Chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật gỗ phức tạp của nghệ sĩ người Nhật

    Một tác phẩm gỗ có thể phức tạp đến mức nào? Thông qua các tác phẩm chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ, nghệ sĩ Kango Suzuki sẽ cho bạn thấy rằng, với nghệ thuật là không có giới hạn.

    Âm thanh lọc cọc của nhiều bánh răng gỗ chuyển động lồng vào nhau bên trong một thiết bị cơ khí nghe rất vui tai, và mang lại sức hấp dẫn khi có thể chứng kiến cách chúng hoạt động.

    Những thiết bị được lắp ráp phức tạp như vậy ở Nhật Bản được gọi là “Karakuri”. Thông thường, cơ chế hoạt động của Karakuri không sử dụng điện mà dựa vào các bánh răng và trục được truyền lực bằng tay.

    suzuki
    Ảnh: ablogtowatch

    Nếu bạn thấy từ Karakuri hơi quen, thì đây cũng chính là tên của loại búp bê chuyển động cơ học xuất hiện từ xa xưa của Nhật và thường được gọi là Karakuri Ningyo.

    Nghệ sĩ Kango Suzuki là người chuyên tạo ra những tác phẩm như vậy, một trong số đó là Karakuri Kessai. Suzuki cho biết tác phẩm này bao gồm khoảng 2.000 bộ phận riêng biệt kết nối với nhau bằng những bánh răng chuyển động tròn, được lấy cảm hứng từ một chiếc máy tính tiền.

    Để bộ máy này hoạt động, bạn sẽ kéo chiếc cần gạt ở bên hông, khiến các bánh răng ăn khớp và quay. Song song với chuyển động đó thì 8 tấm vuông ở mặt trước sẽ lần lượt được lật lên, hiển thị đầy đủ chữ “Thank you”.

    dong-co
    Ảnh: japannews.yomiuri

    “Ngày nay có rất nhiều máy móc giống như hộp đen, hoạt động mà chúng ta không biết bên trong có gì. Tuy nhiên Karakuri cho phép mọi người được tận mắt chứng kiến ​​những chuyển động thực tế, điều này rất hấp dẫn”, Suzuki cho biết.

    Một tác phẩm khác của Suzuki là “Ha to Hana no Karakuri” lại gây được tiếng vang mạnh mẽ. Khi các động cơ hoạt động, bánh răng quay và những bông hoa, lá bằng gỗ sẽ mở và đóng gợi lên hình ảnh một sinh vật sống.

    tac-pham
    Các tác phẩm khác của Suzuki. Ảnh: japannews.yomiuri

    Thông thường, để thiết kế và hoàn thành một tác phẩm, anh Suzuki sẽ mất khoảng 2 – 3 tuần. Vật liệu sử dụng chủ yếu là các loại gỗ có kết cấu chắc chắn như gỗ sồi, gỗ anh đào, cắt các bộ phận bằng máy tự động, sau đó dũa, dùng dầu bôi trơn và lắp ráp các bộ phận theo cách thủ công.

    Nhiều người đã mô tả sản phẩm của Suzuki là “tuyệt vời”, một trong những tác phẩm của anh - “Homunculus” đã gây ra sự ngạc nhiên đáng kể. “Homunculus” có hai mắt, và chúng được thiết kế để chuyển động độc lập, bất quy tắc.

    Xem thêm: Haguruma: Bảng hiệu “đóng – mở” mang tính cách mạng

    kilala.vn

    Nguồn: japannews.yomiuri

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!