Netsuke: Tác phẩm điêu khắc "nhỏ mà có võ" của người Nhật
Phát triển từ chiếc nút buộc, khóa đầu dây để gắn các vật dụng như ví tiền lên thắt lưng Kimono xưa, Netsuke ngày nay trở thành tác phẩm chạm khắc vô cùng công phu, thể hiện tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân Nhật Bản.
Netsuke là gì?
“根付 – Netsuke” được ghép từ hai chữ "根 - Căn" (rễ) và "付 - Phó" (gắn vào), dùng để chỉ những đồ vật chạm khắc nhỏ được chế tác vô cùng tỉ mỉ, công phu, có chiều dài khoảng từ 3-5cm. Bởi vì quá tinh vi mà chúng còn được miêu tả là “vũ trụ thu nhỏ trong lòng bàn tay”.
Ban đầu Netsuke là những chiếc móc đơn giản để gắn những vật dụng cá nhân như Inro (chiếc hộp để đựng các vật nhỏ như con dấu hoặc thuốc), ví, túi đựng tẩu thuốc lá vào thắt lưng Obi của Kimono.
Về sau, Netsuke được chạm khắc, trang trí với đa dạng thiết kế và dần trở nên phổ biến trong các tầng lớp của xã hội Nhật Bản. Vào đầu thời Minh Trị (1868-1912), chúng được xem là tác phẩm nghệ thuật và được xuất khẩu ra nước ngoài, thu hút sự yêu thích từ những nhà sưu tập quốc tế.
Từ phụ kiện của Samurai
Những Netsuke đầu tiên là chiếc móc có hình nhẫn hoặc vòng tròn, được cho là bắt nguồn từ Kyoto. Vào cuối thế kỷ 16, trong thời kỳ các lãnh chúa tranh giành quyền lực, chiếc móc Netsuke đã xuất hiện trên trang phục của người dân chốn kinh đô.
Bấy giờ, trang phục của người Nhật có những thay đổi với sự phổ biến của Kosode (小袖) - tiền thân của Kimono với ống tay áo hẹp, buộc bằng một dải Obi mỏng. Thay vì giữ các vật dụng cá nhân bên trong tay áo, mọi người bắt đầu treo vật dụng cần thiết lên Obi bằng Netsuke. Người tiên phong cho phong cách thời trang này là các Samurai cấp thấp thích trưng diện và những thương gia giàu có mới nổi.
Bước vào thời Edo (1603-1868), Netsuke trở thành phụ kiện không thể thiếu với Samurai. Nhờ sự tiện lợi và tính thẩm mỹ, chúng được dùng để treo mọi loại vật dụng. Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, Netsuke được đón nhận nồng nhiệt bởi dân thường và trở thành phụ kiện không thể thiếu cho trang phục thường ngày. Cũng trong giai đoạn này, nó mới chính thức có tên là Netsuke.
Nếu ban đầu, chức năng của Netsuke là để treo đồ vật với thiết kế khá đơn giản, thì nhu cầu tăng lên đã khiến cho ngày càng có nhiều nghệ nhân thử chế tác Netsuke. Lúc này, đa dạng vật liệu từ gỗ hoàng dương, gỗ mun đến sừng hươu, ngà voi được sử dụng, cùng với đó là nhiều phương pháp trang trí như tô màu, phủ sơn mài Makie, khảm hoặc xà cừ.
Thế kỷ 19 là thời kỳ huy hoàng của Netsuke với nhiều nhà sưu tập lớn, một số thương gia giàu có còn thuê riêng các nghệ nhân để chế tác những tác phẩm cho riêng mình. Người dân thành thị lúc này "cạnh tranh" với nhau bằng những chiếc Netsuke sành điệu.
Đến di sản văn hóa quan trọng
Vào thời Minh Trị, việc du nhập rộng rãi trang phục phương Tây đã khiến cho độ phổ biến của Netsuke bị lu mờ. Cũng vào lúc này, chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật được coi trọng ở phương Tây và nhiều nhà sản xuất Netsuke trong nước bắt đầu sản xuất mặt hàng này để xuất khẩu.
Điều đó khuyến khích các nghệ nhận tạo ra nhiều tác phẩm Netsuke sáng tạo và tinh tế, đậm chất nghệ thuật hơn, nhưng cũng đồng nghĩa rằng nhiều tác phẩm Netsuke đình đám dần rời khỏi quê nhà Nhật Bản, bao gồm cả những tác phẩm có từ thời Edo.
Qua năm tháng, các nghệ nhân đã sáng tạo ra nhiều kiểu dáng khác biệt cho Netsuke. Loại hữu dụng nhất là Manjuu Netsuke, được đặt tên theo chiếc bánh bao hấp vì tương đồng về hình dáng, chúng được trang trí bằng nghệ thuật sơn mài Makie với nhiều lỗ ở bên dưới để luồn dây qua.
