K-pop ảnh hưởng đến ngành công nghiệp âm nhạc Nhật thế nào
Ngay cả xứ Phù Tang cũng không thể thoát khỏi sức hút của làn sóng Hallyu, đặc biệt là khi K-pop dần xâm chiếm đời sống văn hóa của đất nước này.
Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới, nơi sản sinh ra những phong cách và xu hướng văn hóa độc đáo, đa dạng. Vào thời điểm thập niên 90, J-pop (nhạc pop Nhật Bản) đã khiến biết bao người say đắm, tầm ảnh hưởng của nó lan rộng đến khắp các quốc gia ở châu Á, trong đó có xứ sở kim chi.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nền âm nhạc Nhật Bản lại đang đối mặt với những tác động không hề nhỏ đến từ K-pop xứ Hàn, khi những nhóm nhạc thần tượng của nước này lấn sân và tạo dựng tên tuổi tại thị trường nổi danh là khó tính bậc nhất ở châu Á.
Ông Shunichi Tokura, Cục trưởng Cục Văn hóa Nhật Bản từng nói rằng: “Hiện tại, Hàn Quốc đang dẫn đầu về cả điện ảnh và âm nhạc. Thời điểm khi nhóm nhạc TVXQ ra mắt, Nhật Bản vẫn còn ở vị thế đi trước Hàn Quốc một chút, nhưng giờ đây chúng ta đã nhanh chóng bị vượt mặt."
Phát biểu này đã làm dấy lên những tranh cãi, có người phản đối nhưng cũng không ít người đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi J-pop chưa có được sự phát triển mang tính toàn cầu thì K-pop lại đang dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng và trở nên phổ biến tại Nhật Bản. Số lượng người hâm mộ các nhóm nhạc đến từ xứ sở kim chi ngày càng tăng và hình thành nên văn hóa fandom mới của K-pop tại đất nước mặt trời mọc.
Kpop dần hiện diện và xâm chiếm thị trường âm nhạc Nhật
Vào đầu thập niên 2000, K-pop vẫn còn là một điều gì đó xa lạ, nhưng mọi chuyện đã dần khác biệt sau gần một thập kỷ. Sau sự mở đường của SM Entertainment với ngôi sao tiên phong là BoA cùng sự thành công vượt ngoài mong đợi của TVXQ thì từ thập niên 2010 trở đi, làn sóng “Nhật tiến” của idol Hàn đã nở rộ mạnh mẽ. Giờ đây người Nhật đã chấp nhận K-pop, đặc biệt là giới trẻ; số lượng fan hâm mộ idol đến từ xứ Hàn cứ tăng dần và các fandom cũng mọc lên như nấm sau mưa.
Theo thống kê vào năm 2020, Nhật Bản chiếm vị trí số 1 trên thế giới với với nhiều bài đăng liên quan đến K-pop nhất trên mạng xã hội Twitter. Cũng vào năm đó, có đến 26 album K-pop lọt vào top 100 bảng xếp hạng album hàng năm của Oricon. Tính đến tháng 7/2020, số lượng album Hàn Quốc nằm trong top 50 doanh số bán đĩa CD hàng tháng tại Nhật đã đạt con số ấn tượng là 13.
Và theo Nikkei Entertainment, TVXQ đã xác lập kỷ lục mới với 1,28 triệu khán giả tại Nhật cho các buổi biểu diễn lưu diễn chỉ trong năm 2018. Tất cả những con số trên là minh chứng cho tầm ảnh hưởng sâu rộng của K-pop đến thị trường âm nhạc Nhật Bản.
Và khi số lượng người tìm đến các idol K-pop tăng lên, quan điểm về thần tượng trong văn hóa Nhật Bản cũng thay đổi. Nhà phê bình Tsukasa Shirakawa đưa ra ý kiến rằng: "Theo truyền thống, thần tượng Nhật Bản là đối tượng được ủng hộ, nhưng đối với nhiều người trẻ Nhật hiện nay, idol K-pop trở thành đối tượng được ngưỡng mộ bởi họ sở hữu nhiều tài năng giải trí."
Song song với lượng tiêu thụ sản phẩm K-pop trong giới trẻ tăng lên thì xu hướng tiêu dùng cũng có sự thay đổi. Bên cạnh việc ủng hộ thần tượng theo cách truyền thống như mua đĩa CD và tham gia các buổi fan-meeting trực tiếp thì nhiều bạn trẻ chọn cách ủng hộ thông qua việc tiếp cận Internet, chẳng hạn như YouTube, đăng ký trả phí trên các dịch vụ stream nhạc trực tuyến. Họ đến concert, mua sản phẩm liên quan đến idol, thậm chí còn tiêu thụ lượng single hay album không phải phiên bản tiếng Nhật để giúp tăng doanh thu cho thần tượng.
Không chỉ vậy, ảnh hưởng sâu rộng của K-pop còn thể hiện ở khía cạnh ngôn ngữ khi nhiều từ tiếng Hàn được người hâm mộ K-pop Nhật Bản sử dụng, làm hình thành một hệ thống ngôn ngữ riêng. Hiroko Sasa, Phó giáo sư ngành Nhật Bản học tại Đại học Cyber Hankuk University of Foreign Studies của Hàn Quốc đã nêu ra một số dẫn chứng:
"Ví dụ, hiện nay chúng tôi sử dụng từ được phát âm là "pen - ペン" để chỉ người hâm mộ, thay vì sử dụng cách phát âm "huan - ファン" đã thông dụng trong nhiều năm để mô tả nhóm người hâm mộ ủng hộ các ngôi sao cụ thể". Cách phát âm "pen" tương tự như từ "pan - 팬" (fan - người hâm mộ) trong tiếng Hàn.
Cô cho biết còn nhiều từ khác liên quan đến K-pop cũng được sử dụng ở Nhật Bản, chẳng hạn như "sasen", cách phát âm tiếng Nhật của từ Hàn Quốc Sasaeng, được sử dụng để mô tả những người hâm mộ quá khích; hay "chikkemu", cách phát âm tiếng Nhật của từ "jikcam" trong tiếng Hàn, có nghĩa là đoạn phim do người hâm mộ tạo ra...
Dẫu vậy, do các vấn đề về chính trị,
sắc tộc mà K-pop ở Nhật Bản có sự khác biệt với các quốc gia còn lại, khi
vẫn còn một số cộng đồng kỳ thị và tẩy chay âm nhạc thần tượng đến từ
Hàn Quốc, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Tác động của K-pop đến xu hướng thần tượng Nhật Bản
Soichiro Matsutani, một phóng viên giải trí đã chia sẻ rằng: “Trong một thời gian dài, tiềm năng phát triển của các nhóm nam nước ngoài là cực kỳ hạn chế khi các nghệ sĩ của công ty Johnny & Associates dường như đã thống trị tại thị trường quê nhà. Tuy nhiên, từ thập niên 2010 trở đi, K-pop thông qua sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là YouTube đã thành công tiếp cận và phát triển tại thị trường Nhật Bản”.
Matsutani cho biết thêm: "Theo nghiên cứu của riêng chúng tôi, có khoảng hơn 30 nghệ sĩ giải trí gốc Nhật Bản đã ra mắt với tư cách là nghệ sĩ K-pop vào tháng 9 năm 2020. Điều này nghĩa là có nhiều người trẻ đang cố gắng xây dựng tương lai của mình ở Hàn Quốc, nhưng đối với ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản, đây không khác gì việc rò rỉ tài năng.”
Nhiều người trẻ có tài năng và nhan sắc của xứ hoa anh đào đang tìm cách đến với các công ty giải trí Hàn Quốc để tìm cơ hội tỏa sáng. Số lượng các thành viên người Nhật trong những nhóm nhạc K-pop ngày càng tăng dần. Có nhiều ngôi sao đã nổi tiếng như: Mina, Sana và Momo của TWICE, Yuta và Shotaro của NCT 127, Haruto của TREASURE, Ni-ki của Enhypen.
Thậm chí idol Nhật còn tìm kiếm cơ hội để được gia nhập ngành công nghiệp âm nhạc của xứ củ sâm. Điển hình như Miyawaki Sakura, người từng là center của HKT48 và AKB48, ngôi sao hàng đầu của nhóm nhạc nữ xuất sắc nhất tại Nhật Bản, đã tham dự Produce 48 và ra mắt với tư cách thành viên của IZ*ONE. Sau đó, cô ký hợp đồng với HYBE - công ty chủ quản của nhóm thần tượng Hàn Quốc nổi tiếng BTS, và hiện là thành viên của nhóm nhạc nữ Le Sserafim vừa ra mắt vào đầu tháng 5 này.
Xem thêm: 8 idol người Nhật được yêu mến tại Hàn Quốc
Năm 2019, Produce 101 Japan được tổ chức nhằm tuyển chọn những thần tượng trẻ từ cuộc thi sống còn giữa các thực tập sinh. Chương trình là phiên bản Nhật của show Produce 101 Hàn Quốc, đây là chương trình nổi đình nổi đám, “gây sốt” một thời của Mnet.
Mặc dù thị phần âm nhạc nước ngoài chỉ chiếm 25% và người Nhật vẫn ưu tiên thưởng thức âm nhạc nội địa, nhưng xét về tình hình thực tế, có thể thấy rằng sức ảnh hưởng của K-pop ngày càng phát triển trong mọi khía cạnh văn hóa thần tượng và phần nào ảnh hưởng đến đời sống của thế hệ người trẻ xứ Phù Tang.
Từ thời điểm mà SM Entertainment phát động cuộc cách mạng K-pop, nền âm nhạc đến từ Hàn Quốc này bắt đầu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản. Ngày nay các ngôi sao K-pop đang được công chúng đón nhận rộng rãi khắp châu Á, trong khi đó một số ngôi sao J-pop lại gặp khó khăn trong việc nâng cao danh tiếng ở trong và ngoài nước.
Điều này dẫn đến việc họ rời Nhật đến Hàn để theo đuổi sự nghiệp. Và thành công của những nghệ sĩ tiên phong này đã tạo nên một xu hướng mới, thúc đẩy các bạn trẻ tại Nhật tìm kiếm cơ hội thành sao tại đất nước củ sâm, gia nhập làng giải trí Hàn Quốc.
kilala.vn
22/05/2022
Bài: Ái Thương
Ảnh bìa: tvlife.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận