Björn Andrésen: Nguyên mẫu Bishounen huyền thoại và cuộc đời trắc trở vì sắc đẹp
Björn Andrésen được mệnh danh là chàng thiếu niên đẹp nhất thế gian nhưng sắc đẹp đó lại chính là lời nguyền, ám ảnh ông suốt cả thời trai trẻ.
Bishounen (美少年) là một thuật ngữ được sử dụng trong anime hay manga thuộc thể loại shoujo và yaoi, miêu tả một nhân vật nam xinh đẹp bất kể tuổi tác. Tuy nhiên, riêng ở Nhật, Bishounen chỉ áp dụng cho những trường hợp dưới 18 tuổi, mang nghĩa là mỹ thiếu niên (cậu bé đẹp). Khác với chuẩn mực vẻ đẹp nam tính của phương Tây, một Bishounen thường thiên về nét nữ tính, sự trẻ trung, có nhan sắc tựa thiên thần. Và hình mẫu Bishounen kinh điển được các tác giả truyện tranh, họa sĩ Nhật Bản lấy làm cảm hứng sáng tác chính là Björn Andrésen, một diễn viên người Thụy Điển sở hữu nhan sắc thời trai trẻ được ví như bức tượng điêu khắc tuyệt đẹp.
Cậu thiếu niên sở hữu vẻ đẹp làm say đắm lòng người
Vào năm 1971, tác phẩm điện ảnh "Death in Venice" (Chết ở Venice) của đạo diễn Luchino Visconti được phát sóng. Kịch bản phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Đức đoạt giải Nobel Thomas Mann, kể về việc nhân vật nhạc sĩ già Gustav von Aschenbach bị mê hoặc bởi nhan sắc tuyệt trần của chàng thiếu niên Ba Lan - Tadzio. Diễn viên đảm nhiệm vai Tadzio là Björn Andrésen, khi ấy 15 tuổi, có vẻ ngoài hoàn hảo đúng như những câu văn hoa mỹ mà Thomas Mann đã miêu tả.
Ngày ấy, Andrésen mang nét đẹp hoàn mỹ với làn da trắng, sống mũi cao, đôi mắt trong veo cùng đôi môi mỏng chúm chím. Nhan sắc phi giới tính toát lên vẻ lạnh lùng nhưng lại lộ rõ phần ngây thơ, thuần khiết của Andrésen đã mê hoặc khán giả trong mỗi thước phim. Công chúng gọi ông là "Cậu bé xinh đẹp nhất thế giới", truyền thông cũng ca ngợi, thần thánh hóa ngoại hình của Andrésen.
Vẻ đẹp ấy không chỉ nổi tiếng ở phương Tây mà còn vang danh và gây nên "cơn sốt" tại châu Á. Nữ giới Nhật Bản si mê cuồng nhiệt và mê đắm hình ảnh chàng thiếu niên Tadzio trên màn ảnh xứ hoa anh đào. Cũng chính vì vậy, Andrésen đã đến Nhật để phát triển sự nghiệp vào năm 1971. Chuyến đi đến Nhật Bản của ông thậm chí được cho là tạo ra hiệu ứng tương tự như khi The Beatles đặt chân lên nước Mỹ vào năm 1964.
Trong khoảng thời gian ở Nhật từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1971, hình ảnh của ông xuất hiện liên tục tại các TVC, trong đó có quảng cáo chocolate cho hãng Meiji. Bên cạnh đó, ông còn tham gia chụp họa báo cho các tạp chí nổi tiếng như An-An. Ngoài ra Andrésen còn thu âm hai ca khúc là "Forever Together" và "For Loving" cho CBS/Sony.Sự nghiệp của ông tại xứ mặt trời mọc thoáng qua khá nhanh nhưng ngoại hình của Andrésen lại có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành sáng tác truyện tranh thời ấy. Vai diễn Tadzio đã trở thành một biểu tượng kinh điển, là nguồn cảm hứng cho nhiều họa sĩ truyện tranh Nhật Bản, đặc biệt là Keiko Takemiya. Công chúng bắt gặp những nhân vật mang hình tượng Bishounen có nét rất giống Tadzio với đặc điểm là mái tóc vàng bồng bềnh, khuôn mặt thanh tú toát lên vẻ vừa ngây thơ vừa kiêu ngạo, mang đậm phong cách cổ điển châu Âu. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua nhân vật Gilbert trong tác phẩm "Kaze to Ki no Uta" của Keiko Takemiya.
Bi kịch từ sắc đẹp
Cả thế giới khi ấy tôn thờ, ca ngợi vẻ đẹp thời niên thiếu của Björn Andrésen nhưng với ông, đó lại là một lời nguyền đeo bám, dằn vặt tinh thần ông đến mãi về sau.
Câu chuyện đời của Andrésen đượm buồn và trải qua nhiều biến cố đau thương. Björn Andrésen sinh ngày 26/01/1955 tại thành phố Stockholm và có một tuổi thơ bất hạnh. Ông là đứa con ngoài giá thú, khi lên 10 tuổi thì người mẹ tử tự, bỏ lại ông sống cùng cha dượng với những nỗi lo toan mưu sinh hằng ngày.
Năm 15 tuổi, Björn Andrésen có cơ hội đổi đời khi vượt qua hơn 3.000 ứng viên để được chọn vào vai diễn Tadzio trong bộ phim "Chết ở Venice". Tadzio đã giúp ông tỏa sáng, trở thành ngôi sao, “chàng thơ” của điện ảnh châu Âu. Tuy nhiên hào quang cũng nhanh chóng vụt tắt khi Andrésen đối mặt với hiện thực nghiệt ngã.
Vẻ đẹp phi giới tính của ông thuở ấy làm bao người say mê nhưng cũng khiến ông gặp vô vàn trở ngại từ định kiến của cộng đồng. Andrésen bị ảnh hưởng tâm lý khi phải hứng chịu cái nhìn thèm khát của những gã đàn ông ở một quán bar đồng tính mà đạo diễn Luchino Visconti ép ông vào. Cậu thiếu niên khi đó còn phải chịu đựng sự kỳ thị của một bộ phận khán giả khi họ áp đặt, đồn đoán ông là người đồng tính và tỏ thái độ thù hận, ghét bỏ. Ở thập niên 70, đồng tính vẫn là một điều cấm kỵ.
Bên cạnh đó, vai diễn Tadzio đã trở thành một cái bóng quá lớn trong sự nghiệp diễn xuất của Andrésen, dù ông đã nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn không thể vượt qua. Sau bộ phim này, Andrésen vẫn tiếp tục diễn xuất, chăm chỉ xuất hiện trong các tác phẩm truyền hình lẫn điện ảnh nhưng người xem vẫn không quan tâm đến tài năng của ông, cái họ bàn tán, để ý đến chỉ là vẻ ngoài.
Thế rồi danh tiếng của Björn Andrésen cứ phai nhạt dần, sự nghiệp dần rơi vào bế tắc. Nhân vật Tadzio đã ảnh hưởng suốt cuộc đời Andrésen về sau này, khiến ông dằn vặt đau khổ vì nhan sắc tựa bức điêu khắc của chính mình.
Nỗi buồn mà Andrésen gặp phải vẫn chưa kết thúc. Năm 1983, ông kết hôn với nhà thơ Suzanna Roman và có ba người con. Cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài sáu năm khi cái chết bất ngờ của đứa con trai do chứng đột tử ở trẻ sơ sinh khiến họ vụn vỡ. Đây có lẽ là khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời ông.
Andrésen dần rời xa giới giải trí, thỉnh thoảng ông vẫn đóng phim nhưng chỉ là những vai phụ không ai nhớ đến. Ông từng tâm sự với báo chí rằng mãi đến lúc gần 50 tuổi, ông mới không cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy hình ảnh về Tadzio, về thời niên thiếu ấy. Vậy nhưng có lẽ Tadzio vẫn không buông tha ông khi cuốn sách "The Beautiful Boy" của Germaine Greer được phát hành vào năm 2003. Trông thấy hình ảnh bản thân xuất hiện trên bìa cuốn sách khiến ông rất tức giận, nỗi ám ảnh bao năm lại ùa về.
Giờ đây Björn Andrésen đã 66 tuổi, ông sống cùng với con cháu, lặng lẽ và kín tiếng khi về già. Khi nhắc đến Andrésen, người hâm mộ vẫn không thể nào quên chàng mỹ nam với nhan sắc tuyệt trần của thập niên 70 ấy, vẻ đẹp của ông vẫn hiện hữu và sống mãi với "Chết ở Venice" cùng những tác phẩm manga với hình tượng nhân vật Bishounen.
25/08/2021
Bài: Ái Thương
Ảnh: Pinterest
Đăng nhập tài khoản để bình luận