“Sống thử từ xa”: Xu hướng yêu mới mẻ và lạ lùng của giới trẻ Nhật

    Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hoành hành thì tại Nhật Bản, nhiều cặp đôi đã chọn hình thức sống thử từ xa khi chia sẻ với nhau hầu hết mọi hoạt động trong ngày thông qua các ứng dụng video call miễn phí.

    “Sống thử từ xa” là gì?

    Thời gian gần đây, “Sống thử từ xa” đã trở thành chủ đề nóng tại Nhật và được cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Đại dịch COVID-19 đã khiến các cặp đôi phải xa cách khi những người yêu nhau phải ở nhà cách ly, hạn chế việc gặp mặt nơi công cộng.

    song-thu-tu-xa-3

    Sống thử từ xa là xu hướng mới của các cặp đôi thời đại dịch.

    Tuy nhiên “xa mặt nhưng không cách lòng”, nhiều cặp đôi Nhật Bản chọn cách sử dụng các phương tiện công nghệ để giữ liên lạc, gọi video call với người thương hằng ngày nhằm duy trì mối quan hệ yêu đương. Họ ăn uống, ngủ nghỉ, xem phim, đọc sách và làm mọi thứ cùng nhau như cặp vợ chồng thực thụ, nhưng tất cả mọi hoạt động chỉ được đối phương nhìn thấy thông qua màn hình điện thoại. Và sự việc này đã tạo thành “mốt”, được giới trẻ xứ Phù Tang hưởng ứng tích cực và gọi tên là “Sống thử từ xa”.

    Chương trình "Hatori Shinichi Morning Show" phát sóng vào ngày 21/07/2021 của đài truyền hình Asahi đã giới thiệu về xu hướng sống thử kiểu mới này của các cặp đôi trẻ ở Nhật Bản. Theo định nghĩa của chương trình, "sống thử từ xa" (リモート同棲 - Remote dousei) là trạng thái những người yêu nhau được kết nối bằng video call mọi lúc. Họ chủ yếu sử dụng cuộc gọi thoại và cuộc gọi video, thức dậy vào buổi sáng nhờ những âm thanh từ cuộc sống sinh hoạt của người kia. Vào ban ngày, cả hai sẽ đến nơi làm việc và ngay sau khi trở về nhà, họ sẽ bắt đầu nói chuyện điện thoại, tất nhiên cặp đôi vẫn tiếp tục kết nối ngay cả trong khi ngủ. Trường hợp làm việc tại nhà, có thể hai người cũng sẽ giữ kết nối trong khoảng thời gian đó. Mặc dù dành hơn 12 tiếng mỗi ngày để gọi video cho nhau, nhưng phần nhiều thời gian, mỗi người vẫn âm thầm làm việc của mình nên không phải lúc nào họ cũng trò chuyện. 

    song-thu-tu-xa-2

    Cả hai có thể quan sát đối phương làm gì qua màn hình.

    Một cặp đôi trẻ xuất hiện trong chương trình đã chia sẻ cách yêu xa của họ. Chàng là nhân viên văn phòng 28 tuổi sống ở Ibaraki, còn nàng 24 tuổi đang làm việc tại Tokyo. Hai người mở ứng dụng video call để trò chuyện, quan sát cuộc sống của đối phương từ 8 giờ tối mỗi ngày ngay khi đi làm về, sau đó cả hai vẫn giữ kết nối, nhìn nhau qua màn hình suốt đêm rồi thức dậy cùng nhau. Họ chỉ tắt ứng dụng khi làm việc lúc 8 giờ sáng và tổng thời gian gọi video cho nhau hàng ngày là 12 giờ trở lên. Bằng cách này, họ cảm thấy đối phương như đang bên cạnh mình, mặc dù mỗi người một nơi. Cặp đôi chia sẻ chỉ cần nghe âm thanh hoạt động của nhau như tiếng máy sấy tóc, rửa bát hoặc xem TV, đơn giản như vậy thôi cũng khiến họ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Dưới đây là biểu đồ thời gian 24 tiếng một ngày của cặp đôi: màu cam là dành cho công việc, phần còn lại là khoảng thời gian họ gọi điện cho nhau, trong đó màu xanh dương là thời gian ngủ.

    bieu-do

    Ảnh: morningshow_tv@twitter

    [subscribe]

    Sống thử từ xa: nên hay không nên?

    Ưu điểm của “sống thử từ xa” chính là tính độc lập. Mỗi người sẽ không cảm thấy bị áp lực khi phải làm điều đối phương muốn. Họ có thể làm việc theo thói quen, sở thích riêng của bản thân mà vẫn tận hưởng thời gian bên nhau. Đôi tình nhân cùng nhau xem phim, ăn tối và trò chuyện qua màn hình điện thoại. Bên cạnh đó, “sống thử từ xa” còn tiết kiệm một khoản chi phí hẹn hò, hưởng ứng phong trào “ở nhà tránh dịch” và hâm nóng tình yêu khi phải xa nhau.

    song-thu-tu-xa-1

    “Sống thử từ xa” là cách để các cặp đôi xoa dịu nỗi cô đơn khi không thể gặp mặt trực tiếp.

    “Sống thử từ xa” không phải là hiện tượng tồn tại phổ biến trong xã hội Nhật Bản, nhưng những thay đổi trong lối sống thời kỳ đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng này bùng nổ. Những chính sách do chính phủ đưa ra để phòng tránh dịch bệnh đã khiến nhiều người phải sống tách biệt và do đó, họ phải tìm cách duy trì sự kết nối.

    Mặc dù xu hướng này được xem là giải pháp hiệu quả giúp những người yêu xa gần nhau hơn nhưng nó cũng tồn tại hạn chế. Nhiều khán giả khi xem chương trình cùng các chuyên gia cho rằng đây là một hình thức giám sát đối phương. Bình luận viên Toru Tamagawa của TV Asahi cho biết: “Tôi nghĩ xu hướng này tích cực khi bạn mới yêu nhưng khi những cảm xúc yêu thương lúc ban đầu dần phai nhạt đi, sự kết nối liên tục sẽ dẫn đến chia tay. Mối quan hệ này sẽ kết thúc trong tình trạng như bị giám sát." Ngoài ra, có một số khán giả cũng bình luận rằng “sống thử từ xa” cũng chỉ giống như một cuộc gọi video call kéo dài.

    Tuy nhiên, trong thời kỳ dịch bệnh cùng sự bùng nổ của công nghệ, đây vẫn là một xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn để được nhìn thấy người mình yêu và thể hiện tình yêu của bản thân.

    kilala.vn

    02/09/2021

    Bài: Ái Thương

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!