Tỉnh Saga và những địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ

    Là một tỉnh nhỏ nằm ở phía Tây của đảo Kyushu, Saga là vùng đất nổi tiếng về gốm sứ, đặc biệt đồ sứ từ thị trấn Arita và Imari không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả quốc tế. Bên cạnh đồ gốm, ở Saga còn có những địa điểm du lịch hấp dẫn như các thị trấn suối nước nóng hay các di tích lịch sử. Trong bài viết này, hãy cùng Kilala điểm qua những điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến Saga nhé!

    Công viên Lịch sử Yoshinogari, quận Kanzaki

    Công viên Lịch sử Yoshinogari là địa điểm lớn nhất Nhật Bản lưu giữ những tàn tích được cho là có niên đại từ thời kỳ Yayoi (khoảng năm 300 TCN đến 300). Với diện tích khổng lồ 73,7ha, nơi đây có hàng chục nhà hố, nhà kho trên cao, đền thờ và hơn 2.000 ngôi mộ đã được khai quật. 

    công viên lịch sử yoshinogari
    Công viên Lịch sử Yoshinogari lưu giữ những tàn tích thời Yayoi. Ảnh: vn.zekkeijapan.com, kyushu.com

    Ngày nay, địa điểm khảo cổ có giá trị học thuật lớn này đang được bảo tồn với những ngôi làng được xây dựng lại, là nơi trưng bày các đồ thủ công và di vật cổ xưa như dao đồng và hạt thủy tinh trang trí.

    Nếu yêu thích lịch sử và muốn tìm hiểu về nền văn minh Nhật Bản cổ đại, Công viên Lịch sử Yoshinogari là nơi không thể nào lý tưởng hơn.

    Lâu đài Saga, thành phố Saga 

    Lâu đài Saga là một “hiraijiro”, tức kiểu lâu đài được xây dựng ở đồng bằng và chỉ được bao quanh bởi một bức tường, thay vì xây dựng ở vùng đồi núi, trên nền đá như nhiều tòa thành khác tại Nhật Bản.

    lâu đài saga
    Lâu đài Saga là một hiraijiro. Ảnh: japanesecastle.jp

    Lâu đài ban đầu được xây dựng vào thế kỷ 16 nhưng đã bị phá hủy do hỏa hoạn hoặc chiến tranh, sau đó được xây dựng lại nhiều lần trong nhiều thế kỷ. Cung điện chính hiện nay được xây lại từ năm 2001 đến năm 2004, trở thành lâu đài bằng gỗ lớn nhất ở Nhật Bản. 

     “Thủ phủ” gốm sứ: thị trấn Arita và thành phố Imari

    Tỉnh Saga thường được biết đến là vùng đất gốm sứ, trong đó Arita và Imari là những địa phương nổi tiếng nhất về sản xuất đồ sứ truyền thống. Thị trấn Arita là “cái nôi” sản sinh ra đồ sứ Nhật Bản từ cách đây khoảng 360 năm.

    gốm sứ arita imari
    Arita và Imari nổi tiếng về sản xuất gốm sứ. Ảnh: blog.japanwondertravel.com

    Trong khi đó, Imari hưng thịnh ban đầu là một thành phố cảng xuất khẩu đồ sứ Arita, nhưng trong thời kỳ Minh Trị, người dân ở đây đã tự sản xuất gốm sứ của địa phương. 

    Ở cả Arita và Imari đều có các cửa hàng và phòng trưng bày, nơi du khách có thể mua đồ gốm sứ để làm quà lưu niệm hoặc quà tặng. Đặc biệt Công viên Gốm sứ Arita tọa lạc ở thị trấn Arita với kiến trúc mô phỏng theo Cung điện Zwinger ở Đức là địa điểm không thể bỏ qua.

    công viên gốm sứ arita
    Công viên Gốm sứ Arita. Ảnh: pitert.ru
    [subscribe]

    Khu suối nước nóng Takeo, thành phố Takeo

    Takeo Onsen là khu nghỉ dưỡng suối nước nóng với hơn 1.300 năm lịch sử. Cột mốc của Takeo Onsen là cổng của Nhà tắm công cộng Takeo Onsen được xây dựng vào năm 1915, thiết kế bởi Kingo Tatsuno - cha đẻ của kiến trúc Nhật Bản hiện đại và đã được chỉ định là Di sản quốc gia.

    suối nước nóng takeno
    Cổng Nhà tắm công cộng Takeo Onsen do kiến trúc sư Kingo Tatsuno thiết kế. Ảnh: visit-kyushu.com

    Chiếc cổng nổi bật với phong cách kiến trúc độc đáo, đặc trưng là không sử dụng đinh. Khi đi qua cổng, bạn có thể nhìn thấy một số tòa nhà như Takeo Onsen Shinkan, cũng là một công trình do Kingo Tatsuno thiết kế, từng được sử dụng làm nhà tắm công cộng và hiện là nhà nghỉ với các cửa hàng quà tặng. Tòa nhà bao gồm ba phòng tắm công cộng và hai phòng tắm riêng, nơi du khách có thể đặt trước để tận hưởng cùng gia đình hay bạn bè. 

    Gần khu nghỉ dưỡng suối nước nóng là Mifuneyama Rakuen, một khu vườn rộng lớn nằm dưới chân núi Mifune, được xây dựng vào năm 1845 bởi lãnh chúa Shigeyoshi Nabeshima. Khu vườn được thiết kế cẩn thận để toát lên vẻ đẹp của từng mùa, đặc biệt vào mùa xuân và mùa hè, Mifuneyama Rakuen tràn ngập vô số loại hoa. 

    Ngoài ra, gần Takeo Onsen còn có Đền Takeo - ngôi đền cổ nhất trong thành phố và nổi tiếng với cây long não lớn ước tính 3.000 năm tuổi sừng sững trong khuôn viên đền thờ.

    cây long não ở đền takeo
    Cây long não 3.000 năm tuổi ở Đền Takeo. Ảnh: kyushuandtokyo.org

    Suối nước nóng Ureshino, thành phố Ureshino

    Ureshino Onsen là thị trấn suối nước nóng nổi tiếng với làn nước nóng trong vắt, êm dịu, có tính kiềm cùng các khoáng chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thị trấn suối nước nóng này cũng được bình chọn là một trong những suối nước nóng hàng đầu có tác dụng làm đẹp da ở Nhật Bản. 

    Trong đó, “Siebold no yu” là một cơ sở suối nước nóng công cộng được nhiều người biết đến, với tên gọi được đặt theo nhà khoa học Đức sống ở thế kỷ 19, người rất thích tắm suối nước nóng ở Ureshino trong thời gian sinh sống tại Nhật Bản. Cơ sở bao gồm nhà tắm công cộng, phòng trưng bày và khu vực nghỉ ngơi. 

    ureshino onsen
    Cơ sở suối nước nóng Siebold no yu. Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS

    Ngoài ra, thị trấn còn có rất nhiều khách sạn và ryokan (nhà trọ truyền thống của Nhật Bản) cũng như suối nước nóng nơi du khách có thể thoải mái tận hưởng, thư giãn.

    Đền Yutoku Inari, thành phố Kashima

    Đền Yutoku Inari là một trong ba ngôi đền hàng đầu Nhật Bản dành tiêng cho thần Inari, cùng với Đền Fushimi Inari ở Kyoto và Đền Toyokawa Inari ở Aichi. 

    *Inari: vị thần của gạo, trà và rượu sake; của nông nghiệp và công nghiệp; của sự thịnh vượng và thành công trong thế gian.

    đền yutoku inari
    Đền Yutoku Inari. Ảnh: blog.japanwondertravel.com

    Ngôi đền được xây dựng trên sườn đồi dốc của một thung lũng vào năm 1687 bởi phu nhân của lãnh chúa cai quản vùng. Sảnh chính của đền đứng trên những thanh xà gỗ cao 18m so với đáy thung lũng.

    Từ sảnh chính có một con đường đi bộ dẫn sâu hơn vào ngọn đồi rậm rạp cây cối, nơi đây có nhiều cổng Torii và một số đền thờ nhỏ hơn. Trên đỉnh đồi, bạn có thể tìm thấy điện thờ nhỏ dành cho linh hồn một con cáo trắng, sứ giả của thần Inari. Từ đỉnh đồi, bạn cũng có thể nhìn thấy khung cảnh tuyệt đẹp của Thành phố Kashima và Biển Ariake gần đó.  

    Bảo tàng Khinh khí cầu Saga, thành phố Saga

    Các cuộc thi khinh khí cầu đã được tổ chức ở Kyushu từ năm 1978 và ở tỉnh Saga từ năm 1981. Saga cũng chính là quê hương của lễ hội khinh khí cầu lớn nhất châu Á “Saga International Balloon Fiesta”. 

    saga international balloon fiesta
    “Saga International Balloon Fiesta” - lễ hội khinh khí cầu lớn nhất Châu Á. Ảnh: fukuoka-now.com

    Đây là lễ hội khinh khí cầu quốc tế được tổ chức từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, thu hút hơn 800.000 người tham gia mỗi năm. Đến với lễ hội, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng hàng trăm quả khinh khí cầu khổng lồ, rực rỡ lơ lửng trên bầu trời Saga.

    Ngoài lễ hội, bạn vẫn có thể trải nghiệm và tìm hiểu về khinh khí cầu ở Bảo tàng Khinh khí cầu Saga – bảo tàng khinh khí cầu cố định đầu tiên được thành lập ở tỉnh Saga vào tháng 10 năm 2016.

    bảo tàng khinh khí cầu saga
    Bảo tàng Khinh khí cầu Saga. Ảnh: kyushuandtokyo.org

    Bên trong bảo tàng có một phòng chiếu lớn nơi du khách có thể xem video về Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế Saga nổi tiếng thế giới, ngoài ra là gian triển lãm về khinh khí cầu và một phòng mô phỏng cho bạn trải nghiệm cảm giác ngồi trên khi khí cầu!

    Mặc dù có diện tích nhỏ nhưng ở Saga vẫn không thiếu những địa điểm du lịch hấp dẫn có thể mang đến những trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, lịch sử phong phú. 

    Xem thêm: Hội thảo du lịch tỉnh Nagasaki và tỉnh Saga: Những điểm đến mới sau đại dịch

    kilala.vn

    28/02/2023

    Bài: Happy
    Nguồn: blog.japanwondertravel.com

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!