Xu hướng chuyển dần từ CD sang nhạc số tại Nhật Bản
Dù hầu hết những người nghe nhạc trên thế giới đều đã chuyển sang nghe nhạc số, người yêu âm nhạc tại Nhật Bản vẫn luôn trung thành với đĩa nhạc (đĩa CD). Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng này thay đổi.
Trong một thập kỷ qua, doanh số bán đĩa CD ở Nhật Bản đang có dấu hiệu sụt giảm nhưng không quá nhiều. Doanh số bán đĩa nhạc trong năm 2019 của Nhật Bản chiếm khoảng 70%, đĩa CD vẫn là định dạng âm nhạc phổ biến ở Nhật Bản. Điều này khá trái ngược với thị trường Âu - Mỹ, nơi từ lâu đĩa nhạc đã bị xếp vào danh sách "đồ cổ" và mọi người đã chuyển qua tải và nghe nhạc trực tuyến.
Jamie MacEwan, người phụ trách mảng kinh doanh truyền thông Nhật Bản của công ty nghiên cứu Enders Analysis chia sẻ, dịch vụ phát nhạc trực tuyến ở Nhật chiếm chưa đến 10% doanh số trong khoảng vài năm trước đây, nhưng đã tăng lên 15% vào năm ngoái và có thể sẽ vượt qua con số 20% trong năm nay. Thay đổi này thu hút sự quan tâm của thị trường âm nhạc toàn cầu vì Nhật Bản là quốc gia có thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với trị giá gần 3 tỷ đô la mỗi năm. MacEwan cho biết thêm, việc doanh thu từ nhạc kỹ thuật số vượt qua đĩa CD chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sự thay đổi này không chỉ gây tổn thất cho các nhà bán lẻ đĩa nhạc như Tower Records (một nhà bán lẻ CD lớn ở Nhật), mà còn là dấu hiệu cho thấy sự phát triển của các kênh phát nhạc trực tuyến ở Nhật Bản như Amazon và Spotify, hai dịch vụ chỉ mới tiến vào Nhật Bản cách đây 4 năm, cũng như những kênh nhỏ hơn trong nước.
Tower Records Japan, công ty đĩa nhạc có hơn 80 cửa hàng trong nước cho biết, doanh thu của họ bị sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi đại dịch bùng nổ do mọi người đều hạn chế ra ngoài và các nghệ sĩ buộc phải hủy các bản phát hành mới cùng các sự kiện quảng bá.
Lý do chính khiến đĩa CD phổ biến ở Nhật Bản là vì khi mua CD đĩa đơn hoặc album, người hâm mộ sẽ được tặng kèm một số sản phẩm của thần tượng hoặc phiếu mua vé hàng ưu tiên trong các buổi concert, tham gia sự kiện bắt tay. Tuy nhiên, trong năm nay, các sự kiện và concert đều bị hủy hoặc thu nhỏ quy mô do đại dịch, hay chuyển sang hình thức trực tuyến.
Avex, một trong những tập đoàn giải trí lớn nhất Nhật Bản, đã tổ chức lễ hội âm nhạc trực tuyến đầu tiên vào tháng 8. Sự kiện đã thu hút hơn 1,6 triệu lượt xem, bao gồm cả lượt xem miễn phí và lượt xem trả phí. Giám đốc điều hành Avex Katsumi Kuroiwa cho biết, những sự kiện này có thể thu hút một lượng lớn khán giả trực tuyến, nhưng giá vé đưa ra phải thấp hơn nhiều so với các sự kiện thực tế. Đây là một trong những khó khăn sẽ gặp phải khi muốn phát trực tuyến nhiều sự kiện hơn.
Do doanh thu bán CD sụt giảm mà hiện tại nhiều công ty thu âm cũng bắt đầu chuyển sang nhạc số. Các đĩa đơn nằm trên bảng xếp hạng gần đây của nhạc sĩ kiêm ca sĩKenshi Yonezuhay nhóm nhạc kỳ cựu Arashi cũng đã được phát hành trên Spotify.
Theo ý kiến của ông MacEwan, các nhãn hàng trong nước có thể tạo ra nhiều danh mục hơn khi phát hành trực tuyến, và việc này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi âm nhạc kỹ thuật số trong những năm tới. Không giống như các thị trường âm nhạc có Spotify và Apple Music là kênh phát hành nhạc trực tuyến chính, những kênh phát hành nhạc trực tuyến nội địa của Nhật Bản như LINE Music, AWA (Avex) và RecoChoku sẽ có lợi thế hơn. Ngoài phát hành nhạc trực tuyến, họ cũng có thể đăng tải các nội dung khác nhắm đến người hâm mộ J-pop. Điều này sẽ giúp ngăn chặn việc phát hành độc quyền của Apple hay Spotify như ở những thị trường khác.
kilala.vn
16/11/2020
Nguồn: japantimes.co.jp
Đăng nhập tài khoản để bình luận