Khi robot cũng cần trang phục
Có lẽ không ít người cho rằng sản xuất quần áo cho robot thật sự là điều điên rồ, tuy nhiên, công ty Nhật Bản Rocket Road đã chứng minh điều ngược lại khi ra mắt thương hiệu trang phục chuyên dụng Robo-Uni dành cho robot giao tiếp và cánh tay robot công nghiệp.
Có trụ sở tại tỉnh Fukuoka, công ty Rocket Road Co. do ông Yukinori Izumi sáng lập tập trung hướng tới sản xuất những trang phục độc đáo dành cho robot ở mọi hình dạng và kích cỡ khác nhau, giúp góp phần rút ngắn khoảng cách giữa con người và máy móc, mở ra một thời đại mới.
Kể từ năm 2016, Rocket Road đã bắt đầu phát triển thương hiệu quần áo chuyên dụng dành cho robot giao tiếp mang tên Robo-Uni, họ đã làm việc với hơn 20 nhà sản xuất robot trong nước bao gồm SoftBank Robotics Corp., Sony Corp. và Sharp Corp. để thiết kế trang phục cho loại robot này. Hiện tại, thị trường robot ở Nhật Bản vô cùng màu mỡ vì có rất nhiều robot đã được ra đời, từ robot chó AIBO của Sony hay robot Lovot của nhà sản xuất Lovot với khả năng thu thập dữ liệu về tình trạng hạnh phúc của chủ sở hữu và báo cáo từ xa, hay robot Pepper của SoftBank sở hữu khả năng của một nhân viên chăm sóc khách hàng thực thụ.
Tiếp nối những dấu ấn trước đó, vào cuối tháng 9, thương hiệu Robo-Uni của công ty Rocket Road tiếp tục cho ra mắt trang phục bảo vệ chức năng dành cho cánh tay robot của nhà sản xuất Universal Robots đến từ Đan Mạch và trở thành thương hiệu đầu tiên của Nhật Bản làm điều này. Universal Robots là một trong những nhà sản xuất cánh tay robot công nghiệp hàng đầu thế giới, hỗ trợ con người trong các công việc như lắp ráp, sơn, vặn ốc vít, dán nhãn, đóng gói, đánh bóng, đúc phun ép và hàn.
Robo-Uni hướng tới việc giúp các robot trở nên cá tính hơn, cũng như góp phần làm tươi mới môi trường có phần “ảm đạm” nơi các robot đang làm việc. Trang phục Robo-Uni dành cho cánh tay robot có hơn 40 màu sắc khác nhau, được chế tạo chuyên dụng để phù hợp với môi trường làm việc khắc nghiệt mà các cánh tay robot đang hoạt động. Cụ thể, khách hàng có thể lựa chọn nhiều loại vật liệu khác nhau như chống bụi, chống vi khuẩn, chống thấm nước hoặc chống nóng cho cánh tay robot.
Ông Yukinori Izumi, nhà sáng lập và CEO của Rocket Road chia sẻ: “Việc robot mặc quần áo đang trở thành điều “tự nhiên”. Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể mang mọi người xích lại gần nhau hơn qua trang phục dành cho robot. Nhiều người, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi cũng cảm thấy gần gũi hơn với robot, sử dụng chúng để làm cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc. Tôi rất vinh dự nếu trang phục robot có thể tạo ra một danh mục sản phẩm mới trong ngành may mặc, cũng như dần trở thành một nét văn hoá mới ở Nhật Bản”.
Trước khi phát triển ý tưởng táo bạo trên, ông Yukinori từng học về Thiền tại trường đại học, sau đó làm công việc liên quan đến thiết kế không gian tại một công ty chuyên về không gian trưng bày hàng hoá, rồi tiếp tục theo đuổi ước mơ từ thuở ấu thơ là trở thành một đô vật chuyên nghiệp. Yukinori cũng từng làm việc tại Thung lũng Silicone, bang California, Mỹ trước khi trở về Nhật Bản và sáng lập nên công ty sản xuất trang phục cho robot Rocket Road.
Dù nhiều người cho rằng sản xuất quần áo cho robot là ý tưởng khá điên rồ, nhưng theo Rocket Road, đây là một hoạt động kinh doanh nghiêm túc, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và tận tâm cao độ. Bởi trang phục không chỉ cần vừa khít đến độ hoàn hảo cho từng robot mà còn phải trông thời trang. Hơn nữa, Rocket Road còn cân nhắc rất nhiều yếu tố kỹ thuật khác như trọng lượng của quần áo có thể tác động đến cảm biến cân bằng của robot, quần áo có thể bắt lửa do nhiệt tạo ra bởi các bộ phận điện của robot, hay robot cần hoạt động thật thoải mái dù có trang phục hay không. Do vậy, họ đã nghiên cứu, thử nghiệm rất nhiều lần trước khi ra mắt các sản phẩm trang phục cho robot.
Trong tương lai, ông Yukinori Izumi mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh của mình và có kế hoạch phục vụ trang phục robot cho nhiều thị trường quốc tế khác.
kilala.vn
18/10/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận