NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Tại sao các nhà quản lí Nhật Bản chuyển sang gọi nhân viên bằng kính ngữ?

    Nhật Bản, cách xưng hô với người khác nói lên rất nhiều điều về cách bạn nhìn nhận họ và mối quan hệ của cả hai. Trong những năm gần đây, theo các nghiên cứu và báo cáo, nhiều nhà quản lí Nhật Bản đang thể hiện thái độ tôn trọng hơn với cấp dưới của mình thông qua việc xưng hô.

    Cách xưng hô “san-tsuke”

    “San-tsuke” (さん付け) là việc gọi người khác bằng cách gắn tên họ với hậu tố kính ngữ “-san”, mang sắc thái lịch sự chung.

    xung-ho-trong-cong-so-o-nhat-ban
    Ảnh: hocore.info

    Tuy nhiên, trước đây nhiều quản lí ở Nhật thường bỏ qua cách xưng hô này. Thay vào đó, họ sử dụng đuôi "-kun" đối với nam hoặc "-chan" đối với nữ, để thể hiện sự vượt trội so với cấp dưới.

    Ngoài ra, còn có trường hợp chỉ gọi đối phương bằng họ mà không kèm kính ngữ, cách xưng hô này được gọi là “yobi-sute” (呼び捨て), thường dành cho những người mà bạn thân thiết.

    Trong khi đó, nhân viên có xu hướng gọi sếp của mình bằng chức danh, chẳng hạn như “kachou” (課長, nghĩa là “trưởng phòng”).

    Tuy nhiên, dường như đang có sự thay đổi về cách xưng hô với nhân viên ở các nhà quản lí.

    Nghiên cứu gần đây cho thấy, 80% nhà quản lí đang gọi nhân viên của mình bằng kính ngữ "-san", 25% vẫn sử dụng "-chan" hoặc "-kun", trong khi 18% không kèm kính ngữ (dạng câu trả lời nhiều lựa chọn).

    Một số công ty đang tiến xa hơn bằng cách yêu cầu các hình thức xưng hô tôn trọng. Ví dụ, công ty xây dựng Daiwa House nhấn mạnh vào văn hóa doanh nghiệp “phẳng” nơi mọi người, từ CEO trở xuống, xưng hô với nhau là “-san”.

    Keyence ở Osaka, nhà sản xuất thiết bị công nghiệp tự động hóa và các ứng dụng khác, nhấn mạnh vào tiếng Nhật lịch sự (敬語 - keigo - kính ngữ) giữa tất cả nhân viên.

    Nhận thức ngày càng tăng về quấy rối

    Quấy rối nơi công sở là chủ đề nóng ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Người lao động, đặc biệt là những nhân viên trẻ tuổi thuộc thế hệ Z, ít muốn chấp nhận cách làm việc cũ - trong đó các nhà quản lí thường xuyên lăng mạ cấp dưới trực tiếp của mình. Ở chiều ngược lại, các công ty cũng không muốn bị đưa tin vì tạo ra môi trường làm việc thù địch.

    quay-roi-noi-cong-so-nhat-ban
    Ảnh: diamond.jp

    Nhiều chuyên gia kinh doanh cho rằng việc không sử dụng “san-tsuke” đã góp phần tạo nên môi trường làm việc mà ở đó các nhà quản lí cảm thấy mình thượng đẳng hơn cấp dưới và có quyền ngược đãi họ.

    Về phía các công ty và nhà quản lí, họ cũng lo ngại rằng, việc thiếu đi hình thức xưng hô sử dụng kính ngữ có thể dẫn đến "hiểu lầm" và bị cáo buộc quấy rối.

    Mặc dù sự thay đổi về hình thức xưng hô không giải quyết được các vấn đề khác, chẳng hạn như tình trạng quấy rối tình dục mà nữ giới phải đối mặt khi tìm kiếm việc làm, đây vẫn là một dấu hiệu tích cực đáng ghi nhận.

    kilala.vn

    Nguồn: Unseen Japan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!