Paro – chú robot hải cẩu chữa lành được xem là “niềm tự hào Nhật Bản”
Nhiệm vụ của chú hải cẩu robot mang vẻ mặt đáng yêu này là giúp giải tỏa lo lắng, căng thẳng cho mọi người.
Nhắc đến robot, đặc biệt là robot trị liệu thì Nhật Bản luôn là quốc gia đứng vị trí hàng đầu. Với số lượng người lớn tuổi tăng cao nhưng lực lượng chăm sóc y tế thiếu hụt thì việc nghiên cứu những robot chăm sóc sức khỏe là điều mà chính phủ Nhật Bản luôn chú trọng.
Nổi tiếng nhất trong số đó chắc hẳn là Paro - một trong những robot trị liệu thành công nhất thế giới, mang dáng hình một chú hải cẩu với bộ lông mềm mịn, gương mặt mũm mĩm đáng yêu.
Không chỉ có thế mà Paro có thể làm được nhiều thứ hơn. Toàn bộ cơ thể, râu và mũi của hải cẩu được trang bị cảm biến thị giác, xúc giác, thính giác và với trí tuệ nhân tạo, Paro có thể cảm nhận được môi trường xung quanh và có phản ứng phù hợp với những tác động khác nhau.
Hải cẩu robot có thể nhớ biệt danh của chúng và phản ứng lại khi được gọi. Và nếu việc được gọi tên được lặp lại thì chúng sẽ hình thành thói quen của riêng mình. Những điều trên cho thấy Paro được thiết kế để trở thành một thú cưng thực thụ để giúp các bệnh nhân cảm thấy bình tĩnh và vui vẻ.
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng khi những người mắc chứng mất trí nhớ trải qua việc tương tác với Paro có thể làm cho các triệu chứng ngoại vi của họ nhẹ hơn, mang lại lợi ích tương tự như liệu pháp “động vật trị liệu”.
Tại Hoa Kỳ có một nghiên cứu cho thấy nếu tình trạng lo lắng giảm bớt ở bệnh nhân thì bác sĩ có thể cắt giảm 30% lượng thuốc hướng thần sử dụng. Và thật kỳ diệu, robot tạo ra tác dụng (giảm lo lắng) kéo dài hơn hai giờ so với thuốc.
Không chỉ tại Nhật mà ở Anh, Paro được đưa vào mục hướng dẫn sử dụng của một tổ chức chính phủ về các lựa chọn điều trị chứng mất trí nhớ không dùng thuốc, được bảo hiểm y tế công cộng chi trả.
Takanori Shibata, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Khoa học Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia, “cha đẻ” của Paro cho biết: “Tôi nảy ra ý tưởng về robot thú cưng vì tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ hoan nghênh những cỗ máy không phải làm việc nhà như giặt quần áo và dọn phòng”.
Khi Shibata bắt đầu nghiên cứu của mình vào năm 1993, việc tìm kiếm tài trợ cho dự án này khá khó khăn. Vì thế ông tạm dừng và tái khởi động sự án khi đang là nghiên cứu ở Mỹ tại Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Tại Mỹ, liệu pháp động vật đã là một chủ đề nghiên cứu học thuật chính thức trong ba thập kỷ và Shibata biết rằng nó đã được sử dụng để giúp đỡ mọi người, từ bệnh nhân ung thư đến trẻ em khuyết tật.
Khi bắt tay vào làm, Shibata đã tạo ra ba nguyên mẫu mô phỏng chó, mèo, hải cẩu và ông đưa cho các sinh viên MIT để thử. Tuy mọi người đều cảm thấy hào hứng với chó và mèo nhưng kết quả cuối cùng thì hải cẩu là được bình chọn nhiều hơn, lý do được nhiều sinh viên nước ngoài đưa ra là vì họ ít biết về hải cẩu nên cảm thấy chúng không có sự khác biệt về văn hóa.
Nhưng việc chọn con vật chỉ là bước đầu. Sau khi Paro thế hệ đầu tiên được hoàn thành vào năm 1998 thì các nhà nghiên cứu bắt đầu những cải tiến liên tục, chẳng hạn như giảm trọng lượng, đưa thêm nhiều tính năng.
Đến Paro thế hệ thứ tám, nó đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Mẫu mới nhất, mẫu thứ chín, vẫn không hề rẻ, nó có giá 450.000 yên (khoảng gần 81 triệu đồng), và có giá gần gấp đôi với các thị trường ngoài Nhật Bản.
Nhưng những lợi ích mà Paro mang lại khiến mọi người thấy rằng chi phí họ bỏ ra là xứng đáng. Mặc dù động vật thật thường bị cấm ở các trung tâm y tế và nhà của người cao niên, nhưng tính năng kháng khuẩn của lông nhân tạo Paro có nghĩa là nó thậm chí có thể ở cùng với bệnh nhân trong các trung tâm chăm sóc đặc biệt. Chủ sở hữu robot cũng không phải chịu đựng sự đau đớn và mất mát khi mất đi một con vật cưng yêu quý.
Paro có thể đi bất cứ đâu một cách an toàn. Vào trận động đất sóng thần Kohoku 2011, chính quyền đã cử 80 Paro đến các trung tâm sơ tán và những nơi tập trung người dân sau thảm họa để giúp hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân.
Gần đây hơn, Paro đã gây chú ý sau khi sáu thiết bị được tặng cho bốn cơ sở y tế ở Ba Lan vào mùa hè này để hỗ trợ chăm sóc tâm lý cho những người Ukraine chạy trốn khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá sau cuộc xâm lược của Nga.
Giờ đây, Shibata nghĩ rằng đã đến lúc thực hiện mục tiêu đưa phát minh của mình được công nhận là thiết bị y tế tại Nhật Bản. Ông cho biết các kế hoạch đang được tiến hành để tổ chức thử nghiệm lâm sàng với một bệnh viện Nhật Bản.
Xem thêm: Những robot chăm sóc sức khỏe nổi tiếng ở Nhật Bản
kilala.vn
25/12/2022
Bài: Natsume
Nguồn: Asahi
Đăng nhập tài khoản để bình luận