Kanho Yakushiji: Nhà sư gây sốt vì "rock hóa" những bài kinh
Cách đây gần 5 năm, video một nhà sư tụng Bát Nhã Tâm Kinh phiên bản rock đã gây xôn xao mạng xã hội Nhật Bản. Danh tính người hát chính là nhà sư kiêm nhạc sĩ Kanho Yakushiji.
Qua video, nhiều khán giả đã cảm nhận được sức sống của những lời tụng niệm và lắng nghe bài kinh hằng ngày. Tính đến đầu tháng 6/2023, video đã có gần 4 triệu lượt xem.
Chủ nhân của video, nhà sư Kanho Yakushiji năm nay 44 tuổi, hiện đang là phó trụ trì chùa Kaizen ở thành phố Imabari, thuộc tỉnh Ehime. Ông tu tập theo trường phái thiền Rinzai (tông Lâm Tế).Khởi đầu không mấy suôn sẻ
Nhật Bản có truyền thống mạnh mẽ về cha truyền con nối trong các cơ sở tín ngưỡng. Có cha là trụ trì chùa Kaizen, nhưng ban đầu Yakushiji phản đối kỳ vọng nối nghiệp gia đình và thay vào đó mong muốn trở thành một nhạc sĩ.
Chịu ảnh hưởng từ niềm đam mê ca nhạc của cha mình, Yakushiji sớm bộc lộ hứng thú với giai điệu. Khi học cấp hai, ông bắt đầu cầm chiếc guitar của cha lên và chơi nhiệt tình, đó cũng là khi Yakushiji quyết định theo đuổi con đường âm nhạc.
Thầy dạy nhạc cho ông là ca sĩ Dainoshin Watanabe, người đã dẫn Yakushiji vào con đường hát nhạc soul tình cảm, trong khi trước đó ông chỉ đam mê nhạc rock. Nhà sư học cách cảm nhận giai điệu và để âm nhạc cất lên từ chính cơ thể và tâm hồn của mình: “Mục đích của tôi là trở thành một với âm nhạc”.
Thời điểm đánh dấu sự chuyển biến trong suy nghĩ là khi Yakushiji có một cuộc gặp gỡ thần kỳ với fan của mình. Người hâm mộ lớn tuổi mắt đẫm lệ, tâm sự rằng âm nhạc của Yakushiji giúp ông nhớ về những khoảnh khắc hạnh phúc của quá khứ khi còn là đứa bé và được tình yêu thương của ông bà nuôi dưỡng.
Đột nhiên, khoảng cách giữa quá khứ và tương lai, nghĩa vụ trở thành nhà sư và nghệ sĩ không còn quá xa nhau. “Tôi nhận ra tất cả là một. Mãi đến lúc đó, tôi mới thấy ca hát và Phật giáo có thể giống nhau như thế nào”, ông kể lại.
Lúc đó – năm 2010, Yakushiji chính thức tham gia huấn luyện trở thành nhà sư. Những năm tháng ấu thơ ở trong chùa giúp ông hiểu được phần nào những khó khăn và hy sinh trên con đường tôn giáo này. Ông quyết tâm theo đuổi sứ mệnh dù biết rõ mọi thứ không dễ dàng.
Âm nhạc và Phật pháp là một
Sau khoảng ba tháng, ông bắt đầu có những giây phút hiểu rõ cái đẹp một cách chân thật - thứ cảm giác trước đây chưa từng xuất hiện. Khi đang tọa thiền, ông thấy ánh nắng chiếu qua tia nước, tạo nên những sáng tối nhịp nhàng, và chuyển động của nước khiến Yakushiji nhận ra thời gian là "cảm xúc của chuyển động".
Nhà sư nhận ra tâm trí mình vốn bị chôn vùi nên không nhìn rõ mọi thứ. Bằng cách rời xa những điều gắn bó lúc trước, thông qua thiền tọa "zazen" và thiền khi làm việc chân tay "samu", trí óc được khai thông.
Mỗi sáng, 20 nhà sư cùng đọc kinh và sự hòa giọng đem đến cảm giác xúc động lẫn bình an trong Yakushiji. Ông chợt nghĩ ra cách kết hợp nhiều lớp điệp khúc và sắp xếp kinh thành một bài hát nhằm càng chạm đến những phân tầng cảm xúc.
Khi xưa xem âm nhạc và Phật pháp là hai thực thể riêng biệt, nhưng giờ đây, nhà sư hiểu âm nhạc như một biểu hiện của thực hành Thiền. Đồng thời, hai nhân dạng của ông – một thiền sư và một nghệ sĩ – không còn tách biệt nữa.
“Tôi tin rằng việc giữ truyền thống lẫn thay đổi đều cần thiết. Nhiều người không đồng thuận, nhưng thay đổi là để con người có thể tồn tại với thời thế và giúp cho thế hệ mới tiếp cận với Phật pháp”, ông chia sẻ.
Thiền Rinzai Nhật Bản có phương thức tu tập gọi là Koan - công án (Thiền tông dùng công án như phương tiện để giáo hoá và các thiền sinh sử dụng chúng làm đối tượng quán tưởng trong lúc thiền). Mỗi một thứ trong cuộc sống chúng ta đều là sự luyện tập và đem đến các Koan. Cách bày tỏ Koan của Yakushiji là qua âm nhạc và lời ca.
Theo Yakushiji, các sảnh chùa, với trần nhà cao và âm thanh tuyệt vời, là địa điểm tổ chức các buổi hòa nhạc lý tưởng. Ngồi trên đệm zabuton, bầu không khí tĩnh lặng, tôn kính dường như giúp du khách giao tiếp với nhau một cách thân thiện hơn. Chính vì vậy vị thiền sư - nhạc sĩ từng có tour âm nhạc vòng quanh các chùa tại Nhật.
Dùng âm nhạc gắn kết mọi người
Suốt thời gian xảy ra đại dịch, Yakushiji thực hiện các video tụng Bát Nhã Tâm Kinh, Chú Đại Bi. trên nền nhạc và hy vọng giúp mọi người tìm ra những bài học bổ ích. Thậm chí, nhà sư tập hợp những thiền sư khắp thế giới có mặt trong một phiên bản của Bát Nhã Tâm Kinh.
Qua đây, Yakushiji chia sẻ sức mạnh của tiếng nói và sự gắn kết, khi có khoảng 60 nhà sư khắp nơi cùng hòa giọng. Ngoài ra, ông cũng hy vọng rằng người xem qua màn ảnh có thể cảm thấy như họ đã đi du lịch ở Nhật Bản.
Nhà sư đã phát hành ba album nhạc solo và còn lưu diễn khắp nước Nhật, Trung Quốc và Đài Loan. Những bài kinh được phối lại theo nhiều thể loại từ rock, pop đến nhạc lo-fi bắt tai. Có thể thấy, sư thầy am hiểu xu hướng nghe nhạc của gen Z và thật sự tạo cầu nối cho người trẻ đến với Thiền.
Mở ra tương lai
Yoshiharu Tomatsu - Tổng thư ký của Liên đoàn Phật giáo Nhật Bản – cho biết: “Chúng ta cần nhận thức nhu cầu của những người xung quanh và duy trì ngôi chùa không phải như một doanh nghiệp mà dựa trên giáo lý Phật giáo”.
Việc đưa âm nhạc vào đời sống Phật pháp không là điều xa lạ tại Nhật. Những người trẻ đang tìm cách giúp giáo lý nhà Phật lan truyền rộng rãi và hấp dẫn hơn. Như trụ trì chùa Yokoku - Togen Yoshihara dùng đàn guitar để tụng Bát Nhã Tâm Kinh và trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội xứ Phù Tang. Hay như nhà sư Yogetsu Akasaka kết hợp beatbox vào tụng kinh.
Sư Ryushin Takiyama sáng lập “Koyasan x Dance Project” nhằm mục đích chia sẻ văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của Koyasan thông qua nghệ thuật biểu diễn. Ông nhảy cực sung trên nền nhạc điện tử tại đền Ekoin nhằm cổ vũ các sĩ tử trong kỳ thi đại học.
Còn riêng Yakushiji, ông dự định hợp tác với các nghệ sĩ biểu diễn truyền thống của Nhật Bản để giới thiệu văn hóa Phù Tang từ nhiều góc độ khác nhau.
kilala.vn
13/06/2023
Bài: Tora
Đăng nhập tài khoản để bình luận