Yakiniku: Đặc trưng, nguyên liệu và cách thưởng thức món thịt nướng Nhật Bản
Một tín đồ của ẩm thực nướng sẽ không thể bỏ qua trải nghiệm ẩm thực Yakiniku – phong cách thịt nướng đến từ Nhật Bản. Âm thanh xèo xèo của thịt nướng trên vỉ, hương vị thơm ngon của nguyên liệu cao cấp hòa quyện với các loại sốt, thoang thoảng chút hương của khói sẽ làm say lòng bất cứ tín đồ ẩm thực nào.
Yakiniku là gì?
Yakiniku (焼肉) được ghép từ hai chữ Yaki (nướng) và Niku (thịt), là từ dùng để chỉ món nướng theo phong cách ẩm thực Nhật Bản. Trong đó, các loại thịt như bò, heo, nội tạng cùng rau củ được nướng trên vỉ sắt bằng than hoặc bếp điện, sau đó chấm vào nước sốt tare trước khi thưởng thức.
Khác với ẩm thực thịt nướng BBQ ở phương Tây, Yakiniku độc đáo ở chỗ thực khách thường tự tay chế biến thịt ngay tại bàn.
Lịch sử của món thịt nướng Yakiniku
Người ta nói rằng văn hóa Yakiniku bắt đầu nở rộ vào khoảng sau Thế chiến thứ hai. Có một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi về sự ra đời của Yakiniku, nói rằng nó bắt nguồn từ món “Horumon-yaki” (nội tạng bò hoặc lợn nướng) do người Hàn Quốc đem đến Nhật Bản.
Trong giai đoạn thiếu thốn lương thực trầm trọng sau chiến tranh, những người Hàn ở Nhật vốn giỏi sử dụng thịt đã thu mua nội tạng bò và lợn mà người Nhật bỏ đi để bán ở chợ đen. Ở đây, chúng được nướng lên rồi phục vụ và dần trở nên phổ biến.
Sau này, tại các quầy hàng Horumon-yaki, thịt thăn và sườn đã được thêm vào thực đơn, cuối cùng phát triển thành các nhà hàng Yakiniku như ngày nay.
Tuy nhiên, khác với giả thuyết trên, một số tài liệu lại cho thấy kể từ trước thời Minh Trị (1868-1912), ở nhiều vùng núi, người Nhật đã ăn thịt chim, thịt lợn rừng... nướng trên bếp lửa. Vì vậy, những món như hầm và xiên nướng sử dụng nội tạng bò, lợn đã xuất hiện từ trước Thế chiến II.
Giả thuyết thứ hai này cũng cho rằng vào những năm 1930, phong cách “nướng thịt và ăn tại chỗ” phổ biến ở Seoul với những món như sườn nướng và Bulgogi kiểu Sukiyaki đã được người Hàn nhập cư đem đến vùng Osaka của Nhật Bản.
Ở Hàn Quốc, các đầu bếp nướng thịt ngay trước mắt thực khách, dùng kéo cắt thành từng miếng, sau đó chia thịt và bày ra đĩa. Phong cách này khác với cách của người Nhật là khách hàng tự tay nướng thịt. Truyền thống để thực khách tự chế biến, chẳng hạn như trong lẩu Sukiyaki, đã tồn tại ở Nhật Bản trước đó. Vì vậy phong cách Hàn Quốc có thể đã tự nhiên thay đổi thành thói quen khách hàng tự nướng thịt khi đến đất nước mặt trời mọc.
Ngay sau chiến tranh, nơi được coi là nhà hàng Yakiniku đầu tiên đã đi vào kinh doanh. Vào những năm 50, hình thức nhà hàng Yakiniku hiện đại như ngày nay đã xuất hiện, với việc thực khách chọn và thưởng thức nhiều loại thịt khác nhau.
Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao từ cuối những năm 50 đến những năm 60, Yakiniku đã lan rộng từ các thành phố như Tokyo và Osaka đến nhiều vùng khác của Nhật Bản, và gần như chỉ sau một đêm, nó đã trở thành một thực đơn phổ biến tại các gia đình.
