Kagami Mochi, bánh gạo linh thiêng dâng lên vị thần Năm mới
Là món ăn mang đậm màu sắc tâm linh dâng lên các vị thần Năm mới, Kagami Mochi mang hình dáng như một chú người tuyết với chiếc bánh nhỏ nằm ngay ngắn trên chiếc bánh lớn, phía trên cùng là một quả cam vàng. Cách thưởng thức bánh cũng không hề giản đơn mà phải đúng vào dịp Kagami Biraki (ngày 11/01) để tránh phạm thượng thần linh.
Kagami Mochi là gì?
Kagami Mochi (鏡餅 – Kính Bính) nghĩa đen “bánh gạo gương”, là một trong những món bánh truyền thống đại diện cho dịp Tết của người Nhật, dùng để dâng lên vị thần Năm mới Toshigami. Truyền thống có lịch sử hàng thế kỷ này vẫn còn được bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Loại Mochi linh thiêng này gồm hai chiếc bánh gạo xếp chồng lên nhau, chiếc ở trên nhỏ hơn chiếc ở dưới tạo thành hình giống như quả hồ lô. Trên đỉnh Kagami Mochi là quả cam đắng Daidai vẫn giữ lại lá xanh. Ngoài ra còn có thêm một miếng tảo bẹ Kombu và một xiên hồng khô bên dưới.
Kagami Mochi được đặt trên chiếc bệ gọi là “三宝 – Sampou”, lót ở giữa bằng giấy “四方紅 – Shihoubeni”, được cho là giúp tránh hỏa họa cho ngôi nhà vào những năm tiếp theo. Phần trang trí còn cầu kỳ hơn nữa với lá dương xỉ và Gohei (gồm 2 dải giấy Shide) giống như họa tiết trang trí ở đai lưng của các võ sĩ Sumo.
Xem thêm: Mochi – Bánh giầy của Nhật Bản
Nguồn gốc và ý nghĩa của Kagami Mochi
Kagami Mochi lần đầu tiên xuất hiện vào thời Kamakura (1192 – 1333). Chữ “鏡 – Kagami", tức "gương” trong tên của bánh có nguồn gốc từ hình dáng tròn, bóng bẩy giống chiếc gương đồng xưa.
Có khá nhiều giả thuyết về ý nghĩa của bánh Kagami Mochi. Theo Hiệp hội Kagami Mochi Nhật Bản, bánh được làm từ hạt gạo thu hoạch vào mùa thu cùng năm nên được cho là chứa đựng linh hồn thuần khiết của hạt gạo, và do vậy nó thuộc về Toshigami, vị thần ghé thăm các gia đình Nhật trong suốt dịp Năm mới. Trong văn hóa Nhật Bản, thần Toshigami mang lại mùa vụ bội thu, ban phát phước lành của tổ tiên và nguồn năng lượng sống cho con người.
Người xưa quan niệm Mochi mang đến sức mạnh cho những ai thưởng thức chúng. Hai bánh Mochi hợp lại tạo thành Kagami Mochi tượng trưng cho dòng chảy của thời gian với một chiếc bánh đại diện cho năm cũ và chiếc còn lại tượng trưng cho năm mới. Ngoài ra, bánh còn đại diện cho Mặt trăng và Mặt trời, cũng như ý nghĩa Âm – Dương (Yin – Yang).
Quả cam Daidai (橙) phát âm tương tự từ "代々", nghĩa là “đời đời”, tượng trưng cho sự tiếp nối của dòng tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và tảo bẹ Kombu có phát âm tương tự như từ “喜ぶ – Yorokobu" (hạnh phúc) cũng làm tăng thêm ý nghĩa may mắn cho Kagami Mochi.
Kagami Mochi trắng hồng lạ mắt ở Kanazawa
Mặc dù bánh Mochi thường có màu trắng nhưng tại thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa, Kagami Mochi lại có phần bánh phía trên màu đỏ (thực chất là màu hồng nhạt).
Phong tục này bắt nguồn từ thời Edo (1603 – 1868), người dân khi ấy đã chuẩn bị cặp bánh Mochi trên trắng, dưới đỏ để dâng lên những vị cai quản miền Kaga. Sự kết hợp của màu trắng và đỏ được xem là may mắn trong văn hóa Nhật Bản, và dần qua nhiều năm, nó đã được áp dụng lên bánh Kagami Mochi ở các gia đình thường dân. Tuy nhiên, thứ tự màu sắc của bánh đã có sự thay đổi: dưới trắng, trên đỏ, bởi nếu bắt chước cách trang trí bánh dâng lên lãnh chúa sẽ là thiếu tôn trọng.
Ở vùng Kanazawa, bánh Kagami Mochi thường được trang trí bao gồm một số lá dương xỉ (Urajiro) tươi và một ít rong biển Hondawara đặt bên dưới bánh gạo. Trên đỉnh, người dân đặt thêm quả cam đắng Daidai và xiên hồng khô.
Trước đây, các gia đình ở Kanazawa thường tự giã gạo làm bột, nhuộm màu cho bánh để đón Tết về, nhưng hiện nay, thường họ mua sẵn bánh ở các cửa hàng.
Cách trưng bày bánh Kagami Mochi
Theo truyền thống, Kagami Mochi có thể được trưng bày ở nhiều nơi đặc biệt bên trong nhà. Ngày nay, chúng thường được đặt trước Kamidana – bàn thờ Thần đạo của các gia đình Nhật Bản. Hay bánh còn được đặt ở hốc tường Tokonoma, nơi thường đặt bình hoa, tranh phong cảnh, lư hương. như một góc trang trí trong nhà, ở phòng khách hoặc phòng chính.
Bánh cũng thường được tạo hình sẵn và bọc trong túi nhựa bán ở siêu thị. Thay thế cho quả Daidai tươi, người Nhật còn dùng cả quýt Mikan hoặc Daidai bằng nhựa.
Có khá nhiều biến thể về hình dạng của Kagami Mochi được ghi nhận. Ở một số vùng, bánh có tới 3 tầng và đặt ở bàn thờ Phật giáo Butsudan hoặc Kamidana. Ngoài ra, còn có biến thể mang tên Okudokazari trưng ở giữa nhà bếp hoặc cạnh cửa sổ.
Bánh Kagami Mochi dành cho năm mới thường được bày bán khắp Nhật Bản trong tháng 12 và hầu hết các gia đình sẽ bắt đầu trưng bày vào ngay sau dịp lễ Giáng sinh, chủ yếu là từ ngày 26 đến ngày 28, nhưng không phải ngày 29 hay ngày 31. Bởi số 9 trong tiếng Nhật phát âm là "ku", giống với “苦 - Đau khổ”, còn ngày 31 lại quá gấp gáp. Đây đều được xem là điềm xấu cho năm mới và thiếu tôn kính vị thần Toshigami ghé thăm nhà.
Thời điểm "vàng" để thưởng thức bánh Kagami Mochi
Người Nhật tin rằng vào dịp đầu năm, Toshigami sẽ đến thăm nhà và khi dâng Kagami Mochi cho Thần sẽ giúp mang lại may mắn cho gia chủ.
Khi vị thần vẫn còn ngự trong nhà, tuyệt đối không được ăn Kagami Mochi dùng để mời thần. Do vậy, việc thưởng thức nó chỉ được diễn ra sau khi các vị thần đã rời đi và được gọi là Kagami Biraki (鏡開き), nghĩa đen là “mở gương”. Tùy địa phương mà thời gian của nghi lễ Kagami Biraki khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là vào ngày 11/01. Ngày này được chọn vì số lẻ gắn liền với may mắn ở Nhật.
Tokugawa Ietsuna – Tướng quân thứ 4 của Mạc phủ Tokugawa là người tiên phong tổ chức nghi lễ Kagami Biraki cách đây 300 năm. Vào đêm trước cuộc chiến, ông đã cho tập hợp các lãnh chúa dưới trướng đến lâu đài của mình để mở thùng rượu Taruzake. Và khi đạt được thắng lợi, truyền thống Kagami Biraki đã ra đời.
Thêm nữa, người Nhật tin rằng thần linh không thích những vật nhọn nên họ dùng chày gỗ để đập nhỏ Kagami Mochi đã cứng sau nhiều ngày trưng cúng, rồi cho vào món súp Ozoni hoặc Shiruko – món chè đậu đỏ để thưởng thức. Mỗi khi ăn Kagami Mochi, người Nhật sẽ cảm thán rằng “Vậy là Tết đã qua rồi nhỉ”. Việc thưởng thức Kagami Mochi vào ngày Kagami Biraki được cho là mang lại sức khỏe tốt, tránh được bệnh tật, tai nạn trong năm mới.
Xem thêm: Phong tục đón năm mới của người Nhật
Ngoài gắn liền với nghi lễ ăn bánh Kagami Mochi, Kagami Biraki còn bao gồm phong tục dùng búa gỗ để mở thùng rượu Taruzake tại một buổi tiệc hoặc lễ kỷ niệm.
Nghi lễ mở Taruzake vẫn còn được diễn ra ở lễ cưới, sự kiện thể thao, tân gia, khai trương công ty và nhiều sự kiện trọng đại khác. Tại Nhật, rất nhiều võ đường Dojo thực hiện nghi lễ Kagami Biraki để đánh dấu buổi tập luyện đầu tiên trong năm mới.
kilala.vn
06/01/2023
Bài: Rin
Ảnh bìa: iemone.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận