Xưởng anime ở Kyoto trao cơ hội cho người khiếm khuyết

    Xưởng phim hoạt hình này đã bắt đầu nhận được đơn đặt hàng sản xuất các bộ anime nổi tiếng và thậm chí có cả khách hàng từ nước ngoài.

    Những người khiếm khuyết có xu hướng chú ý cao độ vào một số nhiệm vụ nhất định, vì vậy được cho là có thể duy trì sự tập trung, làm việc cẩn thận và sáng tạo. Với mong muốn giúp đỡ những người khiếm khuyết phát huy những lợi thế này, xưởng phim Shake Hands Sanjo-Karasuma ở phường Nakagyo, Kyoto vào tháng 4 năm nay đã tạo điều kiện để họ đảm nhận các công việc trong quy trình sản xuất anime.

    Key frame được tạo ra bởi các nhân viên tại Shake Hands Sanjo-Karasuma.

     

    Key frame được tạo ra bởi các nhân viên tại Shake Hands Sanjo-Karasuma. Ảnh: Mainichi

    Studio hiện có 10 nhân viên trong độ tuổi từ 20 đến 30 đảm nhận công việc tạo ra key frame* cho phim hoạt hình bằng máy tính. Họ đều mắc phải những chướng ngại về tinh thần và rối loạn phát triển, vì vậy gặp khó khăn khi tìm việc ở các công ty khác. 

    *Key frame: những khung hình quan trọng nhất trong một chuỗi hành động, thường được các họa sĩ diễn hoạt ưu tiên vẽ trước tiên khi thực hiện một cảnh phim hoạt hình truyền thống. 

    Tham gia vào quá trình sản xuất loạt anime nổi tiếng

    Tomoya Sawada (33 tuổi) chủ tịch Fukurou L.L.C, công ty điều hành xưởng phim và là một nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Đại học Ritsumeikan, đã bắt đầu hỗ trợ việc làm cho người khiếm khuyết từ năm 2018. 

    Hãng phim hiện đang chịu trách nhiệm sản xuất các khung hình chính cho sáu bộ anime truyền hình bao gồm "Chiikawa" và "Spy Kyoshitsu". 

    Môi trường làm việc biến thách thức thành sức mạnh

    Xưởng phim đặc biệt chú trọng vào môi trường làm việc phù hợp với đặc điểm của nhân viên. Đối với những người có xu hướng tập trung quá mức, đồng hồ bấm giờ được sử dụng để thỉnh thoảng giúp họ nghỉ ngơi. 

    Còn với những người có xu hướng bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, chỗ ngồi sẽ được cách ly và lắp rèm để họ có thể yên tĩnh làm việc. Studio cũng được bố trí thêm nhiều cây xanh để tạo không gian thư giãn.

     Môi trường làm việc với nhiều cây xanh trong văn phòng.

     Môi trường làm việc với nhiều cây xanh trong văn phòng. Ảnh: Mainichi

    Việc sản xuất anime liên quan đến một nhóm nhiều người nên chỉ dẫn từ các công ty sản xuất về chuyển động của nhân vật và thời gian nhìn chung rất cụ thể và chi tiết để tránh hiểu lầm. 

    Một trong những nhân viên hàng đầu trong studio là Yuki Kawai (28 tuổi) đến từ phường Fushimi, Kyoto. Tốt nghiệp Khoa Thiết kế của Đại học Kyoto Seika, xuất sắc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa và giành được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi vẽ tranh phong cách phương Tây, nhưng Kawai không thể hòa nhập vào công ty đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Anh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn điều chỉnh.

    Kawai giải thích, "Kể từ khi còn nhỏ, tôi đã được bảo rằng mình 'khác biệt', nhưng ở trường đại học có nhiều người đặc biệt hơn và tôi không nhận thức về khiếm khuyết của mình".

    Yuki Kawai, một trong những nhân viên hàng đầu của studio.

    Yuki Kawai, một trong những nhân viên hàng đầu của studio. Ảnh: Mainichi

    Bỏ việc và đau khổ với suy nghĩ rằng sẽ không bao giờ có thể làm việc được nữa nhưng Kawai đã tìm thấy con đường mới khi gặp Sawada. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân về việc không thể ngồi yên tại bàn làm việc trong thời gian dài và khó hiểu ý nghĩa chi tiết của từ ngữ, Kawai cũng đảm nhận vai trò hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ để tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn .

    Mức lương vẫn còn thấp  

    Những nỗ lực cẩn thận của các nhân viên đã được đánh giá cao, thậm chí còn nhận được đơn đặt hàng từ một công ty CNTT của Malaysia để sản xuất phim hoạt hình quảng bá cho doanh nghiệp. 

    Khi công việc kinh doanh bắt đầu phát triển, hãng phim có thể tăng lương cho nhân viên. Sawada vui mừng nói: "Mặc dù (mức lương) vẫn không bằng một công ty bình thường, nhưng chúng tôi đã có thể tăng thu nhập hàng tháng của những người không thể kiếm được 10.000 yên lên gần 100.000 yên".

    Trong khi nhu cầu về phim hoạt hình Nhật Bản đang tăng lên cả trong và ngoài nước, thì lại thiếu trầm trọng các họa sĩ diễn hoạt chịu trách nhiệm tạo key frame và các nhiệm vụ khác cho quy trình sản xuất. 

    "Tôi tin rằng có rất nhiều người khiếm khuyết phù hợp với công việc sản xuất anime. Tôi muốn giúp họ có được sự tự tin thông qua trải nghiệm tạo ra thứ gì đó có giá trị, iếp tục xây dựng cầu nối giữa họ và ngành công nghiệp sáng tạo", Sawada chia sẻ.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!