Lễ hội mùa hè nào hấp dẫn nhất xứ Phù Tang?
Các lễ hội địa phương tại Nhật Bản được tổ chức quanh năm nhưng phải đến mùa hè thì chúng mới thực sự tưng bừng, vì đây là khoảng thời gian của các kỳ nghỉ dài, mọi người có thời gian để du lịch và tận hưởng. Vậy trong vô vàn lễ hội mùa hè, đâu là sự kiện du khách muốn trải nghiệm nhất?
Trang web du lịch Hankyu Travel International đã dựa trên số lượng người đăng ký các chuyến du lịch liên quan đến lễ hội mùa hè vào năm 2022 để đưa ra câu trả lời. Sau đây là 8 thứ hạng bao gồm 11 lễ hội mùa hè được cho là hấp dẫn nhất với du khách.
Hạng 8: Gozan Okuribi, Kyoto (ngày 16 tháng 8)
Vào mùa hè, người Nhật có một kỳ nghỉ kéo dài một tuần gọi là “Obon”, theo dân gian, đây là thời điểm tổ tiên trở về cõi trần để thăm con cháu. Mỗi gia đình thường đốt lửa để soi sáng cho các linh hồn trở về với họ. Ở Kyoto, “gozan - năm ngọn núi” sẽ được thắp lửa vào cuối ngày lễ, được xem là nghi thức “okuribi” (lửa tiễn đưa) để dẫn đường cho người đã khuất trở về cõi âm. Gozan no Okuribi chính sự kiện khép lại mùa lễ Obon.
Hạng 7: Morioka Sansa Odori, Iwate (từ ngày 1 đến 4 tháng 8)
Lễ hội Morioka Sansa Odori là một cuộc diễu hành hoành tráng với trống, sáo, các bài hát và những vũ công, kèm theo câu “Sakkora Choiwayasse!” – lời vẫy gọi may mắn.
Cuộc diễu hành trống taiko là điểm nhấn lớn của lễ hội. Vào năm 2014, nó đã được Kỷ lục Guinness Thế giới chứng nhận là Đoàn trống Nhật Bản lớn nhất, với 3.437 người chơi trống Nhật cùng một lúc.
Hạng 6: Yosakoi Naruko Odori, Kochi (từ ngày 9 đến 12 tháng 8)
Lễ hội này bắt nguồn từ tỉnh Kochi vào năm 1954 như một cách để cầu nguyện cho sức khỏe, sự thịnh vượng của người dân và giúp quảng bá khu mua sắm. Mỗi đội sẽ biểu diễn một điệu nhảy độc đáo trong trang phục của riêng họ, tất cả mọi người đều sử dụng một đạo cụ gọi là naruko*. Vào cuối ngày, đội chiến thắng sẽ được trao giải.
*Naruko (鳴子): vật bằng gỗ, có cán cầm, phía trên có 3 thanh gỗ nhỏ để khi lắc phát ra tiếng kêu và thường được làm từ gỗ thông để đảm bảo yếu tố nhẹ. Naruko có xuất xứ từ tỉnh Kochi, vốn là dụng cụ được nông dân sử dụng để đuổi chim chóc tránh xa khỏi ruộng lúa
Hạng 5: Goshogawara Tachineputa, Aomori (từ ngày 4 đến 8 tháng 8)
Sự kiện này nổi tiếng với các kiệu Tachineputa khổng lồ, chiều cao có thể đạt đến 23m. Nếu so với Lễ hội Aomori Nebuta, những lồng đèn khổng lồ trưng trên kiệu có thể hẹp hơn nhưng vẫn đầy màu sắc và hấp dẫn không kém. Những chiếc xe diễu hành chạy qua thành phố Goshogawara cùng với âm nhạc, điệu múa và tiếng hô “Yattemare! Yattemare!”.
Hạng 4: Lễ hội Gion, Kyoto (từ ngày 1 đến 31 tháng 7)
Đây là lễ hội nổi tiếng tổ chức tại đền Yasaka, được cho là đã bắt đầu từ 1.100 năm trước. Sự kiện diễn ra trong cả tháng 7, với nhiều hoạt động khác nhau như Mikoshiarai (nghi thức thanh tẩy Mikoshi) thu hút rất đông người tham gia.
Điểm nhấn của lễ hội là “Cuộc diễu hành Yamaboko” với những chiếc kiệu diễu hành gọi là “yamahoko” với phần trang trí lộng lẫy đến mức được mệnh danh là “bảo tàng nghệ thuật di động”.
Xem thêm: Lễ hội Gion tại Kyoto - Nét đẹp văn hóa
Hạng 3: Awa Odori, Tokushima (từ ngày 12 đến 15 tháng 8)
Awa Odori của Tokushima bao gồm ba vũ điệu: “vũ điệu nam giới” thể hiện sự năng động và dũng cảm, “vũ điệu nữ giới” thể hiện sự duyên dáng và thanh lịch, và “vũ điệu thiếu nhi” sôi nổi, vui nhộn.
Awa Odori được biểu diễn ở nhiều nơi khác nhau trong tỉnh Tokushima, nhưng điệu múa tiêu biểu nhất được biểu diễn ở thành phố Tokushima. Đây là một lễ hội quy mô lớn với khoảng 1,3 triệu người tham gia, trong đó có 100.000 vũ công.
Hạng 2: Owara Kaze no Bon, Toyama (từ ngày 1 đến 3 tháng 9)
Owara Kaze no Bon là một sự kiện truyền thống được tổ chức ở thị trấn Yatsuo trong bầu không khí bí ẩn. Đàn ông và phụ nữ mặc yukata, khoác áo happi đội mũ rơm và nhảy theo giai điệu bài “Owarabushi” u sầu trong ba ngày ba đêm.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của từ "Owara", một số cho rằng nó đề cập đến "oowarai" (tiếng cười sảng khoái), giả thuyết khác lại nói rằng nó bắt nguồn từ từ "oowara" (ống hút lớn) hoặc một từ cũ chỉ địa danh “Owaramura” (làng Owara).
“Kaze no Bon” có nghĩa là “Vũ điệu Obon của gió”, và vì có nhiều cơn bão vào thời điểm này trong năm nên có thể lễ hội ban đầu được khởi xướng như một cách để tránh bão và cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu.
Hạng 1: Bốn lễ hội lớn của vùng Tohoku
Có chút thú vị ở vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, vì đây không chỉ là một mà bao gồm đến bốn lễ hội khác nhau thường được gọi là bốn lễ hội lớn nhất của vùng Tohoku.
Lễ hội Nebuta, Aomori (từ ngày 2 đến 7 tháng 8)
Aomori Nebuta là lễ hội Tanabata (Thất tịch) lớn nhất trong các lễ hội chính ở vùng Tohoku. Lễ hội sống động này nổi tiếng thế giới với những chiếc kiệu lồng đèn khổng lồ được thắp sáng rực rỡ.
Lễ hội Kanto, Akita (từ ngày 3 đến 6 tháng 8)
Trong lễ hội, hàng nghìn chiếc đèn lồng giấy được treo trên những chiếc cột nặng 12m do những người tham gia giữ thăng bằng một cách thần kỳ trong lòng bàn tay, vai, hông và trán của họ.
Xem thêm: Lễ hội Akita Kanto: Bầu trời đêm rực rỡ với 10.000 đèn lồng
Lễ hội Tanabata, Sendai (từ ngày 6 đến 8 tháng 8)
Lễ hội Sendai Tanabata là một trong những lễ hội Tanabata hàng đầu của Nhật Bản. Sự kiện truyền thống kỷ niệm cuộc gặp gỡ trên trời của Orihime và Hikoboshi - những người yêu nhau bị ngăn cách bởi Dải Ngân hà và chỉ được phép gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch.
Có niên đại từ đầu thời kỳ Edo (1603 – 1868), Lễ hội Sendai Tanabata được biết đến với những đồ trang trí bắt mắt dọc các con phố của thành phố.
Lễ hội Hanagasa, Yamagata (từ ngày 5 đến 7 tháng 8)
Là một lễ hội tôn vinh âm nhạc và điệu múa truyền thống của khu vực, Hanagasa Matsuri là một trong những lễ diễu hành lớn nhất vùng Tohoku, thu hút hơn 1 triệu khán giả trong ba ngày tổ chức.
Theo nhịp trống taiko đầy mê hoặc, khoảng 10.000 vũ công địa phương trong trang phục Yukata rực rỡ đi theo những chiếc xe diễu hành được trang trí lộng lẫy.
Xem thêm: Vì sao có rất nhiều lễ hội mùa hè ở Nhật Bản?
kilala.vn
23/06/2023
Bài: Ciro
Nguồn: Sora News
Đăng nhập tài khoản để bình luận