Kasagi Shizuko và Hattori Ryoichi: Bộ đôi góp phần thay đổi âm nhạc Nhật Bản
Trước Thế chiến thứ hai, Kasagi Shizuko là một trong những ngôi sao của Japan Girls Opera Company. Sau chiến tranh và trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng, cô đã trở thành một ngôi sao lớn. Nhịp điệu boogie tươi sáng của Hattori Ryoichi và lối hát sống động của Kasagi đã tạo ra những giai điệu chưa từng tồn tại ở xứ mặt trời mọc. Có thể nói, bộ đôi đã thay đổi hình ảnh của âm nhạc Nhật Bản.
Kasagi Shizuko - Nữ hoàng Boogie
Boogie hay có tên gọi đầy đủ là Boogie woogie là một phong cách chơi piano blues đặc trưng bởi nhịp điệu tăng dần, kiểu giai điệu lặp đi lặp lại ở âm trầm và một loạt các biến thể ngẫu hứng ở âm bổng.
Tại Nhật, Kasagi Shizuko là nữ ca sĩ nổi tiếng với những màn trình diễn tràn đầy năng lượng các ca khúc “boogie-woogie” mang âm hưởng jazz do Hattori Ryoichi sáng tác. Những bài hát của cô đã trở thành huyền thoại vì góp phần “cổ vũ” người dân Nhật Bản trong giai đoạn tàn phá của những năm sau chiến tranh, mang đến cho cô danh hiệu “Nữ hoàng Boogie" (ブギの女王 - Bugi no Joo).
Ngày nay, giới trẻ chỉ biết đến bài hát nổi tiếng nhất của cô “Tokyo Boogie Woogie", qua các bản cover.
Kasagi Shizuko sinh vào tháng 8/1914 ở vùng nông thôn Shikoku, là con gái ngoài giá thú của người thừa kế mười bảy tuổi của một gia đình địa chủ. Sau đó cô được cặp vợ chồng điều hành nhà tắm công cộng ở Shitamachi, Osaka nhận nuôi. Tuy vậy, cô gái trẻ Kasagi được cha mẹ nuôi yêu thương và được hưởng nền giáo dục hoàn chỉnh.
Khi còn nhỏ, cô học múa Buyo truyền thống và được cho là đã hát, nhảy trước sự hoan nghênh của hàng xóm.
Năm 1927, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Kasagi nộp đơn xin nhập học vào Trường Âm nhạc Takarazuka, nơi “những cô gái của gia đình danh giá” được giáo dục và đào tạo để trở thành nghệ sĩ biểu diễn trong Takarazuka Revue. Theo lời kể của chính cô ấy, Kasagi đã vượt qua buổi thử giọng nhưng không vượt qua được cuộc kiểm tra thể chất do vóc dáng nhỏ nhắn, trông yếu ớt của mình. Không nản lòng và với sự hỗ trợ từ gia đình, cô đã tìm cách trở thành thực tập sinh trong Câu lạc bộ Âm nhạc và Kịch nghệ Shochiku.
Vào tháng 8/1928, với nghệ danh Mikasa Shizuko, cô gái mười bốn tuổi tài năng đã có cơ hội xuất hiện trên sân khấu với chi nhánh Asakusa (Tokyo) mới thành lập của đoàn múa.
Hầu như không được đào tạo bài bản ngoài vũ đạo Nhật Bản, Kasagi phải cố gắng thăng tiến và tự học với tư cách là một ca sĩ.
Vào tháng 4/1938, cô đã có bước đột phá lớn khi được chọn tham gia Shochiku Gakugekidan, một đoàn kịch tạp kỹ có trụ sở tại Tokyo. Tại đây, Kasagi đã gặp nhà soạn nhạc sắp ra mắt Hattori Ryoichi, người đã chú ý đến giọng hát nội lực và phong cách nhảy hoang dã của cô ca sĩ nhỏ bé.
Thiên tài sáng tác Hattori Ryoichi
Hattori Ryoichi sinh ra ở Shitamachi, Osaka vào năm 1907 và lớn lên trong môi trường âm nhạc. Cha ông là người say mê Naniwa-bushi, một thể loại kể chuyện âm nhạc đặc biệt, còn mẹ ông rất xuất sắc ở thể loại Kawachi ondo, một thể loại hát dân gian truyền thống đi kèm với các điệu múa Bon. Mặc dù không giàu có nhưng gia đình sở hữu chiếc máy hát đĩa của riêng mình. Điều này đã giúp nuôi dưỡng âm nhạc của Ryoichi và ông đã bộc lộ tài năng âm nhạc đặc biệt từ khi còn trẻ, nhưng có rất ít cơ hội được đào tạo chính quy sớm.
Năm 15 tuổi, Hattori tham gia một ban nhạc trẻ do chủ một nhà hàng lươn ở Dotonbori thành lập. Ông ra mắt lần đầu tiên với tư cách nghệ sĩ saxophone vào ngày 01/09/1923.
Hattori đã có những bước phát triển nhảy vọt với vai trò là một nhạc sĩ, và vào năm 1926, ngay sau khi bắt đầu phát sóng radio ở Nhật Bản, ông đã giành được một vị trí trong Dàn nhạc Trạm Phát thanh Osaka (tiền thân của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka). Nhạc trưởng gốc Ukraina - Emmanuel Metter, được bổ nhiệm chỉ huy dàn nhạc, đã trở thành cố vấn cho Hattori trong chặng đường âm nhạc của ông.
Sự phát triển âm nhạc của Hattori ảnh hưởng bởi dòng chảy đô thị thời đó, đặc biệt là nhạc jazz. Hattori thành lập một ban nhạc tên là Ryoichi Hattori and His Manila Red Hat Stompers, bắt đầu trở thành một nhạc sĩ jazz khi chơi ở vũ trường Amagasaki.
Trong những năm sau đó, âm nhạc của Hattori đã trở nên phổ biến tại các vũ trường, nhà hát cho đến đài phát thanh, bản thu âm và điện ảnh.
Sự kết hợp giữa hai tài năng âm nhạc
Cơ duyên đã đưa Kasagi và Hattori gặp nhau tại Shochiku Gakugekidan. Theo lời kể của Hattori, ông đã rất bất ngờ khi một cô gái nhỏ bé, trông có vẻ ốm yếu như Kasagi lại trở nên đầy sức sống trên sân khấu.
Với đôi cao gót và gắn lông mi giả dài 3cm, ca sĩ nhỏ bé nói giọng Kansai thể hiện phong cách nhảy tràn đầy năng lượng và phóng khoáng kết hợp với những kỹ năng được mài dũa trong thế giới khắc nghiệt của ngành kinh doanh giải trí Osaka. Lấy cảm hứng từ nàng thơ mới của mình, Hattori đã sáng tác “Rappa to Musume” (Trumpet and a Girl, 1939) cho Kasagi, khuyến khích cô sử dụng lối hát theo phong cách scat* lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Nhật Bản.
*Hát scat hay scatt là sự ứng biến bằng giọng hát với những âm tiết không lời, những âm tiết vô nghĩa hoặc không có lời nào cả.
Đĩa hát này được những người đam mê âm nhạc coi là bản thu âm nhạc jazz hay nhất thời kỳ trước chiến tranh, khiến giới truyền thông tôn vinh Kasagi là "Nữ hoàng nhạc Boogie". Trong hai năm kế tiếp, cô bổ sung vào “gia tài” của mình nhiều bản hit với các bài hát như: “Sentimental Dinah” và “St Louis Blues”.
Tuy nhiên, đến năm 1940, tình hình chính trị thời chiến và sự đàn áp của chính phủ - xem nhạc jazz phương Tây là suy đồi, đã làm chệch quỹ đạo sự nghiệp của cả hai, với việc Kasagi bị chính quyền địa phương cấm khiêu vũ và hát nhạc jazz. Giống như Hattori, Kasagi ẩn náu trong những năm chiến tranh, miễn cưỡng hát những bài hát yêu nước hoặc dân ca Nhật Bản cho công nhân trong các nhà máy.
Thời gian này, cô gặp và nên duyên cùng chàng sinh viên Đại học Waseda Yoshimoto Eisuke. Nhưng hạnh phúc lại không kéo dài với nữ ca sĩ tài năng khi chồng cô bị bệnh lao nặng và qua đời chỉ vài tuần trước khi cô hạ sinh con gái Eiko.
Buồn bã và chán nản, Kasagi cân nhắc bỏ nghiệp ca hát. May mắn cho lịch sử âm nhạc Nhật Bản, cô đã được Hattori và những người khác khuyến khích tiếp tục sự nghiệp của mình. Hattori đã tặng nữ ca sĩ tác phẩm mới nhất của anh - “Tokyo Boogie”, một bài hát được viết riêng cho cô. Được thu âm vào tháng 1 năm 1948, ca khúc lạc quan có nhịp độ nhanh này đã trở thành một bản hit lớn.
Biểu tượng cho sự lạc quan thời hậu chiến
Trong năm tiếp theo, khi cô xuất hiện và hát cho một số bộ phim, Kasagi có lẽ đã trở thành ca sĩ được công nhận rộng rãi nhất trong nước. Với những màn trình diễn tràn đầy năng lượng, gây ấn tượng mạnh, cô được nhiều phụ nữ yêu mến bởi đồng cảm với sự thiếu thốn của xã hội vô gia cư, bệnh tật thời hậu chiến. Nhiều người ca ngợi giọng hát của cô là biểu hiện sự kiên cường và kiên trì về mặt cảm xúc của một phụ nữ.
Giờ đây, thoát khỏi những hạn chế của thời chiến, Hattori đã làm việc không mệt mỏi để mang đến cho nàng thơ của mình những sáng tác tràn ngập jazz, kết hợp với giọng hát truyền cảm, phong cách nhảy sôi động và phong thái khiêm tốn nhưng lạc quan.
Vào giữa những năm 1950, Kasagi lúc này đã ngoài bốn mươi, không còn là vũ công uyển chuyển của một thập kỷ trước, về cơ bản đã nghỉ việc biểu diễn, tập trung vào phim ảnh và chương trình truyền hình trong khi chăm sóc cô con gái.
Vào thời điểm Kasagi qua đời vì bệnh ung thư vú vào năm 1985, sự nghiệp ca sĩ của cô hầu như không được biết đến đối với những người sinh ra trong những năm 1950 và 1960. Sau khi cô qua đời, cuộc đời của Kasagi đã được tưởng nhớ thông qua các tuyển tập CD, phim truyền hình dài tập cũng như các vở nhạc kịch sân khấu thành công dựa trên cuộc đời cô.
Kasagi và Hattori là nguồn cảm hứng cho Boogie Woogie , bộ phim truyền hình dài tập buổi sáng mới của NHK.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận