Bò Wagyu Ô liu quý hiếm được tạo ra nhờ triết lý Mottainai
Vì không muốn lãng phí phần quả ô liu đã tách lấy dầu, một nông dân tại đảo Shodoshima, tỉnh Kagawa đã nảy ra sáng kiến cho những chú bò ở trang trại của mình ăn thử và vô tình tạo ra loại bò Wagyu Ô liu hiếm có.
Nhật Bản nổi tiếng với nhiều loại thịt bò Wagyu hảo hạng, trong đó, bộ 3 Wagyu hàng đầu là bò Omi, Kobe và Matsusaka. Đặc biệt, vào năm 2011, Nhật Bản xuất hiện thêm một loại Wagyu Ô liu độc đáo, ra đời tại đảo Shodoshima. Loại bò mới này được biết đến rộng rãi hơn vào năm 2017 khi tham gia “Wagyu Olympic”, sự kiện "tranh tài" của những loại bò Nhật Bản hảo hạng được tổ chức 5 năm/lần. Ở đây, Wagyu Ô liu đánh bại 182 loại thịt bò khác và xuất sắc giành được giải thưởng “Hàm lượng chất béo trong thịt bò tốt nhất”.
Từ sáng kiến giảm lãng phí thực phẩm
Sở hữu khí hậu giống với khu vực Địa Trung Hải, đảo Shodoshima (小豆島), tỉnh Kagawa được mệnh danh là “Đảo Ô liu” bởi nơi đây là vùng trồng ô liu hàng đầu ở Nhật Bản, chiếm đến 99% sản lượng ô liu của cả nước Nhật. Kể từ thế kỷ 8, nông dân ở đảo đã chăn nuôi bò nhưng chủ yếu là để phục vụ công việc đồng áng. Đến năm 1882, hòn đảo này mới bắt đầu nuôi bò để lấy thịt. Tuy nhiên, ông Masaki Ishii, chủ trang trại nuôi bò đã biến nơi đây trở thành vùng cung cấp loại Wagyu Ô liu đặc trưng của đảo, vang danh khắp thế giới, nhờ vào triết lý Mottainai.
Mottainai (勿体無い) bao hàm ý nghĩa tất cả những gì trên trái đất này đều là quà tặng của Tạo hóa, phải trân trọng và không được phép phí phạm. Phí phạm bất cứ thứ gì đều là tội lỗi, cho dù là những thứ nhỏ nhặt như nước và giấy. Người Nhật đã phát triển quan điểm này vượt qua ranh giới của sự căn cơ, tiết kiệm hay duy trì, giữ gìn để trở thành một khái niệm tôn giáo.
Chính từ tinh thần trên, ông Masaki Ishii luôn trăn trở với số ô liu đã ép dầu thường xuyên bị bỏ đi hằng năm, mặc dù chúng rất giàu chất dinh dưỡng. Vì thế, ông quyết định phải làm gì đó để tận dụng số lượng lớn ô liu này. Cuối cùng, ông đã thử cho đàn bò mình nuôi ăn phần ô liu đã ép dầu nhưng đó không phải là một ý tưởng hay. Phần xác ô liu có vị đắng không phải là món ăn yêu thích của đàn bò.
Tuy nhiên, không từ bỏ kế hoạch của mình, ông tiếp tục nghĩ cách để làm cho chúng trở nên ngon miệng hơn với đàn bò. Qua nhiều lần thử nghiệm và gặp vô số thất bại, ông nhận ra nếu đem phần ô liu này nướng nhẹ, sấy khô rồi ép sẽ làm xuất hiện loại đường tự nhiên có trong chúng. Cách chế biến này đã tạo ra một món ăn mới, khiến những chú bò yêu thích. Sau cùng, ông Ishii đã thành công trong việc tái sử dụng phần ô liu bỏ đi, tạo ra một cuộc cách mạng Wagyu cho vùng đảo quê hương mình. Đặc biệt, phân của những chú bò này còn được dùng để bón cho cây ô liu, tạo nên một quy trình khép kín, thân thiện với môi trường.
Đến giống bò Wagyu nổi danh thế giới
Trước khi Wagyu Ô liu nổi danh, bò Wagyu của tỉnh Kagawa không nằm trong top các thương hiệu bò nổi tiếng của Nhật Bản, do vậy, ngành công nghiệp chăn nuôi bò khá ảm đạm và ế ẩm. Đến năm 2011, khi Wagyu Ô liu được tạo ra bởi ông Ishii, đảo Shodoshima đã tập trung vào nuôi bò theo chế độ ăn đặc biệt này. Tuy nhiên, số lượng bò nuôi bằng ô liu để cho ra Wagyu Ô liu cũng rất ít, chỉ có 1.700 con vào năm 2016 và hiện tại cũng chỉ khoảng 2.200 con.
Ông Ishii bật mí khẩu phần đặc biệt cho bò Wagyu Ô liu gồm 8kg thức ăn hỗn hợp, 1kg thức ăn thô và 0,1kg bột ô liu đã được chế biến. Với khẩu phần này, không những hương vị mà cả kết cấu của miếng thịt cũng được thay đổi. Phần vân cẩm thạch chất lượng, thịt thơm hương vị bơ hấp dẫn. Đặc biệt, nó còn chứa một lượng lớn axit oleic, cao hơn bình thường 62,5%. Đây là một loại axit không bão hòa, giúp kiểm soát đường huyết, tốt cho tim mạch và chống oxi hóa, có nhiều trong quả ô liu. Vị Umami của thịt cũng được tăng cường, miếng thịt mềm hơn các loại Wagyu hảo hạng khác. Một số thực khách còn ví von nó "giống với sô cô la từ thịt bò” để chỉ thịt tan chảy ra sao trong khoang miệng khi thưởng thức. Do vậy, Wagyu Ô liu được xem là tốt cho sức khỏe hơn so với Wagyu thông thường và hẳn nhiên là tốt hơn các loại bò đến từ những nước khác.
Chính vì tổng cộng chỉ có khoảng 2.200 con bò được nuôi bằng thức ăn chứa ô liu tại 70 trang trại và quy mô sản xuất lớn nhất cũng chỉ có 300 con, nên loại Wagyu Ô liu cực kỳ hiếm và đắt đỏ ngay cả ở Nhật Bản. Theo đó, giá của Wagyu Ô liu cao hơn khoảng 10% so với các loại Wagyu khác, kể cả bò Tajima nổi tiếng. Tại Crowd Cow, công ty duy nhất phân phối món bò Wagyu Ô liu ở Hoa Kỳ, một miếng bò Wagyu Ô liu A5 với trọng lượng khoảng 453 gram được bán với giá 240 USD/miếng (khoảng 5.400.000 VND) trên website của công ty. Còn tại nhà hàng, nó có giá lên đến gần 500 USD cho một miếng bít tết (khoảng 11.300.000 VND).
Ông Koichi Tanaka, Trợ lý Giám đốc Bộ phận Chính sách Nông nghiệp và Thủy sản của tỉnh Kagawa cho biết sắp tới sẽ có kế hoạch tăng số lượng bò Wagyu Ô liu lên 3.000 con và mở rộng thị trường xuất khẩu, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan. Hiện tại, doanh số lớn nhất đến từ thị trường Osaka - 40%, Kagawa và Tokyo - 30%; khoảng 1% đến từ nước ngoài (Mỹ, Macao, Thái Lan, Pháp và Tây Ban Nha). Ông cũng chia sẻ thêm rằng việc tiếp thị rộng rãi hơn loại Wagyu đặc biệt này cũng đang được xúc tiến để quảng bá du lịch cho tỉnh nhà, thúc đẩy doanh số bán hàng.
kilala.vn
13/11/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận