Nghịch lý tại Nhật: Cha mẹ phải mang tã bẩn của con từ trường về nhà

    Nhiều cha mẹ chấp nhận mang tã của con về nhà để có được “một slot” trong nhà trẻ.

    Theo Japantimes, tính đến tháng 04/2022, số lượng trẻ em đang trong danh sách chờ được nhận vào cơ sở giữ trẻ ở Tokyo thấp kỷ lục (khoảng 300 trẻ), giảm 97% so với năm 2017, do tỷ lệ sinh tại quốc gia này đang giảm trong 6 năm liên tiếp. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ nhận thấy rằng việc đảm bảo có được một chỗ trong những cơ sở tốt sẽ thường đi kèm với cái giá phải trả - mang về nhà những chiếc tã bẩn của con họ.

    đưa con từ nhà trẻ về nhà

    Trẻ em từ một trường mẫu giáo đi trên một chiếc xe đẩy dọc theo một con phố ở Tokyo. Ảnh: The Guardian

    “Tôi chưa bao giờ ý kiến điều này với những trung tâm chăm sóc trẻ vì tôi không muốn làm xáo trộn quy tắc sẵn có. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn thấy đây là một việc làm kì lạ. Tại sao tôi phải mang chúng về nhà?”, một bà mẹ trở về nhà với 3 – 4 chiếc tã lót đã qua sử dụng, cho biết. Khi về đến nhà, chị ấy ném thẳng chúng vào thùng rác. Con gái 2 tuổi của chị đang được gửi tại một trung tâm chăm sóc trẻ ở Kyoto và chính quyền thành phố đã đề ra quy định mang tã bẩn về nhà từ năm 2011. 

    Khoảng 40% các thành phố ở Nhật Bản yêu cầu người giám hộ mang tã bẩn của con họ về nhà từ các trung tâm chăm sóc ban ngày, một cuộc khảo sát của tổ chức tư nhân đã tiết lộ.

    Baby Job Inc. có trụ sở tại Osaka, công ty cung cấp dịch vụ tã cho các nhà trẻ, đã thực hiện một cuộc khảo sát về những gì đang xảy ra với tã đã qua sử dụng tại những nơi này.

    tã lót

    Tã sau khi sử dụng. Ảnh: Mainichi

    Bắt đầu từ tháng 02/2022, công ty đã phỏng vấn từng thành phố trong số 1.461 thành phố ở Nhật Bản. Kết quả cho thấy 39% các thành phố yêu cầu phụ huynh mang tã về nhà. Mặt khác, 49% trong số đó là các thành phố "không mang về nhà". 11% cho biết họ không biết về các chính sách về tã giấy, hoặc có những câu trả lời khác.

    Trong đó, các tỉnh có tỷ lệ thành phố yêu cầu "mang về nhà" cao nhất là Shiga (89%), Nagano (85%), Kagawa (75%), Kyoto (73%), Shimane (67%), Yamaguchi (67%), Fukui (65%), Okayama (60%), Miyazaki (60%) và Tokushima (59%).

    [subscribe]

    Khi được hỏi về lý do yêu cầu mọi người mang tã bẩn về nhà, câu trả lời của các thành phố được chia thành nhiều loại. Phổ biến nhất là "để phụ huynh kiểm tra tình trạng thể chất của trẻ bằng phân của chúng" với 43%, trong khi một số ít hơn cho biết họ không có đủ phương tiện hoặc ngân sách để xử lý tã lót.

    trường mẫu giáo

    Ảnh: Japantimes

    “Chúng tôi muốn những người giám hộ của trẻ em theo dõi tình trạng sức khỏe của chúng, chẳng hạn như số lần chúng đi đại tiện hoặc tình trạng phân", Yukinori Abe thuộc văn phòng tương lai trẻ em của chính quyền thành phố chia sẻ với Mainichi Shimbun. “Những người giám hộ phải chuẩn bị bút màu, các vật dụng khác mà các em cần sử dụng khi đến nhà trẻ, vậy thì họ cũng phải chịu chi phí tiêu hủy tã bẩn”.

    Yuiko Fujita, một giáo sư xã hội học của Đại học Meiji, người đã viết một số cuốn sách, trong đó có cuốn "Wanope Ikuji", đã phẫn nộ trước thực trạng này: “Tôi cho rằng việc yêu cầu người giám hộ mang tã đã qua sử dụng về nhà còn phổ biến vì xã hội chúng ta còn ít ý thức về việc cùng nhau nuôi dạy con trẻ. Quan niệm đẩy trách nhiệm hết lên cho người mẹ đã ăn sâu vào gốc rễ”.

    giáo sư Yuiko Fujita

    Giáo sư Đại học Meiji Yuiko Fujita. Ảnh: Mainichi

    Phó giáo sư về tài chính công và chuyên gia chính sách chăm sóc trẻ em của Đại học Saitama, Masayuki Takahashi chỉ ra: "Không chỉ về vấn đề này, mà bất kỳ chính sách nào, các thành phố tự quản đều đưa ra lý do “hạn chế ngân sách” khi họ không muốn làm điều gì đó. Các thành phố sử dụng ngân sách của họ như một lý do có thể hợp lý về vấn đề này hơn hoặc có thể không muốn thêm vào khối lượng công việc của họ".

    Ông nói thêm: "Ở Nhật Bản, nếu một đô thị thực hiện một điều gì đó, nó sẽ như quân cờ domino kéo theo việc nhiều nơi làm theo và lan truyền như một lẽ đương nhiên. Vì vậy sẽ rất lý tưởng nếu đẩy mạnh sự giao tiếp giữa người giám hộ, nhân viên chăm sóc trẻ và các trung tâm chăm sóc trẻ, để tìm ra phương án giải quyết và thay đổi nó thông qua yêu cầu với chính quyền địa phương”.

    kilala.vn

    25/08/2022

    Nguồn: Mainichi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!