Zaibatsu: Những tập đoàn tài phiệt chi phối kinh tế Nhật Bản trước Thế chiến II
Tứ đại tài phiệt Zaibatsu khi ấy bao gồm các doanh nghiệp: Sumitomo, Mitsui, Mitsubishi và Yasuda.
Nhật Bản có lịch sử là một quốc gia độc lập với ý chí mạnh mẽ. Sự bền bỉ và sức mạnh này được phản ánh trong sự phát triển của nhà nước hiện đại và cơ cấu kinh tế của Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19. Những doanh nhân xứ Mặt trời mọc đã nắm bắt cơ hội để phát triển nhiều thể chế của riêng họ, góp phần hình thành nên một Nhật Bản hiện đại thông qua việc học hỏi, chọn lọc cẩn thận những đặc điểm tốt nhất của chính phủ, xã hội và nền kinh tế phương Tây, kết hợp với đặc trưng riêng của dân tộc.
Các thể chế này mang một nét độc đáo, có thể thấy rõ nhất qua sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản và mô hình tập đoàn kinh doanh được gọi là Zaibatsu sau cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868.
“Zaibatsu - 財閥 - tài phiệt” là một thuật ngữ ra đời vào thế kỷ 19 để chỉ các tập đoàn gia đình, phát triển theo chiều dọc, gồm một công ty mẹ đứng đầu và những công ty con chi phối các mảng quan trọng của thị trường một cách đơn lẻ hoặc thông qua nhiều công ty con cấp dưới. Sức ảnh hưởng và quy mô của Zaibatsu đã kiểm soát các phần quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản tính từ thời Minh Trị cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ 2 (1868 - 1945).
Nguồn gốc ra đời
Trước cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, Nhật Bản gần như không có một công ty kinh doanh theo đúng định nghĩa trong thời đại ngày nay. Những người kinh doanh bấy giờ được gọi là thương nhân và đa phần sẽ kinh doanh nhỏ lẻ, độc lập. Sự hình thành của Zaibatsu là kết quả tự nhiên của việc phát triển hệ thống tiền tệ và sự kết thúc của tầng lớp Samurai.Giai cấp Samurai bị suy yếu trong thời kỳ Minh Trị, hầu như tất cả các quyền lợi của họ đều bị tước bỏ, và tiền lương truyền thống được thay thế bằng việc phát hành trái phiếu chính phủ một lần.
Cùng lúc đó, chính phủ Minh Trị đã bán các ngành công nghiệp nhỏ mà Mạc phủ đã dành nhiều năm để phát triển cho người trả giá cao nhất, cho phép thương nhân tham gia vào quá trình tư nhân hóa ngành công nghiệp. Những Samurai sở hữu trái phiếu đã nhạy bén tham gia và đấu thầu thành công các dự án sản xuất phát triển của chính phủ.
Khi thế hệ đàn ông Minh Trị đầu tiên bắt đầu nghỉ hưu, các con trai của họ tiếp quản doanh nghiệp và mở rộng chúng, tạo ra một mạng lưới các doanh nghiệp do gia đình kiểm soát, có niềm tự hào mãnh liệt và thường xuyên hợp tác với chính phủ mới. Bên cạnh đó, những nhà cầm quyền thời kỳ ấy biết rằng việc đưa Zaibatsu vào kế hoạch tài chính và công nghiệp là điều cần thiết để hình thành một nền kinh tế tư bản, giúp đưa Nhật Bản trở nên hùng mạnh hơn, nên họ cũng hình thành mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với các “nhóm tài chính” này. Thậm chí công ty Mitsui, một trong “Big Four” Zaibatsu, còn được giao trách nhiệm tạo ra một loại tiền tệ mới và thành lập ngân hàng quốc gia sau cuộc Duy tân Minh Trị.
Bằng cách cung cấp đủ năng lực sản xuất để cung ứng vật chất và dịch vụ cần thiết cho sự mở rộng lãnh thổ nhanh chóng của Nhật Bản, Zaibatsu ngày càng đạt được mức độ bảo trợ lớn của nhà nước. Họ được sử dụng lao động và tài nguyên sẵn có từ các nước mà Nhật chiếm đóng. Kể từ đó, các Zaibatsu trở thành trung tâm của hoạt động kinh tế và công nghiệp trong Đế quốc Nhật Bản, có ảnh hưởng lớn đến các chính sách đối ngoại và quốc gia.
Tứ đại tài phiệt
“Yondai zaibatsu - 四大 財閥” hay "Big Four" Zaibatsu/ Tứ đại tài phiệt bao gồm (theo thứ tự thời gian thành lập): Sumitomo, Mitsui, Mitsubishi và Yasuda. Hai trong số họ, Sumitomo và Mitsui, có nguồn gốc từ thời Edo trong khi Mitsubishi và Yasuda có nguồn gốc từ thời Minh Trị Duy tân. Suốt từ thời Minh Trị đến Showa, chính phủ sử dụng quyền lực tài chính và chuyên môn của họ cho nhiều nỗ lực khác nhau, bao gồm thu thuế, chi tiêu cho quân sự và ngoại thương.
