“Nhà rác” - thực trạng nhức nhối tại Nhật

    Sự nổi lên của “Thánh nữ dọn dẹp” Kondo Marie, sau đó là Danshari (triết lý tách rời khỏi đồ vật) là những ví dụ của phong trào tối giản ủng hộ niềm vui của việc giảm thiểu của cải vật chất. Tuy nhiên, ngoài những người yêu thích trật tự và tổ chức, ở Nhật Bản cũng có những người không có khả năng loại bỏ mọi thứ, thay vào đó họ chọn sống giữa rác.

    Nhà rác là gì?

    “Gomi yashiki - 五味屋敷” được hiểu là một ngôi nhà (không phải điểm tập kết rác) chứa rất nhiều rác ở trong nhà lẫn trước cửa, thậm chí không có một chỗ trống để di chuyển. Và đương nhiên, những ngôi nhà nãy vẫn có người ở và họ chấp nhận, thậm chí hưởng thụ việc ở chung với rác. Những người này giữ đĩa thức ăn thừa và khay mì gói chưa rửa trong nhà của họ trong nhiều năm, ở đó có những “núi” chai và lon nhựa đã uống dở.

    Theo y học, việc một cá nhân ám ảnh với việc tích trữ tất cả mọi đồ đạc được coi như một dạng của OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), hay cụ thể hơn là hội chứng Diogenes. Những người mắc hội chứng này thường thu thập và giữ một lượng lớn đồ dùng, rác thải trong nhà. Họ gặp khó khăn trong việc xử lý chúng và cảm thấy an tâm hơn khi giữ những đồ vật này bên mình.

    căn nhà bị chôn vùi bởi rác

    Lối đi của một căn nhà bị bịt kín bởi rác. Ảnh: Japan Today

    Cư dân của những nơi này không thể mở rèm cửa ngay cả vào những ngày nắng. Nếu có cửa chớp chống bão, họ cũng luôn đóng cửa. Nhìn từ bên ngoài, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận được sự tồi tệ với trước cửa và lối vào ngập tràn trong rác. Và đương nhiên những căn phòng bên trong cũng không ngoại lệ.  Những ngôi nhà rác này nằm xen lẫn trong khu dân cư nên mùi hôi thối đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của những người hàng xóm.

    "Gomi yashiki đã trở thành một vấn đề xung quanh chúng ta. Mọi người càng trì hoãn việc dọn dẹp, nó càng trở nên tồi tệ hơn. Môi trường của họ trở nên giống như những chuồng chim bồ câu bẩn thỉu - không thích hợp cho nơi ở của con người", Hisayoshi Joto, nhà điều hành dịch vụ dọn dẹp đặc biệt có tên e-hin Seiri, cho biết.

    căn nhà ngập trong rác

    Khó có thể tưởng tượng ai có thể sống trong căn nhà như vầy. Ảnh: animenyus

    Nhiều người được phỏng vấn chia sẻ rằng họ đã không dọn dẹp nhà trong 10 năm hoặc lâu hơn. Và trong một số trường hợp khi dịch vụ đến dọn dẹp, giữa đống rác là những sản phẩm được mua nhưng chưa bao giờ sử dụng.

    Chủ nhân của những ngôi nhà rác có thể là bất cứ ai

    Việc tồn tại những Gomi yashiki đã sản sinh ra dịch vụ dọn dẹp và xử lý những loại rác thải này. Theo một Hiệp hội chuyên tiếp nhận việc dọn dẹp Gomi yashiki và ủy quyền cho khoảng 300 cơ sở kinh doanh vệ sinh trên toàn quốc, số lượng đơn đặt hàng đã tăng gấp 8 lần trong 5 năm, từ 131 năm 2014 lên 1.057 năm 2019. Hiệp hội đặc biệt bận rộn từ tháng 3 - tháng 4, khi nhận được khoảng 250 đơn đặt hàng trong thời gian một tháng - gấp đôi so với những tháng thông thường. 

    gomiyashiki

    Có thể thấy rác đã được bỏ vào nhiều túi nhưng lượng còn lại vẫn khá nhiều trên sàn. Ảnh: s-godai

    Trong những năm gần đây, chủ nhân của những nhà rác trong độ tuổi lao động gia tăng, trái ngược với những người già không đủ sức để dọn dẹp như trước đây.

    Những người quá bận rộn

    Theo Mago No Te, một công ty vệ sinh ở Tokyo thực hiện khoảng 800 lần dọn rác mỗi năm, nhiều khách hàng ở độ tuổi 30 và 40 có cả các bác sĩ, y tá và nhân viên công ty thương mại. “Có lẽ vì làm việc quá chăm chỉ nên họ đã bỏ qua việc dọn dẹp nhà cửa” Chủ tịch Mago No Te, ông Hisashi Sasaki nói.

    [subscribe]

    Một phần nhỏ khách hàng của họ là những người có trình độ học vấn và thu nhập cao, có vị trí xã hội đáng nể. Nhiều người là y tá, hầu hết họ đều làm việc tại phòng cấp cứu hoặc hồi sức cấp cứu của các bệnh viện lớn nên hàng ngày phải đối mặt với những tình huống sinh tử. Họ là những người có kỹ năng giao tiếp tốt tại nơi làm việc, nhưng lại trở nên trầm lặng tại nhà. Và sau một ngày bận rộn tại bệnh viện, họ trở nên lười biếng với việc dọn dẹp nhà cửa.

    Những người giao tiếp kém

    "Trước đây, hầu hết khách hàng của chúng tôi là người cao tuổi, nhưng trong vài năm qua, chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu hơn từ những người trẻ tuổi, hầu hết những người mà chúng tôi giao dịch đều là những người làm công ăn lương. Điểm chung của họ là kém giao tiếp với người khác; khi bạn nói chuyện với họ, họ sẽ tránh giao tiếp bằng mắt", anh Hisayoshi Joto cho biết.

    nhà rác

    Ảnh: gomiyashiki-kataduke110ban

    Nói cách khác, những người sở hữu Gomi Yashiki có xu hướng bị rối loạn các mối quan hệ giữa con người với nhau và rút lui khỏi cuộc sống xã hội. Vì người có thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thường xuyên đến nhà chơi sẽ không để nhà của họ trở nên tồi tệ như vậy. Còn những người không giỏi giao tiếp với người khác thì sẽ dễ dàng tùy tiện với căn nhà của mình vì họ không phải đón tiếp bất cứ ai.

    "Tôi muốn đổ rác ra ngoài, nhưng tôi không thể cưỡng lại việc ngủ trong đó và nó cứ thế chất thành đống", một người đàn ông khoảng 30 tuổi làm việc tại một tiệm pachinko ở tỉnh Kanagawa cho biết, vẻ thất bại len lỏi trên khuôn mặt anh. Xung quanh là một đống rác khổng lồ cao tới 1 mét rưỡi nhấn chìm hoàn toàn căn hộ một phòng (khoảng 10m2).

    nhà rác sau khi dọn

    Căn phòng trước và sau khi dọn dẹp. Ảnh: Nippon

    Trong đó có những chiếc bánh mì đã hết hạn cách đây 5 năm, những chiếc đĩa đầy thức ăn và những cuốn tạp chí cũ màu nâu, và cả đôi giày da bị bỏ quên. Bên trong bồn rửa bát là vỏ trứng và xương gà bỏ đi được chất đống, cao khoảng 30 cm.

    Người đàn ông bắt đầu tích rác ngay sau khi chuyển đến căn hộ cách đây 5 năm. Anh ấy thậm chí còn không dọn đống rác khi chuyển đến một căn hộ khác cách đây hai năm để làm việc. Thậm chí anh còn không hủy hợp đồng thuê nhà và hiện trả tổng cộng 90.000 yên mỗi tháng cho cả căn hộ mới và cũ của mình.

    Nhưng việc gia hạn hợp đồng thuê nhà đang đến gần, người đàn ông cuối cùng đã thuê một công ty dọn rác vào mùa xuân này để dọn sạch đống lộn xộn. Công việc dự kiến sẽ khiến anh tiêu tốn khoảng 250.000 yên. “Tôi nghĩ rằng vấn đề vệ sinh đã gây rắc rối cho hàng xóm của tôi… Tôi cũng muốn sử dụng cơ hội này để dọn dẹp căn phòng hiện tại của mình,” anh chia sẻ về quyết định của mình.

