nôm tại Học viện Khoa học xã hội ở Hà Nội. Trước khi học lên bậc Tiến sỹ, anh đã hoàn thành chương trình Thạc sỹ ngành Văn học Việt Nam tại ĐHSP Huế, và vùng đất cố đô thanh bình cũng là nơi Yushi hiện đang sinh sống. Anh từng góp chữ trong "Chuyện người Tây ở xứ Ta" (Nhã Nam, 2019), một cuốn sách tập hợp những suy tư, chiêm nghiệm của 21 tác giả là người nước ngoài đã trót đem lòng yêu thương và gắn bó với đất nước, con người Việt Nam. Không chỉ giỏi tiếng Việt, có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi biết chàng trai này còn bỏ túi hơn 20 ngoại ngữ, bởi anh đặt mục tiêu cho mình: đã đặt chân đến quốc gia nào sẽ học ngôn ngữ của quốc gia đó. Vừa qua, Kilala may mắn có dịp được trao đổi và lắng nghe chia sẻ của Yushi về hành trình 10 năm anh ở “xứ Ta”.

    kawarai-yushi-8
    Anh Kawarai Yushi đã có 10 năm gắn bó với Việt Nam.

    Tình yêu đối với tiếng Việt

    “Thực ra cơ duyên đó đến khi tôi có cơ hội tiếp xúc với một số tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Nhật”, anh Yushi chia sẻ khi được hỏi về nhân duyên đưa anh “chạm ngõ” tiếng Việt. “Tình cờ tôi tìm thấy bản dịch "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách tại một hiệu sách. Tôi đã rất ngạc nhiên vì Tố Tâm có nhiều nét tương đồng với "Mộ hoa cúc dại" của nhà văn Ito Sachio. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về văn học Việt Nam và biết đến kiệt tác văn học "Truyện Kiều". Nói thật là cách sáng tạo chữ Nôm rất giống chữ Kanji của Nhật Bản, tôi thấy điều đó thú vị nên đã quyết định nghiên cứu sâu”, anh nói thêm.

    Trước khi sang Việt Nam du học vào năm 2011, anh Yushi đã giành được học bổng Vật lý vũ trụ tại Luân Đôn nhưng đã bỏ tất cả để đến Sài Gòn học tiếng Việt. Ngôn ngữ của nước ta vốn nổi tiếng là “làm khó” người nước ngoài, và Yushi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Anh cho biết, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ khó học nhất đối với người Nhật: “Trước hết là phát âm, tiếng Việt có thanh điệu mà tiếng Nhật không có, đồng thời có 11 nguyên âm trong khi tiếng Nhật chỉ có 5. Một tháng đầu học tiếng Việt ở Sài Gòn, tôi nói tiếng Việt mà họ đều tưởng là tôi nói tiếng Anh.” Ngoài ra, kho tàng từ vựng phong phú và ngôn ngữ vùng miền đa dạng cũng là một thử thách cho những ai muốn chinh phục tiếng Ta.

    Tuy nhiên, xét về phương ngữ thì Yushi cho biết tiếng Việt vẫn chưa “thử thách” bằng tiếng Nhật. Anh nói: “Quê tôi là tỉnh Ibaraki, cách Tokyo chỉ 50km nhưng người Tokyo không hiểu tiếng địa phương của chúng tôi, hơn nữa, ngay cả phía bắc và phía nam Ibaraki cũng không hiểu nhau!” Và đề cập đến giọng vùng miền, Yushi đặc biệt thích giọng Quảng Bình, theo anh, “Từ “đi nhởi” (đi chơi) rất dễ thương!”

    Kawarai-Yushi-5
    Kawarai Yushi chụp cùng thầy Tôn Thất Quỵ, giáo viên dạy tiếng Phạn của anh.

