Người đàn ông được trả tiền để “không làm gì cả”

    Đây có vẻ là một công việc đáng mơ ước khi bạn được trả tiền và chỉ cần có mặt với khách hàng không đi kèm thêm yêu cầu gì.

    Đó là công việc hiện tại của Shoji Morimoto. Với phí cần trả là 10.000 yên/giờ (khoảng 1.654.000 đồng), Morimoto sẽ có mặt và tồn tại như một người bạn đồng hành. “Công việc của tôi là ở bất cứ đâu khách hàng yêu cầu và không cần phải làm gì quá đặc biệt”, Morimoto chia sẻ thêm với Reuters rằng anh đã thực hiện khoảng 4.000 cuộc hẹn trong 4 năm qua.

    Công việc chữa lành nỗi cô đơn

    Với hơn 37 triệu cư dân, thủ đô nhộn nhịp của Nhật Bản có thể là một nơi đáng sợ và cô đơn. Ngay cả trước đại dịch COVID-19, vô số người dân Tokyo đã gặp khó khăn trong việc thể hiện những lo lắng xã hội của họ. Nhận thức rõ về sự thật đó, Shoji Morimoto cho ra đời dịch vụ của mình “Không làm gì cả”. Và thường được mọi người gọi là “Rental-san”.

    morimoto

    Công việc chủ yếu của anh Morimoto là trở thành người bạn đồng hành cùng khách hàng. Ảnh: Reuters

    Nguồn khách hàng chính của Morimoto chủ yếu ở trên trang Twitter với gần 250.000 người theo dõi. Khoảng 1/4 trong số họ là khách hàng thân thiết, bao gồm một người đã thuê anh 270 lần. 

     “Tôi sẽ cho bạn mượn một người (tôi) không làm gì cả. Chỉ ăn uống, trả lời những câu hỏi rất đơn giản và là người đồng hành của bạn”, người đàn ông ghi trên tiểu sử Twitter của mình.

    [subscribe]

    Quy tắc “Không làm gì” của Morimoto không phải là chỉ đứng yên một chỗ, mà sẽ thực hiện một số yêu cầu của khách hàng. Ví dụ như, đi công viên với một người thích chơi bập bênh. Hay đóng vai một người cười rạng rỡ, vẫy tay qua cửa sổ xe lửa với một người xa lạ muốn thử cảm giác đưa tiễn. Cùng dùng bữa với khách hàng nữ tại nơi quen thuộc của cô với chồng cũ. 

    “Tôi nghĩ rằng khi mọi người đang trong trạng thái dễ bị tổn thương, họ sẽ trở nên nhạy cảm và khó có thể chia sẻ với những người thân thiết. Điều họ cần là một người lạ cùng họ thực hiện những điều họ mong muốn mà không lo lắng bị phán xét.”

    vẫy tay

    Một trong những yêu cầu của khách hàng là trở thành người đưa tiễn vui vẻ của họ tại sân ga. Ảnh: allthatsinteresting

    Một khách hàng đã yêu cầu Morimoto cùng anh đến thăm lại địa điểm mà vị khách hàng này đã cố gắng tự tử, một liệu pháp tâm lý để vượt qua chấn thương. Một người khác cần Morimoto đi cùng để nghe tư vấn phẫu thuật cắt trĩ, trong khi một khách hàng lại cần người lắng nghe về một vụ giết người mà họ đã chứng kiến.

    “Ngay cả khi bề ngoài mọi người trông bình thường và ổn, họ thường có quá khứ hoặc bí mật gây sốc, hoặc những vấn đề không thể nói ra. Những người đến với tôi với những vấn đề điên rồ, họ thường không phải là những người trông giống như đang đau khổ nhưng ngay cả những người có vẻ vui và khỏe mạnh, đều có những vấn đề và bí mật của riêng họ.”

    tâm sự

    Cùng khách hàng đến công viên. 

    Có thể hiểu rằng, Morimoto sẽ hóa thân vào một vai nào đó mà khách hàng yêu cầu, miễn sao không vi phạm các quy tắc cá nhân.

    Vậy quy tắc của Morimoto là gì? Có lần anh đã từ chối khách hàng vì yêu cầu anh chuyển tủ lạnh và đến Campuchia. Hay những yêu cầu về tình dục cũng được từ chối.

    Công việc hoàn hảo dành cho người hướng nội

    Theo chân một ngày làm việc của Morimoto với khách hàng Aruna Chida, một nhà phân tích dữ liệu 27 tuổi mặc áo sari, họ ngồi đối diện nhau, đôi khi lại trò chuyện vài câu về trà và bánh ngọt. Còn lại hai người đều làm việc riêng.

    Chida muốn mặc trang phục của Ấn Độ ở nơi công cộng nhưng lo lắng nó có thể khiến bạn bè cô xấu hổ. Vì vậy, cô ấy đã chọn Morimoto để làm bạn đồng hành. Điều này khiến Chida thoải mái và tự tin hơn.

    Aruna Chida

    Morimoto với khách hàng Aruna Chida. Ảnh: Japan Today

    Trước khi tìm thấy công việc yêu thích, Morimoto đã tốt nghiệp ngành vật lý tại đại học Osaka. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại một công ty xuất bản và thường bị chê bai vì “chẳng làm gì cả”. "Tôi bắt đầu tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu tôi cung cấp khả năng không làm gì của mình như một dịch vụ cho khách hàng" anh nói. 

    Theo The Washington Post, nội dung công việc này khá phù hợp với Morimoto. Bản thân anh là một người khá hướng nội và ít nói khi không làm việc, nên được trả tiền để lắng nghe hoặc đi cùng người lạ mà không cần giao tiếp quá nhiều với những công việc vừa dễ dàng vừa bổ ích là một điều tuyệt vời. Trong chiếc mũ lưỡi trai màu xanh đặc trưng và chiếc áo hoodie, anh ấy có cuộc hẹn với một đến hai khách hàng mỗi ngày.

    morimoto

    Hình ảnh quen thuộc của anh Morimoto là chiếc mũ lưỡi trai màu xanh. Ảnh: Reuter

    Công việc kinh doanh này hiện là nguồn thu nhập duy nhất của Morimoto, hiện anh đã kết hôn và có một người con. 

    Kể từ lần đầu tiên cung cấp dịch vụ của mình, Morimoto đã mong muốn có thể chăm sóc tinh thần các nhân viên y tế mệt mỏi vì đại dịch, cổ vũ khách hàng tham gia các cuộc thi chạy marathon và vẫy tay chào tạm biệt mọi người như thể họ là những người bạn tốt nhất. Thay vì đánh giá khách hàng về những điểm yếu của họ, anh ấy cố gắng học hỏi những điều tốt đẹp và thú vị từ họ.

    Với công việc khá kì lạ của mình, Morimoto dần trở nên nổi tiếng trên toàn quốc và thậm chí còn truyền cảm hứng cho những cuốn sách và một loạt phim truyền hình.

    kilala.vn

    15/09/2022

    Bài: Natsume

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!