    Xem thêmHikikomori, từ bỏ hay bị từ bỏ

    Người già không thể bỏ đồ cũ

    Đối với những người trên 70 tuổi, trước đây họ phải chịu cảnh khan hiếm vật chất, nên việc vứt bỏ đồ đạc là điều vô cùng đau đớn. Họ tích trữ những tấm đệm cũ hàng chục năm, quần áo và đồ dùng nhà bếp lỗi thời với suy nghĩ rằng một ngày nào đó chúng có thể được sử dụng, cho đến một ngày họ nhân ra mình không thể giải quyết chúng.

    Một giáo sư đại học ở độ tuổi 40, từng sống một mình nhưng phải chuyển đến một căn hộ lớn hơn để sống với cha mẹ. Hai ông bà sở hữu một cửa hàng sách cũ và là những người rất yêu sách. Sau khi đóng cửa kinh doanh, họ thuê một căn hộ để cất những bản sao còn lại.

    gomiyashi

    Ảnh: doppiozero

    Mong muốn có thể chứa một lượng lớn sách khi di chuyển, cô con gái đã biến hai trong số các phòng trong căn hộ ba phòng ngủ mà cô đã thuê thành kho chứa. “Bạn bè của họ lần lượt qua đời, họ ngày càng suy giảm khả năng vận động và mất trí nhớ. Tôi không muốn rằng, với tất cả những mất mát mà họ phải gánh chịu hàng ngày, họ cũng phải mất đi một thứ vô cùng quan trọng đối với họ". 

    Sự ra đời của những sản phẩm giá rẻ

    Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc gia tăng của hội chứng Diogenes là sự phổ biến của các sản phẩm giá rẻ trong suốt ba mươi năm của kỷ nguyên Heisei (1989 - 2019). Với sự ra đời của các cửa hàng 100 yên, thời trang nhanh và thương mại điện tử, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt về giá, chúng ta đã quen với việc mua những sản phẩm rẻ tiền. Có rất nhiều người chỉ mua những món đồ giá rẻ mặc dù có thu nhập cao.

    “Cách đây vài năm, một núi những chiếc ô 300 yên, vài trăm chiếc cà vạt rẻ tiền và một đống đồng hồ hàng hiệu giả đã tràn ra khỏi nhà của một khách hàng của chúng tôi. Hãy can đảm thay thế tài sản của bạn bằng những thứ đắt tiền hơn – tôi nói với khách hàng của mình”, Sasaki Hisashi, giám đốc điều hành và chủ tịch của Mago no Te, một công ty chuyên dọn dẹp những ngôi nhà bằng rác, cho biết.

    mua sắm

    Nhiều ý kiến cho rằng việc ra đời nhiều sản phẩm giá rẻ khiến mọi người có xu hướng mua sắm và tích trữ nhiều hơn. Ảnh: istock

    Những chiếc ô 300 yên rẻ đến nỗi chúng bị bỏ quên ở nhà hàng và nhanh chóng được thay thế bằng chiếc ô rẻ tương tự mà không cần suy nghĩ. Mặt khác, khi bạn có trong tay chiếc ô trị giá 15.000 yên, bạn sẽ cẩn thận không để quên chúng. Tương tự như vậy, một chiếc đồng hồ có giá một triệu yên không được để ở bất cứ đâu trong nhà mà sẽ được gìn giữ để nó tồn tại suốt đời.

    Trong suốt một năm, vị khách hàng đó đã thay những đồ vật rẻ tiền bằng món đắt tiền hơn, đồng thời thay đổi phong cách và triết lý sống của mình. Anh ấy cũng tìm được một công việc tốt với mức lương tốt hơn trước.

    [subscribe]

    Nỗ lực của chính quyền

    Quyền được lười biếng không còn được công nhận như trước đây nữa. Chính quyền cuối cùng đã bắt đầu có hành động chống lại điều này để bảo vệ sức khỏe của công chúng, thông qua luật gần đây yêu cầu chủ sở hữu phải dọn dẹp sạch sẽ hoặc đối mặt với việc trục xuất, phạt tiền hoặc các hình phạt khác, nếu để căn nhà của mình trở thành bãi rác.

    Cụ thể, phường Adachi, Tokyo thực hiện một sắc lệnh vào năm 2013 để đối phó với Gomi yashiki, hơn 110 trường hợp đã được giải quyết, tính đến 2016.  Trong đó có cây chuyện về chủ một ngôi nhà là người đàn ông ngoài 50 tuổi. Những người hàng xóm của ông đã phàn nàn với phường về bức tường rác khổng lồ từ những năm 1990. Bộ phận của phường đã dọn dẹp nhiều lần, nhưng sau đó đống rác lại tăng thêm.

    dọn dẹp

    Các nhân viên của một công ty vệ sinh đang dọn dẹp Gomi yashiki. Ảnh: tokusyuseisoutai

    Theo lời kể của cô con gái, cha cô đã mở một cửa hàng đậu phụ cùng với vợ và cha mẹ của mình. Tuy nhiên, cha mẹ đã qua đời và vợ ông sau cơn đột quỵ đã phải ở nhà. Cửa hàng đậu phụ đóng cửa, và cô con gái bắt đầu đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Trong khi đó, cha cô bắt đầu thu thập đồ hộp tiết kiệm một ít tiền. Và sau đó ông trở nên tích trữ mọi thứ như một thói quen.

    Cô nói với các quan chức phường rằng cha cô đôi khi bạo lực và chửi bới, và cô đã hỏi ý kiến cảnh sát một số lần, bao gồm cả về việc tích trữ của ông. Tuy nhiên, bạo lực gia đình không được coi là một vấn đề thực sự vào thời điểm đó. Cảnh sát nói với cô rằng họ không có thẩm quyền trong những vấn đề như vậy, và thậm chí không đề nghị tư vấn cho người thân của cô về vụ việc.

    Phản ứng của chính quyền phường cũng không khả quan hơn. Các quan chức nói với cô rằng việc xử lý rác của cha cô thực sự là trách nhiệm của bộ phận môi trường. Nếu có chuột hoặc côn trùng xâm nhập, thì đó là vấn đề của bộ phận y tế và vệ sinh.

    nhà rác gây ảnh hưởng đến dân cư

    Nhà rác gây ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư. Ảnh: AERAdot

    Mỗi phần trong số này đều xoay quanh việc "không ai biết ai sẽ giải quyết vấn đề một cách nghiêm túc. Không có thẩm quyền xác định, mỗi bộ phận đều né tránh trách nhiệm và không  thực sự cố gắng làm điều gì đó cho ngôi nhà".

    Một thị trưởng phường mới nhậm chức vào năm 2007 tuyên bố chính phủ của ông sẽ can thiệp điều này. Sau đó, bộ phận đường bộ quyết định thực hiện một bước để giải quyết vấn đề về nhà và liên hệ với cô con gái để nhận được sự hợp tác của cô ấy. Vào mùa hè năm 2010, phường đã dọn rác ra khỏi nhà của cha cô. Tuy nhiên, người đàn ông không thể ngừng tích trữ, và chỉ hai năm sau, sàn nhà một lần nữa bị bao phủ hoàn toàn trong rác.

    "Chúng tôi hiểu rằng chỉ dọn dẹp đống lộn xộn sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản", nguồn tin của Cục Đường bộ cho biết.

    Người đàn ông bắt đầu có dấu hiệu của bệnh tâm thần, bao gồm cả việc hét lên giận dữ với người khác. Nhưng đưa một người dân đến bệnh viện nằm ngoài khả năng của bộ phận đường bộ.

    Tuy nhiên, theo chính sách "chính phủ can thiệp" của thị trưởng và với sự giúp đỡ của y tá của bộ phận y tế, họ đã có thể nhờ một bác sĩ đến nhà và đánh giá tình trạng của người đàn ông, lúc này đã ngoài 70 tuổi. Bác sĩ kết luận tình trạng của ông khá nặng. Bảo hiểm điều dưỡng công cộng đã được thu xếp và ông được nhận vào viện để chăm sóc. Ngay sau đó, ngôi nhà đã được dọn dẹp. 

    Câu chuyện dài này là một ví dụ điển hình cho thấy sự quan trọng của việc tạo ra sắc lệnh của phường để đối phó với những Gomi yashiki khác. Một bộ phận chịu trách nhiệm về việc này đã được thành lập, nhiệm vụ của họ sẽ tiếp nhận các báo cáo liên quan, đánh giá thực tế, tìm hiểu nguyên nhân và liên hệ với các bộ phận có liên quan để can thiệp, giải quyết dứt điểm tình trạng Gomi yashiki.

    kilala.vn

    25/09/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!