Casio G-Shock đã "phủ sóng" toàn cầu như thế nào?

    "Cha đẻ" của chúng, ông Ibe Kikuo cũng thể ngờ rằng đến một ngày, G-Shock lại trở nên phổ biến và được yêu thích trên toàn thế giới.

    Kể từ khi ra đời vào năm 1983, đã có hơn 130 triệu chiếc đồng hồ G-Shock được tiêu thụ, đưa nó trở thành một biểu tượng của hãng Casio và đặt nền móng vững chắc giúp Casio trở thành thương hiệu toàn cầu.

    Ibe-Kikuo-cha-de-cua-g-shock
    Ông Ibe Kikuo, cha đẻ của dòng đồng hồ Casio G-Shock. Ảnh: nippon 

    Nguồn cảm hứng tạo nên đồng hồ G-Shock 

    Vào năm 1981, ông Ibe Kikuo là kỹ sư trẻ tuổi triển vọng tại trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Hamura của công ty điện tử Casio Computer Co., Ltd danh tiếng. Ngày ấy, Casio được biết đến với sản phẩm mang tính cách mạng là chiếc máy tính 14-A nhỏ gọn, cũng là chiếc máy tính chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới. 

    may-tinh-Casio-14-A
    Máy tính 14-A ra mắt năm 1957. Ảnh: casioeducation.wordpress.com

    Khi quan sát một nhóm công nhân làm việc tại công trường xây dựng gần trung tâm Hamura, ông Ibe nhận ra không một ai mang đồng hồ đeo tay. Rõ ràng khi họ làm việc với các công cụ như xẻng, búa tạ hay búa khoan đều rất dễ xảy ra va chạm với đồng hồ. Từ đó, ý tưởng về một chiếc đồng hồ có thể hoạt động tốt ngay cả trong điều kiện làm việc khắc nghiệt tại công trường xây dựng đã đến với ông.

    Thêm vào đó, ông Ibe cũng từng có những trải nghiệm chẳng mấy vui vẻ với đồng hồ kém bền, như khi chiếc đồng hồ bỏ túi được cha tặng bị hỏng khiến ông vô cùng đau lòng. Ông nhận thấy những người khác cũng tỏ ra thất vọng khi đồng hồ vỡ vụn sau một cú ngã hoặc những lần vô tình va chạm làm mặt kính của đồng hồ không còn nguyên vẹn. Do vậy, Ibe tin rằng nếu có thể phát triển một chiếc đồng hồ chịu được va đập, mọi người sẽ rất sẵn lòng mua chúng. 

    Cuối cùng, ông Ibe đã đề xuất với công ty về việc sáng tạo nên dòng đồng hồ đeo tay mới mang tên G-Shock, viết tắt của “Gravitational Shock”. Ý tưởng xuất phát vô cùng đơn giản: “tạo ra chiếc đồng hồ không bao giờ hỏng”, đi ngược lại các quy luật tự nhiên, một chiếc đồng hồ chống lại lực ly tâm, chịu được va đập và áp suất nước cao. 

    bo-suu-tap-g-shock-ca-nhan
    Bộ sưu tập đồng hồ G-Shock cá nhân của ông Ibe với đa dạng màu sắc. Ảnh: nippon

    G-Shock được tạo ra như thế nào?

    Ngay sau khi được công ty phê duyệt ý tưởng, trong cùng năm 1981, ông Ibe đã lập nên nhóm phát triển dự án đồng hồ G-Shock, đặt tên là “PROJECT TEAM Tough” gồm 8 thành viên. Ban đầu, nhóm làm việc với mục tiêu tạo ra một chiếc đồng hồ “bộ ba của 10”, cụ thể là có khả năng “sống sót” sau khi rơi tự do từ độ cao 10m, khả năng chống nước đến 10 BAR (1 BAR tương đương độ sâu 10m) và pin có tuổi thọ 10 năm. 

    trung-tam-hamura-moi

    Ngày nay, các kỹ sư của Trung tâm Hamura có phòng thử nghiệm với các dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra tính chịu lực cùng các đặc tính khác của đồng hồ. Ảnh: nippon 

    Ban đầu, tiến độ phát triển dự án cùng các thử nghiệm còn khá nguyên sơ, chẳng hạn như thả các mẫu đồng hồ từ cửa sổ phòng tắm ở tầng 3 trung tâm Hamura xuống đất. Nhóm cũng thử bọc phần máy của đồng hồ bằng các vật liệu chống sốc như cao su hay da PU (Polyurethane), nhưng đều nhận về sự thất vọng. Sau một năm với hơn 100 cuộc thử nghiệm, kết quả thu về vẫn không mấy khả quan.

    Chán nản vì dự án không có nhiều tiến triển, ông Ibe như lạc vào một đường hầm không lối thoát và suy nghĩ đến việc từ bỏ vị trí tại Casio. Tuy nhiên, khi đến văn phòng vào ngày nghỉ để sắp xếp đồ đạc, khi dừng chân tại một công viên gần đó, ông bắt gặp những đứa trẻ đang chơi với quả bóng cao su và chính khoảnh khắc này đã lóe lên ý tưởng trong ông. Ibe nhận ra thay vì cố gắng bọc mô-đun chứa linh kiện bên trong thật chắc chắn như nhóm đang làm, có thể bảo vệ từng linh kiện nhỏ bằng cách kẹp chúng vào giữa những thứ tương tự như quả bóng cao su để hấp thụ lực tác động.

    cai-tien-cua-g-shock
    Cấu trúc truyền thống và cấu trúc "nổi" (float) của G-Shock. Ảnh: nippon
    bo-phan-cua-g-shock
    Cấu tạo bên trong của G-Shock. Ảnh: nippon 

    Ngay sau đó, nhóm đã nghiên cứu ra một thiết kế đồng hồ hoàn toàn mới, chỉ tiếp xúc và nâng đỡ mô-đun bên trong ở một số điểm. Đây vẫn là cấu trúc cơ bản của đồng hồ G-Shock hiện nay. Sau hơn 200 mẫu thử nghiệm, vào năm 1983, phiên bản G-Shock hoàn thiện đầu tiên đã ra đời mang tên DW-5000C-1A và được bán ra ngoài thị trường, trở thành cột mốc lớn trong thị trường đồng hồ tại Nhật Bản. DW-5000C-1A được thiết kế chống va đập từ mô-đun bên trong đến vỏ đồng hồ và cả dây đeo bên ngoài. 

    Phản ứng của công chúng với mẫu G-Shock đầu tiên

    Vào thời điểm năm 1983, đồng hồ nhỏ nhắn đang rất thịnh hành tại Nhật Bản. Do vậy, mẫu G-Shock “cồng kềnh” mới không thu hút được nhiều sự chú ý của khách hàng trong nước. Đặc biệt, những người bán đồng hồ cũng hoài nghi về chiếc đồng hồ mới này. Ông Ibe lý giải: “Sửa chữa là một phần sinh lợi béo bở trong ngành kinh doanh đồng hồ và các nhà phân phối không thể che giấu đi sự thật rằng họ xem một chiếc đồng hồ “không thể hỏng” là hoàn toàn không có lợi về mặt lợi nhuận”. 

    casio-DW-5000C-1A
    Mẫu đồng hồ G-Shock đời đầu DW-5000C-1A được bán với giá 11.400 yên. Ảnh: nippon 

    Trái ngược với phản ứng trong nước, G-Shock lại nhận được những tín hiệu tích cực tại thị trường Hoa Kỳ. Đồng hồ G-Shock tạo ra sự khuấy động tại Mỹ thông qua một đoạn phim quảng cáo truyền hình, trong đó, một vận động viên khúc khôn cầu chơi trên băng đã dùng G-Shock thay cho quả bóng để đánh vào lưới, lúc này, G-Shock được thủ môn bắt lấy. Một vài chương trình truyền hình nổi tiếng đã tái hiện khung cảnh đánh khúc côn cầu bằng G-Shock để xác thực lại tuyên bố về độ bền của sản phẩm, nhờ đó doanh số bán tại Mỹ cũng tăng nhanh chóng. 

    thu-nghiem-bua-nang-5kg
    Thử nghiệm G-Shock va chạm với búa nặng 5kg. Ảnh: nippon 

    Mặc dù ngay khi ra mắt, G-Shock đã sớm đạt được một số thành công nhất định nhưng ông Ibe lại nghĩ rằng cái mới lạ rồi chẳng bao lâu cũng qua đi. Một phần của suy nghĩ này xuất phát từ giá bán của G-Shock. Ông Ibe giải thích: “Thương hiệu Casio chưa quá có tiếng ở nước ngoài. Khách hàng yêu cầu chất lượng cao với mức giá thấp. Một đại lý của Casio đã cảnh báo rằng bất kỳ chiếc đồng hồ nào có giá hơn 4.000 yên sẽ không thể bán, mà G-Shock lại được bán lẻ với giá hơn 10.000 yên/chiếc. Tôi tin chắc rằng doanh số bán cuối cùng cũng sẽ giảm dần và không thể mở rộng ra toàn cầu như từng xảy ra tại Mỹ”. 

    Mở ra thời đại của G-Shock

    Đến những năm 1990, các mẫu đồng G-Shock “cồng kềnh” đã có sự thay đổi diện mạo từ vỏ tròn quen thuộc sang vỏ hình bát giác và bắt đầu tạo được sức hút cho giới trẻ, khi phong cách “baggy” với lối ăn mặc rộng thùng thình của thời trang đường phố Mỹ bắt đầu phổ biến. Hơn nữa, mẫu G-Shock mới cũng được săn lùng bởi những người yêu thể thao, bao gồm vận động viên trượt ván vốn chuộng vẻ ngoài “hầm hố” và có nhu cầu về một loại đồng hồ có thể đeo cả trên bờ và dưới nước. Cùng với sự xuất hiện của thời trang thành thị phá cách, người tiêu dùng Nhật Bản cũng bắt đầu dành nhiều sự quan tâm đến thương hiệu G-Shock.

    Vì phát triển G-Shock từ ý tưởng đơn giản nên ông Ibe vô cùng bất ngờ trước cú nhảy vượt bậc của mẫu đồng hồ này. Ông Ibe chia sẻ: “Tôi là kiểu người chỉ chạy theo các ý tưởng. Tôi bắt đầu với những ý tưởng mơ hồ rồi dần dần phát triển nó lên. Tôi chưa từng tưởng tượng nổi chiếc đồng hồ G-Shock lại trở nên phổ biến như vậy”.

    ong-ibe
    Ông Ibe không thể ngờ rằng G-Shock lại tạo ra những cú "sốc" lớn như vậy. Ảnh: nippon 

    Thành công của dòng đồng hồ G-Shock đã mở ra một thời đại mới cho hãng Casio. Ông Ibe nhớ lại rằng mình và các đồng đội đã không có thời gian tận hưởng giây phút vinh quang mà họ đã đợi chờ rất lâu. Bởi vì “nhu cầu tăng vọt và chúng tôi đã gặp cảnh bị những nhà phân phối “hét” vào mặt, hối thúc sản xuất đồng hồ mới”. Ibe tiếp lời: “Tất cả mọi người đều hoảng loạn. Thậm chí, bộ phận tiếp tân của công ty còn áp dụng quy định cấm G-Shock với tất cả các nhân viên”. 

    cac-mau-g-shock
    DW-6000GJ-1 (bên trái) ra mắt năm 1990 và là mẫu đầu tiên có thiết kế tròn; DW-6100W-9 (chính giữa) có biểu tượng cá heo và cá voi được phát hành vào năm 1994; DW-8400-1 Mudman (bên phải) ra mắt vào năm 1995. Ảnh: nippon 

