Một ngày bình thường của dân công sở Nhật Bản
Liệu một ngày của dân công sở Nhật có gì khác biệt với chúng ta? Cùng Kilala khám phá lịch trình cơ bản hằng ngày của một nhân viên văn phòng ở Nhật Bản sẽ ra sao nhé.
Bắt đầu ngày mới
Khoảng thời gian từ 6:30 đến 7:30 sáng là thời điểm thức dậy và chuẩn bị cho một ngày mới. Sau các thao tác vệ sinh cá nhân sẽ là bữa sáng.
Trước đây, bữa sáng truyền thống của người Nhật thường bao gồm cơm trắng, xúp miso, cá nướng và trứng cuộn. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người trẻ có xu hướng ăn sáng đơn giản và nhanh gọn hơn, như bánh mì, trái cây, sữa chua hoặc granola để tiết kiệm thời gian.
Trước khi đi làm, dân văn phòng thường chỉnh trang ngoại hình để trông chỉn chu nhất có thể. Đến nơi làm việc mà không trang điểm hay mặc một bộ vest nhăn nhúm có thể khiến họ bị "trừ điểm" trong mắt đồng nghiệp.
Di chuyển đến công ty
Hầu hết dân công sở ở các thành phố lớn của Nhật sẽ sử dụng tàu để di chuyển. Hệ thống giao thông công cộng ở Nhật rất hiệu quả và đúng giờ nên mỗi người có thể tính toán thời gian đi làm hợp lý, tránh tắc đường. Từ 8 đến 9 giờ sáng là "giờ cao điểm", các chuyến tàu lúc này đều chật kín hành khách.

Đến công ty
Hầu hết các công ty ở Nhật bắt đầu ngày làm việc vào lúc 9 giờ sáng, nhưng nhân viên thường đến sớm hơn. Ở một số công ty, nhân viên phải thay sang đồng phục trong khoảng 10 phút trước giờ làm. Một số nơi còn tổ chức nghi thức buổi sáng như bài phát biểu của quản lý, hô vang khẩu hiệu và tập thể dục theo nhạc (Rajio Taiso).
Làm việc
Theo luật định, giờ làm việc cơ bản ở Nhật là 8 tiếng một ngày, 40 tiếng một tuần, chưa tính thời gian tăng ca. Nếu có làm thêm giờ thì khoảng thời gian này sẽ được trả lương theo luật.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp người lao động phải ở lại làm thêm 1 hoặc 2 giờ nữa mà không được trả lương. Hiện tượng này được gọi là "sabisu zangyou - サービス残業", hiểu nôm na là "tăng ca miễn phí" (tăng ca không đăng ký nên không được trả lương).
Ngoài ra cũng có trường hợp nhiều nhân viên vẫn ở lại văn phòng dù đã hết giờ làm việc. Đó là vì nhiều người cảm thấy tệ khi về nhà sớm hơn sếp và đồng nghiệp, mặc dù đã hoàn thành công việc trong ngày.
Tuy nhiên văn hóa làm việc ở Nhật ngày nay cũng đã có những thay đổi. Nhiều công ty chỉ định một số ngày nhất định trong tuần là "ngày không làm thêm giờ" và toàn bộ nhân viên có thể tan ca đúng giờ cùng lúc.
Từ năm 2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đã thúc đẩy ý tưởng "Premium Friday - Thứ Sáu Cao cấp", cho phép mọi người được tan sở vào ba giờ chiều thứ sáu cuối cùng của tháng, dù vậy ý tưởng này vẫn chưa thực sự phổ biến.
Xem thêm: Công việc nào ít phải làm thêm giờ nhất tại Nhật Bản?
Giờ ăn trưa
Đa phần dân công sở Nhật nghỉ trưa từ 12-13 giờ. Lúc này họ sẽ dành thời gian để thưởng thức bữa trưa. Có người đến các nhà hàng và gọi một suất ăn trưa có giá dao động từ 800 - 1.200 yên. Nhân viên làm việc tại các cơ quan của chính phủ hay các tập đoàn lớn thì có thể đến căng tin của công ty, nơi một bữa trưa sẽ có giá không quá 500 yên.
