Kamaboko: những lát chả cá với nhiều tạo hình đáng yêu

    Nép mình khiêm tốn trong những món ăn truyền thống như Osechi, Oden,... Kamaboko - chả cá Nhật Bản - tuy không ấn tượng và nổi bật hay giữ vai trò quan trọng về hương vị nhưng lại là sự hiện diện không thể thiếu trong ẩm thực Nhật Bản.

    Kamaboko - chả cá Nhật Bản

    Kamaboko (蒲鉾) là tên gọi chung các món chả cá của Nhật Bản. Nhắc đến Kamaboko, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những lát chả cá trắng hồng nhưng thực ra Kamaboko vô cùng phong phú về hương vị và hình thức, tùy theo loại cá sử dụng hay địa phương sản xuất. Hình dáng ban đầu của Kamaboko chính là Chikuwa hiện tại, trông rất giống hoa của cỏ nến nên được gọi là Gamanoho (Hoa của cỏ nến), lâu dần bị biến âm thành “Kamaboko”.

    Để làm chả cá, người ta thường dùng các loại cá thịt trắng như cá đù, cá minh thái, cá lạc, cá hố,... Sau khi loại bỏ xương, da, đầu và nội tạng, thịt cá được rửa sạch và để ráo nước. Tiếp theo, thịt cá được xay nhuyễn với một chút đường, hỗn hợp này được gọi là Surimi (すり身), rồi nhào trộn với muối và gia vị khác đến khi đạt được độ dai như ý. Cuối cùng là tạo hình, gia nhiệt, đóng gói và hoàn thiện sản phẩm.

    Kamaboko chả cá Nhật Bản

    Lần đầu tiên Kamaboko được nhắc đến trong sử sách là vào năm 1115, trong Ruijuzoyosho (類聚雑要抄) - văn tự cổ ghi chép quy trình chuẩn bị những nghi lễ và sự kiện. Khi đó, chả cá mang hình dáng như Chikuwa hiện tại và xuất hiện trên khay món ăn của quan Hữu đại thần. Cuối thời đại Edo, phương pháp sản xuất và bảo quản chả cá được hoàn thiện, từ đó ngành công nghiệp chả cá phát triển mạnh mẽ và cho ra đời vô vàn các loại chả cá ngon lành như ngày nay. Một số loại còn trở thành đặc sản nổi tiếng của địa phương như Satsumaage của tỉnh Kagoshima, hay Konbumaki Kamaboko của tỉnh Toyama,...

    Kamaboko trong ẩm thực Nhật Bản

    Vị trí của Kamaboko trong nền ẩm thực Nhật Bản tuy không ấn tượng và nổi bật như những món ăn quốc hồn quốc túy, nhưng đó lại là sự hiện diện không thể thiếu. Một vài món ăn truyền thống có sự góp mặt của chả cá Nhật Bản là món Oden, khay Osechi, các món mì Ramen, Udon,...

    Kamaboko chả cá Nhật Bản

    Hầu hết những món ăn này đều sẽ không bị ảnh hưởng gì về hương vị khi không có chả cá, nhưng sự vắng mặt đó sẽ khiến bạn cảm thấy… không trọn vẹn. Chả cá vốn là một món ăn có hương vị nhẹ nhàng, không quá đặc thù và dễ dàng phù hợp với nhiều phương pháp chế biến từ chiên xào đến kho hay hầm, nên rất được ưu ái sử dụng cho bữa cơm gia đình, đặc biệt là chuẩn bị Bento. Bạn sẽ phải trầm trồ trước khả năng “biến hóa” về hình dạng của chả cá, khi là đóa hoa, khi là chú thỏ,... hết sức xinh xắn! Trong một số dịp đặc biệt, chả cá còn có hình cá tráp, dùng để gửi lời chúc mừng, chúc phúc

    Các loại Kamaboko phổ biến

    Cách phân loại thường thấy nhất là theo phương pháp gia nhiệt, chia thành 4 nhóm bao gồm Mushi-kamaboko (hấp), Yaki-kamaboko (nướng), Yude-kamaboko (luộc) và Age-kamaboko (chiên).

    Mushi-kamaboko

    Ita Kamaboko:món chả cá trắng và hồng nằm gọn gàng trên một tấm gỗ, thường mang ý nghĩa chúc phúc. Đây là loại chả cá phổ biến nhất Nhật Bản, thường xuyên góp mặt trong nhiều món ăn truyền thống như Osechi, Udon, Soba,... Ita Kamaboko của thành phố Odawara là nổi tiếng nhất vùng Kanto, Nhật Bản.

    Ita Kamaboko

    Konbumaki Kamaboko:đặc sản trứ danh của tỉnh Toyama. Chả cá được cuộn quanh bởi tảo biển (Konbu), không chỉ hòa hợp về hương vị mà còn tạo cảm giác khoái khẩu khi ăn. Xắt mỏng, ăn với trứng cá hồi hoặc phô mai sẽ rất tuyệt vời!

    Konbumaki Kamaboko

    Yaki-kamaboko

    Sasa Kamaboko:chả cá tạo hình như lá tre (Sasa), hai mặt được nướng chín vàng hấp dẫn, thịt cá ngon mềm có thể để nguyên như vậy mà ăn hoặc kẹp phô mai rồi nướng thêm lần nữa, hoặc chiên giòn theo kiểu Tempura đều rất ngon. Đây là đặc sản của tỉnh Miyagi.

    Sasa Kamaboko

    Datemaki:chả cá trộn đều với trứng và đường, cho vào khuôn vuông nướng chín rồi cuộn tròn như hình chữ No (の). Datemaki, một món ăn không thể thiếu trong Osechi. Nếu không cuộn tròn, chúng ta sẽ có món Atsuyaki. Datemaki phổ biến ở vùng Kanto và Atsuyaki thì được yêu chuộng hơn ở Kansai.

    Datemaki

    Yaki Chikuwa:thành phố Toyohashi, tỉnh Aichi là địa phương nổi tiếng về Chikuwa, món chả cá cuộn quanh ống trúc, nướng vàng ở giữa thân. Chikuwa thường được ăn trực tiếp hoặc dùng trong món xào, món trộn.

    Yaki Chikuwa

    Yude-kamaboko

    Narutomaki:đặc sản phổ biến tại thành phố Yaizu, tỉnh Shizuoka, nổi bật với hoa văn xoắn ốc được mô phỏng theo xoáy nước ở eo biển Naruto. Món chả cá này thường có trong những món mì Ramen, mì Udon, trứng hấp Chawanmushi,...

    Narutomaki

    Hanpen:hỗn hợp chả cá và khoai mỡ trắng, kết cấu mềm nhẹ, rất hút nước và là nguyên liệu thường có trong món hầm Oden. Ngoài ra còn có nhiều món ăn biến tấu khác với Hanpen như kẹp phô mai, nhồi thịt,... Tokyo và Choshi là 2 thành phố nổi tiếng về sản xuất Hanpen.

    Hanpen

    Age-kamaboko

    Goboten:món chả cá cuộn củ ngưu bàng (Gobo), thường xuất hiện trong món hầm Oden. Ngoài nhân ngưu bàng, Goboten còn có những phiên bản sáng tạo khác như cuộn cà rốt, đậu que, mực, tôm, trứng,... Chỉ cần nướng sơ rồi chấm với nước tương mù tạt là ngon tuyệt vời!

    Goboten

    Satsumaage:món chả cá chiên đôi khi trộn với rau củ hoặc hải sản khác, xuất xứ từ địa phương trước đây gọi là Satsuma, thuộc tỉnh Kagoshima. Đây cũng là đặc sản đầy tự hào của tỉnh này. Satsumaage có thể dùng như một nguyên liệu trong món lẩu, hầm, xào, kho hoặc nướng sơ rồi ăn với nước tương đều được.

    Satsumaage

    Những điều thú vị về Kamaboko 

    Vì sao Kamaboko được đặt trên tấm gỗ?

    Chả cá vốn rất mềm, vì vậy cần được đặt trên tấm gỗ để không bị mất hình dạng. Tấm gỗ cũng giúp hút bớt lượng ẩm dư thừa và giữ vị ngon của Kamaboko.

    Kamaboko có vô vàn tạo hình dễ thương

    Bên cạnh màu trắng và hồng truyền thống, Ita-kamaboko còn có phiên bản hiện đại với những họa tiết đáng yêu ẩn bên trong, phong phú từ hoa lá chim muông đến nhân vật hoạt hình. 

    Kamaboko lành mạnh với sức khỏe!

    Trong 100g chả cá sẽ có khoảng 12g protein và chỉ 0,9g chất béo. So sánh với thịt bò và đậu hũ vốn là những thực phẩm nổi tiếng giàu đạm, thịt bò có 18,9g protein nhưng tận 17,5g chất béo, còn đậu hũ tuy chỉ có 4,2g chất béo nhưng lượng protein cũng thấp 6,6g.

    Ngày 15/11 là ngày Kamaboko

    Lần đầu tiên Kamaboko được nhắc đến trong sử sách là vào năm 1115, nên ngày 11/15 trở thành ngày Kamaboko. Ngày 11/15 cũng là ngày Shichi Go San, vào ngày này ba mẹ thường chuẩn bị những món ăn đặc biệt mang ý nghĩa cầu chúc cho con luôn khỏe mạnh và tất nhiên không thể thiếu những lát chả cá trắng hồng hay chả cá tạo hình cá tráp.

    Kamaboko chả cá Nhật Bản

    kilala.vn

    11/05/2020

    Bài: Lăng Vi
    Ảnh: PIXTA

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!