Tranh AI theo phong cách Studio Ghibli gây tranh cãi
Thời gian gần đây, những bức tranh “trông giống phong cách Ghibli” nhưng lại là sản phẩm của OpenAI đang tràn ngập mạng xã hội. Xu hướng này đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức liên quan đến nghệ thuật do AI tạo ra, các vấn đề bản quyền và sinh kế tương lai của các họa sĩ hoạt hình, nghệ sĩ.
Xu hướng AI Studio Ghibli là gì?
Tuần trước, OpenAI đã công bố công cụ tạo hình ảnh mới cho phép người dùng chuyển đổi hình ảnh thành nhiều phong cách khác nhau chẳng hạn như South Park, Rick and Morty và The Simpsons, nhưng được ưa chuộng nhất là phong cách Studio Ghibli.
Người dùng chỉ cần tải hình ảnh lên nền tảng và yêu cầu chỉnh ảnh theo phong cách của Studio Ghibli, chỉ trong vài giây, hình ảnh mới sẽ được tạo ra.

Sam Altman - CEO của OpenAI, đã thông báo trên X rằng công cụ mới sẽ được triển khai cho tất cả người dùng miễn phí với tối đa ba hình ảnh mỗi ngày. Nhiều người dùng đã sử dụng X để chia sẻ các ví dụ về meme internet theo phong cách Ghibli do AI tạo ra, thậm chí hình ảnh cá nhân cũng được tạo ra theo phong cách này.
OpenAI khuyến khích mạnh mẽ phong trào "Ghiblification", khi ông Altman thậm chí còn thay đổi ảnh đại diện của mình trên X thành ảnh chân dung theo phong cách Ghibli.
“Đây là một sự xúc phạm đến nghệ thuật”
Nhà làm phim hoạt hình huyền thoại và là người đồng sáng lập Studio Ghibli - Hayao Miyazaki, đã thu hút khán giả trên toàn thế giới bằng cách kể chuyện mang nét riêng, đi sâu vào trải nghiệm của con người và tôn vinh thế giới tự nhiên.
Phim của ông mất nhiều năm để thực hiện và nổi tiếng là được vẽ bằng tay, với từng khung hình phức tạp được vẽ rất tỉ mỉ.

Hayao Miyazaki từng gọi trí tuệ nhân tạo trong phim hoạt hình là "hoàn toàn kinh tởm" và là "một sự xúc phạm đến cuộc sống". Ông thậm chí còn nói rằng "không bao giờ muốn đưa công nghệ này vào công việc của mình".
Ngày nay, gần một thập kỷ sau, internet tràn ngập những hình ảnh do AI tạo ra mô phỏng phong cách của ông chỉ trong vài giây.
Khi xu hướng này ngày càng phát triển, những bình luận trước đây của vị đạo diễn về hoạt hình AI lại xuất hiện, làm dấy lên những cuộc thảo luận mới về tính đạo đức của nghệ thuật do AI tạo ra.
Deborah Szapiro, một học giả chuyên về thiết kế và hoạt hình, đã bày tỏ lo ngại về việc OpenAI khai thác tác phẩm của Miyazaki: “Thực tế là không có tác phẩm nào thực sự giữ được linh hồn của tác phẩm nghệ thuật vì nó giống như chiếc máy photocopy lớn nhất thế giới, trong khi nó lại ăn cắp".

Bà Szapiro lưu ý rằng OpenAI đang khai thác thế giới của Miyazaki, mặc dù nó không bao giờ có thể thực sự nắm bắt được bản chất tác phẩm của ông: "Họ không hiểu nghệ thuật, họ chỉ hiểu lợi nhuận, nên không thể nào nắm bắt được linh hồn tác phẩm nghệ thuật của Miyazaki".
John McGhee - Giáo sư ngành 3D Visualisation thuộc Khoa Nghệ thuật, Thiết kế và Kiến trúc tại UNSW, đã bày tỏ lo ngại về sự phát tán rộng rãi và không kiểm soát của nội dung theo phong cách Ghibli trên internet.
Ông cũng chỉ ra những khác biệt về văn hóa và triết học giữa các nghệ sĩ truyền thống như Miyazaki và nội dung do AI tạo ra. Tác phẩm của Miyazaki thường đề cập đến các chủ đề như chủ nghĩa môi trường và tác động của con người, trong khi những công ty AI tiêu thụ đáng kể điện năng và gây ra chi phí môi trường.
Sự mới lạ của xu hướng Ghibli có thể sẽ nhanh chóng mất đi vì nó là xu hướng tạm thời. Tuy nhiên điều này cho thấy nghệ thuật đang trong một “cuộc chiến” cam go với AI.
kilala.vn
Nguồn: forbes, abc
Đăng nhập tài khoản để bình luận