Xu hướng mỹ phẩm phi giới tính nở rộ tại Nhật Bản

    Xu hướng cung ứng sản phẩm phi giới tính đang làm thay đổi bộ mặt của ngành mỹ phẩm Nhật Bản, với việc thế hệ trẻ ngày càng ít đi theo khuôn mẫu cho rằng mỹ phẩm chỉ dành cho phái đẹp.

    Mỹ phẩm phi giới tính lên ngôi 

    Theo một nhân viên tại cửa hàng thuộc nhà phân phối bán lẻ Loft Co., ở phường Kita, Osaka, việc nam giới tìm kiếm mỹ phẩm giảm giá đang dần trở nên phổ biến hơn trong vài năm qua. Trên kệ hàng của Loft, hình ảnh quảng cáo son môi trông thu hút vì có cả hình ảnh người mẫu nam và người mẫu nữ.

    Anh Koki Yamamura, 23 tuổi, nhân viên công ty Loft cầm một trong những thỏi son lên và chia sẻ: “Trang điểm giúp tôi cảm thấy vui vẻ”. Yamamura bắt đầu sử dụng các sản phẩm làm đẹp như kem che khuyết điểm cách đây 2 năm, khi công ty sáp vuốt tóc yêu thích của anh bắt đầu bán mỹ phẩm dành cho nam giới. Yamamura cho biết bạn bè là nam giới của anh cũng đang sử dụng dòng son môi dành cho phụ nữ. 

    mỹ phẩm phi giới tính tại Loft
    Mỹ phẩm phi giới tính được bày bán trên kệ cửa hàng Loft ở phường Kita, Osaka. Ảnh: Asahi

    Yamamura bày tỏ: “Nhờ trang điểm, tôi có thể trở thành phiên bản mà mình mong muốn. Tôi nghĩ quan niệm trang điểm chỉ dành cho phụ nữ đã lỗi thời”. 

    Theo Loft, những sản phẩm làm đẹp của nước ngoài quảng bá ý tưởng phi giới tính bắt đầu được đưa lên kệ của công ty vào mùa xuân cách đây 2 năm. 

    Trên trang chủ, Cotisuelto, công ty mỹ phẩm có trụ sở tại Tokyo đưa ra slogan: “Sản phẩm trang điểm dành cho tất cả mọi người!”. Từ tháng 03/2022, công ty đã tung ra sản phẩm sơn móng tay 12 màu đến từ iLLO – một thương hiệu mỹ phẩm phi giới tính. 

    Hiện tại, công ty đã cho ra mắt 4 sản phẩm làm đẹp phi giới tính bao gồm chì kẻ lông mày với thiết kế màu đen đơn giản. Ayana Yano, 29 tuổi, Chủ tịch của Cotisuelto chia sẻ: “Nam giới tìm thấy niềm vui khi sơn móng tay dễ dàng như cách họ đeo một chiếc nhẫn vậy”. 

    mỹ phẩm thương hiệu Aimmx
    Các sản phẩm làm đẹp của thương hiệu Aimmx từ công ty G.O Holdings, với tờ quảng cáo có cả mẫu nam và nữ. Ảnh: Asahi 

    Khi lên kế hoạch quảng bá các thương hiệu mỹ phẩm đến những cosplayer tại một công ty làm đẹp, Yano đã nhận ra tiềm năng của mỹ phẩm phi giới tính. Cô thấy rằng nam giới cũng yêu thích và học về trang điểm, nhưng nhiều người trong số họ lại cảm thấy không thoải mái khi mua các sản phẩm hướng tới phái đẹp. Đồng thời, nhiều phụ nữ cũng có thể ưa chuộng các sản phẩm đơn giản.

    Từ đó, Yano đi đến quyết định thành lập công ty: “Tôi muốn sáng tạo ra loại mỹ phẩm mà bất kỳ ai cũng có thể thích thú sử dụng”. 

    Bên cạnh Cotisuelto, công ty mỹ phẩm Cella Inc., đặt trụ sở tại Tokyo cũng đã bắt đầu bán mascara lông mày với ảnh bao bì có cả người mẫu nam và nữ vào tháng 10/2021. Công ty hướng đến đối tượng nam giới quan tâm đến lông mày của mình khi việc họp trực tuyến ngày càng phổ biến hơn, do ảnh hưởng của đại dịch.

    Xem thêm: Ngành làm đẹp cho nam giới Nhật tăng trưởng trong dịch COVID

    Hòa vào xu hướng chung, tháng 02/2021, công ty Naris Cosmetics Co. ở Osaka đã thay đổi bao bì cho sản phẩm phấn phủ nữ từ màu hồng sang trắng, giúp doanh số bán hàng tăng gấp 3 lần. 

