Độc đáo ẩm thực Nhật Bản
So với những nước khác, cách nấu nướng của người Nhật hầu như không sử dụng đến gia vị hoặc chỉ dùng các loại gia vị và thảo dược có mùi dịu để bảo tồn hương vị tự nhiên. Thay vào đó, người ta tập trung vào các hương vị tinh khiết nguyên bản của thành phần món ăn như: cá, rong biển, rau, gạo và đậu nành.
Vốn ít đất đai, các loại gia cầm ở đây tương đối hạn chế. Cùng với điều kiện tự nhiên là lịch sử bị ảnh hưởng bởi Phật Giáo, điều này đã ngăn cản việc giết thịt động vật. Vì vậy tiêu thụ hải sản sống là điểm đặc biệt trong nấu ăn bản địa, đòi hỏi hải sản phải thật tươi và chế biến bằng dao thật bén. Tuy nhiên, Nhật Bản lại nổi tiếng với một món ngon, thịt bò Kobe.
Bữa ăn hoàn chỉnh
Một bữa ăn ở Nhật chưa thể gọi là bữa ăn nếu như chưa có đủ ba mặt: việc trình bày món ăn, bao gồm cả việc trang trí và hình thức bên ngoài; việc chọn các loại dụng cụ ăn; hương vị của chính món ăn đó. Một bữa tối của người Nhật là sự thưởng thức hài hòa của cả ba mặt đó.
Trong khi chế biến thức ăn để phục vụ, người ta sắp xếp thức ăn theo cách làm cho màu sắc và bố cục hài hòa, trên đĩa hoặc trong bát phù hợp với từng mùa trong năm, chẳng hạn thủy tinh và trúc được xem là thích hợp trong mùa hè. Đĩa có hình dáng, kích thước và hoa văn tương phản được sử dụng trong bữa ăn để đạt được sự cân bằng trong mỹ học giữa thức ăn và vật chứa đồng thời dễ hấp dẫn và kích thích cảm giác ngon miệng.
Bữa tối là bữa ăn chính của người Nhật. Bắt đầu bằng món khai vị và một ly nhỏ rượu sake, một loại rượu gạo lên men thường uống nóng. Bữa ăn được bày trên một bàn thấp và người ta ngồi trên những chiếc gối kê trên nền nhà đã được trải tatami.
Những đặc điểm trong ẩm thực Nhật Bản
Bữa ăn thường gồm món hầm, món rau trộn, món chiên, món hấp hoặc món nướng, ăn với cơm hoặc cháo. Những món ăn thường được chuẩn bị một cách đơn giản, nhưng hương vị và bản chất món ăn tạo một sự thanh nhã và phong phú đặc trưng kiểu Nhật. Mì là món ăn trưa điển hình. Các quán mì có ở khắp mọi nơi trên đất Nhật. Thường thì loại mì làm bằng lúa mì được ăn dưới dạng mì nước.
Rau thường ít khi ăn sống mà muối dưa hoặc hầm hay xào. Những loại rau củ như cà rốt, củ ngưu bàng phát triển tốt ở Nhật, nên thường được sử dụng. Cùng với những loại củ này, dưa leo đóng một vai trò quan trọng trong việc trang trí, thường được cắt thành hình quạt, hình cánh hoa hay những dạng đẹp mắt khác. Có một tạo hình gây ấn tượng nhất là ‘lưới đánh cá’ được làm từ một củ cải.
Không giống như những nước khác, Nhật Bản lại rất ít tập trung vào sự đa dạng theo địa phương, có lẽ vì ít có sự khác biệt về địa lý trong ẩm thực của người Nhật. Tuy có nhiều vùng có những món đặc trưng riêng của nó, nhưng nhìn chung người Nhật vẫn có một lối ăn chung cho cả nước. Người Nhật cũng có các thức ăn theo mùa, chẳng hạn như vào mùa đông, các loại quýt tượng trưng cho mặt trời được người ta dùng làm quà năm mới. Mùa xuân có gạo anh đào. Tháng 9 là tháng của mặt trăng, những món hầm trắng được ưa chuộng như bào ngư, dưa leo và măng.
kilala.vn
18/10/2019
Bài: Thảo Trần
Đăng nhập tài khoản để bình luận