Động lực cho điều này chính là sự phát triển và thương mại hóa nước sốt Yakiniku, giúp mọi người có thể thưởng thức món nướng tại nhà một cách dễ dàng. Những loại nước sốt này đã khai sinh ra văn hóa “Tsuke-dare” (nước chấm) độc đáo của Nhật Bản, trong đó người ta nướng thịt chưa ướp gia vị và chấm vào sốt trước khi ăn.
Cách chế biến, thưởng thức này giúp giảm bớt tình trạng cháy và khói, đồng thời khiến Yakiniku dễ thâm nhập vào những gia đình bình thường. Vào năm 70, vỉ nướng điện ra đời và phổ biến nhanh chóng, khiến Yakiniku trở thành một món ăn gia đình phổ biến thay vì chỉ có thể thưởng thức tại nhà hàng như trước đây.
Ngày Yakiniku
Vào năm 1993, Hiệp hội Yakiniku Nhật Bản đã quyết định lấy ngày 29/08 làm Ngày Yakiniku (Yakiniku no Hi, 焼肉の日). Ngày này được chọn vì cách phát âm “8月29” (ngày 28/09) là ya-tsuki-ni-ku, gần giống với Yakiniku (8 = ya, 月 = tsuki, 2 = ni, 9 = ku).
Những đặc trưng làm nên sức hút của thịt nướng Nhật Bản
Chất lượng thịt tuyệt hảo
Tại Nhật Bản, người ta đặc biệt chú ý đến việc chăn nuôi gia súc để đạt được chất lượng thịt vượt trội. Do đó, các nhà hàng Yakiniku trở thành nơi lý tưởng để khám phá chất lượng và độ tươi ngon của những loại thịt, đặc biệt là thịt bò nổi tiếng của Nhật Bản - Wagyu.
Trải nghiệm ăn uống thú vị
Từ các cửa hàng nhỏ đến những chuỗi cửa hàng nổi tiếng, hầu hết các bàn tại nhà hàng Yakiniku đều có trang bị bếp nướng. Thực khách ghé thăm những nhà hàng này có thể tự tay chế biến món ăn của mình, mang lại trải nghiệm thú vị và bầu không khí vui vẻ.
Các loại thịt và nguyên liệu phổ biến trong món Yakiniku
Nhiều loại thịt và bộ phận khác nhau được sử dụng cho món Yakiniku, và mặc dù trong tên gọi có từ thịt (肉 - niku), Yakiniku cũng có thể bao gồm hải sản và nhiều loại rau củ.
Thịt bò
Bò là nguyên liệu nướng phổ biến nhất, được xem như “ngôi sao” của thịt nướng Nhật Bản. Một số loại thịt bò được yêu thích nhất trong món Yakiniku là:
- Karubi (Kalbi) hoặc Baraniku: sườn bò, thường được phục vụ không có xương
- Harami: diềm thăn bò
- Misuji: thịt vai
- Rosu: thăn bò
- Gyutan: lưỡi bò
Thịt heo
- Butabara: thịt ba chỉ
- Tontoro: nọng heo
Thịt gà
- Momo: đùi gà
- Bonjiri: phao câu
Horumon/Motsu (Nội tạng)
- Gatsu: dạ dày lợn
- Kobukuro: dồi trường lợn
- Mino/Hachinosu: lòng bò
- Reba: gan bò
- Shibire: tụy bò
- Hatsu: tim
- Oppai: vú
- Mame: thận
- Shiro: ruột
Hải sản
- Động vật có vỏ như hàu
- Mực ống
- Tôm
Rau củ
- Nấm
- Ớt chuông
- Bí ngô
- Hành tây
- Bắp cải
- Tỏi
- Cà tím
- Giá đỗ
Các loại sốt Yakiniku phổ biến
Sốt Yakiniku được gọi là “Yakiniku no tare” hoặc ngắn gọn hơn là Tare trong tiếng Nhật. Hương vị của Tare khác nhau tùy thuộc vào nền của sốt, chẳng hạn nước tương hoặc miso, hay ngọt hoặc cay. Để chọn được nước sốt ngon, điều quan trọng là phải biết hương vị nào phù hợp với nguyên liệu nào.
Sốt Tare tiêu chuẩn
Loại sốt Yakiniku nước tương là phổ biến nhất, nó là sự kết hợp của nước tương Nhật - Shoyu, đường, rượu sake, tỏi và một số thành phần khác như gừng, hành lá, trái cây như táo, lê... Mỗi nhà hàng thịt nướng lại có một công thức sốt độc quyền với tỷ lệ và thành phần khác nhau.
Loại sốt tiêu chuẩn này có hương vị phong phú, với vị tỏi đậm và vị trái cây mạnh. Sốt Yakiniku nước tương được cho là rất hợp với thịt bò, thịt gà và thịt lợn.
Sốt Miso Tare
Loại này ngoài thành phần nước tương còn có miso, chất làm ngọt, mirin và bột ớt. Ngoài ra, giống như sốt Yakiniku nước tương, cũng có một số loại được thêm tỏi băm và hành lá cắt nhỏ.
Miso Tare đặc biệt phù hợp với nội tạng có độ béo cao và mùi đặc trưng. Loại sốt này cũng được dùng để ướp thịt trước khi nướng, nhưng khá dễ cháy nên cần phải cẩn thận khi nấu.
Sốt Shio Tare
Shio có nghĩa là muối và thành phần chính của loại sốt Yakiniku này là muối và dầu mè. Nó có vị thanh, nhẹ nhàng, rất hợp với rau củ và thịt gà. Giống như sốt nước tương và miso ở trên, nhiều loại Shio Tare có chứa gừng và tỏi nghiền, thậm chí được vắt thêm chanh.
Cách thưởng thức Yakiniku đúng điệu
Chọn loại thịt
Hầu hết các nhà hàng Yakiniku đều phục vụ thịt gà và thịt lợn cắt miếng. Nhưng thứ khiến mọi người liên tưởng đến Yakiniku chính là thịt bò Nhật Bản (Wagyu) - nổi tiếng về chất lượng thượng hạng.
Với món nướng Yakiniku, thịt thường được thái lát mỏng vừa ăn. Điều này giúp việc nấu nướng nhanh hơn và thưởng thức cũng dễ dàng hơn. Có nhiều phần thịt để lựa chọn, nhưng phổ biến nhất là karubi (galbi hay thịt sườn). Loại thịt này có nhiều vân cẩm thạch, ám chỉ những vệt mỡ xen kẽ với phần nạc của thịt.
Có những lựa chọn khác như thịt thăn - mỏng và nhanh chín; nạc dây mềm và có một lớp mỡ mỏng. Một loại nguyên liệu khác bạn nên thử là nội tạng horumon. Từ lưỡi, tim, gan, ruột bò..., mỗi loại nội tạng này có hương vị đặc trưng riêng, rất có thể sẽ “gây nghiện”.
Ngoài ra, các nhà hàng Yakiniku ở Nhật thường cung cấp 2 lựa chọn về cách phục vụ: thỏa thuê thưởng thức buffet nướng trong khoảng 90 phút (tiếng Nhật là Tabehodai - 食べ放題), hoặc Alacarte – thực khách tự chọn loại và số lượng thịt cụ thể để nướng.
Nếu bạn chưa quyết định được loại khẩu phần ăn nào phù hợp nhất với mình, hãy cân nhắc xem sức ăn của bản thân đến đâu. Alacarte sẽ phù hợp hơn nếu bạn không muốn ăn nhiều, hoặc chỉ muốn thưởng thức một số loại thịt cụ thể.
Cách nướng thịt Yakiniku chuẩn Nhật
Như đã nói, hầu hết các nhà hàng Yakiniku sẽ yêu cầu thực khách tự nướng thịt. Do đó, để có một bữa ăn ngon với những miếng thịt hoàn hảo, không bị chín quá, hãy ghi nhớ một số mẹo sau.
Đầu tiên, hãy đảm bảo làm nóng vỉ nướng trước khi bạn đặt bất cứ thứ gì lên. Và thông thường nhà hàng sẽ cung cấp những chiếc kẹp, đũa phục vụ cho việc nướng thịt, vì vậy hãy nhớ sử dụng chúng thay vì những dụng cụ mà bạn sẽ dùng để ăn.
Mọi người đều có phương pháp riêng của mình. Tuy nhiên, nhiều người sẽ bắt đầu bữa ăn với việc nướng vài miếng thịt dày song song với một số miếng mỏng hơn. Điều này giúp bạn có thể luân phiên liên tục các loại thịt, tránh phải chờ đợi lâu.
Thịt nạc nên để tái và nướng trong thời gian ngắn hơn, nếu không thịt sẽ bị dai. Ngược lại, những miếng thịt nhiều mỡ nên được nướng lâu vì thịt sẽ mềm hơn khi mỡ tan chảy.
Ngoài ra, tốt hơn hết là nên bắt đầu với những phần thịt không ướp hoặc ướp ít sốt để tránh làm ảnh hưởng đến vị của những miếng thịt sau. Lưỡi bò – nội tạng – thịt thăn – thịt sườn là một thứ tự nướng khá phổ biến.
Phần giữa của vỉ là nơi nóng nhất, còn phần rìa của vỉ là nơi để bạn làm nguội thịt đã chín. Và hãy ghi nhớ rằng, luôn nướng ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn, lật mặt thịt để đảm bảo miếng thịt được chín đều.
Ngoài ra, đừng đặt quá nhiều thịt lên vỉ nướng cùng một lúc vì sẽ làm giảm nhiệt độ của vỉ, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
Vỉ nướng đôi khi sẽ cần được thay thế giữa bữa ăn, nếu cảm thấy vỉ hơi khét, bạn chỉ cần hỏi nhân viên và họ sẽ mang cho bạn một tấm lưới mới.
Thưởng thức Yakiniku như thế nào?
Khi thịt và các nguyên liệu khác đã chín, hãy lấy chúng ra khỏi vỉ nướng và chấm vào nước sốt rồi thưởng thức. Một số loại thịt như karubi hoặc bulgogi không cần nước sốt vì chúng đã được ướp sẵn.
Đối với các loại thịt như lưỡi, chút muối và nước cốt chanh là đã đủ để tạo ra hương vị thơm ngon nhất. Đối với các loại thịt khác, sốt Yakiniku là lý tưởng nhất, đây là hỗn hợp nước tương, đường, mirin và có thể có một ít dầu mè cùng tỏi.
Một lời khuyên từ Michelin Guide khi thưởng thức Yakiniku là nên ăn những phần có vị nhẹ rồi mới đến các phần được ướp sốt đậm đà. Tránh ăn liên tiếp ba lát bò nhiều mỡ - nó sẽ làm giảm vị giác của bạn. Ngoài ra, chuyển sang dùng thịt sườn hoặc lưỡi kết hợp với sốt thịt nướng ở giữa bữa ăn sẽ giúp thay đổi kết cấu và hương vị.
Top 5 nhà hàng Yakiniku nổi bật tại TP. Hồ Chí Minh
1. Sumo Yakiniku
Với slogan “Tinh hoa thịt nướng Nhật Bản”, Sumo Yakiniku (trước đây là Sumo BBQ) là một trong số những nhà hàng tiên phong mang Yakiniku đến Việt Nam. Menu gọi món của Sumo có giá từ 149.000, và buffet từ 469.000 cho một bữa tiệc nướng thỏa thích.
Điểm nổi bật của Sumo là menu đa dạng các loại thịt cao cấp với bò Wagyu, Harami, thăn ngoại bò Mỹ, heo Iberico cùng nhiều loại sốt ướp, cho tới các loại lẩu (mà Chanko nabe là món nhất định phải thử!) và nhiều món ăn kèm đa dạng.
- Địa chỉ: Tham khảo địa chỉ 15 chi nhánh tại TP. HCM tại website
- Thời gian hoạt động: 9:00 – 22:00
- Website: https://sumoyakiniku.com.vn
2. Phổ Đình - Uraetei Yakiniku
Một cái tên đã quá quen thuộc với các tín đồ của Yakiniku khi muốn thưởng thức một bữa tiệc nướng chất lượng. Uraetei Yakiniku tự hào với các loại sốt nướng hấp dẫn tôn lên hương vị của thịt, như sốt muối trứng, miso...
