Dorayaki - Cách làm bánh rán Dorayaki yêu thích của Doraemon
Nếu bạn đã quen thuộc với những bộ phim hoạt hình Nhật Bản thì chắc hẳn bạn biết đến Dorayaki – món bánh yêu thích của nhân vật Doraemon. Không chỉ chú mèo máy xanh, mà Dorayaki còn là món khoái khẩu của người dân Nhật Bản
Dorayaki là gì?
Dorayaki - どら焼き là món wagashi (đồ ngọt Nhật Bản) truyền thống nổi tiếng ở xứ sở mặt trời mọc. Món bánh gồm nhân Azuki (đậu đỏ) được kẹp giữa hai lát bánh pancake bông xốp ngọt ngào. Tuy nhiên, vỏ bánh Dorayaki có một chút khác biệt so với những loại bánh thông thường khi phần bột được làm từ mật ong và đôi khi có một chút rượu mirin, tạo nên độ xốp cho bánh.
Tên gọi Dorayaki xuất phát từ đâu?
Dorayaki có nguồn gốc từ Nhật Bản, xuất hiện từ đầu những năm 1900 và nhiều người tin rằng hình dáng của nó được lấy cảm hứng từ chiếc cồng chiêng (có nghĩa là “Dora” trong tiếng Nhật).
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, nó không được đặt theo tên của nhân vật Doraemon dù tên nghe có vẻ giống nhau. Tuy nhiên Doraemon thực sự rất thích ăn Dorayaki.
Ở vùng Kansai, món ngọt này thường được gọi là Mikasa (三笠). Từ này có nghĩa là ba chiếc mũ rơm, nhưng cũng là tên gọi khác của núi Wakakusa - một ngọn núi thấp có độ dốc thoai thoải nằm ở Nara.
Dorayaki có vị như thế nào?
Loại bánh này là món tráng miệng lý tưởng khi thèm thứ gì đó có đường nhưng không quá ngọt. Khi ăn, hương vị của bánh tương tự như bánh kếp với mứt hoặc kem tươi nhưng kết cấu bánh sẽ ẩm, dai và mềm hơn.
Tại sao bánh Dorayaki lại mang lại may mắn?
Hình dạng của Dorayaki bao gồm hai phần bánh kẹp nhân đậu đỏ bên trong, điều này tượng trưng cho sự gắn kết của hai người yêu nhau, mối quan hệ gia đình…
Vì vậy, khi một chàng trai ra mắt nhà gái lần đầu tiên, người ta tin rằng nếu chàng trai mang đến một chiếc Dorayaki thì sẽ là lời hứa hẹn về một cuộc sống hạnh phúc của hai người về sau.
Bên cạnh đó, việc người Nhật “cuồng” đậu đỏ không phải là một điều quá xa lạ khi chúng có mặt ở hầu hết các loại đồ ngọt. Theo quan niệm, đậu Azuki từ lâu đã được cho là có tác dụng xua đuổi xui xẻo vì hình dạng và màu đỏ của chúng. Vì vậy, Dorayaki nhân đậu đỏ được coi là loại bánh mang lại may mắn.
Dorayaki và Doraemon
Nếu bạn lớn lên với những bộ phim hoạt hình Nhật Bản, có lẽ bạn sẽ biết rằng Dorayaki chính là niềm đam mê của chú mèo máy xanh. Doraemon "phát điên" vì món ăn nhẹ này và sẽ rơi vào bất kỳ cái bẫy nào liên quan đến nó. Một tập của bộ phim thậm chí còn tiết lộ rằng ước muốn của chú là được ăn cả núi Dorayaki.
Món ngọt truyền thống của Nhật Bản trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới nhờ nhân vật anime của thập niên 70 này. Từ trước đến nay, việc nhắc đến món ăn vặt luôn gắn liền với Doraemon. Bạn thậm chí có thể tìm thấy nhiều bao bì đồ ăn nhẹ có hình hoạt hình trên đó. Vì thế mà nhiều người còn cho rằng món ăn vặt của Nhật Bản được đặt theo tên của Doremon.
Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, món ăn này đã tồn tại trước khi Fujiko F. Fujio tạo ra Doremon. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nhờ Doraemon mà Dorayaki trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Công thức làm bánh rán Dorayaki
Nguyên liệu cho phần ăn 6 người
- 4 quả trứng (mỗi quả khoảng 50gr)
- 140gr đường
- 2 muỗng canh mật ong
- 330 gr bột mì đa dụng
- 1 muỗng cà phê bột nở
- 1-2 muỗng canh nước
- Dầu để tráng chảo
- Đậu đỏ nấu chín (bạn có thể chọn loại nhuyễn hoặc còn hạt tùy theo sở thích)
Cách làm
- Bước 1: Đập 4 quả trứng vào tô lớn, cho 140gr đường và hai muỗng canh mật ong. Đánh đều cho đến khi hỗn hợp bông xốp.
- Bước 2: Rây bột mì vào hỗn hợp phía trên, cho thêm bột nở, trộn đều. Đặt hỗn hợp vào tủ lạnh để bột nghỉ trong 15 phút.
