Mộ hoa cúc dại - Ito Sachio
Nhà tôi nằm trong ngôi làng Yariki yên tĩnh. Ngôi nhà tuy cũ kỹ nhưng bề thế khang trang, nổi tiếng từ xưa trong vùng. Dạo đó, sức khỏe mẹ tôi bắt đầu suy yếu nên một người họ hàng là Tamiko đến để giúp đỡ. Đây là người con gái không thể nào tôi quên.
Khi ấy, tôi mười ba còn Tamiko mười lăm, lớn hơn tôi hai tuổi. Làn da trắng gần như trong suốt, lúc nào cũng rạng rỡ tươi vui. Mẹ tôi vô cùng yêu mến nàng. Hai đứa tôi rất thân thiết nhau. Tamiko hay vào phòng tôi trò chuyện và đọc sách. Những khi đó, hai đứa tôi vui vẻ quên cả thời gian.
Tuy nhiên ngoài mẹ tôi ra thì những người trong nhà không ai nghĩ tốt về tình cảm thân thiết của chúng tôi. Thế nên một buổi tối kia, mẹ mới gọi hai đứa tôi đến và bảo rằng:
Tôi tức điên.
“Người ta nói con với Tamiko đã làm gì chứ? Chẳng phải mẹ đã bảo hai đứa con phải đối xử với nhau thân thiết như anh em một nhà đấy sao?”. Mặc dù là tôi nổi giận vậy nhưng có lẽ mẹ không thể nào nghĩ chúng tôi là hai người nam nữ đã trưởng thành được.
Tôi bất chợt dịu giọng. “Người ta nói mấy chuyện kỳ quặc thật là tệ quá. Nhưng chắc người ta cũng không biết mình đang nói cái gì nữa mà. Nhưng từ giờ con sẽ chú ý hơn một chút vậy”.
Tamiko im lặng suốt buổi. Từ hôm đó trở đi, nàng hoàn toàn thay đổi. Tamiko không ghé phòng tôi chơi nữa. Mỗi lúc gặp nhau nàng lại bẽn lẽn không nói nên lời.
Một ngày khi tôi đang hái cà trên rẫy thì Tamiko đi đến. “Mẹ cũng bảo mình đến đây”, nàng nói rồi vui vẻ hái cà tím sát bên tôi. Đột nhiên tôi nhìn qua Tamiko, muốn bắt chuyện với nàng điều gì đó. Khuôn mặt nhìn ngang của nàng vô cùng xinh đẹp khiến tim tôi đập rộn ràng. Nhất cử nhất động của Tamiko trở nên chói sáng khiến tôi nhìn mà không thể nào cầm lòng được. Trong lòng tôi có điều gì rung động. Tôi nói với Tamiko.
“Dạo này Tami có vẻ kỳ quá. Dường như ghét mình lắm thì phải”
Khuôn mặt Tamiko rưng rưng như sắp khóc.
“Cậu tệ lắm Masao. Mẹ đã nói như thế rồi vậy mà cậu nghĩ chúng ta còn có thể thân thiết như trước hay sao?”
“Xin lỗi nghe. Tại thấy Tamiko thay đổi làm mình đau lòng quá. Mình muốn cậu lại lên phòng mình chơi nữa đi”
Tamiko suy nghĩ một lúc rồi nhìn tôi mỉm cười.
Chúng tôi cố gắng âm thầm hơn để có thể vui vầy cùng nhau như trước. Mẹ cũng vẫn không nhận ra sự biến chuyển của tâm tư chúng tôi nên mới cho hai đứa đi hái cà trên núi.
Vào một buổi sáng lạnh lẽo ngày mười ba tháng chín âm lịch, do mọi người trong nhà đều bận rộn nên mẹ mới sai hai đứa tôi lên núi hái sợi bông. Chúng tôi rời khỏi nhà mà cố gắng che giấu nỗi mừng vui. Trời lại trong xanh, tâm tư chúng tôi mở ra phơi phới. Ven đường cỏ dại đưa nhau nở hoa khoe sắc. Trong đó có cả những đóa hoa cúc dại nhỏ bé trắng ngần. Chúng tôi dừng lại, hái một nắm đầy tay. Tamiko thấy tôi hái cúc dại, mắt nàng sáng long lanh.