Một số người để tiết kiệm tiền hoặc thời gian sẽ mua bánh sandwich, bánh ngọt hoặc cơm nắm onigiri đơn giản tại cửa hàng tiện lợi. Cũng có người sẽ chuẩn bị sẵn bento ở nhà và ăn tại văn phòng hoặc nơi sinh hoạt chung của công ty, hay công viên...
Sau bữa trưa, họ có thể trò chuyện với đồng nghiệp hoặc thư giãn bằng cách xem điện thoại, nghe nhạc.

Tan sở
Sau khi tan làm, ngoài trường hợp về thẳng nhà, cũng có nhiều người đến phòng tập gym, lớp yoga hoặc đến các lớp học khác như nấu ăn, học tiếng Anh. Các lớp học thường được tổ chức từ 18 giờ đến 22 giờ.
Bữa tối
Sau khi về nhà, một số người sẽ nấu bữa tối, số khác, đặc biệt là những người sống một mình, thì có xu hướng mua đồ ăn sẵn ở cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị trên đường về.
Cũng có những người thích ăn ở các nhà hàng giá rẻ. Các chuỗi nhà hàng này thường mở cửa đến tận khuya, một số thậm chí mở cửa suốt 24 giờ với giá một bữa ăn tầm khoảng 300 - 1.000 yên.
Vào buổi tối, các Izakaya (quán bar kiểu Nhật) cũng thường chật kín những nhóm nhân viên văn phòng. Đây là nơi họ củng cố các mối quan hệ với đồng nghiệp hoặc giải tỏa căng thẳng với bạn bè.
Trước đây, việc dân công sở đi uống rượu với đồng nghiệp hoặc sếp vào cuối ngày là điều bình thường, khó có thể từ chối, nhất là khi sếp mở lời mời. Tuy nhiên ngày nay, nhiều người, đặc biệt là người trẻ, muốn tách biệt công việc và cuộc sống riêng tư, hoặc đơn giản là không thích uống rượu nên các bữa tiệc sau giờ làm như vậy cũng có xu hướng giảm đi.
Thư giãn và đi ngủ
Khoảng thời gian buổi tối, họ thường thư giãn bằng cách trò chuyện với gia đình, đọc sách, xem Netflix, YouTube hoặc tắm trước khi ngủ. Họ thường kết thúc một ngày vào khoảng 23 giờ đến 1 giờ sáng.
Trước khi đi ngủ một số người tập thói quen kiểm tra lại lịch trình làm việc, chuẩn bị mọi thứ cần cho ngày hôm sau.
Khác biệt gì so với văn hóa công sở Việt Nam?
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng một ngày làm việc của dân công sở Nhật Bản và Việt Nam vẫn có những khác biệt đáng chú ý.
Ở Việt Nam, thời gian bắt đầu làm việc thường là 7:30 đến 9:00 sáng, có phần sớm hơn so với Nhật. Ngoài ra, một sự khác biệt đáng chú ý nữa là văn hóa ngủ trưa. Đa phần chúng ta sẽ muốn dành từ 15 đến 30 phút để nghỉ ngơi ngay tại bàn làm việc hoặc phòng nghỉ sau khi ăn trưa, trong khi ở Nhật thì không có hiện tượng này. Mặc dù vậy, họ lại có thể "ngủ gật" (trong tiếng Nhật gọi là Inemuri) tại những vị trí như bàn làm việc, trong cuộc họp hay trên phương tiện công cộng.
Sau giờ làm, nhiều người Việt về nhà ngay để dành thời gian cho gia đình, trong khi số khác có thói quen đi cà phê, ăn uống với bạn bè... Văn hóa nhậu cùng đồng nghiệp ở Việt Nam nhìn chung mang tính tự do, tự nguyện hơn so với ở Nhật.
Ngoài ra, theo bạn còn có những điểm khác biệt nào?
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận