eMagazine

Là ngành công nghiệp tỷ đô của Nhật Bản, anime không chỉ giúp thu về lợi nhuận khổng lồ mà còn đóng vai trò như một “đại sứ” phổ biến văn hóa xứ Phù Tang đến khắp mọi nơi trên thế giới. Sự phát triển và bành trướng của anime, tầm ảnh hưởng của nó đến giới trẻ khiến nhiều người nuôi giấc mơ có được một công việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đằng sau những bộ phim hoạt hình xuất sắc, những studio được ca tụng là một bộ phận đông đảo các họa sĩ đang ngày ngày phải đấu tranh với việc bị bóc lột sức lao động.

Anime góp phần phổ biến văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài.
Anime góp phần phổ biến văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài. Ảnh: The Japan Times

Những bộ phim hoạt hình kinh điển như Pokémon, One Piece hay Sailor Moon... đã đem lại danh tiếng cho anime Nhật Bản trên phạm vi toàn cầu và mang về doanh thu siêu khủng, ước tính ngành công nghiệp này đã thu về 19 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2002 - 2017. Với sự phát triển của các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix hay Amazon Prime, anime ngày càng xâm chiếm vào đời sống tinh thần của con người, trở thành một thương hiệu vững chắc, giúp Nhật Bản gia tăng “quyền lực mềm” của mình trên thế giới.

Tuy nhiên đằng sau sự hấp dẫn và sức hút kỳ diệu của những bộ phim hoạt hình là một sự thật phũ phàng. Đó là việc nhiều họa sĩ diễn hoạt (animator), những người góp phần xây dựng nên đế chế anime hùng mạnh đang bị giết dần giết mòn bởi áp lực về tài chính (nhận đồng lương bèo bọt) và môi trường làm việc hà khắc, bị vắt kiệt sức lực.

Có người gục ngã ngay trên bảng vẽ vì làm việc quá sức kéo dài, cũng có người đã chọn giải pháp cực đoan để giải thoát bản thân khỏi áp lực. Đây là một thực trạng đen tối đã và đang tồn tại dai dẳng trong ngành công nghiệp anime xứ mặt trời mọc, câu hỏi đặt ra là khi nào mọi thứ sẽ được cải thiện, và bằng cách nào?

Nhiều người chọn trở thành animator vì đam mê với hoạt hình.
Nhiều người chọn trở thành animator vì đam mê với hoạt hình. Ảnh: cgworld.jp

Nỗi khổ của
người họa sĩ diễn hoạt

Họa sĩ diễn hoạt (animator) là người sáng tạo hàng loạt bức vẽ gọi là frame (khung hình), tạo nên một ảo ảnh về chuyển động được hiển thị dưới dạng một chuỗi liên tục. Để tạo nên tác phẩm hoạt hình hoàn chỉnh, nhiều họa sĩ diễn hoạt đã vất vả, nỗ lực làm việc ngày đêm. Thế nhưng thứ họ nhận được lại là đồng lương ít ỏi, chỉ đủ sống qua ngày.

animator
Ảnh: blog.sakugabooru.com

Theo Hiệp hội các nhà sáng tạo hoạt hình Nhật Bản, mỗi họa sĩ anime chỉ kiếm được mức lương trung bình là 1,1 triệu yên (hơn 181 triệu VND) mỗi năm khi họ ở độ tuổi 20. Trong giai đoạn 30 khi tay nghề được nâng cao, họ sẽ nhận được 2,1 triệu yên (hơn 346 triệu VND). Vào độ tuổi 40 - 50 thì các họa sĩ sẽ kiếm được khoảng 3,5 triệu yên (hơn 578 triệu VND) mỗi năm.

Số liệu thống kê cho biết mức sống nghèo khổ ở Nhật Bản được xác định khi thu nhập của một người từ mức 2,2 triệu yên (hơn 363 triệu VND) trở xuống. Điều này có nghĩa là những họa sĩ anime độ tuổi 20 còn sống dưới cả mức nghèo khổ.

Bên cạnh đó họ còn tiêu tốn rất nhiều thời gian, dường như dành cả thanh xuân chỉ để vẽ dù đồng lương thu về chẳng đáng kể. Mỗi họa sĩ in-between (vẽ khung hình trung gian giữa hai khung hình chính) được trả khoảng 200 yên (hơn 33.000 VND) cho mỗi bức vẽ chiếm của họ trung bình hơn một tiếng đồng hồ. Các họa sĩ làm việc trung bình 12 - 18 giờ mỗi ngày, hơn 400 giờ một tháng, thậm chí có người làm quần quật suốt 600 giờ mỗi tháng.

Akutsu Tetsuya trong cuộc phỏng vấn với The New York Times.
Akutsu Tetsuya trong cuộc phỏng vấn với The New York Times. Ảnh: nytimes.com

Akutsu Tetsuya, một họa sĩ diễn hoạt thuộc top đầu đã từng chia sẻ với The New York Times rằng: "Tôi muốn làm việc trong ngành này đến hết phần đời còn lại. Nhưng rồi tôi nhận ra mình không đủ khả năng để cưới vợ và nuôi dưỡng con cái". Tiền lương mỗi tháng kiếm được không đủ để anh nghĩ đến chuyện kết hôn.

Mặc dù làm việc liên tục, Akutsu chỉ kiếm được từ 1.400 đến 3.800 USD (33 - 89 triệu VND) mỗi tháng với tư cách là một animator hàng đầu và đôi khi là đạo diễn của một số loạt phim hoạt hình nổi tiếng. Trong khi đó ở Hoa Kỳ, mức lương trung bình năm cho một animator rơi vào khoảng 65.000 USD trở lên, và công việc cao cấp hơn được trả khoảng 75.000 USD. Trong thực tế, các họa sĩ nữ ở Nhật còn bị bóc lột và trả lương thấp hơn so với nam giới.

Bên cạnh đó thời gian làm việc kéo dài liên tục cũng bào mòn sức khỏe của họa sĩ, một hình ảnh quen thuộc là họ thường ngủ gật trên bàn làm việc, có nhiều trường hợp đã phải nhập viện do kiệt sức, thậm chí có người đã tự tử.

Đơn cử, xưởng phim Madhouse đã từng bị cáo buộc vi phạm luật lao động khi bắt nhân viên làm việc gần 400 giờ mỗi tháng và trong 37 ngày liên tục, không một ngày nghỉ.

Khu phố Akihabara, thánh địa của các fan manga, anime.
Khu phố Akihabara, thánh địa của các fan manga, anime. Ảnh: jw-webmagazine.com

Hay vào năm 2010, một nhân viên 28 tuổi của A-1 Pictures đã tự sát, trước đó người này đã tiết lộ nguyên nhân tìm đến cái chết là để giải thoát khỏi việc phải tăng ca ít nhất 100 giờ/tháng trong nhiều tháng, khối lượng công việc quá nặng nề khiến anh rơi vào trạng thái trầm cảm. Bốn năm sau sự việc đau lòng đó, A-1 Pictures, một trong những studio lớn của Sony Music Entertainment Japan đã nhận đề cử cho mục Burakku Kigyou, ám chỉ "công ty đen", nơi lạm dụng và bóc lột người lao động.

Thế nhưng nhiều họa sĩ vẫn bán mạng cho ngành công nghiệp anime, chủ yếu là vì đam mê và tình yêu đối với hoạt hình. Ôm giấc mơ tạo ra tác phẩm để đời, họ cống hiến hết mình cho công việc nhưng hiện thực với họ lại quá phũ phàng.

Sự bất lực
của các xưởng phim

Liên quan đến những cuộc thảo luận về vấn đề của ngành công nghiệp anime, có một hiện tượng mà nhà văn, ký giả Roland Kelts, tác giả của cuốn sách “Japanamerica: How Japanese Pop Culture has Invaded the US” gọi là “Lời nguyền của Osamu”.

Astro Boy.
Astro Boy. Ảnh: Tezuka Productions

Cụm từ này ám chỉ cách họa sĩ manga, animator nổi tiếng Tezuka Osamu đã chiếm lĩnh thị trường truyền hình Nhật Bản vào những năm 60. Khi ấy, ông đã “phá giá”, bán các tập phim Astro Boy của mình với giá rẻ để nó được phát sóng rộng rãi. Tezuka có lẽ lúc ấy cũng không thể tin được rằng mình sẽ mở ra thời kỳ hoàng kim của anime Nhật Bản sau này, tuy nhiên bản thân điều ông làm cũng đã tạo ra một tiền lệ xấu.

“Về cơ bản, Tezuka và công ty của ông sẽ thua lỗ với bản thân bộ phim,” Michael Crandol, Phó Giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản tại Đại học Leiden cho biết. “Họ đã lên kế hoạch bù đắp khoản lỗ bằng đồ chơi, mô hình, hàng hóa, kẹo về nhân vật Astro Boy.” Công ty của Tezuka thực tế đã thành công với kế hoạch này, nhưng việc làm của ông đồng thời khiến những người đồng nghiệp trong ngành không thể nhận được thu nhập xứng đáng.

Bất kể ý định của Tezuka là gì, nỗ lực của ông đã làm nản lòng các đối thủ cạnh tranh, nhưng thay vì “bán phá giá” như Tezuka, họ cố gắng theo kịp bằng cách sản xuất số lượng tác phẩm lớn với chi phí thấp hơn, đồng nghĩa với cắt giảm tiền lương trả cho họa sĩ. Tình trạng này kéo dài dai dẳng đến hiện tại và trở thành một bài toán đau đầu cho các xưởng phim.

Tezuka Osamu - “cha đẻ” manga - anime Nhật Bản.
Tezuka Osamu - “cha đẻ” manga - anime Nhật Bản. Ảnh:bfi.org.uk

Những người làm việc trong ngành công nghiệp anime hiển nhiên thấy rõ khó khăn mà họ phải chịu đựng, nhưng để giải quyết bài toán này không hề đơn giản. Xưởng phim hoạt hình rất khó để tăng lương vì lợi nhuận mà các studio thu về đã bị phân bổ, chia chác cho nhà đầu tư.

Một thực tế là ngành công nghiệp anime đang ăn nên làm ra nhưng có rất nhiều xưởng phim hoạt hình đã phải đóng cửa. Mỗi studio anime thường được nhóm các nhà đầu tư trả một khoản phí cố định, bao gồm cả tiền bản quyền. Điều này giúp studio đó duy trì hoạt động, đảm bảo không phải đối mặt với rủi ro quá lớn nếu như dự án thất bại, đổi lại nếu dự án thành công thu về lợi nhuận “khủng” thì xưởng phim cũng không được hưởng lợi nhiều.

Đạo diễn Shinkai Makoto và anime Your Name.
Đạo diễn Shinkai Makoto và anime Your Name. Ảnh: fandom.com

Studio có thể được “tiếng” với tư cách là nhà sản xuất nhưng lại không có “miếng” vì tiền đã chạy về túi của các “ông lớn” đứng phía sau. Như Your Name công chiếu năm 2016 thu về doanh thu phòng vé hơn 380 triệu đô la (gần 9 ngàn tỷ VND), nhưng biên kịch kiêm đạo diễn của phim là Shinkai Makoto được cho là chỉ nhận được khoảng 20 triệu yên (khoảng 3,3 tỷ VND).

Studio không kiếm được nhiều lợi nhuận từ thành công của dự án nên cũng không đủ khả năng để thực hiện chính sách trả lương hào phóng. Bên cạnh đó các xưởng phim cũng ngại đàm phán tỷ lệ ăn chia lợi nhuận vì họ còn phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của hội đồng.

Vì vậy mà chi phí sản xuất được cắt giảm tối đa và những họa sĩ diễn hoạt bị đẩy vào tình trạng bóc lột sức lao động. Từ đây cũng dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám” khi những nhân viên có tay nghề cao chuyển sang các công ty lớn có điều kiện tốt hơn hay đến Trung Quốc, nơi sẵn sàng trả cho họ mức thù lao cao ngất ngưởng. Đối mặt với điều này, các xưởng phim xứ Nhật đã tích cực thuê những người làm nghề tự do để giảm thiểu chi phí, hoặc chuyển công việc sang nước ngoài.

Thay đổi
nhưng chưa toàn diện

Hiệp hội các nhà sáng tạo phim hoạt hình Nhật Bản đã thực hiện một cuộc khảo sát vào năm 2019, kết quả cho biết mức lương trung bình năm của họa sĩ diễn hoạt cao hơn 10% so với nhân viên ở các ngành công nghiệp khác trong khu vực tư nhân. Mức thu nhập này đã cải thiện đáng kể so với thời 2009, tuy nhiên có sự chênh lệch tùy thuộc studio và thâm niên, đặc biệt cần chú ý đến thời gian làm việc kéo dài.

Một số xưởng phim cũng tiến hành các thay đổi trong chế độ làm việc và lương thưởng. Kyoto Animation (KyoAni) được khen ngợi vì nuôi dưỡng triết lý làm việc kiểu gia đình, cùng một chương trình đào tạo chuyên dụng, phát triển hệ thống sản xuất nội bộ và duy trì sự hoạt động bền bỉ của công ty.

Trụ sở KyoAni trước khi xảy ra vụ phóng hỏa vào ngày 18/7/2019.
Trụ sở KyoAni trước khi xảy ra vụ phóng hỏa vào ngày 18/7/2019. Ảnh: Wikipedia

WIT Studio hợp tác với Netflix trong một sáng kiến giúp các nhà làm phim hoạt hình mới nổi phát triển. Cygames đã sử dụng lợi nhuận từ các trò chơi điện tử để tăng lương cho nhà sáng tạo, thành lập quỹ để hỗ trợ nhiều dự án độc lập.

Tuy nhiên các studio như vậy có thể thúc đẩy nhiều chính sách cải cách vì có vị trí cao trong hệ thống ủy ban sản xuất. Vẫn còn nhiều xưởng phim khác vì không đủ mạnh về tài chính nên từ chối cải thiện điều kiện làm việc. Ngoài ra việc giảm khối lượng công việc sẽ mang lại sự đánh đổi, bao gồm việc gia tăng xung đột lịch trình, tắc nghẽn khối hậu cần. Đây không phải là vấn đề dễ giải quyết khi ngành công nghiệp anime ngày càng phát triển, đòi hỏi lớn về mặt số lượng cũng như chất lượng.

Tuy vậy, một vài điểm sáng nói trên cũng cho thấy rằng đang có những chuyển biến tích cực diễn ra trong nội bộ ngành công nghiệp hoạt hình xứ Phù Tang. Và với nhận thức ngày càng lan rộng về những bất công mà các animator vẫn đang thầm lặng gánh chịu, chúng ta có thể kỳ vọng vào những thay đổi đem đến môi trường làm việc công bằng, tôn trọng, xứng đáng hơn dành cho họ.

Haikyuu.
Ảnh: RamenParaDos