Bên cạnh thịt bò là “highlight”, menu của nướng nhà hàng còn có các loại thịt heo, hải sản, nội tạng... Ngoài Yakiniku, Uraetei có thể chiều lòng bất kỳ thực khách nào với đa dạng các món từ khai vị đến cơm, mì, đặc biệt là lẩu Sukiyaki.
- Địa chỉ: 125A Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, Quận 3
- Điện thoại: 1900 633 302
- Thời gian hoạt động: 11:00 - 22:30
- Website: https://www.uraetei-yakiniku.com.vn
3. Gyu-Kaku Japanese BBQ
Gyu-kaku là hệ thống nhà hàng Yakiniku lớn nhất Nhật Bản với hơn 700 chi nhánh trên toàn thế giới. Chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay đã mở rộng ra 4 cơ sở, 2 tại Hà Nội và 2 tại TP.HCM.
Nhà hàng vừa có thực đơn gọi món lẫn buffet, trong đó thịt bò Wagyu và bò Mỹ được nhiều thực khách đánh giá tích cực, bên cạnh nhiều loại hải sản tươi sống. Yakiniku được nướng trên than hồng, trong không gian riêng tư và đậm chất Nhật Bản, là một nơi nhất định phải ghé khi nhắc đến đồ nướng Nhật.
Gyu-Kaku BBQ Lê Thánh Tôn
- Địa chỉ: Tầng 1, số 15/7 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 3822 4837
- Thời gian hoạt động: Thứ 2 đến Thứ 6: 11:00 – 14:00; 17:00 – 22:00; T7 & Chủ Nhật: 11:00 – 22:00
- Website: www.gyu-kaku.com.vn
Gyu-kaku BBQ Aeon Tân Phú
- Địa chỉ: RF-26, Aeon Celadon Tân Phú, 30 Bờ Bao Tân Thắng, Q.Tân Phú, TP.HCM
- Điện thoại: 028 6257 7222
- Thời gian hoạt động: 10:30 - 22:00
4. Nhà hàng thịt nướng Anrakutei
Chuỗi nhà hàng Yakiniku trứ danh với 350 chi nhánh tại Nhật Bản này hiện có 2 nhà hàng đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Anrakutei có thực đơn gọi món và cả buffet với giá từ bình dân cho đến cao cấp với những loại thịt bò hảo hạng.
Đặc trưng của Yakiniku ở Anrakutei là không ướp quá nhiều sốt mà tập trung làm nổi bật hương vị nguyên bản của thịt bò. Ngoài ra, nhà hàng cũng phục vụ một số món ăn kèm, cơm và lẩu bên cạnh Yakiniku.
Anrakutei Japanese BBQ
- Địa chỉ: 59 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, Quận 1
- Điện thoại: 028 3823 6378
- Thời gian hoạt động: 11:00 – 23:00
- Website: https://www.anrakutei.vn/
Anrakutei Premium
- Địa chỉ: 115-117 Nguyễn Trãi, Phường Bến Thành, Quận 1
- Điện thoại: 028 7308 0688
- Thời gian hoạt động: 11:00 – 23:00
5. Nikutaro - nhà hàng BBQ Nhật Bản
Nikutaro là một nhà hàng thịt nướng Nhật Bản khá có tiếng với menu đa dạng từ bò wagyu đến heo, gà, hải sản, ngoài ra còn có nhiều món ăn kèm và lẩu với mức giá phải chăng. Nhà hàng sử dụng bếp nướng than kết hợp với đá, các nguyên liệu khi nướng lên thoang thoảng mùi khói vô cùng hấp dẫn.
Không gian nhà hàng được bài trí khá đơn giản và ấm cúng với tông chủ đạo là đỏ, địa điểm nằm ở trung tâm Quận 1 cũng là một điểm cộng lớn.
- Địa chỉ: 2B1 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1
- Điện thoại: 028 3822 6441
- Thời gian hoạt động: 11:00-22:00 (Chủ nhật – Thứ 5); 11:00-23:00 (Thứ 6, Thứ 7)
- Fanpage: https://www.facebook.com/nikutarobbqhcmc/
kilala.vn
28/09/2023
Bài: kirin
Đăng nhập tài khoản để bình luận