Thuật ngữ 3K và những cái khổ của tầng lớp lao động Nhật Bản
Thuật ngữ “3K” là gì?
3K (さんけー - sanke) là thuật ngữ lấy ba chữ cái K đầu tiên trong 3 từ:
- Kitsui (きつい): vất vả
- Kitanai (きたない): bẩn
- Kiken (危険): nguy hiểm
Thuật ngữ này được sinh ra và lan truyền rộng rãi vào những năm 1980, thời kỳ nền kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn khủng hoảng. Thời kỳ này người ta luôn có khao khát được làm việc trong những ngành nghề “xa hoa” như văn phòng, truyền thông mà né tránh những công việc gọi là “3K” mang tổn hao về thể lực và tinh thần bao gồm các ngành xây dựng, dọn dẹp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và y tá. Nói cách khác “3K” chính là thuật ngữ ám chỉ những công việc mà ít người muốn làm.
Ngày nay, không ít người dùng thuật ngữ này để bóng gió than vãn về công việc để tránh việc trực tiếp nói ra những từ cấm kỵ không hay về môi trường mình đang làm việc. Chính vì thế, khi bắt đầu vào hoạt động đi xin việc nhiều sinh viên cũng coi đây là một trong những tiêu chuẩn để chọn lựa một công việc gắn bó cho bản thân.
Thuật ngữ này cũng được chuyển sang tiếng Anh là “3D”, viết tắt theo chữ cái đầu 3 từ Dirty, Dangerous, Demeaning.
Những thuật ngữ biến thể 3K – 5K – 6K
Ngoài ra, thuật ngữ “3K” này còn có những biến thể do chính dân trong ngành tự sáng tạo ra để mô tả phù hợp với điều kiện công việc của mình. Ví dụ, 3K trong ngành điều dưỡng có nghĩa:
- Kyuryo ga yasui (給料が安い): lương thấp
- Kyuuka ga nai (休暇がない): không có thời gian nghỉ ngơi
- Kakkowarui (かっこわるい): lôi thôi, nhếch nhác
Hay đối với nữ giới chốn văn phòng cũng có thuật ngữ “3K” riêng:
- Kirei (きれい): xinh đẹp. Đối với nữ giới là việc tại văn phòng luôn bị yêu cầu cần phải chăm chút ngoại hình, việc đến nơi làm việc mà không trang điểm là yếu tố bị điểm trừ của các nàng.- Kikubari (気配り): cẩn thận, tỉ mỉ. Trong môi trường công sở Nhật thì vấn đề phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại. Khác với cánh mày râu, nữ giới luôn bị đặt trong tầm nhìn soi mói nghiêm khắc, khiến nhiều nữ nhân viên không khỏi thấy áp lực khi làm việc.
- Kitsui (きつい): vất vả. Tại Nhật, vẫn còn nhiều người có suy nghĩ cổ hủ nam giới đi làm nuôi gia đình, nữ giới ở nhà chăm con. Điều này khiến cho nhiều phụ nữ phải vẫn vừa đi làm, vừa phải chăm sóc gia đình không tránh khỏi vất vả trong cuộc sống của họ.
Ngoài ra còn có thuật ngữ 5K và 6K. Thuật ngữ 5K là ngoài 3 điều nêu ở trên thì nhiều người cũng có thêm 2K bổ sung:
- Kekkondekinai (結婚できない): không thế kết hôn
- Kokoro wo yamu (心を病む): tổn hại tâm hồn
Còn 6K thì thường là của những người làm trong ngành điều dưỡng khi miêu tả công việc của mình.
- Kyuryu ga yasui (給料が安い): lương thấp
- Kyuuka ga sukunai (休暇が少ない): thời gian nghỉ ngơi ít
- Kisoku ga kibishii (規則が厳しい): quy định nghiêm khắc
- Konki wo nogasu (婚期を逃す): lỡ cơ hội kết hôn
- Keshonori ga warukunaru (化粧のりが悪くなる): lớp trang điểm bị xấu đi
- Kusuri ga tayoru (薬に頼る): phải làm việc trong môi trường thuốc men
Thuật ngữ “3K” thời hiện đại
Khi nền kinh tế thay đổi, trọng tâm chuyển sang các ngành công nghệ IT hay kinh doanh tạo thêm nhiều cơ hội cho các sinh viên ngành nghề này. Tuy nhiên “trong chăn mới biết chăn có rận”, dân trong các ngành này lại có thuật ngữ “3K” mới – 3K thời hiện đại
- Kitsui (きつい) : vất vả
- Kaeranai (帰れない): không thể về nhà
- Kyuryo ga yasui (給料が安い): lương thấp
Trong các ngành này, nhân viên phải chạy theo doanh số hoặc deadline với cường độ cao, điều này khiến việc ra khỏi công ty đúng giờ là điều hiếm hoi nhưng do dư thừa lao động nên công việc mang lại thu nhập không còn cao như ngày trước.
Quả nhiên khó có công việc nào gọi là hoàn mỹ cả, tuy công việc có 3K – 5K hay 6K thì sự kiên trì theo đuổi và sức chịu đựng của đó của người Nhật là điều không thể xem thường.
kilala.vn
25/08/2020
Bài: SAM
Ảnh: PIXTA
Đăng nhập tài khoản để bình luận