Bánh mì “Xin chào” ở Tokyo: Sẽ có chi nhánh 2
Là một trong hai người sáng lập ra thương hiệu bánh mì “Xin chào” tại Nhật, chàng trai sinh năm 1991 Bùi Thanh Tâm (hiện tại đang sống tại quận Shinjuku thủ đô Tokyo Nhật Bản) chia sẻ với Kilala những câu chuyện hết sức thú vị về quán bánh mì nhỏ nhưng có võ của mình.
Trước khi khởi nghiệp, ít khi ăn bánh mì!
Được biết đến như một người tiên phong mang hương vị món bánh mì Việt Nam sang Nhật, thế nhưng Thanh Tâm thú nhận: “Thực ra trước khi ra được menu chính thì mình cũng … không ăn nhiều bánh mì Việt Nam. Để tạo ra hương vị bánh mì ngon và thu hút nhất, mình đã dùng toàn bộ kinh nghiệm từ những năm tháng làm thêm tại các quán ăn, quán nhậu, năng khiếu nấu ăn của bản thân, thông tin từ bạn bè, gia đình để mày mò ra công thức và menu của quán hiện tại.”Chia sẻ vì sao lại chọn hương vị bánh mì Hội An làm “chuẩn” cho quán, Tâm cho biết: “Bánh mì Việt Nam được mệnh danh là một trong những món ăn ngon nhất thế giới, được nhiều tạp chí du lịch, ẩm thực trên thế giới bình chọn. Riêng về bánh mì Hội An, nhiều người nhận xét là bánh mì Hội An có vị ngon đặc biệt, nổi tiếng với bánh mì Phượng, bánh mì Madam Khánh được xem như bánh mì ngon nhất thế giới (ngon từ thịt xíu và nước chan, pate thịt nấm, rau và tương ớt truyền thống) nên mình đã quyết định làm menu theo phong cách bánh mì Hội An làm chuẩn. Người Nhật thường thích ăn ngọt, không thích cay và ngại những thức ăn có mùi lạ, đó là cơ sở để mình điều chỉnh hương vị của bánh mì sao cho hợp lí.”
Bánh mì Xin Chào hiện tại có 6 món chính bao gồm: bánh mì chả, bánh mì thịt heo nướng, bánh mì thịt gà nướng, bánh mì ốp la, bánh mì thịt muối, bánh mì chả bò và bánh mì đặc biệt. Nguyên liệu chả của quán được cung cấp bởi một công ty thành lập của người Việt đang sinh sống tại Nhật, cà phê thì được nhập trực tiếp từ Việt Nam, các nguyên liệu khác do quán tự làm.
Người Nhật đã không còn bảo thủ
“Trước đây, nhiều người nhận xét rằng người Nhật nổi tiếng bởi sự bảo thủ, họ rất hiếm khi và không muốn tiếp xúc với sự mới lạ từ bên ngoài. Nhưng gần đây với việc toàn cầu hoá và sự thâm nhập, ảnh hưởng của các quốc gia Âu - Mỹ, các quốc gia láng giềng thì người dân Nhật, nhất là giới trẻ cũng đã hưởng ứng khá là nồng nhiệt với những kết tinh các nền văn hoá mới, các món ăn là đại diện tiêu biểu. Họ ăn cơm Tàu, mì Ý, hamburger Mỹ, Kebab Thổ Nhĩ Kỳ, mì lạnh Hàn Quốc. và việc thích bánh mì Việt Nam hoàn toàn dễ hiểu” – Thanh Tâm nhận định.“Sau 6 năm sinh sống tại Nhật, mình học được nhiều nhất ở tính cần cù, kỉ luật và cách người Nhật chăm lo sức khỏe. Trẻ em Nhật có tinh thần tự lập rất cao, các em học sinh tiểu học có thể tự đi tàu, tự lau dọn phòng học, bàn ghế, vệ sinh cá nhân. những việc làm mà rất ít trẻ em Việt Nam có thể làm được. Ngoài ra, mình còn tiếp xúc với những ông cụ, bà cụ đã 80 tuổi mà vẫn còn đi làm thêm dù được nhận trợ cấp từ chính phủ hàng tháng. Trong một lần có dịp leo núi Phú Sĩ, mình rất khâm phục khi thấy trong đoàn người có cả người già và trẻ nhỏ (tầm 10 tuổi), việc nhìn thấy người già chạy bộ giữa trời đông lạnh giá cũng là chuyện hết sức bình thường.đó cũng có thể là lí do người Nhật có tuổi thọ cao hàng đầu thế giới.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Nhật so với Việt Nam có lẽ là "nhịp sống". Ở Nhật Bản nhịp sống luôn luôn bận rộn và hối hả, bạn trễ 1 phút: bạn trễ học, bạn trễ 1 giây: bạn trễ tàu, trễ giờ làm, bạn luôn phải chạy đôn đáo cho kịp giờ học,giờ làm. Trong khi đó ở Việt Nam thì nhịp sống sẽ không quá gấp gáp và quá bận rộn, bạn có thể thong dong đọc tờ báo sáng và thưởng thức tách cà phê dù có trễ một chút.” – Tâm chia sẻ.
Mục tiêu có chi nhánh thứ 2 trong năm nay
Thật bất ngờ khi được biết mục tiêu của quán Bánh mì Xin Chào là có một chi nhánh thứ 2 tại Nhật trong năm nay. Bởi lẽ thị trường ẩm thực Nhật Bản vốn đã bão hoà khi các hệ thống, tập đoàn lớn đã nắm gần hết thị phần, theo thống kê mỗi năm hơn 80% số người khởi nghiệp ở Nhật bị thất bại và đa phần số đó là lĩnh vực ăn uống.
“Để gia tăng cạnh tranh thì trước mắt quán luôn đặt chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và dịch vụ lên hàng đầu, phương châm của quán là phải làm thoả mãn nhu cầu của khách hàng thì họ mới trở lại. Ngoài ra quán còn tích cực quảng cáo trên fanpage và các hình thức quảng cáo trên mạng khác.
Mục tiêu tiếp theo của tiệm Bánh Mì Xin Chào là có một chi nhánh thứ 2 ngay trong năm nay. Hiện tại thì tiệm đã bắt đầu sinh lãi và hứa hẹn sẽ hoàn vốn trong 1 năm rưỡi, theo đúng như dự toán ban đầu.” Tâm chia sẻ.
“Lượng khách đến quán thì chia 6-4, 60% là người Việt Nam và còn lại là người Nhật, và những quốc gia khác. Làm quán có những vị khách, những câu chuyện mà mình khó lòng quên được: Có hôm chị người Việt kia đến mà mua đến 22 ổ bánh mì mang về, chị nói là chị từ xa tới, đi tàu 2 tiếng, nghe quán nổi tiếng nên lên ăn thử rồi thấy ngon mới mua về cho bạn bè, người thân; rồi có anh kĩ sư người Canada một tuần ghé ít nhất 3 lần, một lần 2 ổ, mà trong đó luôn luôn có một ổ ốp la; có cả cô người Nhật ăn xong khen ngon quá, mà sao không bán bia, cô nghĩ ăn bánh mì uống bia sẽ rất ngon, nhà báo Lại Văn Sâm cũng đã đến Nhật để thăm và động viên hai anh em…” – Tâm không giấu được vẻ tự hào khi chia sẻ về những vị khách hàng đặc biệt.
Fanpage của quán Bánh mì Xìn Chào tại Tokyo: Bánh mì Xin Chào
Phương Anh/kilala.vn
05/04/2017
Bài: Phương Anh/ Ảnh: NVCC
Đăng nhập tài khoản để bình luận