Máy fax và những thứ thuộc về thời đại cũ vẫn tồn tại ở Nhật Bản
Được mệnh danh là cường quốc công nghệ, đặc biệt đi đầu về lĩnh vực Robot, vậy nhưng Nhật Bản dường như vẫn đang kẹt lại trong kỷ nguyên bong bóng khi vẫn chưa “buông bỏ” nhiều thứ đang dần bị thay thế trên toàn thế giới. Hãy cùng Kilala xem thử những thứ thuộc về dĩ vãng nào mà người dân đất nước Mặt trời mọc không thể sống thiếu nhé!
Máy fax
Máy fax ra đời từ thế 19 và đạt đến đỉnh cao vào những năm 80, 90 của thế kỷ 20. Chỉ sau vài thập kỷ, máy fax được sử dụng ở khắp các văn phòng công ty trên thế giới. Tiếc thay, triều đại của máy fax không kéo dài lâu. Sự xuất hiện của internet cùng những tiện ích tuyệt vời mà nó mang lại khiến máy fax không đủ sức cạnh tranh. Nhu cầu gửi fax cũng bắt đầu suy yếu khi thiết bị này không còn phù hợp với bối cảnh công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản, máy fax vẫn chưa bị email hay các công nghệ truyền tin hiện đại khác thay thế hoàn toàn. Ngoài nơi làm việc, người Nhật còn sử dụng máy fax ở nhà riêng. Một cuộc khảo sát được chính phủ Nhật Bản tiến hành vào năm 2020 cho thấy, có đến 34% hộ gia đình tại đất nước này vẫn còn máy fax. Nhóm đối tượng sử dụng máy fax nhiều nhất chủ yếu là người lớn tuổi - những người vốn quen với việc viết tay hơn gõ phím.Trong thời gian Thế vận hội Tokyo diễn ra vào năm 2021, đài truyền hình quốc gia NHK thậm chí đã hướng dẫn các khán giả gửi thông điệp ủng hộ các vận động viên của mình qua fax.
Tiền mặt
Mặc dù thuật ngữ “xã hội không dùng tiền mặt” đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới nhưng tại Nhật Bản, tiền mặt vẫn được ưa chuộng hơn thẻ hay các phương tiện thanh toán điện tử khác. Trong khi ở quốc gia láng giềng Hàn Quốc, đến 93% thanh toán được thực hiện vào năm 2022 là không dùng tiền mặt thì ở Nhật, con số này chỉ là 32%.
Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã cố gắng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và giới thiệu các sáng kiến không tiền mặt, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ứng chậm với vấn đề này. Ngay cả ở Tokyo, nhiều doanh nghiệp độc lập vẫn chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt.
Đĩa CD
Vào năm 2019, 70% doanh số bán nhạc ở Nhật Bản là đĩa CD, một định dạng đã khá lỗi thời ở các quốc gia khác. Ngành công nghiệp âm nhạc xứ sở hoa anh đào đặc biệt yêu thích các đĩa CD vật lý hơn là phát nhạc trực tuyến vì có thể kiếm thêm một khoản từ những thứ như áp phích và vé.
Với các ban nhạc rất nổi tiếng, họ thường có một loạt đĩa CD với các phiên bản khác nhau ở mặt trước để người hâm mộ có thể thu thập tất cả.
Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch COVID-19, điều này đã bắt đầu thay đổi và việc phát trực tuyến dần trở nên phổ biến hơn. Dẫu vậy, đĩa CD vẫn có sức sống mãnh liệt tại xứ Phù Tang. Vào năm 2022, doanh số thị trường đĩa CD cao hơn so với thị trường kỹ thuật số.
Xem thêm: Xu hướng chuyển dần từ CD sang nhạc số tại Nhật Bản
Danh thiếp
Trong môi trường kinh doanh trang trọng của Nhật Bản, bắt buộc phải có danh thiếp “名詩 – meishi”. Nhật Bản là quốc gia đặc biệt coi trọng lễ nghi, tất nhiên trong bối cảnh kinh doanh cũng không khác.
Một phần quan trọng trong các cuộc họp với các đối tác là việc trao đổi danh thiếp, được gọi là “meishi koukan” (名詩交換). Khi thực hiện nghi thức này, bạn phải đưa danh thiếp bằng cả hai tay cho đối tác và nhận lại danh thiếp của người khác bằng cả hai tay. Thỉnh thoảng, danh thiếp sẽ được đặt trước mặt mỗi thành viên trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp.
Thay vì trao đổi tài khoản LinkedIn hoặc mạng xã hội, người Nhật thích một mảnh giấy có tên trên đó.
Phông chữ nghệ thuật
Nếu thường xuyên theo dõi các chương truyền hình xứ Phù Tang , bạn sẽ nhận thấy rằng, người Nhật rất thích sử dụng chữ nổi với màu sắc sặc sỡ để nhấn mạnh. Trong khi cách viết in đậm phổ biến trên toàn thế giới, thì ở Nhật Bản phông chữ nghệ thuật lại được ưa chuộng hơn cả. Phông chữ càng sáng, càng nổi bật càng tốt.
Trang web quá tải thông tin
Có lẽ bất kỳ ai từng truy cập vào một trang web của Nhật Bản đều cảm thấy ngạc nhiên trước lượng thông tin xuất hiện trên màn hình. Ý tưởng thiết kế web của người Nhật là có tất cả thông tin ở cùng một chỗ mà không cần phải nhấp chuột, dù xu hướng này đang dần thay đổi trong những năm gần đây.
Con dấu cá nhân (Hanko)
Hiện nay, người Nhật vẫn duy trì việc sử dụng con dấu cá nhân “判子 – hanko” thay vì chữ ký tay trong các hoạt động như đăng ký tài khoản ngân hàng, ký kết hợp đồng, ký nhận bưu kiện.
Sự tồn tại của con dấu trong xã hội Nhật Bản được cho là bởi những người lớn tuổi tại quốc gia này đã quen với việc sử dụng con dấu trong thời gian dài. Bên cạnh đó, chữ Kanji viết tay phức tạp là quá sức đối với họ – những người suy giảm về thị lực và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nếu con dấu bị vô hiệu hóa sẽ gây ra vô vàn bất tiện cho người lớn tuổi.
Vào năm 2020, chính phủ Nhật Bản đã cố gắng loại bỏ việc sử dụng con dấu vì hoạt động này đòi hỏi phải tạo ra các tài liệu giấy gây trở ngại cho việc lưu trữ hồ sơ điện tử và làm chậm quá trình liên lạc kỹ thuật số, nhưng tới nay vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Mặc dù hiện nay nhiều giao nhiều giao dịch đã linh động hơn, cho phép người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật sử dụng chữ ký tay thay cho con dấu nhưng việc sở hữu con dấu cũng được khuyến khích vì có những thủ tục không cho phép thay thế. Riêng với người Nhật, con dấu vẫn là bắt buộc.
Xem thêm: Đĩa mềm - biểu tượng công nghệ lỗi thời của Nhật
kilala.vn
22/03/2023
Bài: Happy
Nguồn: Tokyo Weekender
Đăng nhập tài khoản để bình luận