Nhạc kịch chuyển thể từ anime trở thành xu hướng

    Fan hâm mộ anime, manga ngày càng có nhiều cơ hội thưởng thức các tác phẩm yêu thích của mình ở một hình thức khác – kịch sân khấu. 

    Nhiều nhà sản xuất nhạc kịch hàng đầu nước Nhật đang cố gắng chuyển thể các tựa manga, anime nổi tiếng thành kịch sân khấu khi văn hóa 2D ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu. 

    Điển hình là vào tháng 03/2022, vở nhạc kịch “Spirited Away” chuyển thể từ anime đình đám cùng tên của đạo diễn Hayao Miyazaki đã được biểu diễn tại nhà hát Hoàng gia Tokyo. Ngay ngày đầu tiên mở bán, toàn bộ vé đặt trước cho vở diễn kéo dài 1 tháng đã được bán hết. Vở nhạc kịch cũng được biểu diễn đến tận tháng 7/2022 ở bốn thành phố, bao gồm Osaka, Sapporo, và tất cả đều cháy vé. 

    spirited away
    Chihiro và nhân vật Vô Diện trong vở nhạc kịch "Spirited Away”. Ảnh: Polygon

    Atsuo Ikeda, Giám đốc điều hành của Toho Co., đơn vị sản xuất nhạc kịch “Spirited Away” chia sẻ: “Thử thách lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là làm sao để mang những đặc trưng của nhân vật lên sân khấu thật mượt mà và sử dụng các kỹ thuật hình ảnh linh hoạt”. 

    Theo đó, tổ sản xuất “Spirited Away” dưới sự chỉ đạo của đạo diễn John Caird đã tận dụng tối đa lợi thế về chuyển động của diễn viên. Trong một phân cảnh quan trọng khi nhân vật chính - cô bé Chihiro và chú rồng Haku bay lên bầu trời, những diễn viên khác đã nâng họ lên không trung để khán giả cảm tưởng như cả hai đang lơ lửng, thay vì dùng dây hay các kỹ xảo khác.

    Với những thực thể linh thiêng và các vai không phải con người, ê-kíp sử dụng con rối được điều khiển bởi diễn viên. Ikeda cho biết: “Tôi tin rằng các fan hâm mộ tựa anime gốc có thể tìm thấy sự chân thực đầy mới mẻ ở vở nhạc kịch”.

    vở nhạc kịch sprited away
    Cảnh Chihiro bay cùng Haku trong vở nhạc kịch “Spirited Away”. Ảnh: Polygon

    Thông thường, nữ giới là đối tượng khán giả chính của các vở nhạc kịch và nhiều tác phẩm khác ở nhà hát Hoàng gia, tuy nhiên, tại buổi diễn của “Spirited Away”, có khá nhiều khán giả nam lẫn gia đình cùng nhau đến thưởng thức. 

    Cũng trong năm nay, Toho đã cho ra mắt vở nhạc kịch chuyển thể từ loạt truyện tranh “Your Lie in April” (Tháng tư là lời nói dối của em) và chủ yếu là các diễn viên trẻ tuổi tham gia diễn xuất. 

    vở nhạc lịch Your lie in April
    Vở nhạc kịch "Your Lie in April". Ảnh: t2conline.com

    Đặc biệt, theo tiết lộ của Toho, phiên bản sân khấu của manga “Kingdom” và “Spy x Family” cũng sẽ được ra mắt công chúng vào năm sau. Cả hai manga này đã có bản anime và chính Toho cũng tham gia vào quá trình sản xuất anime “Spy x Family” gây được tiếng vang lớn trong năm 2022 này. 

    Tập đoàn Toho đang lên kế hoạch phát triển bộ phận anime trở thành một mảng kinh doanh chính. Hiện tại, hãng đang làm việc để đảm bảo vấn đề bản quyền cho các anime, manga gốc khi chuyển chúng thành kịch sân khấu và các hình thức khác. 

    Ông Ikeda cho biết việc biểu diễn các vở kịch này trong và ngoài nước Nhật sẽ giúp phát huy tiềm năng nghệ thuật sân khấu của xứ sở Phù Tang. “Nếu các vở kịch của chúng tôi được đánh giá cao như manga và anime, thì tổng quy mô thị trường kinh doanh giải trí của Nhật cũng sẽ được mở rộng theo”, ông nói. 

    vở nhạc kịch The Boy and the Beast 1
    Nhân vật Kyuta và Kumatetsu trong vở nhạc kịch "The Boy and the Beast”. Ảnh: @KitsuneJey

    Bên cạnh Toho, thị trường này còn có sự tham gia của HoriPro Inc, đơn vị đã có một số vở kịch chuyển thể từ nhiều tựa manga nổi tiếng được chuyển ngữ hoặc bản địa hóa để đánh vào các thị trường nước ngoài, chẳng hạn như “Death Note: The Musical”. 

    Một đơn vị khác cũng gia nhập sân chơi là Shiki Theater Co. Vào tháng 4 vừa qua, nhà hát đã biểu diễn vở kịch “The Boy and the Beast” từ tựa anime nổi danh cùng tên của đạo diễn Hosoda Mamoru. Đây là kịch bản đầu tiên lấy cảm hứng từ anime của đoàn kịch nhà hát Shiki, bởi trong suốt 25 năm qua, họ chỉ biểu diễn các vở kịch chuyển thể từ hoạt hình Disney. 

    vở nhạc kịch The Boy and the Beast
    Vở nhạc kịch "The Boy and the Beast”. Ảnh: @KitsuneJey

    “The Boy and the Beast” sẽ được tiếp tục biểu diễn tại Tokyo đến tháng 3/2023 và công chiếu tại Osaka vào tháng 12/2022. Nhà hát mong đợi vở kịch sẽ tạo được cú hit lâu dài. 

    Chiyoki Yoshida, Chủ tịch của nhà hát Shiki cho biết: “Mạch truyện được xây dựng rất tốt. Nó cũng lấy chủ đề về tôn vinh con người, giống với những gì mà nhà hát đang triển khai. Phát triển một loại hình kịch mới cũng là một kiểu đầu tư. Nếu bản chuyển thể từ các tựa anime, manga mang về lợi nhuận cao, chúng tôi sẽ quyết tâm đầu tư lớn để nâng cao khả năng thành công”. 

    vé vở nhạc kịch My Neighbor Totoro
    Vé của vở nhạc kịch "My Neighbor Totoro". Ảnh: rsc.org.uk

    Chưa dừng lại ở đó, các nhà sản xuất kịch nước ngoài cũng đang chọn manga và anime Nhật Bản làm chất liệu sáng tác. Bắt đầu từ tháng 10 này, vở nhạc kịch “My Neighbor Totoro” chuyển thể từ anime cùng tên của đạo diễn Hayao Miyazaki sẽ được ra mắt tại London bởi Royal Shakespeare Co., tập đoàn nhà hát tiếng tăm của nước Anh. 

    Ông Yoshida dự đoán việc canh tranh toàn cầu này sẽ nóng dần lên bởi “các tác phẩm nổi tiếng có thể sẽ nhận được "bão" lời mời chuyển thể thành kịch sân khấu trong tương lai”. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất phim truyền hình hàng đầu cũng như các diễn viên hạng A đã bắt đầu bước chân vào thị trường kịch chuyển thể từ manga, anime.

    Đặc biệt, loại hình sân khấu lâu đời Kabuki cũng vào cuộc. Họ bắt đầu với tác phẩm “Super Kabuki II: One Piece” và đã ra mắt vở diễn vào năm 2015.

    vở kịch Kabuki One Piece
    Vở kịch "Super Kabuki II: One Piece”. Ảnh: soranews24.com

    Nói về lý do tại sao các loại hình nghệ thuật truyền thống lại khá phù hợp với anime, Shigeyuki Yamane, nhân viên cấp cao tại Shochiku Co., nhà sản xuất kịch Kabuki cho biết: “Chúng tôi không phải làm gì đặc biệt khi khai thác chủ đề anime. Về bản chất, Kabuki là một hình thức nghệ thuật giải trí dựa trên các kỹ thuật biến hóa vượt lên trên thực tế. Ngay cả fan hâm mộ của anime cũng có thể thoải mái thưởng thức các buổi biểu diễn của chúng tôi mà không cảm thấy khó chịu”. 

    Được biết, sáng tạo các vở kịch dựa trên manga tại Nhật Bản đã được bắt đầu từ trước Thế chiến thứ hai. Vào năm 1974, đoàn nhạc kịch nữ Takarazuka Revue đã giới thiệu đến công chúng vở kịch xây dựng từ loạt anime kinh điển “Hoa hồng Versailles”. Ngoài ra, các tác phẩm khác như “Haikara-San: Here Comes Miss Modern” cũng được đoàn kịch này biểu diễn. 

    Đến hiện tại, nhạc kịch 2.5D đang dần trở nên phổ biến với những ai yêu thích manga, anime và trò chơi điện tử. Những phần trình diễn này tái hiện chân thực tình tiết câu chuyện và tâm lý của nhân vật. Việc đưa các tác phẩm này lên sân khấu được dự báo sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai. 

    kilala.vn 

    30/08/2022

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!