NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Nhiều người nổi tiếng ở Nhật bị lợi dụng hình ảnh để lừa đảo

    Nhóm pháp lý của doanh nhân Yusaku Maezawa đã vào cuộc và yêu cầu Meta thực hiện việc xóa bỏ những hình ảnh giả mạo của những người nổi tiếng, bao gồm cả Maezawa.

    Với những người nổi tiếng, việc hình ảnh của họ xuất hiện công khai trên mạng xã hội cho các chiến dịch quảng cáo, tương tác với người hâm mộ… là một điều bình thường. Tuy nhiên giờ đây họ đang phải đứng trước nguy cơ hình ảnh của mình bị sử dụng cho các hoạt động phi pháp.

    Chiêu thức của những kẻ lừa đảo là sử dụng hình ảnh hoặc video của người nổi tiếng, sau đó can thiệp bằng các phần mềm chỉnh sửa để người nổi tiếng đó trông có vẻ như đang đại diện cho một sản phẩm mà thực chất họ không hề liên quan.

    Sở Cảnh sát Tokyo đã ghi nhận thiệt hại khoảng 27,79 tỷ Yên (180.087.537 USD) vào năm 2023. Trong số 2.271 nạn nhân lừa đảo được ghi nhận, một cá nhân thông báo đã mất hơn 100 triệu Yên (648.385 USD) và đã nộp báo cáo cho cảnh sát.

    maezawa
    Doanh nhân Maezawa là một trong số nhiều người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh cho các hoạt động phi pháp. Ảnh: Reuters

    Cụ thế hơn, quảng cáo giả mạo sử dụng hình ảnh và tên của doanh nhân Yusaku Maezawa - người sáng lập trang web bán lẻ thời trang trực tuyến lớn nhất Nhật Bản Zozotown, đã lan truyền trên Facebook và Instagram. Kể từ tháng 8/2023, ít nhất 700 quảng cáo như vậy đã xuất hiện trên mạng xã hội và không có dấu hiệu ngừng lại cho đến nay.

    Nhóm pháp lý của Maezawa đã gửi văn bản tới Meta yêu cầu nhà điều hành này xóa các quảng cáo giả mạo vào tháng 6 năm ngoái. Công ty trả lời rằng họ đang cố gắng loại bỏ các quảng cáo giả mạo, đồng thời mong Maezawa hiểu rằng việc giải quyết mọi vấn đề đều khó khăn.

    Tuy nhiên điều này không thể xoa dịu doanh nhân Maezawa, ông chỉ trích: "Ngay lập tức loại bỏ tất cả chúng là điều tôi mong muốn. Trước mắt tôi có những người đang trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo dùng hình ảnh của tôi để cướp đi hàng triệu, hàng chục triệu yên của họ. Tại sao Meta không kiểm tra từng quảng cáo để loại bỏ quảng cáo giả mạo?! Tôi không thể chấp nhận điều này.”

    mao-danh
    Vì tin tưởng hình ảnh giả mạo người nổi tiếng, nhiều người đã bị mất hàng triệu yên. 

    Đến nay, Meta vẫn chưa gỡ bỏ các bài đăng và các luật sư của Maezawa chuẩn bị đệ đơn kiện ở Mỹ, tờ Asahi Shimbun đưa tin.

    Từ năm ngoái, Maezawa cũng thành lập một nhóm chuyên trách để chống lại các quảng cáo mạo danh. Tháng 3/2024, nhóm đã mở văn phòng tư vấn. Đường dây nóng của họ đã nhận được hơn 180 báo cáo về thiệt hại do quảng cáo giả mạo chỉ trong vòng 10 ngày. Trong số đó có những người là nạn nhân quảng cáo giả mạo của nhiều người nổi tiếng khác như:

    Naomi Osaka - tay vợt chuyên nghiệp người Nhật Bản; Hiroshi Mikitani - người sáng lập và CEO của Rakuten; Hiroyuki Nishimura - doanh nhân người Nhật, người sáng lập bảng tin 2channel được truy cập nhiều nhất Nhật Bản; Takafumi Horie - doanh nhân người Nhật sáng lập Livedoor; Yoshiaki Murakami - nhà đầu tư Nhật Bản, cựu quan chức và đồng sáng lập “Quỹ Murakami”; Takuro Morinaga - nhà kinh tế Nhật Bản; Atsuhiko Nakata - diễn viên hài Nhật Bản; Hiroto Kiritani - Kỳ thủ shogi chuyên nghiệp; Akira Ikegami - nhà báo và nhà văn Nhật Bản; Hiroyuki Kishi - giáo sư, doanh nhân và cựu quan chức.

    Tất cả thiệt hại được báo cáo cho nhóm của Maezawa lên tới khoảng 20 tỷ Yên (129.688.000 USD).

    lua-dao

    Để hiểu rõ hơn cách thức mạo danh người nổi tiếng để lừa đảo, đài NHK đã phỏng vấn một người đàn ông ở độ tuổi 70, người đã bị mất 8 triệu yên khi ông nhấp vào một quảng cáo giả mạo trên Instagram.

    Quảng cáo có nội dung “thực hiện lời khuyên đầu tư của Takuro Morinaga”. Việc nhấp vào quảng cáo sẽ dẫn đến yêu cầu kết bạn trên ứng dụng nhắn tin LINE của Nhật Bản. Người dùng tài khoản LINE đã mạo danh Morinaga, thậm chí còn úp mở chuyện gia đình để lấy lòng nạn nhân. Kẻ mạo danh cho biết anh ta “không giỏi SNS” và giới thiệu người đàn ông này với trợ lý riêng của mình, người này sẽ nhắn tin cho nạn nhân hàng ngày.

    “Nó giống như một sự hỗ trợ. Lúc đầu tôi đã nghi ngờ. Nhưng sau 3 tháng trao đổi, tôi bắt đầu cảm thấy mọi chuyện ổn”, ông nói với NHK.

    Những kẻ lừa đảo đã lừa người đàn ông đầu tư 2 triệu yên vào hoạt động kinh doanh xe năng lượng mới. Họ bảo anh hãy đầu tư thông qua một ứng dụng do “trợ lý” giới thiệu.

    Người đàn ông có thể kiểm tra cổ phiếu của mình trên ứng dụng hàng ngày và rất vui khi thấy giá trị của nó tăng lên cho đến 3 tháng sau. Khi ông yêu cầu bán nó để kiếm lời, ông đã bị từ chối vì “nó sẽ bị đánh thuế” hoặc “nó sẽ phải trả phí xử lý”. Ông ấy thậm chí còn được thông báo rằng nếu thời điểm này bán cổ phiếu thì “phải trả nhiều tiền hơn vì khoản đầu tư quá ít”. Đó là lúc người đàn ông nhận ra mình có thể đã bị lừa.

    Đáng buồn thay, cảm giác đó lại đến quá muộn. Tại thời điểm này, ông ấy đã “đầu tư” 8 triệu yên.

    kilala.vn

    Nguồn: Unseen Japan

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!