“Đẹp quá vậy, cho mình một nửa đi. Mình thích cúc dại lắm, đến mức nghĩ rằng kiếp sau mình sẽ thành hoa cúc dại chăng? Chỉ cần nhìn hoa cúc là mình thấy tươi tắn liền. Bản thân mình cũng trở nên vui vẻ một cách kỳ lạ đấy”
“Bởi thế nên Tamiko lúc nào cũng như hoa cúc ấy”
Khi nghe tôi nói vậy, gương mặt Tamiko thoáng chút ngạc nhiên, rồi nàng cầm những đóa hoa cúc dại trong tay áp vào má thẹn thùng. Tamiko đúng là hiện thân của hoa cúc dại. Không rực rỡ kiêu sa mà thanh khiết dịu dàng.
“Nhưng sao Masao nói mình như hoa cúc?”
“Không biết tại sao nữa, chỉ thấy giống hệt mà thôi”
“Masao có thích hoa cúc dại không?”
“À, thích lắm chứ”
Sau đó hai chúng tôi chẳng thể nói thêm lời nào nữa, cứ vậy mà đi lên rẫy thôi. Một lúc lâu sau, chúng tôi đến rẫy. Núi đồi thật yên lặng, thỉnh thoảng tiếng chim hót vang từ đâu đó vọng sang. Tôi nói với Tamiko.
“Tamiko này, hôm nay vui quá nhỉ. Nhưng từ tháng sau là mình phải đi học rồi. Có lẽ hôm nay là lần cuối chúng ta có dịp nói chuyện thong thả đấy”
“Vậy à, tiếc thật, dù sao thì mình cũng hơn cậu đến hai tuổi mà”
Tamiko ứa nước mắt. Chắc những người đồn thổi chuyện tôi với Tamiko đã cười cợt rằng “chà, nhà đó nhận nàng dâu lớn hơn hẳn hai tuổi đấy”.
“Tamiko này, mình hoàn toàn chẳng để ý gì đến chuyện đó đâu. Vui lên đi, rồi kỳ nghỉ đông tới mình sẽ về mà. Thôi, bắt tay vào việc đi nào”, tôi an ủi nàng. Và Tamiko có vẻ vui lên một chút. Hai chúng tôi bắt tay vào việc và đến khoảng giữa trưa thì xong được khoảng bảy phần.
Lúc nghỉ trưa, tôi đi vào sâu trong núi, múc lấy dòng nước mát lành. Trên đường tôi hái mấy đóa hoa cúc dại và hoa long đảm mang về. Tamiko nhìn hoa long đàm mà nói.
“Hoa long đảm cũng đẹp như thế này sao? Tuyệt quá”
Tamiko nói rồi cầm hoa trong tay mà khúc khích cười thầm.
“Masao cũng như hoa long đảm ấy”
“Vậy hả? Tại sao cơ?”
“Không biết tại sao nữa, chỉ thấy giống hệt mà thôi”
Nàng nói và cười vui vẻ.
“Bắt chước mình lúc nãy nghe. Tamiko, cậu thiệt tình là tệ quá”, tôi cũng bật cười. Hai đứa thật hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng mình muốn ở bên Tamiko mãi mãi.
Sau bữa trưa, chúng tôi hoàn tất phần việc còn lại rồi chuẩn bị ra về. Ngày thu thật ngắn ngủi, trời đã nhá nhem. Chúng tôi vội vàng ra về nhưng mới đến giữa đường, trời đã tối đen. Tôi hối hận nghĩ thầm “không biết mọi người trong nhà sẽ nói sao đây? Giá mình làm nhanh hơn chút nữa thì hay biết mấy”, nhưng tiếc nuối cũng đã muộn màng.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến nhà. Tôi nghe thấy tiếng những người trong nhà xì xào nói chuyện. Dường như mọi người vừa ăn tối vừa bàn bạc chuyện gì đó. Cả tôi và Tamiko đều có thể hình dung được mọi người bàn tán chuyện gì. Tôi mạnh dạn đẩy cửa, mọi người đột nhiên yên lặng. Mẹ chẳng la mắng gì chúng tôi nhưng làm vẻ mặt nghiêm nghị mà tôi mới thấy lần đầu. Mẹ nói lặng lẽ.