    Cái khó của tiếng Việt có lẽ không phải là trở ngại lớn đối với một người đam mê ngôn ngữ như Yushi. Thế nhưng đã có nhiều lần anh từng suy nghĩ đến việc thôi học vì lý do sức khỏe. May mắn là nhờ sự động viên từ thầy cô, bạn bè cùng nỗ lực của chính bản thân mình mà anh đã tốt nghiệp trường ĐHSP Huế. “Tôi rất tự hào về ngôi trường của mình”, anh cho hay.

    Xem thêm: Mộ hoa cúc dại - Ito Sachio

    Xem “Tố Tâm” như Kinh thánh

    Tác phẩm đưa anh đến với văn học Việt cũng chính là tác phẩm anh yêu thích nhất: “Tôi coi tiểu thuyết này như “Kinh Thánh” của mình, khi nào vui thì đọc, mà khi nào buồn cũng đọc. Tác phẩm này có nội dung về câu chuyện tình yêu của đôi nam nữ cách đây trăm năm, yêu nhau nhưng phải chia ly do xung đột giữa chế độ phong kiến và nền văn hóa mới của Pháp, có lẽ người hiện đại sẽ cảm thấy khó mà hiểu được.”

    Hiện tại, anh đang dịch toàn bộ "Tố Tâm" sang tiếng Nhật. Vì tiểu thuyết này ra đời vào năm 1922, anh đặt mục tiêu sẽ hoàn thành vào năm 2022, nhân kỷ niệm 100 năm ra đời của tác phẩm. Ý định của anh là xuất bản sách song ngữ để cả người Việt học tiếng Nhật lẫn người Nhật học tiếng Việt có thể đọc và tham khảo.

    Chia sẻ về quá trình dịch thuật, anh cho biết: “Hiểu sâu về văn học là một việc rất khó. Tôi viết rồi lại xóa. có khi mất 3 tháng cũng chưa đến 100 trang. Có ngày tôi dịch được mấy trang, còn cũng có khi phải mất nhiều ngày để dịch 1 câu, thậm chí 1 từ. Để dịch thuật đúng, chúng ta phải nghiên cứu từ văn hóa, lịch sử, tư tưởng.” Anh cũng nói thêm, dịch thơ là khó nhất trong biên dịch vì phải dịch nghĩa mà không làm mất đi sắc thái.

    kawarai-yushi-10

    Yushi góp chữ trong "Chuyện người Tây ở xứ Ta" (Nhã Nam, 2019). Ảnh: Hộ Chiếu Xanh

    Còn về văn học Nhật Bản, Yushi yêu thích tác phẩm "Shirobamba" (しろばんば) của Inoue Yasushi. “Hồi nhỏ, tác giả xa cha mẹ và do bà cố - vợ hai của cụ cố chăm sóc. Tôi cũng giống ông ấy, tôi không có mẹ, bố là giáo viên nên đi làm sớm về muộn, ông bà là người chăm sóc tôi. Chắc là vì bối cảnh giống nhau nên tôi thích tác phẩm này nhất”, Yushi cho hay. Inoue Yasushi là một tác gia lớn của Nhật Bản, và anh hy vọng tương lai sẽ có cơ hội giới thiệu các tác phẩm của ông đến độc giả Việt Nam. “Còn văn học quốc tế, tôi đặc biệt hứng thú với văn học Ba Tư, nghe vậy có lẽ ai cũng bất ngờ. Nhà bác học Saadi nổi tiếng với hai tác phẩm "Golestan" và "Bustan", còn một nhà bác học khác là Omar Khayyam thì có tác phẩm "Rubayyat" mà tôi rất thích.”

    [subscribe]

    Học ngôn ngữ sẽ mở rộng thế giới quan

    Anh Yushi có nhiều người bạn đa ngôn ngữ, và ai cũng đồng ý rằng “Đổi ngôn ngữ thì nhân cách cũng thay đổi”. Anh giải thích: “Mỗi ngôn ngữ cũng có cách suy nghĩ và tư duy riêng. Khi nói tiếng Nhật thì suy nghĩ như người Nhật, khi nói tiếng Việt thì suy nghĩ như người Việt. Do đó, việc học thêm một ngôn ngữ mới sẽ mở rộng thế giới quan của chúng ta.”