    Định hình trở thành thương hiệu toàn cầu 

    Trong nhiều năm liền, công ty Casio chỉ duy trì bán mỗi dòng đồng hồ đeo tay kỹ thuật số giá thấp, không chú trọng tính thời trang. Tuy nhiên, khi những chiếc đồng hồ G-Shock ra đời, được bán với giá cao và thu về thành công rực rỡ, ông Ibe đã thay đổi cách nhìn và hướng đến xây dựng tên tuổi Casio trở thành thương hiệu toàn cầu. 

    mau-dong-ho-ky-thuat-so-casio
    Đồng hồ đeo tay kỹ thuật số của Casio được bán với giá 3.300 yên. Ảnh: nippon

    Một trong những nỗ lực đầu tiên của nhóm sản xuất chính là ra mắt chiếc đồng hồ G-Shock MRG-100 làm hoàn toàn từ kim loại, được thiết kế dành cho dân công sở hoặc khi đi dạo phố. Một chiếc MRG-100 khi ấy đã được bán với giá khoảng 40.000 yên, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của hãng trong phân khúc đồng hồ tầm trung. 

    g-shock-kim-loai
    G-Shock MRG-100 năm 1996 và mẫu đồng hồ Oceanus Manta đầu tiên mang tên 2004 OCW-S1000. Ảnh: nippon 

    Cùng với việc phát triển G-Shock, ông Ibe và cộng sự cũng đã nghiên cứu và ra mắt một số dòng đồng hồ cao cấp mới như Casio Oceanus vào năm 2004 với giá bán lên đến 60.000 yên. Vừa đạt được độ bền dù làm hoàn toàn từ kim loại, Casio Oceanus vừa được trang bị bộ sạc bằng năng lượng mặt trời và hiệu chỉnh thời gian bằng sóng vô tuyến.

    Để quảng bá cho Casio, kể từ năm 2018, ông Ibe xuất hiện thường xuyên trong các sự kiện dành cho fan hâm mộ G-Shock, nổi bật như “Shock the World Tour” được tổ chức tại các thành phố khác nhau trên khắp thế giới. Ông quan niệm: “Quan trọng là truyền tải câu chuyện “hậu trường” phía sau sản phẩm. Điều này sẽ giúp nâng cao giá trị của thương hiệu trong mắt mọi người”. 

    shock-the-world-2011
    Ông Ibe thực hiện màn ném G-Shock vào tấm bảng trong sự kiện "Shock the World Tour" năm 2011. Ảnh: nippon

    Tính đến nay, ông Ibe đã ghé thăm hơn 30 quốc gia và nổi tiếng với việc sử dụng ngôn ngữ bản địa để thuyết trình về sản phẩm nhằm tạo sự kết nối sâu sắc hơn với người nghe. Ibe bộc bạch: “Tôi thật sự không giỏi về ngôn ngữ nhưng mọi người tỏ ra rất hào hứng khi nghe tôi nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ, vì vậy tôi luôn cố gắng”. Trong suốt các bài thuyết trình của mình, ông Ibe luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự gan dạ và bền chí: “Tôi cố gắng truyền tải với những người tham dự sự kiện rằng họ không bao giờ và không nên bỏ cuộc”. 

    Tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm G-Shock 

    Nối tiếp thành công của các mẫu đồng hồ ở tầm trung, hãng Casio đã mạo hiểm tiến vào thị trường cao cấp với dòng G-Shock MR-G có giá từ 300.000 yên/chiếc trở lên. Đặc biệt, vào năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập thương hiệu G-Shock, hãng Casio còn mạnh tay ra mắt phiên bản G-Shock giới hạn bằng vàng nguyên khối mang tên G-D5000-9JR gồm 35 chiếc với giá “khủng” 7,7 triệu yên/chiếc. Dù giá cao ngất ngưởng nhưng mẫu đồng hồ "đắt xắt ra miếng" này vẫn nhanh chóng được người hâm mộ tậu về.  

    g-shock-vang-18-kara
    G-Squad Pro GSW-H1000-1JR (bên trái) giá 88.000 yên, MRG-B2000B-1AJR (chính giữa) cao cấp nhất, giá 330.000 yên và Casio G-D5000-9JR (bên phải) phiên bản giới hạn “vàng nguyên khối” 18 carat. Ảnh: nippon 

    Doanh số bán hàng của G-Shock tăng trưởng mạnh mẽ, nằm ngoài dự đoán của ông Ibe. Tính đến nay, thập niên 2010 được xem là cột mốc đỉnh cao của G-Shock. Sự ra đời của điện thoại thông minh đã thay thế rất nhiều vật dụng từng được yêu thích trước đó, nhưng G-Shock vẫn tồn tại theo thời gian. “Đồng hồ bây giờ không chỉ dùng để xem giờ mà đã trở thành một mặt hàng thời trang. Tôi tin tưởng rằng một lượng fan hâm mộ trung thành của G-Shock vẫn sẽ được duy trì trong nhiều năm tới”, Ibe cho biết. 

    Cũng theo ông, độ bền chính là điểm thu hút lớn của dòng G-Shock nhưng đây chỉ là một phần tạo nên sức hấp dẫn của thương hiệu: “Khách hàng tin tưởng vào độ bền của đồng hồ, đó là lý do tại sao nhiều fan hâm mộ mua nhiều mẫu khác nhau để phù hợp với tủ quần áo đa dạng của họ hoặc tâm trạng mỗi ngày”.

    thu-nghiem-g-shock-casio
    Mỗi G-Shock phải hoàn thành hơn 100 lần thử nghiệm trước khi được bán ra thị trường. Ảnh: nippon 

    Hướng tới tương lai, ông Ibe đang nỗ lực truyền cảm hứng cho các thế hệ kỹ sư tiếp theo. Ông tổ chức các hội thảo “nhà phát minh” cho học sinh tiểu học cùng nhiều lứa tuổi khác, đồng thời khuyến khích các kỹ sư, nhà thiết kế trẻ tìm kiếm ý tưởng mới lạ. Ông từng hợp tác với nhiều nghệ nhân Nhật Bản để làm mới đồng hồ, chẳng hạn như mẫu đồng hồ Oceanus Manta áp dụng kỹ thuật cắt kính Edo Kiriko (薩摩切子) với màu sắc và hoa văn tinh tế trên ly thủy tinh hoặc lấy cảm hứng từ nghệ thuật nhuộm chàm truyền thống Indigo để làm ra các mẫu đồng hồ khác. “Tôi chưa bao giờ thôi bất ngờ trước tài nghệ và kỹ thuật của các nghệ nhân Nhật Bản. Khai thác kho sáng tạo này mang đến những ý tưởng đổi mới bất tận. Tôi hy vọng những kỹ sư thế hệ sau sẽ nhận ra và tận dụng chúng”. 

    Oceanus-OCW-S4000D-Edo-Kiriko
    Mẫu đồng hồ Oceanus OCW-S4000D lấy cảm hứng từ nghệ thuật cắt kính Edo Kiriko. Ảnh: casiofanmag.com

    Mục tiêu tiếp theo của ông Ibe chính là tạo ra mẫu đồng hồ G-Shock bền hơn có thể chống chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường không trọng lực và có thể nó sẽ được bán tại cửa hàng đồng hồ đặt ngoài vũ trụ. Ông hy vọng mình sẽ hoàn thành ước mơ này vào năm 2035, khi ông 83 tuổi.

    kilala.vn 

    07/11/2021

    Bài: Rin
    Nguồn: nippon
    Ảnh bìa: technews.tw

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!