Những bảo tàng dành cho hội đam mê văn học Nhật Bản

    Văn học Nhật Bản với những tên tuổi lớn như Osamu Dazai, Natsume Soseki hay Higuchi Ichiyo đến nay vẫn nhận được sự mến mộ rộng rãi từ độc giả trong và ngoài nước. Để tưởng nhớ các tác gia vĩ đại và lưu giữ di sản quan trọng của họ cho hậu thế, nhiều bảo tàng đã được xây dựng tại Nhật. 

    Những bảo tàng này nằm rải rác trên khắp Nhật Bản và thường được xây tại chính quê hương của tác giả hoặc khu vực gần đó. Các fan hâm mộ có thể “ngược dòng lịch sử” để hiểu sâu hơn về những tác gia lớn của nền văn học Nhật qua các bảo tàng trải dài từ Tohoku đến Kyushu.

    Bảo tàng tưởng niệm Osamu Dazai

    Là một trong những cây bút lừng danh ở thế kỷ 20 của xứ sở hoa anh đào, Dazai Osamu (1909 – 1948) được biết đến rộng rãi với tác phẩm “Ningen Shikkaku” (1948). Đây là một kiệt tác để đời của Dazai đề cập đến các chủ đề như tách biệt xã hội và chứng rối loạn trầm cảm mãn tính, cũng là cuốn sách bán chạy thứ hai tại Nhật chỉ sau tác phẩm “Nỗi lòng” của Natsume Soseki. Tại Việt Nam, tác phẩm đã được nhà sách Phương Nam phát hành dưới tên “Thất lạc cõi người”.

    nhà văn dazai osamu
    Nhà văn Osamu Dazai được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến với tác phẩm "Thất lạc cõi người". Ảnh: memory-palace.hatenablog.com

    Bảo tàng tưởng niệm Osamu Dazai ban đầu chính là ngôi nhà mà tác giả sống từ thuở ấu thơ, do cha ông, Genemon Tsushima, một địa chủ có sức ảnh hưởng lớn của tỉnh Aomori xây dựng vào năm 1907 – hai năm trước khi Dazai chào đời.

    Ngôi nhà kiểu Nhật truyền thống được xây dựng phần lớn bằng gỗ bách Aomori, nhưng chứa đựng một số đặc trưng của phương Tây, đặc biệt là ở thiết kế cầu thang và phần khung của mái nhà.

    bảo tàng tưởng niệm osamu dazai
    Bảo tàng tưởng niệm Osamu Dazai chính là ngôi nhà nơi nhà văn sinh ra và lớn lên. Ảnh: Tokyoweekender

    Sau khi nhà văn Dazai tự kết liễu đời mình vào năm 1948, căn nhà đã được chuyển thành một lữ quán và bảo tàng tư nhân nhỏ để tưởng nhớ cố nhà văn. Đến năm 1996, chính quyền tỉnh đã mua lại nơi đây, cải tạo nhưng vẫn giữ lại cấu trúc gỗ của ngôi nhà.

    Bảo tàng mang đến cơ hội hiếm hoi cho du khách được khám phá về những năm thơ ấu của nhà văn khi chiếc áo choàng yêu thích của ông hay bút viết, thư từ và những bản nháp vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn. 

    • Địa chỉ: 412-1 Asahiyama, Kanagi-machi, thành phố Goshogawara City, tỉnh Aomori
    • Website: dazai.or.jp

    Xem thêm: Truyện ngắn Dazai Osamu

    Bảo tàng tưởng niệm Miyazawa Kenji

    Miyazawa Kenji (1896 – 1933) sinh ra tại Hanamaki, tỉnh Iwate là nhà văn, nhà thơ làm say mê biết bao thế hệ trẻ em Nhật với những câu chuyện cổ tích màu nhiệm. Trong đó, tác phẩm truyện ngắn “Gauche the Cellist – Người chơi đàn Cello” của ông đã được chuyển thể thành anime cùng tên bởi Isao Takahata, đạo diễn của “Grave of the Fireflies” và được giới chuyên môn đánh giá cao. 

    Là một nhà văn, thi sĩ tài năng, nhà hoạt động xã hội tích cực, một Phật tử, đóng góp của ông trải dài trên các lĩnh vực từ văn học, khoa học, nông nghiệp và giáo dục Nhật Bản. Đặc biệt, tác phẩm “Matasaburo - từ phương của gió” và "Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà" của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và phát hành bởi công ty sách Tao Đàn.

    nhà văn nhà thơ miyazaki kenji
    Chân dung nhà văn Miyazawa Kenji. Ảnh: Wikipedia 

    Đến với bảo tàng Miyazawa Kenji, du khách được bước vào thế giới của ý tưởng và trí tưởng tượng vô hạn của tác giả. Đặc biệt, đừng bỏ lỡ tác phẩm “Ame ni mo Makezu”; không chỉ đơn thuần là một bài thơ, nó còn được ví như kim chỉ nam cho cuộc sống. Học sinh tiểu học tại quê nhà Iwate của thi sĩ thường thuộc làu bài thơ trước khi tốt nghiệp. Đến tận ngày nay, người dân Hanamaki vẫn rất mực tôn kính và gọi ông bằng cái tên thân mật là “Kenji-sensei”.

    bảo tàng tưởng niệm miyazaki kenji
    Lối vào dễ thương tại bảo tàng tưởng niệm Miyazawa Kenji. Ảnh: Nippon 

    Bên ngoài bảo tàng là một khu vườn hoa khoe sắc. Từ bảo tàng, du khách có thể đi bộ đến “Miyazawa Kenji Dowa Mura – Làng cổ tích Miyazawa”. Nơi đây cũng trưng bày nhiều sáng tác của cố nhà thơ và sở hữu không gian rộng rãi rất phù hợp để dã ngoại hoặc cho trẻ em chơi đùa. Vào cuối tuần cũng như các ngày lễ, nhiều nghệ nhân địa phương dựng các gian hàng để bán đồ thủ công. 

    bên trong bảo tàng miyazawa kenji
    Bên trong bảo tàng trưng bày cây cello cố văn sĩ từng chơi, bên cạnh là cây violin của em gái ông. Ảnh: Nippon 

    Bảo tàng tưởng niệm Natsume Soseki 

    Đại văn hào Natsume Soseki (1867 – 1916) được xem là một trong ba trụ cột của nền văn học hiện đại Nhật Bản và là danh nhân được in trên tờ 1.000 yên phát hành vào năm 1984. Soseki là một trong những học giả người Nhật đầu tiên du học tại Anh quốc nên ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn học Anh.

    Sinh trưởng trong bối cảnh sự đối đầu của hai nền văn hóa Đông – Tây len lỏi vào đời sống của người dân Nhật, Natsume Soseki đã hòa trộn tư tưởng lý luận Đông – Tây để tạo nên trường phái riêng cho mình. Tác phẩm đầu tay của ông là “Wagahai wa neko de aru – Tôi là con mèo" (năm 1905) và sau đó, “Botchan – Cậu ấm” (năm 1908) đã đưa tên tuổi ông vụt sáng. 

    nhà văn natsume soseki
    Đại văn hào Natsume Soseki. Ảnh: Wikimedia Commons 

    Bảo tàng tưởng niệm Natsume Soseki được xây dựng ở quận Shinjuku, Tokyo, nơi ông cất tiếng khóc chào đời và trải qua chín năm cuối của cuộc đời. Ngoài các tác phẩm cùng tư liệu lịch sử về Natsume, nơi đây còn có thư viện ấn tượng với 3.500 cuốn sách và một quán cà phê sách yên tĩnh.

    bảo tàng tưởng niệm natsume soseki
    Bảo tàng tượng niệm Natsume Soseki tại Shinjuku. Ảnh: Tokyoweekender
    bên trong bảo tàng natsume soseki
    Không gian bên trong bảo tàng tưởng niệm Natsume Soseki. Ảnh: whereintokyo.com

    • Địa chỉ: 7 Wasedaminamicho, quận Shinjuku, Tokyo
    • Website: soseki-museum.jp

    Bảo tàng tưởng niệm Ichiyo 

    Dù chỉ sống vỏn vẹn 24 năm và sáng tác vào 5 năm cuối đời, nữ văn sĩ Higuchi Ichiyo (1872 – 1896) đã để lại một kho tàng các tác phẩm văn học vượt thời gian với 21 truyện ngắn, hàng nghìn bài thơ và các cuốn nhật ký. Bà cũng là nữ nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật và trở thành người phụ nữ thứ ba tại Nhật được in chân dung lên tờ 5.000 yên. 

    nhà văn higuchi ichiyo
    Chân dung nhà văn Higuchi Ichiyo. Ảnh: Wikipedia 

    Trong đó tác phẩm “Takekurabe” (năm 1896) của cố văn sĩ đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề “Một mùa thơ dại” (Hội Nhà Văn) và ra mắt độc giả Việt vào năm 2013. 

    bảo tàng tưởng niệm higuchi ichiyo
    Bảo tàng tưởng niệm Ichiyo. Ảnh: taitocity.net

    Bảo tàng tưởng niệm Ichiyo được xây dựng tại khu phố Ryosen, quận Taito, Tokyo, nơi bà từng sống và lấy nguồn cảm hứng sáng tác nên tác phẩm “Takekurabe”. Đây cũng là bảo tàng đầu tiên tại Nhật tưởng niệm một nhà văn nữ. 

    • Địa chỉ: 3-18-4 Ryusen, quận Taito, Tokyo
    • Website: taitocity.net

    Bảo tàng văn học Endo Shusaku

    Endo Shusaku (1923 – 1996) là nhà văn Nhật Bản hiếm hoi khai thác chủ đề về thần học và lịch sử. Trên trường quốc tế, ông nổi danh sau khi cuốn tiểu thuyết “Chinmoku – Trầm mặc” (1966) được Martin Scorsese chuyển thể thành bộ phim "Silence" vào năm 2016.

    Trước đó, "Chinmoku" đã được đạo diễn Masahiro Shinoda chuyển thể thành phim vào năm 1971. Tác phẩm là câu chuyện về một nhà truyền giáo Dòng Tên được cử đến Nhật Bản vào thế kỷ 17 và phải hoạt động ẩn danh. 

    nhà văn endo shusoku
    Chân dung nhà văn Endo Shusaku. Ảnh: ndbooks.com

    Một tác phẩm kinh điển khác của Endo Shusaku là “The Samurai”, câu chuyện hư cấu về sứ mệnh ngoại giao của Hasekura Tsunenaga đến Tây Ban Nha, Mexico, Rome vào thế kỷ 17. Tại Việt Nam, người đọc có thể tìm thấy tác phẩm "Bên dòng sông hằng" do Nhã Nam phát hành vào năm 2018.

    bảo tàng văn học endo shusaku
    Bảo tàng văn học Endo Shusaku. Ảnh: Wikipedia 

    Bảo tàng văn học Endo Shusaku được xây dựng gần bối cảnh diễn ra câu chuyện trong tác phẩm "Chinmoku". Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng hàng loạt đồ dùng cá nhân cũng như các bản thảo của văn sĩ.

    Hơn nữa, kho tàng văn chương mà tác giả để lại vẫn còn vô cùng phong phú. Vào năm 2020, bảo tàng đã phát hiện ra một cuốn tiểu thuyết hoàn thiện vẫn chưa được xuất bản, cũng như trong đầu năm nay, là ba vở kịch khác của cố văn sĩ. 

    kilala.vn

    27/05/2022

    Bài: Rin

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!