    Với đam mê khám phá, mở rộng tri thức, đến nay Yushi đã “bỏ túi” trên 20 ngôn ngữ từ Đông sang Tây. Những thứ tiếng anh thông thạo và thường xuyên sử dụng nhất là tiếng Nhật, tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra còn có tiếng Hàn, Trung, Thái, Lào, Khmer, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Tây Tạng, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Ả Rập, Do Thái, Ba Tư, La-tinh, Hy Lạp, Phạn, Pali và Hán Nôm; những ngôn ngữ này anh đánh giá mình mạnh về đọc hiểu hơn là giao tiếp. Đây quả thực là một thành tích vô cùng ấn tượng khiến người khác phải ngả mũ.

    kawarai-yushi-9
    Anh Yushi và PGS.TS. Montira Rato, người từng dịch "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ", "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". sang tiếng Thái.

    Bản thân Yushi phát hiện ra năng khiếu của mình với ngôn ngữ từ khi 18 tuổi, trước kỳ thi đại học. Anh kể lại: “Lúc ấy, tôi đi nhà sách và để ý quyển sách học ngữ pháp tiếng Nga rất thu hút vì chữ cái đẹp. Ngày nào tôi cũng đến nhà sách và tập trung đọc nó rồi học xong ngữ pháp cơ bản trong vài tuần. Lúc đó, tôi mới nhận ra “Mình giỏi ngôn ngữ hơn Toán và Lý nhỉ”.” Cũng từ đó, anh bắt đầu học thêm nhiều ngoại ngữ khác vì sở thích.

    Với những ai đang đặt mục tiêu chinh phục ngoại ngữ, Yushi cho rằng điều tiên quyết là phải làm rõ với chính mình vì sao lại học ngôn ngữ đó và học để làm gì, dù để tìm kiếm việc làm hay học cho vui cũng được. Và thứ hai đó là sự đầu tư nghiêm túc. Anh nói: “Ở Nhật Bản có một nhà ngôn ngữ học, theo ông, hai thứ cần thiết để học ngoại ngữ là tiền bạc và thời gian. Có đầu tư tiền bạc và thời gian thì mới học nghiêm túc. Có thể là sẽ, nhưng tính đến nay thì tôi vẫn chưa gặp người nào thành công chinh phục ngoại ngữ một cách miễn phí.”

    Mỗi ngôn ngữ cũng có cách suy nghĩ và tư duy riêng. Khi nói tiếng Nhật thì suy nghĩ như người Nhật, khi nói tiếng Việt thì suy nghĩ như người Việt.

    “Tôi sẽ sống ở Việt Nam luôn!”

    Một sự trùng hợp thú vị mà Yushi chia sẻ là anh có cùng ngày sinh nhật (13/10/1988) với ca sỹ Đông Nhi. Yushi là một “fan cứng” của nữ nghệ sỹ, và anh hy vọng sẽ có một ngày được gặp cô ngoài đời.

    Yushi bật mí với Kilala rằng mình hiện đang xin quốc tịch Việt và sẽ tiếp tục gắn bó với Việt Nam trong tương lai. Anh cũng sẽ tiếp tục trau dồi, mài giũa để có thể viết tiểu thuyết hoàn toàn bằng tiếng Việt trong khoảng 10, 20 năm nữa. Mặt khác, thấy nhiều trẻ em Việt vẫn còn khó khăn và không được đi học, Yushi tự nhận thức rằng việc bản thân được đi học và trải nghiệm giáo dục một cách đầy đủ là điều may mắn, hạnh phúc. Chính vì thế, ước mơ của anh là thành lập quỹ để giúp tất cả trẻ em Việt đều được đến trường. Anh cũng nói thêm: “Tôi sẽ học tiếp ngôn ngữ mới miễn là mình còn sống!”

    kilala.vn

    01/10/2021

    Bài: Andante
    Ảnh: NVCC

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!