Độc lạ con dấu Hanko chứa đến 108 ký tự
Khắc đến 108 ký tự lên con dấu Hanko có đường kính chỉ 1,2cm nhưng vẫn có thể nhìn rõ từng chữ, những người thợ tại một xưởng khắc dấu lâu đời ở Nhật đã khiến nhiều người thán phục.
Ngành công nghiệp sản xuất con dấu Hanko ở Nhật Bản đã phải đối mặt với cuộc chiến gian nan để tồn tại kể từ mùa thu năm 2020, khi Taro Kono - Bộ trưởng phụ trách Cải cách hành chính khi ấy ra thông báo loại bỏ Hanko khỏi các thủ tục hành chính.
Hanko là một con dấu có khắc họ người sở hữu, thường dùng để thay thế chữ ký trong các văn bản tại Nhật. Nó được sử dụng rộng rãi và là truyền thống văn hóa tồn tại hàng trăm năm ở đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, việc văn bản phải có con dấu chấp thuận từ những cấp cao hơn đã dẫn đến quá tải về thủ tục giấy tờ, gây ra trở ngại cho việc số hóa sổ sách cũng như khi làm việc từ xa.
Khi biết được tin tức trên, một nhân viên tại phòng truyền thông của Nagae Inshodo, đơn vị sản xuất Hanko lâu năm có trụ sở tại thủ phủ Matsue của tỉnh Shimane cho biết: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ tất cả chúng tôi rồi sẽ thất nghiệp thôi”.
Được thành lập cách đây nửa thế kỷ, nhà máy sản xuất con dấu Nagae Inshodo có khoảng 60 nhân viên biên chế. Ngay sau tuyên bố của ông Kono, Trưởng phòng truyền thông công ty đã đến quan sát cách những người thợ trong xưởng tạo ra Hanko theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp. Đó là một công việc không hề dễ dàng khi phải khắc tên bộ phận khá dài trên diện tích bề mặt hạn chế của con dấu.
Ngạc nhiên trước quy trình phức tạp để tạo ra những con dấu nhỏ nhắn, người này đã nảy ra sáng kiến: “Có lẽ chúng ta nên đưa trình độ kỹ thuật cao của các nghệ nhân đến với nhiều người hơn để khơi dậy sự quan tâm đến con dấu, đồng thời giúp quảng bá công ty”.
Sau đó, cô yêu cầu những người thợ khắc 80 ký tự, bao gồm số, chữ Kanji, chữ Hiragana và Katakana lên con dấu có đường kính 1,2cm, còn nhỏ hơn cả đồng xu 1 yên.
Sáu người thợ lành nghề nhất của xưởng đã lập thành một đội để hoàn thành nhiệm vụ gian nan trên, bao gồm một nhân viên thiết kế sử dụng máy tính để tính toán vị trí tối ưu cho các ký tự và một người khác điều khiển máy khắc chữ.Họ thực hiện dự án vào thời gian rảnh rỗi và nhận ra cần đặt vừa khít 1 ký tự vào diện tích chỉ 1mm2. Tuy nhiên, việc có nhiều loại ký tự như vậy đồng nghĩa rằng một số ký tự đòi hỏi độ dày của nét và độ sâu khi khắc khác nhau đôi chút. Chẳng hạn như số thập phân 1,2 cũng phải được chèn vào ô của 1 ký tự.
Những người thợ đã sử dụng loại máy khắc chữ đặc biệt sử dụng hai loại kim với độ dày khác nhau để khắc. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng họ đã thành công.
Nội dung trên con dấu đặc biệt này là: “Xin chào. Chúng tôi là một cửa hàng Hanko nhỏ tại tỉnh Shimane và chúng tôi đang kiểm tra giới hạn ký tự có thể khắc lên một con dấu chỉ khoảng 1,2cm. Chúng tôi đã thử khắc 87 ký tự ở lần thử sức này. Chúng thật dễ nhìn phải không? Nó cũng cho thấy điều chúng tôi có thể làm bằng kỹ năng của các nghệ nhân. Chẳng phải điều quá tuyệt vời sao."
Xem thêm: Hanko - con dấu Nhật Bản
Thực tế, Trưởng phòng truyền thông chỉ yêu cầu khắc con dấu có 80 ký tự, những người thợ đã thêm vào 7 ký tự cuối cùng “Chẳng phải điều quá tuyệt vời sao”, mang theo lòng kiêu hãnh của họ.
Bài đăng hình con dấu 87 ký tự đặt cạnh đồng xu 1 yên trên tài khoản Twitter của xưởng Nagae Inshodo đã nhanh chóng nhận về hơn 220.000 lượt yêu thích. Sau đó, công ty đã ghi nhận sự gia tăng trong số lượng đơn đặt hàng.
Mặc dù dự án con dấu 87 ký tự đã đạt được thành công về mặt truyền thông nhưng những người thợ vẫn chưa dừng lại. Họ phát hiện một dòng tweet về bài đăng của mình với nội dung: “Sao các bạn không thử khắc tên của Jugemu?”.
Jugemu là một câu chuyện dân gian Nhật Bản kể về cặp vợ chồng tìm tên để đặt cho đứa con mới chào đời, với mong ước đứa trẻ lớn lên sẽ “trường thọ”. Họ đã ghép nhiều từ mang ý nghĩa may mắn lại với nhau, kết quả là tên của đứa bé vô cùng dài, chứa đến 108 ký tự. Để cho dễ gọi, cặp vợ chồng đã gọi tên con ngắn gọn là Jugemu.
Dù mức độ khó đã tăng lên đáng kể, những người thợ vẫn rất phấn khởi. Khi nhiệt huyết càng tăng, họ lại càng trở nên đoàn kết và tên của nhân vật Jugemu cuối cùng đã được khắc lên Hanko. Sau khi hoàn thành, ông Naoki Murao, một nghệ nhân của xưởng bộc bạch: “Bản thân chúng tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra nó rất dễ đọc”.
Ở nhiệm vụ thứ hai này, tài khoản Twitter của công ty tiếp tục nhận về "cơn mưa" lời khen. Chia sẻ với tờ Asahi về việc liệu họ có tiếp tục cố gắng đánh bại thành tích mới nhất không, ông Murao cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã tiến khá xa, nhưng tôi hy vọng chúng tôi sẽ thử và xem mình có thể tiến xa thêm tới đâu”.
kilala.vn
21/02/2023
Bài: Rin
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận