Oni Manju – Những chiếc bánh yêu quái
Khó có thể đếm được tại Nhật có bao nhiêu loại bánh mặn, ngọt khác nhau. Và bằng trí tưởng tượng của mình, những người thợ làm bánh đã tạo ra các loại bánh với cái tên độc đáo, trong đó có Oni Manju (Bánh bao yêu quái). Trùng hợp thay, dù hình dạng và thành phần khác nhau nhưng tại 2 địa phương ở Nhật đều có loại bánh này.
Oni Manju tỉnh Aichi
Oni Manju là món bánh hấp nhân khoai lang thái hạt lựu. Người ta nói rằng cái tên này xuất phát từ việc những miếng khoai lang nhô lên trông giống với cặp sừng của con quỷ trong thần thoại Nhật Bản. Đây là một loại bánh ngọt địa phương của tỉnh Aichi và bạn có thể mua nó ở cửa hàng bánh kẹo hay các siêu thị Nhật. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng nó lại là một loại đồ ngọt được nhiều người yêu thích.
Tương truyền, đây là món ăn ra đời sau chiến tranh, khi lương thực khan hiếm và khoai lang cũng như bột mì là những thực phẩm tương đối dễ kiếm, phổ biến thay cho gạo. Nó có nhiều tên khác nhau như "Imo-uiro", "Imoman" và "Imo-manju" tùy theo khu vực.
Trong chiến tranh, số lượng quan trọng hơn hương vị, vì vậy một loại khoai lang gọi là "Gokoku Imo" đã được trồng và cho ra sản lượng lớn. Tuy nhiên, không giống như các loại khoai lang ngày nay như Beni Azuma, Beni Haruka và Annou Imo có vị ngọt cùng kết cấu mịn, Gokoku Imo nhiều nước và không có vị umami, nên người ta nói rằng bánh Oni Manju được ra đời từ sự khéo léo trong việc tìm cách làm cho món ăn trở nên thơm ngon hơn. Sau đó, trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, Oni Manju trở nên phổ biến như một món ăn nhẹ vừa no vừa rẻ cho nông dân.
Mặc dù thường được làm vào mùa thu - mùa thu hoạch khoai lang, nhưng ngày nay Oni Manju luôn có sẵn tại các cửa hàng bánh kẹo Nhật Bản và do đó có thể thưởng thức quanh năm.
Món này có thể dễ dàng làm tại nhà. Mua bất kì loại khoai lang nào bạn thích, rửa sạch, cạo vỏ (hoặc không, tùy sở thích), cắt thành khối 1cm. Cho khoai vào trộn cùng bột mì, bột gạo và đường, chia thành từng phần và hấp chín trước khi ăn. Bánh có thể được ăn nóng hoặc nguội.
Oni Manju có đặc điểm là kết cấu chắc và nặng, nhưng trong những năm gần đây, một số người thích ăn món này với kết cấu bông xốp, hoặc thay thế khoai lang bằng táo.
Cửa hàng bán món này nổi tiếng ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi là Hirokoji Doori. Vì diện tích nhỏ nên ở đây không có chỗ ngồi lại, chỉ bán mang đi. Cửa hàng mở cửa từ 8h00 – 18h00 hàng ngày, nhưng vì bánh được làm với số lượng hạn chế mà người mong muốn thưởng thức thì nhiều, nên nếu muốn ăn món Oni Manju, có lẽ bạn cần phải xếp hàng từ sớm.
Oni Manju ở Kyoto
Ở thị trấn Oe thuộc tỉnh Kyoto, một truyền thuyết địa phương đã cho ra đời một loại bánh bao khổng lồ. Loại bánh này dựa trên câu chuyện về Shuten Doji, con quỷ được cho là đã cư trú trong khu vực từ xa xưa.
Shuten Doji yêu thích rượu sake và thường cướp vàng, bắt, ăn thịt người dân trên núi Oe. Cho đến một ngày, nó bị chiến binh huyền thoại Minamoto no Yorimitsu (còn được gọi là Minamoto no Raiko) giết chết.
Câu chuyện này cũng được viết trên tờ giấy đính kèm trong hộp bánh. Với kích thước khổng lồ của chiếc bánh, nó thường bị nhầm là thứ mà yêu quái có thể ăn, nhưng thực ra lại được thiết kế trông giống như Koshikakeishi – tảng đá mà Raiko đã ngồi lên sau khi đánh bại con quỷ.
Chiếc bánh bao có kích thước to hơn nắm tay người lớn, chiều cao và bề ngang mỗi mặt là 9cm, nặng tới 479 gram. Ngoài phần vỏ mỏng gần giống như bánh bao thông thường, thì phần nhân là bột đậu đỏ nấu nhuyễn.
Nhưng có lẽ chỉ những ai là tín đồ của đậu đỏ mới có thể ăn hết chiếc bánh khổng lồ này.
Nếu muốn thưởng thức, bạn có thể ghé đến Shinji Seikaho, địa chỉ tại số 374-1 Tatehara, thị trấn Oe, thành phố Fukuchiyama (mở cửa từ 8h00 – 18h30).
kilala.vn
Đăng nhập tài khoản để bình luận