Owahara: Nỗi khổ của sinh viên Nhật Bản khi tìm việc

    Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các doanh nghiệp chấm dứt “owahara” vì nó cản trở quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người.

    Tại Nhật Bản, tháng 4 được xem là mùa tìm kiếm việc làm sôi động của các sinh viên sắp tốt nghiệp. Hiện nay, các công ty Nhật Bản đang chuẩn bị tuyển thêm người để đón đầu nền kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên, có một mối lo ngại mỗi mùa tuyển dụng là các doanh nghiệp vì muốn đảm bảo nguồn nhân lực mà đã gây sức ép lên các ứng viên tiềm năng. Việc làm này có thể xem như một hình thức quấy rối, gọi là "owahara”.

    owahara quấy rối tìm kiếm việc làm

    Ảnh: news.yahoo.co.jp

     “Owahara - オワハラ” là viết tắt của cụm từ “shukatsu oware harasumento - 就活終われハラスメント” (tạm dịch: quấy rối tìm kiếm việc làm), đề cập đến hành động gây áp lực của nhân viên tuyển dụng đối với những sinh viên đang tìm việc và đã nhận được lời mời làm việc từ công ty, thúc giục họ phải chấm dứt các hoạt động tìm việc để đảm bảo rằng những ứng viên tiềm năng sẽ gia nhập công ty của mình. 

    Một số ví dụ có thể kể đến như buộc sinh viên từ chối lời đề nghị của công ty khác hoặc ngừng quy trình ứng tuyển của họ, yêu cầu sinh viên ký vào thư đồng ý bày tỏ ý định gia nhập công ty trước khi họ ký hợp đồng lao động ràng buộc, giữ chân sinh viên bằng hình thức tiếp đón không chính thức (đào tạo, các buổi tụ họp nội bộ công ty). Những hành động này trở thành gánh nặng tinh thần đối với sinh viên đại học đang tìm việc làm.

    Theo Phó Giáo sư Yohei Tsunemi của Đại học Thương mại Chiba, người thông thạo hệ thống tuyển dụng cử nhân mới ra trường của Nhật Bản, về mặt pháp lý, những ứng viên tiềm năng có thể từ chối lời mời làm việc không chính thức (chưa có hợp đồng lao động). 

    [subscribe]

    Trong khi sinh viên muốn có thời gian đánh giá các nhà tuyển dụng tiềm năng, các công ty lại muốn sẵn sàng cho năm tài chính bắt đầu vào tháng 4 ở giai đoạn đầu, dẫn đến việc không ngừng thúc ép sinh viên đưa ra quyết định. Một số công ty hứa hẹn việc làm cho sinh viên với điều kiện họ từ chối lời đề nghị của các công ty đối thủ.

    Một sinh viên 23 tuổi mới tốt nghiệp chờ nhận bằng thạc sĩ vào mùa xuân đã nhận được lời đề nghị không chính thức của một công ty công nghệ từ tháng 12 năm 2022 sau khi tham gia chương trình thực tập của họ. 

    Sau đó, bộ phận tuyển dụng của công ty đã đề nghị cô không nộp đơn cho các công ty khác. Cô bị gây áp lực hết lần này đến lần khác trong các cuộc phỏng vấn trực tuyến, và cũng được yêu cầu ký vào một lá thư đồng ý để đảm bảo rằng sẽ không từ chối lời đề nghị của công ty.

    "Khi tôi còn là thực tập sinh ở đó, nhà tuyển dụng là một người biết lắng nghe, cảm thông và tôi có ấn tượng tốt về họ. Nhưng giọng điệu của họ rất gay gắt khi họ ép tôi (không tìm việc khác). Tôi không chắc chắn về việc gia nhập công ty đó vì hành vi owahara nghiêm trọng”, nữ sinh viên chia sẻ với tờ Mainichi Shimbun. 

    Theo một nghiên cứu của Văn phòng Nội các năm 2021 về hoạt động tìm việc nhắm vào sinh viên đại học và những đối tượng khác, khoảng 10% người tìm việc nói rằng họ đã trải qua cảm giác owahara. Trong đó, 64% cho biết bị buộc phải chấm dứt tìm kiếm việc làm ở nơi khác, 42,3% bị các công ty yêu cầu thư đồng ý, 11,6% cho biết khi họ từ chối lời đề nghị, các công ty cố gắng thuyết phục nhiều lần hoặc họ đã bị cản trở.

    mùa săn việc làm tháng 4 ở nhật bản
    Ảnh: The Japan Times 

    Ông Masanobu Ogura, người đứng đầu cơ quan phụ trách các vấn đề xã hội vào ngày 10 tháng 4 đã gửi yêu cầu bằng văn bản tới Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (Keidanren) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) về các hoạt động tìm kiếm việc làm và tuyển dụng những người tốt nghiệp vào năm 2025.

    Trong đó, owahara được đề cập như một hành động lợi dụng những sinh viên muốn tìm việc làm, đồng thời yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên.

    Phó Giáo sư Tsunemi nhận định rằng, việc chính phủ đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề giữa sinh viên với các bên liên quan là rất quan trọng. Nó sẽ giúp biệt ngữ “owahara” được công nhận, giúp sinh viên nhận thấy những hành vi có vấn đề và có các biện pháp đối phó. 

    Ông cũng cho biết thêm, ngay cả khi nhận thức được owahara là gì, hầu hết sinh viên cuối cùng sẽ nhượng bộ khi những người lớn hơn yêu cầu họ đưa ra quyết định ngay lập tức. Trong trường hợp rắc rối xảy ra, người lớn xung quanh phải hành động, chẳng hạn như trường đại học nộp đơn phản đối những công ty có hành vi có vấn đề.

    Xem thêm: Những cách nhận diện công ty “đen” khi tìm việc

    kilala.vn

    18/04/2023

    Nguồn: The Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!