Mochi – Bánh giầy của Nhật Bản
Bánh giầy và mochi
Ở Việt Nam, bánh giầy được biết đến với sự tích "bánh chưng - bánh giầy" cùng hoàng tử Lang Liêu, là loại bánh dâng lên vua cha trong những ngày đầu xuân, tượng trưng cho trời. Bánh giầy có hình dạng tròn, được nấu từ những hạt gạo nếp tuyển chọn, giã trong cối cho đến khi thành một khối nếp dẻo quánh. Bánh giầy thường được dùng cùng với giò lụa hoặc trộn cùng đậu xanh ngọt để thưởng thức.
Qua đến xứ Phù Tang, bánh giầy trở thành một món ăn với cái tên vô cùng duyên dáng "mochi". Trong văn hóa Nhật Bản, bánh mochi là một vật phẩm dâng lên thần linh, có ý nghĩa mang lại sự may mắn. Vào dịp năm mới đây là một thức quà không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản.
Cùng Kilala tìm hiểu cách làm ra bánh mochi nhé!
Tương tự với bánh giầy, nguyên liệu chính của bánh mochi được làm từ gạo nếp. Mochi cũng có 2 hình thức phổ biến là có nhân và không nhân.
Sau đây là hướng dẫn cách làm loại mochi có nhân:
Đối với loại mochi có nhân:
- B1: Pha màu thực phẩm với nước sao cho nước có màu sắc mong muốn.
- B2: Trộn đều bột nếp, đường và nước màu với nhau. Lưu ý bột nếp làm vỏ bánh sau khi trộn sẽ rất dẻo và dính nên cần cho từ từ từng chút nước vào cho đến khi hỗn hợp bột thành 1 khối dẻo có độ ẩm vừa phải.
- B3: Lấy màng bọc thực phẩm bọc khối bột đã nhào.
- B4: Cho vào lò vi sóng quay 3 phút ở chế độ cao nhất.
- B5: Lấy bánh ra và trộn lại lần nữa bằng muỗng gỗ trong 20 giây.
- B6: Lấy màng bọc lại, cho vào lò vi sóng một lần nữa rồi quay trong 1 phút thì lấy ra, nhanh tay khuấy bột theo đường tròn khoảng 30 giây nữa để làm bột dai. Nếu không có lò vi sóng thì có thể cho bột vào tô hoặc bọc màng bọc thực phẩm và hấp cách thủy cho đến khi bột chín, trong lại là được.
- B7: Rắc đều bột nếp đã rang chín lên thớt, rồi đặt phần bột lên. Dùng dao cắt hoặc thoa tay ướt cho bột không dính vào tay rồi chia bột thành các phần nhỏ. Bạn cũng có thể xoa một ít bột nếp rang lên tay cho đỡ dính.
- B8: Bắt đầu vào công đoạn nặn bánh. Lấy từng phần vỏ bánh đã chia nhỏ, dùng ngón ngón tay ấn cho bột dẹt ra, cho nhân (đậu đỏ, trà xanh, kem viên nhỏ...) vào rồi gói bánh lại.
Những phiên bản khác của bánh mochi
Một nét đặc biệt hơn bánh giầy Việt Nam, bánh mochi Nhật Bản có cả "phiên bản" nướng. Bánh mochi nướng có 2 loại: kirimochi - bánh dày khô dạng khối chữ nhật và marumochi - bánh giầy dạng tròn dẹt. Loại bánh nướng này sẽ được ăn ngay sau khi nướng kèm với nước tương và nori. Ngoài ra, mochi còn có thể chiên và được gọi là mochi tempura.
Ngày nay, với những sự giao lưu văn hóa từ nhiều nền ẩm thực khác nhau trên thế giới, bánh mochi được biến tấu với nhiều loại nhân, nhiều cách thưởng thức, song vẫn giữ nguyên những giá trị ẩm thực cốt lõi.
Tại TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể thưởng thức bánh mochi ở những cửa hàng của Mochi Sweet, Nippon Sweet hay Mochido Mochi & Tea Leaf.
kilala.vn
10/09/2019
Bài: Thảo Trần
Đăng nhập tài khoản để bình luận