Phiên bản nâng cấp của Manjuu là Ryuusa được đặt tên theo nghệ nhân sáng tạo ra nó. Bên trong Ryuusa được khoét bỏ đi nhiều và để làm nên nó đòi hỏi phải có kỹ năng điêu luyện.
Netsuke
phổ biến nhất là Katabori, tức dạng mô hình hay đồ vật 3D. Thông thường
chúng mang hình dáng con người hoặc loài vật trong thần thoại, truyện
kể hoặc kịch Kabuki. Chúng có thể đại diện cho sở thích hoặc niềm tin tôn giáo của chủ sở hữu, giữ vai trò như bùa hộ mệnh... Tương tự như Katabori là Men Netsuke, dùng để
khắc họa mặt nạ Noh hay khuôn mặt của Thất Phúc Thần.
Để chế tác Netsuke, các nghệ nhân phải sử dụng khoảng 50 loại dao khác nhau để
chạm khắc những thiết kế phức tạp lên mẫu vật chỉ dài khoảng vài
centimet. Để hoàn thành tác phẩm, điều cần thiết là duy trì sự tập trung
cao độ nên thông
thường, nghệ nhân chỉ dành vài tiếng đồng hồ mỗi ngày để dồn hết sức
lực điêu khắc. Cùng với đánh bóng, tô màu và các công việc khác được
thực hiện song song, một tác phẩm Netsuke phải mất đến vài tháng mới
có thể hoàn thiện.
Kyoto Seishuu Netsuke - bảo tàng lưu giữ lịch sử của Netsuke
Hiện nay, có nhiều bộ sưu tập Netsuke đồ sộ bên ngoài nước Nhật, đặc biệt còn có những tác phẩm được bán với giá hàng chục triệu yên ở các phiên đấu giá quốc tế. Xứ sở mặt trời mọc vẫn còn hơn 100 trăm nghệ nhân chạm khắc Netsuke, nhưng những tác phẩm này dường như lại không được đánh cao tại quê nhà như nó làm được ở nước ngoài.
Vào năm 2007, Bảo tàng Nghệ thuật Kyoto Seishuu Netsuke được thành lập nhằm bảo tồn và trưng bày các tác phẩm Netsuke truyền thống được chế tác vô cùng tinh xảo. Được cải tạo từ một dinh thự của Samurai ở Mibu, Kyoto, đây là nơi duy nhất trưng bày Netsuke và tự hào sở hữu bộ sưu tập hơn 6.000 hiện vật, với khoảng 400 tác phẩm được trưng bày tại mỗi thời điểm.
Bên ngoài lối vào bảo tàng là tấm bia kỷ niệm chuyến viếng thăm của Công chúa Hisako, vợ của em họ Nhật hoàng Akihito và cũng là nhà sưu tập Netsuke có tiếng. Còn không gian nội thất truyền thống bên trong bảo tàng thì mang lại cho du khách cảm giác như được vượt thời gian trở về quá khứ.
Ông Date Atsushi, quản lý của bảo tàng cho biết Netsuke có khá đông fan hâm mộ và nhà sưu tập khắp thế giới, đồng thời nhấn mạnh “đôi khi du khách Nhật còn nói họ được giới thiệu bởi bạn bè nước ngoài”.
Dù ngày nay, Netsuke nổi tiếng chủ yếu vì độ tinh xảo nhưng ông Date cho biết chúng cũng rất hữu dụng để gắn vào các vật dụng khác như ví hay điện thoại thông minh. Ông Date đang sử dụng một Netsuke hình mèo cuộn tròn để treo ví bên mình, nhưng ông cũng cười và bảo rằng việc bị mất một chiếc Netsuke quý sẽ tiếc hơn cả khi mất đồ vật được gắn vào nó.
Để khuyến khích các nghệ nhân mới, Bảo tàng Nghệ thuật Kyoto Seishuu Netsuke cũng đã khởi xướng Giải thưởng Goden Netsuke Award hằng năm. Công chúa Hisako, một trong những nhà sưu tập Netsuke hàng đầu cũng đến tham dự cuộc thi với tư cách khách mời danh dự, điều này đã thu hút sự chú ý của truyền thông và giúp lan tỏa những tác phẩm chạm khắc nhỏ này đến với nhiều người hơn.kilala.vn
Bảo tàng Kyoto Seishu Netsuke:
- Địa chỉ: 46-1 Mibu Kayougoshochou, Nakagyou, Kyoto
- Giờ mở cửa: Từ 10h đến 17h (lượt cuối vào cửa là 16h30). Đóng cửa vào thứ Hai hàng tuần (hoặc thứ Ba nếu thứ Hai rơi vào ngày lễ), và các ngày 13-16/08, 29/12-05/01.
- Vé tham quan: Tiêu chuẩn: 1000 yên và 500 yên cho học sinh tiểu học, trung học.
- Cách di chuyển: Đi bộ 10 phút từ ga Omiya/ga Shijou Omiya hoặc đi bộ 2 phút từ trạm xe buýt Mibuderamichi.
12/04/2023
Bài: Rin
Nguồn: Nippon
Đăng nhập tài khoản để bình luận