Toyoko Kids – Những đứa trẻ có nhà nhưng không muốn về

    Trong những năm qua, nhiều thanh niên không có nơi nào khác để đi, đã đến khu Toyoko thuộc quận giải trí về đêm Kabukicho ở phường Shinjuku của Tokyo, nơi dễ xảy ra tình trạng bạo lực và tấn công tình dục.

    Khi hoàng hôn buông xuống quận Kabukicho nhộn nhịp của Tokyo thì cũng là lúc ánh đèn neon bắt đầu lấp lánh, tỏa ánh sáng rực rỡ, chiếu trên người những thanh thiếu niên độ tuổi cấp 2, cấp 3 đang tụ tập ở nhiều con phố hẹp. Nơi đây là “Quảng trường Toyoko”, một điểm nóng dành cho giới trẻ thành phố và là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng đang leo thang.

    Toyoko Kids: Họ là ai?

    Toyoko Kids (トー横キッズ), nghĩa đen là "những đứa trẻ bên cạnh Toho", là thuật ngữ được đặt ra để chỉ nhóm học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đổ về Quảng trường Toyoko, nằm gần Tòa nhà Shinjuku Toho, khu Kabukicho – với các Host Club, câu lạc bộ tạp kỹ, sòng bạc ngầm…

    Tokyo-square
    Toyoko Square nơi nhiều người trẻ tụ tập. Ảnh: j-travel

    Điểm chung của những đứa trẻ này là chúng thường sống trong một gia đình không hạnh phúc, chịu cảnh bạo hành, không được cha mẹ/ người giám hộ quan tâm nên tụ tập lại và an ủi lẫn nhau. Những người trẻ tuổi biết đến khu vực này thông qua mạng xã hội. Sức hấp dẫn của cuộc sống về đêm ở thành phố, kết hợp với sự ngây thơ của tuổi trẻ không chỉ gây ra nguy hiểm trước mắt cho các thiếu niên mà còn có thể để lại những ảnh hưởng tâm lý lâu dài.

    Một góc nhìn từ chân thật hơn về những đứa trẻ này đã được nhiếp ảnh gia đường phố Yusuke Nagata ở Tokyo - nổi tiếng với những bức chân dung đường phố ngẫu hứng, chụp lại vào khoảng thời gian từ 2019 – 2021 và trưng bày trước công chúng với tựa đề “Toyoko Kids”.

    toyoko-kids
    Toyoko trở thành "nhà" của những đứa trẻ. Ảnh: Yusuke Nagata 

    Nagata thường xuyên đến khu vực này để trò chuyện với những người trẻ: “Tôi ghé qua vào buổi tối với một lon bia và bắt đầu trò chuyện. Sau khi trò chuyện được một lúc, tôi xin phép họ chụp một bức ảnh”. Trong những cuộc trò chuyện này, Nagata luôn tuân thủ quy tắc, không hỏi tên của bất kì ai và chỉ chụp ảnh khi được họ cho phép.

    Nhiếp ảnh gia chia sẻ rằng những đứa trẻ ở đây gần như đã mất lòng tin ở người lớn, khi chúng trốn chạy khỏi sự bạo hành từ gia đình, bị cảnh sát bắt, rồi lại đưa chúng về với chính ngôi nhà đã bạo hành mình, hoặc đến những trung tâm giáo dưỡng, dường như là một vòng luẩn quẩn không lối ra.

    hanh-ly
    Hành trang của chúng chỉ vỏn vẹn chiếc vali. Ảnh: Yusuke Nagata 

    “Bọn trẻ không muốn đến các trung tâm, một nơi chật chội và trống rỗng, không có gì để làm”, các thiếu niên nói với Nagata rằng họ cảm thấy “an toàn” hoặc “như ở nhà” tại Toyoko vì họ có bạn bè và một cộng đồng ở đây. Nagata đã gặp những thanh thiếu niên đi khắp Nhật Bản để đến Toyoko, họ thường chỉ mang theo vài chiếc vali sau khi tìm hiểu về nơi đây qua mạng xã hội. Theo tổ chức từ thiện vô gia cư Japan Last Minute Push thì số lượng thanh thiếu niên ở Toyoko đã tăng gấp 5 lần kể từ Covid.

    Tuy nhiên, đến mùa đông năm 2021 thì Nagata đã ngừng lui tới Toyoko vì nhận thấy sự thay đổi trong thái độ và con người ở đó. Anh ấy nói: “Nó không như trước đây nữa, không còn là nơi tụ tập của những thanh thiếu niên đến an ủi lẫn nhau, mà giống như một cuộc tụ tập của những thanh niên phạm tội. Có thể sự nổi tiếng trên mạng xã hội đã góp phần khiến hình ảnh Toyoko trở nên tồi tệ hơn, khi khu vực này bắt đầu trở thành cứ địa của tội phạm vị thành niên”.

    nhung-dua-tre
    Những đứa trẻ không muốn về nhà, tụ tập lại với nhau. Ảnh: Yusuke Nagata 

    Nơi tập trung tệ nạn

    Vào ngày 26/10/2021, một người đàn ông 21 tuổi thường xuyên lui tới khu vực này đã bị bắt vì tội bán dâm trẻ em, và vào ngày 27/11/2021, một nhóm sáu người, trong đó có một trẻ vị thành niên, đã tra tấn và giết chết một người đàn ông vô gia cư. Trước tình hình này, công an bắt đầu trấn áp nghiêm túc trước dịp nghỉ lễ cuối năm và đầu năm mới.

    toi-pham
    Tình trạng bất ổn xảy ra ở Toyoko tăng cao. Ảnh: Yusuke Nagata 

    Ngoài ra còn có bối cảnh về sự xuất hiện của một tổ chức “semi-greek” đang cố gắng kiếm tiền bằng cách ép các cô gái Toyoko Kids tham gia hoạt động mại dâm có kiểm soát. Ngoài ra, còn có những đứa trẻ sa đà vào ma túy, hay cố gắng tìm đến cái chết bằng cách nhảy từ các tòa nhà.

    [subscribe]

    Những người mang lại nguồn sáng cho Toyoko Kids

    Nihon Kakekomidera là một tổ chức từ lâu đã cung cấp nơi trú ẩn cho những người gặp vấn đề ở Kabukicho. Một số người đã rơi vào tình thế tuyệt vọng đến mức họ đã cố gắng tự kết liễu đời mình và nhóm đang cố gắng cung cấp một nơi ăn uống an toàn cho họ.

    Nihon Kakekomidera đã thành lập văn phòng ở Kabukicho khoảng 20 năm trước với mục đích tư vấn cho những đối tượng như phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và các cựu tù nhân đang tìm việc làm.

    Hidemori Gen, một trong những giám đốc của Nihon Kakekomidera, cho biết ông đã biết đến cái gọi là “vấn đề Toyoko” một thời gian nhưng chưa can thiệp sâu, một phần vì đại dịch. Nhìn những người trẻ tuổi đang ở đó, ông không thấy được những gương mặt vô tư như ở độ tuổi của họ nên có, mà đa phần đều là những gương mặt trống rỗng.

    Gen-Hidemori
    Hidemori Gen trò chuyện với một người đang cần được giúp đỡ. Ảnh; Nippon

    Gen và các thành viên khác bắt đầu nói chuyện với họ, vừa làm vừa nhặt rác để không khiến những đứa trẻ này cảnh giác. Một số người mà Gen nói chuyện cho biết họ đã trốn thoát khỏi những ngôi nhà tồi tàn, trong khi những người khác đang trong tình trạng không được tốt lắm, có cả một cô gái nghiện ma túy và một người khác liên tục cứa vào cổ tay. Chính những điều đó đã khiến Gen nghĩ rằng mình nên giúp đỡ những đứa trẻ đang bơ vơ.

    Gen nói: “Tôi muốn chúng biết rằng có những người lớn mà chúng có thể tin tưởng và một nơi mà chúng có thể cảm thấy an toàn."

    Ông và các thành viên ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị nơi này và bắt đầu phục vụ các bữa ăn bằng các nguyên liệu do người dân địa phương đóng góp.

    “Dạo này cậu ăn uống tốt chứ?”, nhân viên của Nihon Kakekomidera hỏi một nhóm thanh niên khi đưa cho họ những đĩa xúp hầm tại văn phòng của nhóm gần quảng trường ở Toyoko. Đó là một trong những câu giao tiếp hàng ngày của họ.

    Xem thêm: Mái nhà chung dành cho những thiếu niên lang thang ở Nhật

    Toyoko
    Một người bảo vệ đang tuần tra yêu cầu nhóm trẻ Toyoko không được đi chơi xung quanh. Ảnh: Friday

    Đến hơn 3 giờ chiều, ngay khi đồ ăn bắt đầu được phục vụ, khoảng 20 chỗ ngồi tại các bàn đã chật kín những người ở độ tuổi thiếu niên và 20. “Chà, trông ngon quá!”, một người nói, và văn phòng nhộn nhịp tiếng trò chuyện.

    Một học sinh trung học cơ sở 14 tuổi đến từ Tachikawa, phía tây Tokyo, lần đầu tiên đến văn phòng vào ngày hôm đó. Một nhân viên đã nói chuyện với cậu khi cậu đang ăn một cách ngon miệng và học sinh này thú nhận rằng đã hơn hai tháng không về nhà.

    Hiện nay có khoảng 30 người đến văn phòng hàng ngày và một số đã bắt đầu nói về ước mơ tương lai của họ. Nihon Kakekomidera có kế hoạch bố trí nhân viên làm việc tại văn phòng vào các tối thứ Sáu và thứ Bảy, bắt đầu từ năm 2022 để cung cấp chỗ cho Toyoko Kids.

    kilala.vn

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!