Phát minh đũa điện của Nhật giúp thức ăn ngon hơn
Đôi đũa điện có thể trở thành “cứu cánh” cho những ai thích ăn mặn nhưng lại sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Phát minh lạ lùng này vừa được trao giải Ig Nobel - giải thưởng dành cho những nghiên cứu "ngược đời" vào ngày 14/09/2023.
Tập đoàn Kirin và Đại học Meiji đã hợp tác để phát triển đôi đũa cho phép người dùng cảm nhận được vị mặn trong những món ăn chứa ít muối, cũng như tăng vị ngon umami cho chúng. Theo tiết lộ của đơn vị phát triển, chúng ta biết được nó hoạt động theo
cơ chế khá đơn giản, đó là truyền một dòng điện yếu vào thực phẩm.
Nhóm nghiên cứu đã tìm đúng dạng sóng điện gây ảnh hưởng đến các ion như natri clorua tạo nên vị mặn và sử dụng nó để truyền vào món ăn, giúp tăng cường độ mặn. Đặc biệt, họ còn phát hiện ra sóng điện này cũng ảnh hưởng đến các ion tạo nên hương vị umami trong thức ăn, chẳng hạn như với món súp miso. Từ đó, đôi đũa điện đã thành hình.
Để thử nghiệm, các nhà nghiên cứu cho đối tượng tham gia ăn một loại gel với hàm lượng muối nhất định, không sử dụng đũa điện, và yêu cầu họ đánh giá vị mặn của nó nhằm tìm ra điểm chuẩn. Kế tiếp, đối tượng thử nghiệm sẽ ăn loại gel với lượng muối đã được giảm 30%. Lúc này, họ cảm nhận được vị mặn giảm chính xác 30%.
Ở thử nghiệm cuối cùng, đối tượng tham gia được phục vụ loại gel đã
giảm lượng muối 50% nhưng ăn bằng đũa điện. Kết quả thu được là độ mặn
cảm nhận đã tăng lên 50%, tương đương lượng muối bình thường.
Đồ thị bên dưới với trục y biểu thị độ mặn cảm nhận được và ba cột trên trục x lần lượt là “lượng muối bình thường, không dùng đũa điện”, “giảm muối, không dùng đũa điện” và “giảm muối, dùng đũa điện”. Như vậy, có thể thấy, đũa điện làm tăng độ mặn gấp 1,5 lần so với khi không sử dụng.
Trong các thí nghiệm ăn súp miso ít muối bằng đũa điện, kết quả thu được cũng rất khả quan. Hơn nữa, không chỉ giúp tăng độ mặn, đũa còn làm tăng vị umami, khiến món ăn tròn vị hơn.
Nhiều cư dân mạng bày tỏ sự thích thú trước phát minh này:
“Thật là hay”.
“Nếu họ có thể làm tương tự với vị ngọt, chẳng phải sẽ giúp việc giảm cân dễ dàng hơn nhiều sao”.
“Ý tưởng quả là độc đáo. Tôi ước gì họ có thể cấy chúng vào miệng tôi”.
“Cái này có thật sự tốt cho cơ thể con người không?”
Theo các nhà nghiên cứu, thiết bị này có dòng điện yếu nên không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào cho sức khỏe con người. Hơn nữa, họ còn thiết kế phiên bản trông thể thao hơn cho đôi đũa với nguồn điện được đeo trên cổ tay. Trước đó, Nhật Bản cũng đã phát minh ra màn hình TV nếm được mùi vị.
Vào ngày 14/09/2023, hai nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu này - ông Homei Miyashita, 47 tuổi, giáo sư tại Đại học Meiji và ông Hiromi Nakamura, 37 tuổi, phó giáo sư tại Đại học Tokyo, đã nhận được giải thưởng "Ig Nobel" trong lĩnh vực dinh dưỡng.
Ig Nobel hay thường gọi là "Nobel ngược đời" là một giải thưởng được trao kể từ năm 1991, "vinh danh" 10 thành tựu bất thường hoặc tầm thường trong nghiên cứu khoa học. Mục đích của nó là "tôn vinh những thành tựu trước tiên là khiến mọi người cười, sau đó khiến họ phải suy nghĩ". Đây là năm thứ 17 liên tiếp Nhật Bản giành được giải Ig Nobel.
kilala.vn
21/04/2022
Bài: Rin
Nguồn: soranews24.com
Đăng nhập tài khoản để bình luận