“Masao này, ngày mười bảy này tức là bốn hôm nữa, con hãy nhập trường và vào ký túc xá đi. Mẹ định cho con đi tháng sau nhưng mà…chắc con hiểu rồi chứ”
“Vâng…”, tôi chỉ có thể trả lời như thế. Tôi và Tamiko đã vướng lưới tình rồi. Nhưng không thể nào nói chuyện tình yêu này cho mẹ biết được. Tôi vẫn còn là học sinh và tôi hiểu nếu như lấy một người vợ lớn hơn mình hai tuổi thì mẹ và gia đình sẽ chuốc lấy nỗi nhục nhã ra sao.
Khi đó tôi chỉ lo lắng rằng sau khi mình vào ký túc xá thì Tamiko chỉ còn lại thui thủi một mình nơi đây mà thôi. Tôi lén nhìn nàng. Tamiko mất hết sinh khí, chỉ lặng yên gục đầu. Tôi khóc. Cả gia đình tôi, ngay cả đến người mẹ dịu hiền của tôi cũng nỡ chia cách hai chúng tôi, còn lại một mình Tamiko sẽ phải khổ cực đến thế nào đây? Tôi thấy tội nghiệp vô cùng cho nàng.
Chỉ còn bốn ngày nữa tôi phải xa nhà nhưng từ đêm đó tôi và Tamiko không thể nào nói chuyện với nhau được nữa. Tuy vậy, tâm tư tôi đã quyết. Cho dù có chuyện gì đi nữa, tôi sẽ vẫn nghĩ về nàng. Khoảng thời gian hạnh phúc mà hai chúng tôi trải qua trong rẫy trên núi đã nối kết tâm tư và không ai có thể chia tách chúng tôi được nữa. Ít nhất thì tôi cảm thấy vậy. Tôi viết một lá thư, lén trao cho Tamiko vào đêm trước ngày lên đường.
“Gửi Tamiko
Sáng ngày tôi đi khỏi, trời làm mưa giăng giăng. Dáng hình Tamiko khi đó không bao giờ tôi quên. Tamiko tiễn tôi, lặng lẽ lau nước mắt. Dáng hình đó đau đớn thê lương nhưng đẹp hơn tất thảy bất cứ ai trên đời này. Chỉ khi Tamiko đưa hành lý cho tôi, chúng tôi mới có một cơ hội duy nhất để nói chuyện với nhau. Nhưng tôi không thể thốt thành lời. Lời hứa tương lai, lời chia biệt tạ từ chưa kịp nói, tôi rời xa Tamiko, rời xa ngôi làng nuôi nấng mình từ thuở ấu thơ.
Cho dù đi học nhưng mỗi ngày tôi đều nghĩ về Tamiko. Đến kỳ nghỉ đông, tôi về thăm nhà nhưng Tamiko không còn nơi đây nữa. Trước ngày tôi trở về, Tamiko bị gửi về nhà cha mẹ đẻ.
Thế rồi một năm sau đó, tôi nghe mẹ nói Tamiko đã về làm dâu nhà người. Nghe nói nhà bên chồng rất giàu sang. Nhưng cho dù biết tin Tamiko lấy chồng, lòng tôi vẫn bình yên đến lạ. Chuyện xa cách nàng bao nhiêu và Tamiko đã lấy chồng hay chưa chẳng liên quan gì đến tình cảm yêu thương tôi dành cho nàng cả. Tình cảm đó vẫn không hề thay đổi. Và không hiểu sao tôi tin rằng Tamiko cũng cảm thấy vậy nên không hề thất vọng về nàng. Ngược lại tôi càng lo lắng cho nàng hơn. Liệu Tamiko có khổ sở khi về làm dâu nhà người không? Nàng vẫn bình an chứ? Tôi chỉ quan tâm đến chuyện đó mà thôi.
Nửa năm sau, điều tôi hằng lo lắng trở thành sự thật. Một ngày, khi tôi đang đi học thì nhận được điện cấp báo “về nhà ngay”. Tôi vội vàng trở về. Mẹ ra đón tôi và đột nhiên mẹ khóc lớn.