    Khá nhiều cửa hàng lớn cũng đã đi theo xu hướng mỹ phẩm phi giới tính. Chẳng hạn như cửa hàng Isetan Shinjuku tại Tokyo đã đưa hình ảnh cả người mẫu nam lẫn nữ lên catalog mỹ phẩm vào năm 2022 với chủ đề “Vẻ đẹp không biên giới”. 

    Isetan Shinjuku
    Tờ catalog của Isetan Shinjuku giới thiệu xu hướng làm đẹp mùa thu cho nam và nữ. Ảnh: Asahi

    Thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới bắt đầu phát triển vào khoảng năm 2017, theo công ty nghiên cứu Intage Inc. của Nhật Bản. Thị trường nhanh chóng được mở rộng trong suốt đại dịch khi ngày càng nhiều người quan tâm đến ngoại hình của mình trong các cuộc họp trực tuyến. Doanh số mỹ phẩm dành cho nam giới từ tháng 01/2022 đến tháng 10/2022 ước tính đạt 34,9 tỷ yên, tăng 4% so với năm ngoái. 

    Anh Yuki Ishikawa, 36 tuổi, nghệ sĩ trang điểm và làm tóc chia sẻ: “Thời đại đã đổi thay”. Với Ishikawa, mặc dù đảm đương công việc trang điểm cho nhiều người nổi tiếng và người mẫu nhưng bản thân anh chỉ sử dụng lotion để dưỡng da. 

    Xem thêm: Làm đẹp lông mày và mắt khởi sắc trong "thời đại khẩu trang"

    Cách đây 15 năm, anh từng nói với một người bạn rằng thậm chí không nên sử dụng lotion trước mặt phụ nữ bởi điều này khiến phái đẹp mất hứng thú với họ. Nhưng hiện nay, mọi chuyện đã khác.

    Khi Ishikawa giới thiệu loại mỹ phẩm anh thường sử dụng cho công việc trang điểm tại cuộc họp trực tuyến được tổ chức bởi một tạp chí, một số nam giới chia sẻ họ đã thực hiện theo các mẹo mà anh đưa ra. 

    Ishikawa nghĩ rằng mỹ phẩm vẫn còn chưa phổ biến với nam giới không phải người nổi tiếng hoặc làm trong ngành mỹ phẩm. “Xã hội của chúng ta có thể trở nên thú vị hơn nếu mọi người không còn ngạc nhiên khi nhìn thấy đàn ông sử dụng mỹ phẩm”, anh nói. 

    Phá vỡ khuôn mẫu 

    Izumi Yonezawa, giáo sư tại Đại học Phụ nữ Konan với những nghiên cứu về văn hóa trang điểm cho biết, vào những năm 80, việc trang điểm cho nam giới được xem là một điều gì đó đặc biệt chỉ dành riêng cho các nhạc công, vũ công. 

    Thậm chí khoảng những năm 90 cho đến đầu thế kỷ 21, khi ngày càng nhiều vận động viên nam cạo lông mày thì với nam giới bấy giờ, họ cũng chỉ chấp nhận việc cạo lông chân.

    mỹ phẩm phi giới tính tại nhật bản
    Bảng màu mắt dành cho cả nam lẫn nữ của thương hiệu LAKA. Ảnh: harumari.tokyo

    Khi nam giới chăm sóc da, thỉnh thoảng họ bị chế giễu và gọi là “đàn ông nữ tính”. Yonezewa cho biết: “Nam giới đã do dự sử dụng mỹ phẩm trong một thời gian dài”. 

    Nhưng kể từ cuối những năm 2010, ngày càng nhiều nam giới trang điểm. Yonezawa chỉ ra mọi người ngày nay quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giới. Những nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc nổi tiếng như BTS trang điểm khi biểu diễn và thông tin về makeup đã dễ tiếp cận hơn nhờ mạng xã hội. 

    Bà Yonezawa bày tỏ: “Nó đại diện cho sự đa dạng đang ngày càng được coi trọng. Trang điểm giống như một tấm gương phản ánh xã hội đã tiến xa ra sao để không còn phân biệt giới tính. Rồi chúng ta cũng sẽ thoát khỏi quy tắc tồn tại từ thời Minh Trị (1868 – 1012) rằng trang điểm chỉ dành cho phụ nữ”. 

    kilala.vn

    28/02/2023

    Bài: Rin
    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!