- Bước 3: Sau khi nghỉ, bột sẽ mềm và mịn hơn một chút. Bây giờ, cho ½ lượng nước đã chuẩn bị ở trên và kiểm tra độ đặc. Thêm nhiều nước hơn nếu cần cho đến khi đạt được độ đặc phù hợp. Giai đoạn này tùy thuộc vào trứng, bột mà mỗi người tự điều chỉnh lượng nước thêm vào cho phù hợp.
- Bước 4: Làm nóng chảo không dính, bôi 1 lớp dầu vào chào. Sau đó, dùng một chiếc khăn giấy khác lau sạch dầu hoàn toàn. Đây chính là bí quyết để bánh Dorayaki có màu vàng đều.
- Bước 5: Dùng một cái muôi hoặc cốc đong nhỏ, đổ bột bánh thẳng từ trên cao để tạo hình tròn cho bánh.
- Bước 6: Khi bạn thấy bề mặt bột bắt đầu nổi bong bóng thì lật mặt bánh lại và chiên mặt còn lại.
- Bước 7: Khi hai mặt đều chín, bỏ bánh ra đĩa, phủ lên trên một chiếc khăn ấm để bánh không bị khô.
- Bước 8: Tiếp tục làm các phần tiếp theo, lưu ý thực hiện bước tráng dầu giữa mỗi cái bánh.
- Bước 9: Phết đậu đỏ đã chuẩn bị vào một mặt bánh, kẹp chiếc bánh còn lại lên trên. Nếu chưa ăn ngay, bạn có thể bọc màng bọc thực phẩm quanh bánh để không bị khô.
Các loại nhân của Dorayaki
Bạn có thể tùy ý kết hợp bất kì loại nhân nào bạn muốn vào trong Dorayaki
- Nhân đậu đỏ: một trong những loại nhân cơ bản nhất được sử dụng trong rất nhiều món ăn nhẹ của Nhật Bản là anko. Đây có thể nói là phần nhân ngon nhất cho món Dorayaki.
- Sakura: nhân lá anh đào ngâm và đậu trắng.
- Matcha: nó có thể được làm theo 2 cách, bạn sử dụng bột matcha trong khi làm vỏ bánh, hoặc nhân kem matcha và đậu đỏ. Hương vị đặc trưng của matcha phù hợp với vị ngọt của bánh.
- Kem sữa trứng: Đây là loại nhân ngon thứ hai mà người Nhật dùng cho Dorayaki vì nó rất ngon khi dùng để làm nhân.
- Oreo Dorayaki: nếu bạn yêu thích Oreo, bạn có thể nghiền nát bánh quy, trộn với kem và dùng làm nhân.
- Socola Dorayaki : Socola là một loại nhân được yêu thích vì nó phù hợp với hầu hết mọi thứ.
- Kem Dorayaki : Vì Dorayaki có thể ăn nguội nên bạn thậm chí có thể kẹp bất kỳ hương vị kem nào vào giữa các bánh Dorayaki.
Ăn Dorayaki với gì?
Dorayaki là loại wagashi truyền thống có thể ăn bằng tay. Nó rất ngon và có thể được dùng như một món ăn nhẹ khi đi dã ngoại, mang đi làm hoặc đi học như bữa trưa. Bạn có thể thưởng thức Dorayaki cùng Matcha latte hoặc trà xanh Nhật Bản cho bữa sáng thư giãn hoặc bữa ăn nhẹ buổi chiều.
Dorayaki có để được lâu không và bạn bảo quản nó như thế nào?
Dorayaki vẫn có thể tươi ngon tới hai ngày nếu được bảo quản trong hộp kín . Tuy nhiên, nếu bạn có ý định làm chúng với số lượng lớn để có thể bảo quản lâu hơn và thưởng thức như món tráng miệng mỗi ngày thì nên được bảo quản đông lạnh. Bọc từng chiếc Dorayaki bằng màng bọc thực phẩm và cho vào túi ziplock. Nó có thể ở trong tủ lạnh lên đến một tháng.
Sự khác biệt của Dorayaki với Taiyaki và bánh pancake
Taiyaki
Dorayaki có hình tròn còn Taiyaki có hình con cá. Bột bánh cũng hơi khác một chút vì bột trước có chứa mật ong. Mặt khác, Taiyaki không chứa mật ong . Ngoài những khác biệt này, về cơ bản cả hai đều giống nhau. Cả hai đều được nấu ở nhiệt độ khô và chứa bột Anko . Chính vì những điểm tương đồng này mà Taiyaki còn có tên gọi khác là cá Dorayaki .
Pancake
Dorayaki dày hơn bánh kếp thông thường. Hơn nữa, nó có vị giống bánh bông lan Kasutera của Nhật Bản hơn vì có chứa mật ong và mirin (rượu gạo ngọt). Mặt khác, bánh pancake của Mỹ mỏng hơn và thường chỉ được làm từ trứng, bột mì và đường.
kilala.vn
11/10/2023
Bài: Natsume
Đăng nhập tài khoản để bình luận