Olympic Tokyo 1964 cũng từng trải qua dịch bệnh
Một sự trùng hợp bất ngờ giữa kỳ Olympic 2020 và Olympic 1964 được Nhật Bản đăng cai tổ chức mà không phải ai cũng biết chính là cả hai đều cùng đối mặt với bệnh dịch lan rộng.
Hiện tại, Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra trong tình trạng dịch bệnh COVID-19 có những diễn biễn phức tạp không chỉ tại Nhật Bản – quốc gia đăng cai mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hồi tưởng lại thì Olympic Tokyo 1964 cũng đã từng xảy ra tình trạng tương tự khi phải đối mặt với dịch tả hoành hành.
Tei Murakami, 77 tuổi, hồi tưởng về năm 1964, khi bà mới 20 tuổi và đang là sinh viên của Trường y tá trực thuộc Bệnh viện Quốc gia Narashino, nay là bệnh viện Chibaken Saiseikai Narashino. Theo lời kể của bà, 50 ngày trước khi lễ khai mạc của Thế hội vận hội Olympic Tokyo 1964 diễn ra, đã xuất hiện bệnh nhân mắc dịch tả và qua đời làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự lan rộng của dịch bệnh nguy hiểm này. Đó cũng là lần đầu tiên dịch tả bùng phát ở Nhật sau 18 năm.
Vào ngày 23/08/1964, một nam thanh niên 23 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Quốc gia Narashino, tỉnh Chiba từ một nhà trọ gần đó, trong tình trạng tiều tuỵ và không thể nói chuyện. Mặc dù vậy, Murakami đã liên tục cố gắng vực anh dậy bằng các câu hỏi như: “Anh cảm thấy thế nào?”, “Anh thấy đau chỗ nào không?”. Bà kể lại: “Bệnh nhân bị tiêu chảy nặng, liên tục đi ngoài ra phân giống như nước vo gạo. Tôi đã xét nghiệm mẫu phân của bệnh nhân và truyền dịch IV drip vào nhiều nơi trên cơ thể. Tuy cảm thấy sợ hãi, tôi cầu mong bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn dù chỉ là một chút”.
Mặc cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân nam đã qua đời vào sáng hôm sau, ngày 24/8. Bộ Y tế Nhật Bản lúc bấy giờ đã thông báo bệnh nhân mắc bệnh dịch tả. Ngày xưa, dịch tả còn được gọi là "コロリ - Korori", một kiểu chơi chữ ghép từ "コレラ - korera" (cholera - bệnh tả) và "ころりと死ぬ - Korori to shinu" chỉ cái chết đột ngột. Với tư cách là y tá chăm sóc bệnh nhân mắc dịch tả đã tử vong, Murakami phải cách ly 1 tuần trong ký túc xá. Bà chia sẻ: “Vì cũng có khả năng đã bị nhiễm bệnh nên tôi tránh việc tiếp xúc với mọi người”. Murakami đã ăn mận ngâm Umeboshi để tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể.
Hai ngày sau khi bệnh nhân qua đời, những người ở cùng nhà trọ với anh cũng đã bị lây nhiễm, kéo theo những bất an về sự lan rộng của dịch tả. Ngay lập lức, thành phố Narashino - nơi bệnh nhân sinh sống, được đặt trong tình trạng báo động đỏ và bị phong toả với biển báo, dây thừng giống với tình trạng phong toả chống dịch COVID-19 hiện nay. Đồng thời, thuốc khử trùng cũng được rải khắp khu vực này bằng trực thăng. Nguy cơ dịch tả lây lan trở thành mối đe doạ cho cộng đồng, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 50 ngày đến khi lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 1964 diễn ra. Vì vậy, các xét nghiệm mẫu phân đã được thực hiện trên khoảng 10.000 người ở thành phố Narashino, tỉnh Chiba; chính quyền cũng tổ chức tiêm vaccine cho gần 300.000 người ở khu vực Tokyo và lân cận. Bà Murakami nhớ rất rõ âm thanh của trực thăng rải thuốc khử trùng và cảnh hàng dài người chờ tiêm vaccine.
Lúc này, Ban tổ chức Olympic Tokyo 1964 cũng đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó như xem xét việc yêu cầu tất cả các bên có liên quan đến Thế vận hội phải tiêm chủng. Các tờ báo vào thời điểm này cũng đưa ra hai quan điểm trái ngược nhau, một bên là “chuẩn bị cho Olympic sắp diễn ra”, còn bên kia lo lắng về dịch tả, rất giống với những tin tức tích cực - tiêu cực về dịch COVID-19 và Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra.
Mặc dù nguồn lây không được xác định rõ ràng, nhưng bệnh dịch đã không lan rộng thêm nữa. Vào ngày 01/09/1964, Bộ Y tế đã thông báo rằng: “Bệnh dịch tả đã biến mất khỏi đất nước”. Bà Murakami cho biết: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì chúng tôi có thể chào đón Thế vận hội một cách an toàn. Nếu bệnh dịch tiếp tục lan rộng, chắc hẳn sự náo loạn trong cộng đồng không cho phép chúng tôi tổ chức Olympic Tokyo 1964”. Liên quan việc dịch tả được ngăn chặn kịp thời vào năm 1964, bà Murakami chia sẻ thêm: “Tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các bên liên quan như chính quyền thành phố với tỉnh trong giai đoạn sớm nhất khi dịch tả mới được phát hiện, cũng như làm sao để chuyển tiếp thông tin trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng”. Bà đã thấy các bác sĩ cùng các cơ quan hành chính trao đổi thông tin tại bệnh viện Narashino vào thời điểm đó và cảm nhận sâu sắc giá trị của việc phản hồi thông tin nhanh chóng ngay cả trong tình trạng khá nhạy cảm và rối loạn lúc bấy giờ.
Bà Murakami chia sẻ thêm: “Nếu Thế vận hội Olympic Tokyo 1964 có ý nghĩa quan trọng vì mọi người trên thế giới sẽ nhìn vào và xem Nhật Bản đã phục hồi như thế nào sau chiến tranh, Thế vận hội hiện tại truyền tải điều gì? Chúng ta có thể đi được xa đến vậy trong việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 chính là nhờ sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan. Và mong rằng sau cơn mưa, trời lại sáng”.
kilala.vn
06/08/2021
Bài: Rin
Đăng nhập tài khoản để bình luận