“Xin lỗi con, Masao. Tamiko chết rồi. Dường như mẹ đã giết con bé”
“Tại sao? Khi nào? Vì sao Tamiko chết?”
Tôi gào lên.
“Vì không muốn con kết hôn với Tamiko nên mẹ đã bảo nó đi lấy chồng. Nếu như hai đứa con thích nhau như thế thì cho dù Tamiko hơn tuổi cũng nên tác hợp hai đứa cũng có sao đâu. Mẹ ngu ngốc quá”
Mẹ chỉ nói thế rồi khóc vật vã. Sau đó vợ chồng người anh kể lại tôi nghe. Tamiko nghe lời khuyên của họ hàng đi lấy chồng nhưng quan hệ vợ chồng không tốt lắm. Nàng cũng có thai nhưng bị thai lưu, sức khỏe suy yếu nên bị trả về nhà cha mẹ đẻ và đã qua đời ba ngày trước. Tôi gần như phát điên.
Ngày hôm sau, tôi ghé thăm nhà Tamiko. Gia đình nàng cũng buồn bã và hối hận về chuyện đã cho Tamiko đi lấy chồng dù biết tình cảm của hai đứa tôi. Khi tôi đến mọi người rất hoan hỉ chào đón. Bà của Tamiko kể cho tôi nghe về giây phút cuối cùng của nàng.
Khi mẹ tôi đến thăm, Tamiko mỉm cười và nói “Cám ơn mẹ đã thương mến con trong một thời gian dài như vậy”. Khi mẹ tôi nói là chắc chắn con sẽ khỏe lại thôi thì nàng cười mà nói “con chết còn vui hơn”. Đó là lời nói sau cùng của nàng. Sáng hôm sau, nàng trút hơi thở cuối cùng mà như đang ngủ. Mẹ tôi và gia đình Tamiko nhận thấy nàng đang nắm chặt vật gì nơi bàn tay trái. Khi nhìn lại, thì ra đó là tấm ảnh của tôi và bức thư tôi đã gửi nàng.
Anh cũng muốn chết đây. Tôi đã nói thế khi khóc trước mộ Tamiko. Nhưng tôi không thể chết. Tôi chỉ có thể trồng đầy những bông cúc dại mà nàng yêu thích quanh mộ Tamiko mà thôi. Tôi cứ liên tục trồng cúc dại quanh mộ nàng suốt khoảng một tuần liền như vậy.
Từ đó đến giờ đã hơn mười năm. Tamiko đã có một cuộc hôn nhân cưỡng ép và đã rời bỏ thế gian này, tôi cũng có một cuộc hôn nhân cưỡng ép và vẫn tiếp tục sống đây. Chẳng bao giờ tôi quên được nàng. Tamiko giờ đây vẫn ôm chặt tấm ảnh của tôi và bức thư ngày đó trong ngực mình, lặng lẽ ngủ bình yên giữa vòng tay của loài hoa cúc dại.
Hoàng Long dịch / kilala.vn
“Mộ hoa cúc dại” 野菊の墓 (Nogiku no haka) là tác phẩm tiêu biểu của Ito Sachio (伊藤 左千夫) (1864-1913), nhà văn và nhà thơ thời Minh Trị. Truyện đăng lần đầu trên tạp chí “Chim cuốc” (Hototogisu) vào tháng 1 năm 1906 và được văn hào Natsume Soseki khen là tuyệt tác. “Mộ hoa cúc dại” cũng nhiều lần được đưa lên sân khấu và dựng thành phim. Ngày nay trong công viên kỷ niệm Ito Sachio ở thành phố Sanmushi, tỉnh Chiba còn có bức tượng đồng của Masao và Tamiko để nhắc nhở về một mối tình đau thương mà bất tử.
Nguyên tác đăng trên mạng Aozora có nhiều chỗ khó hiểu so với người hiện đại nên hai tác giả Ishizaki Akiko 石崎晶子và Higashi Ritsuko 東律子 mới viết lại bằng tiếng Nhật giản dị giúp cho những người học tiếng Nhật có thể thưởng thức văn học Nhật Bản dễ dàng hơn. Bản dịch của chúng tôi là dựa trên bản viết lại ở đây.
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.
23/11/2015
Dịch: Hoàng Long
Đăng nhập tài khoản để bình luận