Vào
đầu Thế chiến II, Tứ đại Zaibatsu nắm quyền kiểm soát trực tiếp hơn 30%
ngành công nghiệp khai khoáng, hóa chất và kim loại của Nhật Bản, gần
50% thị trường máy móc và thiết bị, một phần đáng kể trong đội tàu buôn
nước ngoài và 70% thị trường chứng khoán thương mại.
Sumitomo
Lịch sử của Tập đoàn Sumitomo bắt đầu từ thế kỷ 17, khi Masatomo Sumitomo mở một cửa hàng sách và thuốc ở Kyoto. Lúc ấy, Masatomo đã viết và để lại cho hậu thế một tài liệu có tựa đề "Monjuin Shiigaki - Giới luật của người sáng lập", mô tả cách kinh doanh của một thương gia. Theo ông, nền tảng cốt lõi của triết lý kinh doanh là theo đuổi sự chính trực và quản lý lành mạnh thay vì đạt được lợi nhuận dễ dàng. Những lời dạy này đã được truyền lại và tuân thủ tại tập đoàn trong suốt 400 năm cho đến tận ngày nay.
Tuy nhiên, lĩnh vực giúp Sumitomo trở nên lớn mạnh lại là tinh chế đồng. Cùng thời điểm thành lập Sumitomo, anh rể của Masatomo Sumitomo là Riemon Soga đã học các phương pháp luyện đồng của phương Tây, hoàn thiện kỹ thuật cho phép khai thác bạc từ quặng đồng, điều mà công nghệ Nhật Bản trước đây chưa thực hiện được. Ông thành lập một doanh nghiệp luyện kim có tên là Izumiya. Về sau, con trai cả của Riemon Soga là Tomomochi lên nắm quyền điều hành.
Izumiya bắt đầu kinh doanh khai thác đồng và mở mỏ đồng Besshi sau khi được Mạc phủ Tokugawa cho phép vào năm 1691. Mỏ đồng Besshi tiếp tục hoạt động trong 283 năm, tạo thành xương sống cho hoạt động kinh doanh của Sumitomo. Dựa trên hoạt động kinh doanh mỏ đồng Besshi này, Sumitomo lần lượt tiến sâu vào các lĩnh vực kinh doanh liên quan khác nhau như lâm nghiệp, khai thác than, xây dựng, máy móc, hóa chất, sản xuất cáp điện và kim loại. Về sau Sumitomo đã phát triển thành một tập đoàn hiện đại tập trung vào hai lĩnh vực chính - khai thác/ sản xuất và tài chính.
Sau
Thế chiến II, các tập đoàn Zaibatsu, bao gồm cả Sumitomo, đã bị chính
phủ Nhật Bản giải thể, buộc họ phải cải tổ thành Keiretsu (nhiều công ty
thành viên xoay quanh một định chế tài chính, thường là một ngân hàng).
Năm 2001, SMBC ra đời dưới sự bắt tay của hai ông lớn Sumitomo và
Mitsui. Một năm sau, SMBC thành lập một công ty cổ phần có tên Tập đoàn
tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) thông qua chuyển nhượng cổ phần, SMBC
trở thành công ty con thuộc sở hữu của SMFG và hiện nay là tập đoàn dịch
vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia lớn thứ hai Nhật Bản.
Mitsui
Được thành lập bởi Takatoshi Mitsui (1622 – 1694), con trai thứ tư của chủ tiệm miso và cửa hàng cầm đồ có tên gọi là Echigoya ở Matsusaka, tỉnh Mie ngày nay. Về sau cửa hàng có thêm chi nhánh ở Edo (Tokyo ngày nay). Sau khi anh trai của Mitsui qua đời, ông đã tiếp quản việc kinh doanh của gia đình và thành lập thêm cửa hàng kimono có tên Gofukuya tại Nihonbashi, một quận ở trung tâm Edo. Ngày nay, Gofukuya vẫn hoạt động dưới cái tên mới là Mitsukoshi.Vào khoảng thời gian này, chính quyền Edo đã ký một thỏa thuận kinh doanh với Osaka. Osaka sẽ bán cây trồng và các vật liệu khác để trả thuế đất. Sau đó, tiền được gửi đến Edo, nhưng việc chuyển tiền ở Nhật Bản rất nguy hiểm vào thời phong kiến. Năm 1683, Mạc phủ cho phép các cửa hàng đổi tiền (Ryogaeten) được thành lập ở Edo. Và các cửa hàng của Mitsui nhanh chóng chiếm ưu thế khi tạo thuận lợi cho việc chuyển tiền, giảm thiểu rủi ro. Về sau, Mitsui tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của mình và trở thành một trong những doanh nghiệp nắm giữ “mạch máu chính” của nền kinh tế Nhật.
Hiện nay, Mitsui bao gồm: Mitsui & Co. (công ty kinh doanh tổng hợp), Sumitomo Mitsui Banking Corporation, Sapporo Breweries, Toray Industries, Mitsui Chemicals, Isetan Mitsukoshi Holdings, Sumitomo Mitsui Trust Holdings, Mitsui OSK Lines và Mitsui Fudosan.
Mitsubishi
Mitsubishi
được thành lập vào năm 1870, hai năm sau cuộc Duy tân Minh Trị bởi
Iwasaki Yataro, với lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển. Năm 1881,
công ty gia nhập lĩnh vực khai thác than bằng cách mua lại mỏ
Takashima, tiếp theo là đảo Hashima vào năm 1890, sử dụng hoạt động sản
xuất này để cung cấp nhiên liệu cho đội tàu hơi nước đông đảo của họ.
Mitsubishi cũng đa dạng hóa sang lĩnh vực đóng tàu, ngân hàng, bảo hiểm, kho bãi và thương mại. Sau đó, sự đa dạng hóa đã đưa tổ chức lấn sân sang các lĩnh vực như giấy, thép, thủy tinh, thiết bị điện, máy bay, dầu mỏ và bất động sản. Mitsubishi đóng một vai trò trung tâm trong quá trình hiện đại hóa ngành công nghiệp Nhật Bản.
Về sau, Mitsubishi
nằm trong số những tập đoàn lớn của Nhật Bản bị giải thể và bị chia
thành một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ hơn, có cổ phiếu được chào
bán ra công chúng. Trong vài năm, các công ty này bị cấm phối hợp với
nhau và không được sử dụng tên cùng nhãn hiệu Mitsubishi. Những hạn chế
này đã được dỡ bỏ vào năm 1952, tập đoàn Mitsubishi và Mitsubishi Heavy
Industries một lần nữa hợp nhất vào giữa những năm 1950 và kể từ ấy, các
công ty của Mitsubishi đã tham gia vào sự tăng trưởng kinh tế chưa từng
có của Nhật Bản.
Yasuda
Yasuda là một tập đoàn tài chính do gia tộc Yasuda sở hữu và quản lý. Nhà sáng lập tập đoàn - Zenjiro Yasuda, ban đầu làm việc cho một cửa hàng đổi tiền. Chính nhờ kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đó mà ông bắt đầu cung cấp các dịch vụ đóng thuế, nâng cao tài sản của mình bằng cách mua tiền giấy Minh Trị đã mất giá sau đó đổi lấy vàng trong giai đoạn 1963. Nhờ vậy Zenjiro Yasuda đã tích lũy được nguồn vốn, làm tiền đề cho cho việc kinh doanh, về sau phát triển thêm ngân hàng, công ty bảo hiểm nhân thọ.Năm 1921, Zenjiro Yasuda bị ám sát và Zennosuke Yasuda, con trai ông, lên nắm quyền lãnh đạo. Đến năm 1928, Yasuda chỉ xếp sau tập đoàn Mitsui và Mitsubishi về tổng số vốn. Khi các tập đoàn Zaibatsu tiến hành giải thể, Hajime Yasuda, người đứng đầu tập đoàn khi ấy, thông báo rằng tất cả thành viên gia đình Yasuda sẽ rút khỏi các công ty liên quan và công ty con, đảm nhận các vị trí lãnh đạo mới với tư cách là thành viên hội đồng quản trị. Ngày nay, dù vẫn còn hoạt động nhưng Yasuda không còn thuộc quyền sở hữu của gia tộc Yasuda. Nghệ sĩ Yoko Ono, vợ của nhạc sĩ John Lennon, cũng là một thành viên của gia tộc Yasuda.
Trên thực tế, ngoài Big Four, rất khó có thể xác định những công ty nào có đủ điều kiện để được gọi là Zaibatsu. Sau Chiến tranh Nga-Nhật, một số Zaibatsu "cấp hai" cũng xuất hiện nổi bật là Okura, Furukawa và Nakajima.
Sự sụp đổ của một đế chế
Sau thất bại ở Thế chiến II, Nhật Bản bị quân đồng minh chiếm đóng và các Zaibatsu bị buộc phải giải thể. Tài sản của các gia đình bị tịch thu, các công ty bị loại bỏ. Tuy nhiên, việc giải thể hoàn toàn Zaibatsu là điều không thể, Zaibatsu nói chung được coi là có lợi cho nền kinh tế và chính phủ Nhật Bản.
Về sau, các tập đoàn Zaibatsu dần chuyển mình để trở thành "Keiretsu - 系列" hệ thống dây chuyền hoặc chuỗi, gồm nhiều công ty thành viên xoay quanh một định chế tài chính (thường là một ngân hàng). Định chế tài chính vừa là cổ đông lớn của các công ty thành viên thuộc tập đoàn, vừa đóng vai trò tài trợ hoặc đảm bảo thanh khoản cho các công ty thành viên. Dưới sự hỗ trợ của chính phủ, các Keiretsu duy trì sự thống trị trong nền kinh tế Nhật Bản trong nửa cuối của thế kỷ 20, và tiếp tục đến đầu thế kỷ 21.
Xem thêm: Nhật Bản chống lại sự phụ thuộc kinh tế vào nước ngoài như thế nào?
kilala.vn
07/10/2021
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận