Những loại đồ uống Chuhai nồng độ cao đang dần biến mất ở Nhật?
Loại nước uống với độ cồn cao từng được ưa chuộng nay không còn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người tiêu dùng, sau khi các chuyên gia y tế cho biết sản phẩm này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trong bữa tiệc của người Nhật, đồ uống có cồn là không thể thiếu, đặc biệt là Chuhai.
Chuhai là gì?
Chuhai (チューハイ hoặc 酎ハイ) là một loại đồ uống hỗn hợp xuất hiện ở Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, khi rượu khan hiếm. Cái tên này là sự kết hợp của từ shochu trong tiếng Nhật (một loại rượu chưng cất) và từ tiếng Anh “highball”.
Ở Nhật Bản thời hậu chiến, rượu whisky là một thứ xa xỉ nên hầu hết những người uống rượu đều phải tìm đến shochu. Ngày nay, rượu shochu có chất lượng cao, nhưng trong thời kỳ hỗn loạn sau chiến tranh, nó thường có mùi vị khó chịu và không rõ nguồn gốc. Để làm cho nó dễ uống hơn, các quầy hàng và quán rượu trên đường phố bắt đầu trộn nó với nước soda và gọi nó là “shochu highball” hay gọi tắt là “Chuhai”. Công thức pha chế này lan truyền nhanh chóng với nhiều biến thể bằng cách thêm nước ép trái cây, xi-rô có hương vị hoặc trà.
Sản phẩm Chuhai đóng chai đầu tiên được bán lẻ tại các cửa hàng vào năm 1983 bởi một công ty tên là Toyo Jozo, với thương hiệu hấp dẫn là “hiLicky”. (Sau đó, công ty sáp nhập với Asahi Breweries và trên lon bây giờ có dòng chữ “hiLiki”).
Loại đồ uống này nhanh chóng được giới trẻ yêu thích và sự thành công đó đã khuyến khích các nhà sản xuất khác “nhảy vào” với các sản phẩm đóng chai hoặc lon khác nhau.
Không có tiêu chuẩn về nồng độ cồn dành cho Chuhai. Nếu quan sát kỹ, bạn có thể nhận thấy rằng nồng độ cồn không chỉ thay đổi theo sản phẩm mà còn thay đổi theo từng nhãn hiệu, tùy thuộc vào hương vị bạn chọn. Ví dụ, món Chuhai đào “Hyoketsu” của Kirin chứa 3% cồn. Nhưng phiên bản bưởi, cùng nhãn hiệu, cùng mức giá, lại có nồng độ cồn lên đến 5%.
Đại diện công ty giải thích có hai lý do khiến nồng độ cồn khác nhau. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là hương vị. Hương vị cam quýt mạnh, như chanh và bưởi, rất hợp với rượu và yêu cầu nồng độ cồn cao hơn để cân bằng.
Trong khi đó, những loại như nho, táo và đào, mùi vị không quá đậm, sẽ phù hợp với rượu nồng độ cồn thấp. Bên cạnh đó, những người yêu thích hương vị này sẽ thường là phụ nữ, nên nồng độ thấp cũng khá thích hợp với họ.
Chính vì thế ngành công nghiệp Chuhai đã phân chia thành hai cấp bậc là Chuhai “tiêu chuẩn” (cồn 5%) và Chuhai “mạnh” (7 đến 9%).
Người tiêu dùng hướng đến lối sống lành mạnh hơn
Ngày 19/2, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cảnh báo về uống rượu bia. Những phát hiện mới cho thấy tiêu thụ nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
Cảnh báo này được đưa ra sau thông báo tương ứng của Asahi Beer và Sapporo Beer về kế hoạch chấm dứt dòng sản phẩm mới Chuhai có nồng độ cồn từ 8% trở lên.
Trước đó, một số chuyên gia y tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đồ uống Chuhai “mạnh”. Mặc dù không có nồng độ cồn cao như rượu chưng cất, rượu vang hoặc rượu sake, nhưng loại đồ uống này lại rất ngon miệng và dễ thưởng thức quá mức. Một bác sĩ gây chú ý khi gọi Strong Zero (sản phẩm Chuhai nổi tiếng của Kirin với nồng độ cồn 9%) là “một thức uống nguy hiểm”.
Bộ Y tế cho biết, việc tiêu thụ hơn 40 gam rượu đối với nam và 20 gam đối với nữ sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư (20 gram rượu tương đương với hai ly rượu có nồng độ cồn 12%).
Ngoài ra, ngày càng nhiều người trẻ Nhật hưởng ứng lối sống “không uống rượu với tinh thần tích cực”. Điều này kéo theo các quán bar không cồn và các nhãn hiệu bia không cồn đã tăng lên. Asahi đang dẫn đầu cuộc chuyển hướng với các sản phẩm mới có nồng độ cồn thấp hơn, bao gồm loại 3,5% Super Dry (ngày trước là 5%) và một dòng đồ uống mới có tổng tỷ lệ cồn thấp hơn được gọi là Dry Crystal.
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận